Tàu khu trục lớp Akizuki Nhật Bản. |
Các phương tiện truyền thông Nhật Bản như tờ “Sankei Shimbun”, “Japan News Network” cho biết, toàn bộ 4 tàu khu trục lớp Akizuki đã được hạ thủy. Theo phân tích, mặc dù tình hình vùng biển của đảo Senkaku căng thẳng, nhưng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ không triển khai loại tàu chiến mới này ở biển Hoa Đông, mà là có thể điều chúng đến biển Đông.
Nguyên nhân là do Nhật Bản lo ngại Quân đội Trung Quốc (PLA) sẽ cắt đứt tuyến đường hàng hải huyết mạch của Nhật Bản khi chiến tranh xảy ra (thời chiến). Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho rằng, tàu khu trục lớp Akizuki có khả năng tấn công-phòng thủ mạnh, có thể triển khai ở biển Đông để kiềm chế Quân đội Trung Quốc.
Một chiếc tàu khu trục lớp Akizuki mới nhất do nhà máy đóng tàu Mitsui Engineering & Shipbuilding chế tạo gần đây đã tổ chức lễ hạ thủy ở căn cứ Kure của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Đến đây, toàn bộ 4 tàu khu trục lớp Akizuki của Nhật Bản đã được hạ thủy và đi vào hoạt động.
Tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản cho rằng, điều này đánh dấu Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã có “hạm đội tàu khu trục tên lửa mạnh nhất châu Á”, vượt Hải quân Trung Quốc và Hàn Quốc.
Có phân tích cho rằng, trong khuôn khổ phòng thủ liên hợp Nhật-Mỹ, hệ thống Aegis của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể tiến hành trao đổi tin tức tình báo với hệ thống cùng loại của quân Mỹ. Điều này làm cho thông tin cảnh báo sớm của hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất của Mỹ có thể trực tiếp truyền tới tàu chiến Aegis của Nhật Bản.
Thông qua sự hợp tác này có thể lấp đi những thiếu hụt về khả năng cảnh báo sớm của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, tiến hành tác chiến phòng thủ tên lửa có hiệu quả hơn. Đây là lý do Nhật Bản tuyên bố họ có hạm đội phòng thủ tên lửa mạnh nhất khu vực châu Á.
Tàu khu trục lớp Akizuki đầu tiên (19DD) của Nhật Bản. |
Đối với việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ triển khai những tàu khu trục tiên tiến nhất này như thế nào, tờ “Sankei Shimbun” cho rằng, mặc dù hiện nay Trung Quốc và Nhật Bản hầu như đã đến bước “gươm cung sẵn sàng” (xảy ra xung đột bất cứ lúc nào) ở đảo Senkaku, nhưng trọng điểm triển khai những “át chủ bài” tàu khu trục này của Nhật Bản không phải là biển Hoa Đông, mà là hướng biển Đông.
Trước mắt, những va chạm, xung đột giữa Nhật Bản và các nước láng giềng không ngừng leo thang, vì vậy, trong tình hình tài chính của họ căng thẳng, Nhật vẫn dốc sức chế tạo tàu chiến cỡ lớn để tăng cường khả năng kiểm soát trên biển, bảo đảm vị thế “nước lớn về biển”.
Trong đề án tác chiến của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, tàu khu trục Aegis ngoài việc tiến hành phòng vệ lãnh thổ, còn có thể tiến hành “triển khai tuyến trước” để tiến hành răn đe nước khác. Vì vậy, không loại trừ tàu khu trục lớp Akizuki sẽ đến biển Đông trong tương lai tiến hành tác chiến tầm xa. Hơn nữa, ở biển Đông, tàu khu trục Aegis Nhật Bản có thể được sự hỗ trợ tin tức tình báo của quân Mỹ ở khu vực Đông Á, từ đó tiến hành tác chiến tấn công và phòng thủ có hiệu quả.
Theo báo Hồng Kông, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sự phát triển sức mạnh quân sự của Nhật Bản bị hạn chế nhất định, nhưng vị thế cường quốc biển của họ ở châu Á không hề bị nghi ngờ. Do Trung Quốc và Nhật Bản là láng giềng của nhau, những nỗ lực tích cực tìm kiếm quyền kiểm soát biển của Trung Quốc bị Nhật Bản coi là “mối đe dọa nghiêm trọng”.
Tình hình biển Hoa Đông hiện nay đang phản ánh tình hình này, Nhật Bản hoàn toàn không biết sợ trong cuộc đấu trực diện trên hướng biển Hoa Đông, nhưng Trung Quốc có thể “cao tay” hơn, cắt đứt tuyến đường hàng hải huyết mạch của Nhật Bản ở biển Đông.
Ngày 22/8/2012, tàu khu trục Fuyuzuki lớp Akizuki thứ tư của Nhật Bản, do Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản chế tạo với chi phí 72,6 tỷ yên, đã hạ thủy tại nhà máy của Công ty đóng tàu Mitsui, sau khi được lắp đặt thiết bị và chạy thử, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2014. |
Bài báo cho rằng, việc nhập khẩu năng lượng và nguyên vật liệu của Nhật Bản phụ thuộc nghiêm trọng vào tuyến đường hàng hải trên biển Đông. Nếu Quân đội Trung Quốc tăng cường triển khai ở biển Đông, thì có thể “nắm trong tay” huyết mạch (con đường sống) của Nhật Bản. Đối với Nhật Bản, đây là điều khó có thể chịu đựng được.
Nếu Quân đội Trung Quốc áp dụng biện pháp này, thì ưu thế của Trung Quốc trong vấn đề đảo Senkaku sẽ lập tức nổi lên rất rõ, Nhật Bản sẽ hoàn toàn ở vào thế yếu. Trong năm qua, Nhật Bản tích cực can dự biển Đông, cung cấp viện trợ “bán quân sự” cho một số nước, chính là xuất phát từ sự tính toán trên phương diện này.
Trên cơ sở đó, Nhật Bản rất có thể xem xét triển khai tàu khu trục lớp Akizuki ở xung quanh biển Đông để kiềm chế Quân đội Trung Quốc, canh gác các tuyến đường hàng hải trên biển Đông. Có nguồn tin tiết lộ, Nhật Bản đang tìm cách mở rộng hợp tác với Philippines, để Philippines cung cấp cảng neo đậu tàu chiến cỡ lớn cho Nhật Bản làm căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bên bờ biển Đông, từ đó tiện lợi cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia diễn tập quân sự liên hợp và thực thi các hành động khác ở khu vực biển Đông “nhạy cảm”.
Có phân tích cho rằng, hạm đội quân Mỹ đến nay chưa tiến hành triển khai ở trạng thái bình thường tại bờ biển Philippines, trong khi đó tàu khu trục Nhật Bản nếu đến đồn trú ở căn cứ của Philippines sẽ là lực quân sự nước ngoài đầu tiên can thiệp khu vực biển Đông. Có chuyên gia phân tích cho rằng, vịnh Manila của Philippines rất có thể trở thành căn cứ đóng quân lâu dài ở biển Đông của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Tàu khu trục lớp Akizuki xuất hiện ở căn cứ này có thể sẽ không còn xa.
Tàu khu trục Fuyuzuki lớp Akizuki Nhật Bản đánh số 118 |
Tàu khu trục lớp Akizuki rốt cuộc có khả năng gì để đến tận biển Đông tác chiến? Có nguồn tin tiết lộ, hệ thống Aegis của tàu chiến kiểu Mỹ tuy mạnh, nhưng cũng có điểm yếu, đó là khả năng dò tìm tầng trời thấp và siêu thấp không đủ.
Ăng-ten radar thuộc hệ thống Aegis của quân Mỹ nặng hơn 5 tấn, nếu lắp ở vị trí tương đối cao sẽ làm cho trọng tâm của tàu chiến quá cao, ảnh hưởng đến việc hoạt động linh hoạt của nó. Vì vậy, vị trí bố trí của hệ thống Aegis trên tàu chiến quân Mỹ đều tương đối thấp.
Khoảng cách dò tìm của radar đối với các mục tiêu ở tầng trời thấp có tỷ lệ thuận với độ cao của ăng-ten, cho nên khoảng cách dò tìm mục tiêu thấp của tàu chiến Aegis Mỹ rất hạn chế. Khoảng cách dò tìm tên lửa chống hạm bay cao so với mặt nước 5 m của tàu khu trục lớp Arleigh Burke Hải quân Mỹ không đến 30.000 m.
Radar FCS-3A (hệ thống kiểm soát hỏa lực) do Nhật Bản nghiên cứu chế tạo đã được giảm mạnh về trọng lượng, vấn đề nêu trên được giải quyết có hiệu quả. Khả năng dò tìm mục tiêu thấp của tàu khu trục lớp Akizuki mạnh hơn nhiều so với tàu khu trục Aegis của quân Mỹ.
Điều cần chỉ ra là, Nhật Bản cho rằng, tàu khu trục lớp Akizuki của họ có thể phòng bị có hiệu quả đối với tên lửa hành trình lướt biển – loại vũ khí “át chủ bài” dùng để răn đe tàu chiến của Quân đội Trung Quốc.
Tàu khu trục lớp Akizuki có hệ thống vũ khí mạnh nhất so với các loại tàu khu trục khác của Nhật Bản. Tên lửa chống hạm Type 90 của tàu này là tên lửa hạm đối hạm thế hệ thứ hai do Nhật Bản tự nghiên cứu chế tạo.
Bề ngoài của nó tương tự như tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ chế tạo, có thể tiến hành tấn công chính xác đối với mục tiêu trên biển ngoài 20.000 m. Độ cao hành trình (tuần tra) của loại tên lửa này là 30 m, khi tiếp cận mục tiêu sẽ đột ngột hạ thấp độ cao, tiến hành tấn công bổ nhào.
Tàu khu trục Fuyuzuki lớp Akizuki Nhật Bản. |
Tàu khu trục lớp Akizuki cũng đã trang bị ống phóng ngư lôi 3 nòng Type 97, có thể phóng nhiều loại ngư lôi săn ngầm để đối phó với tàu ngầm của đối phương.
Ngoài ra, máy bay trực thăng SH-60K trang bị cho tàu khu trục lớp Akizuki cũng là vũ khí sắc bén chống tàu ngầm, khi thực hiện nhiệm vụ chống tàu ngầm, có thể mang theo 2 quả ngư lôi săn ngầm Type 97 hoặc bom nước sâu MK64.
Nói tóm lại, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho rằng, tàu khu trục lớp Akizuki hiện nay là tàu chiến duy nhất của Nhật Bản có thể tiến hành tấn công tầm xa trong điều kiện không có sự phối hợp tác chiến của máy bay chiến đấu cất cánh từ bờ biển.
>> Thêm những hình ảnh về siêu hạm Mỹ có thể xuất hiện ở Biển Đông
>> Hình ảnh mới nhất về siêu hạm USS Independence có thể có mặt ở Biển Đông
>> Sức mạnh siêu hạm đổ bộ Zurb của Hải quân Nga
>> Siêu hạm tuần duyên, bảo vệ chủ quyền USS Freedom của Hải quân Mỹ
>> Cận cảnh trực thăng tấn công AH-64 Apache của Lục quân Mỹ
>> Mãn nhãn với những hình ảnh siêu nét chụp tiêm kích F-35 của Mỹ
>> Thời báo Hoàn Cầu: Việt Nam đang đẩy nhanh xây dựng lực lượng hải quân
>> Thời báo Hoàn Cầu:Không tin Việt Nam có thể nâng cấp được xe tăng T-55
>> Su-30MK2 của Việt Nam lại xuất hiện trên báo Trung Quốc
>> Báo Trung Quốc đăng ảnh phi đội trực thăng EC-225 mới của Việt Nam
>> Báo Trung Quốc: Việt Nam có khả năng công, thủ mạnh nhất ĐNA