Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Quảng Ngãi xin trục vớt khẩn tàu chứa cổ vật

11/09/2012 07:40
Chiều 10-9, UBND tỉnh Quảng Ngãi họp khẩn để bàn việc bảo vệ, trục vớt con tàu cổ bị đắm có chứa nhiều cổ vật ở vùng biển thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.
Phó Chủ tịch tỉnh, ông Lê Quang Thích, chỉ đạo Sở VH-TT&DL có văn bản khẩn, đề nghị Bộ VH-TT&DL cho tỉnh Quảng Ngãi cấp phép khẩn cấp trục vớt tàu cổ trong ba ngày tới. Ông cũng chỉ đạo địa phương có con tàu cổ tuyên truyền, vận động người dân giao lại cổ vật đã trục vớt theo Luật Di sản.

Tại cuộc họp, ông Thích cũng chỉ đạo công an, biên phòng tiếp tục khoanh vùng nơi con tàu cổ bị đắm. Công an huyện Bình Sơn cũng đã vận động người dân giao nộp 31 cổ vật gồm chén, ly, đĩa mà họ lặn vớt được từ con tàu. Sau ba ngày phát hiện, trật tự chung quanh con tàu cổ đã vãn hồi.

Hiện lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ tàu đắm túc trực tại các tuyến đường ra vào địa phương để lục soát, kiểm tra những người khả nghi để ngăn chặn đồ cổ bị mang ra khỏi địa bàn xã Bình Châu.

Theo một thợ lặn, có rất nhiều cổ vật đã bị đưa lên bờ đem đi cất giấu. Trong đó một chủ tàu ở thôn Châu Thuận đã “trúng” số lượng rất lớn, giá không dưới 2 tỉ đồng.

Quảng Ngãi xin trục vớt khẩn tàu chứa cổ vật ảnh 1

Những cổ vật trục vớt từ con tàu đắm này có giá không dưới 20 triệu đồng. Ảnh: LN

Hiện có người đã mang bán chén bát cổ cho những người thu mua đồ cổ, thu lợi hàng trăm triệu đồng. Loại đĩa lớn các tay săn đồ cổ sẵn sàng bỏ ra 60 triệu đồng để mua. Các loại bát lớn, nhỏ đều có giá dao động từ vài triệu đến 20 triệu, thậm chí 40 triệu đồng.

Theo các thợ lặn, con tàu cổ bị đắm chỉ cách bờ 40 m và nằm ở độ sâu gần 3 m. Con tàu này dài khoảng 20 m và trong những ngày qua người dân chỉ kịp lấy một phần rất nhỏ các cổ vật. Hiện còn rất nhiều cổ vật có giá trị bên trong con tàu.

Ông Nguyễn Quốc Vương, Chủ tịch UBND xã Bình Châu, cho biết địa phương đã thông báo và vận động người dân giao nộp cổ vật đã lấy được từ con tàu. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chỉ thu giữ được những món đồ cổ khi nó đang trên đường chuyển vào bờ hoặc cất giấu trên tàu.

Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, cổ vật tìm thấy trên chiếc tàu có niên đại từ thời Minh ở thế kỷ 15. Hàng trăm năm trước đây, vùng biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn thường xuyên có tàu thuyền buồm từ Trung Quốc giao thương theo con đường tơ lụa. Có thể do gặp thời tiết xấu, thuyền buồm đã chìm tại vùng biển này.

Giữ cổ vật là phạm luật

Theo Nghị định 96/2009, việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam mà không có hoặc không xác định được chủ sở hữu sẽ chia làm hai trường hợp:

+ Nếu tài sản tìm thấy là di tích lịch sử, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật… thì quyền sở hữu được xác lập cho Nhà nước. Người tìm thấy tài sản được thưởng một khoản tiền tương ứng (phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 30%; phần giá trị của tài sản từ 10 đến 100 triệu đồng là 15%...).

+ Nếu tài sản được tìm thấy ngẫu nhiên không phải là đối tượng của trường hợp trên thì được hưởng toàn bộ hoặc một phần giá trị của tài sản được tìm thấy (hưởng toàn bộ nếu giá trị của tài sản nhỏ hơn 10 tháng lương tối thiểu. Hưởng 10 tháng lương tối thiểu và 50% giá trị tài sản nếu giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu. Phần giá trị còn lại thuộc sở hữu Nhà nước).

Nếu cá nhân, tổ chức biết rõ tài sản được tìm thấy thuộc trường hợp thứ nhất hoặc không thuộc trường hợp thứ nhất nhưng có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu thì phải có nghĩa vụ trả lại hoặc trả lại phần giá trị thuộc Nhà nước cho cơ quan có thẩm quyền. Mọi hành vi chiếm giữ đều bất hợp pháp. Tùy theo mức độ, người chiếm giữ bất hợp pháp có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

LUẬN NGỮ - VÕ QUÝ/Pháp luật TPHCM