Thủ tướng yêu cầu Petro Vietnam thoái vốn khỏi BĐS, chứng khoán

12/09/2012 16:10
Theo VnEconomy
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) chấn chỉnh lại công tác đầu tư để tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính.
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) chấn chỉnh lại công tác đầu tư để tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính. Trong công văn gửi Petro Vietnam mới đây của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp bàn về đề án tái cơ cấu Petro Vietnam, cơ quan này cho hay, Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu mà Petro Vietnam có được trong những năm qua, đặc biệt là trong việc góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia cũng như đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Chính phủ đánh giá hoạt động đầu tư ngoài ngành của Petro Vietnam là dàn trải, không hiệu quả.
Chính phủ đánh giá hoạt động đầu tư ngoài ngành của Petro Vietnam là dàn trải, không hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Petro Vietnam cũng bộc lộ không ít những yếu kém, hạn chế, đặc biệt là trong công tác đầu tư ngoài ngành dẫn đến có nơi thua lỗ kéo dài, dàn trải, quá nhiều công ty “cháu” (doanh nghiệp cấp 3), gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát vốn chủ sở hữu. Trước thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu Petro Vietnam cần có phương án sắp xếp lại các doanh nghiệp cấp 2, 3 và 4, thu gọn đầu mối để thực sự tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính, gồm: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; lọc - hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu Petro Vietnam hoàn chỉnh đề án tái cơ cấu Tập đoàn, trong đó cần xây dựng lộ trình thoái vốn đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn, đặc biệt là các lĩnh vực chứng khoán, xây dựng dân dụng, bất động sản, khách sạn. Việc thoái vốn cần thực hiện bảo đảm hiệu quả thu hồi vốn cao nhất và có phương án cụ thể đối với từng doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2012 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đề án cũng phải báo cáo rõ tình hình sản xuất, kinh doanh và tài chính của Tập đoàn và các đơn vị thành viên; nhất là những khó khăn, tồn tại và đưa ra giải pháp giải quyết đối với những đơn vị khó khăn, yếu kém. Công ty mẹ Petro Vietnam được trực tiếp thực hiện một số dự án trọng yếu về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Tách bạch hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa các công trình dầu khí trên bờ và trên biển để có điều kiện chuyên môn hóa sâu. Đề án tái cơ cấu Petro Vietnam sau khi được hoàn chỉnh với một số vấn đề lưu ý như nêu trên sẽ được báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt trong tháng 9/2012.
Yêu cầu Petro Vietnam “dứt bỏ" PVFC

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo Petro Vietnam khẩn trương chấn chỉnh, thu gọn hoạt động của tập đoàn và các công ty con trực thuộc.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Petro Vietnam báo cáo rõ tình hình sản xuất, kinh doanh và tài chính của tập đoàn và các đơn vị thành viên, nhất là những khó khăn, tồn tại và đưa ra giải pháp giải quyết đối với những đơn vị khó khăn, yếu kém.

Cụ thể, Thủ tướng cho phép công ty mẹ Petro Vietnam được trực tiếp thực hiện một số dự án trọng yếu về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.

Còn với việc sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp thành viên, Thủ tướng cho phép Petro Vietnam được duy trì Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí dưới hình thức công ty cổ phần và Công ty TNHH một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Petro Vietnam không duy trì Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC). Petro Vietnam cần có phương án xử lý cụ thể, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Thủ tướng cũng đồng ý cho Petro Vietnam nắm giữ vốn tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm dầu khí (PVI) tối đa không quá 35%.

Đối với các tổng công ty, công ty do Petro Vietnam nắm giữ 100% vốn điều lệ không tổ chức Hội đồng thành viên thì Tập đoàn sắp xếp cơ cấu quản lý, áp dụng mô hình chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo VnEconomy