Đó là tất cả “đồ nghề” theo chân ông suốt 2 thập kỷ qua với cái nghề gần như đã biến mất ở Hà Nội – nghề mài dao.
Dừng chân ở trước một hiệu may trên phố Nghĩa Tân, ông Tốn nhẹ nhàng đỗ xe, dựng vào gốc cây, từ tốn khóa xe cẩn thận. Rồi ông ghé vào cửa hiệu như một người khách quen, chẳng cần lên tiếng, đã thấy trong nhà có tiếng người chào hỏi rồi mang ra cho ông mấy chiếc kéo cắt may.
“Nhờ ông mài giúp con, độ này ông đi đâu mà mất hút thế!”tiếng người phụ nữ chào ông một cách thân thiện. Ông cười hiền, rồi lại với sự từ tốn, dở “đồ nghề” ra làm việc.
“Làm cái nghề này không khó mà cũng chẳng dễ, phải kiên trì, tập trung, dồn hết tâm trí vào nó. Không vội được!” vừa làm, ông Tốn vừa giải thích.
Sau những đường miết dứt khoát, nhanh thoăn thoắt của ông, lưỡi kéo đã sáng bóng. Vẫn chưa xong, ông chuyển sang mài bằng viên đá thứ 2, cũng với vẻ nhẫn nại, ung dung như đang làm một món đồ quý.
Xong đâu đó, ông chuyển sang viên đá mài thứ 3, rồi đem cắt thử. Đường cắt sắc lẻm, ông vẫn lắc đầu: Chưa được!
Hóa ra, việc mài dao, kéo cũng lắm công phu, mà con mắt của người thợ rất tinh mới biết, đã “đạt” hay chưa.
Theo ông Tốn, kéo dùng để cắt may, mài khó nhất là phần mũi kéo cho thật sắc thì thợ cắt mới “mướt” tay, đường cắt cũng dễ dàng hơn, đẹp hơn.
“Tôi đi bộ đội từ năm 18 tuổi, chiến đấu năm năm ở chiến trường Điện Biên Phủ rồi Quảng Ninh. Trong quân ngũ, “học mót” được cái “món” này của người đồng đội. Lúc học cũng chỉ coi là học chơi, chứ không bao giờ nghĩ mình có thể sống nhờ nó được”ông ôn tồn kể.
Xưa kia, nghề mài dao kéo cũng thịnh hành, nhất là ở nhà quê. Nhưng nay, cái nghề ấy gần như mất hẳn. Ông Tốn trở thành người thợ lang thang, lạc lõng giữa phố thị.
Ông cho biết, công việc này nhẹ nhàng nhưng yêu cầu sự tỉ mỉ, chuyên tâm và phải làm “đến đầu đến đũa”. Dao kéo ông mài sắc, bền nên khách rất mến. Khắp các phố Hoàng Hoa Thám, Nghĩa Tân, Bưởi, Cầu Giấy… ông đều có khách quen.
“Mình già rồi, không đi xa được nữa, chỉ đi “gọi là” thôi” – ông cười hóm hỉnh bảo. Mỗi chiếc kéo, con dao mài ông chỉ thu được dăm, bảy nghìn bạc.
“Đắt” nhất cũng chỉ khoảng 10 – 15 nghìn đồng nhưng là tất cả sự miệt mài, dày công sức của ông.
Câu chuyện kề cà, mãi sau, ông Tốn mới tiết lộ, ngày còn trẻ, ông vốn là một anh thợ chuyên xử lý ánh sáng làm việc tại xưởng phim truyện Hà Nội.
“Sau bộ đội, tôi vào làm bảo vệ ở Cục phim truyện. Rồi dần dà, sang làm thợ phụ trách ánh sáng, đồ nghề đi theo các đoàn làm phim” lời ông Tốn.
Lao động giúp ông có thêm niềm vui sống, khỏe mạnh ở tuổi 80. |
Trót mê điện ảnh, nhưng không có “duyên” làm diễn viên nhưng cái máu nghệ sĩ, ham phiêu bạt đã ngấm vào người ông từ thời đó. Ông say sưa kể về những kỷ niệm gắn với những diễn viên điện ảnh, những bộ phim nổi tiếng như Dưới cờ chiến thắng, Chị Tư Hậu, những lần vô tình được cùng xem phim với đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Cũng từ đây, ông say mê tìm hiểu văn học dân gian, đọc báo, đọc sách, tìm hiểu các kiến thức khoa học. Tất cả, tuy không mang đến cho ông được một đời sống vật chất đầy đủ nhưng khiến ông thêm lạc quan, yêu đời.
Năm 1990, ông Tốn về nghỉ mất sức, băn khoăn giữa quyết định về quê hay ở lại Hà Nội. Niềm yêu thích xê dịch đã ngấm vào máu, ông quyết định ở lại Hà Nội, và nảy ra ý định đi “mài dao” kiếm sống. Cái món nghề học lỏm trong chiến đấu, nay đã sống dậy cùng ông trong đời thường.
“Ban đầu cũng buồn, nhưng rồi nhờ làm việc này, tôi có thời gian để nghe đài, đọc báo, đọc sách, được tiếp xúc với nhiều loại người... Rồi cũng quen”, ông tâm sự.
Ông Tốn bảo, không biết gọi công việc mình đang làm là một “nghề” có là quá lời không, bởi nó nhỏ quá, vu vơ quá.
Và mặc dù đã lăn lộn với nó suốt hơn 20 năm qua ở đất Hà thành, ông vẫn cho rằng, đó là một thói quen, một thú vui lúc tuổi già, hơn là một phương kế mưu sinh.
Bởi lẽ, dù không làm công việc này, ông vẫn có thể sống khỏe tại ngôi nhà nhỏ ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, hoặc về quê sống với người vợ 77 tuổi ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Thế nhưng, ông vẫn chưa muốn về, bởi nếu buộc phải ở lì một chỗ, chắc ông không thể nào chịu được.
“Đi làm, tiếp xúc với nắng, với gió, tôi thấy người khỏe ra, đỡ mệt mỏi. Cái chân đau, đạp xe nhiều bỗng dưng lại thấy đỡ nhức, rồi khỏi. Thỉnh thoảng có ốm đau, nằm nhà một thời gian là chán, lại thèm đi. Ốm dậy là lại sục sạo đồ nghề “lên đường”.
Các con ông hiểu ý bố, nên cũng không cấm đoán. Hiện có 7 người cháu cả nội, cả ngoại, và các con đều trưởng thành, nhưng ông Tốn vẫn hoàn toàn “độc lập, tự chủ” về tài chính – như cách ông nói.
Ngày ngày đạp xe trên phố, suy ngẫm sự đời, con người, ông Tốn vẫn thênh thang sống với cái “máu” lãng mạn, cái “máu” nghệ sĩ theo cách của riêng mình. Đó cũng là cái thú tuổi già, mà cũng là điều đáng quý mà chẳng phải ai cũng có được.
Quỳnh Anh/VietNamNet