Nhiều chi tiết đã không còn giữ nguyên trạng, đặc biệt hàng loạt các pho tượng cổ được chôn vùi với lý do không thể khôi phục. Ngôi chùa Chi Đông (Mê Linh – Hà Nội) đang được người ta đặt ra câu hỏi nghi vấn: Trùng tu hay hủy hoại?
Di tích quốc gia với giá trị văn hóa hơn 300 tuổi
Chùa Chi Đông (hay còn gọi là chùa Phúc Long) thuộc thôn Chi Đông, xã Quang Minh, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc (nay là thôn Chi Đông, thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội). Chùa Chi Đông và đền Chi Đông (được xây dựng liền kề nhau) được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là cụm di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia năm 1993.
Chùa Chi Đông - Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đã bị tháo dỡ toàn bộ để trùng tu, nhưng trên thực tế lại là “hủy hoại”. |
Chùa có những giá trị về kiến trúc cũng như nghệ thuật điêu khắc gỗ và tạc tượng, hơn nữa còn là nơi lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật quý từ thời Lê, Nguyễn. Kiến trúc, cấu kiện của chùa đều được làm bằng các loại gỗ tốt và được đánh giá là có kỹ thuật chuẩn mực và bền vững.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thểBẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Những đánh giá về ngôi chùa để lại cho thấy đây là ngôi chùa được xây dựng thời Hậu Lê, năm Chính Hòa 14 (1693). Chùa được làm bằng gỗ gồm tam quan 2 tầng 8 mái, chùa chính, nhà tổ và hành lang tả, hữu. Qua năm tháng với những biến cố, thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, chùa Chi Đông còn lại chùa chính và nhà tổ bề thế và đồ sộ. Chùa chính gồm tòa tiền đường 9 gian nối thượng điện 5 gian theo kiểu chữ “Đinh”.
Điều nổi bật ở chùa Chi Đông là nghệ thuật chạm khắc rất tinh tế với nhiều bức chạm có hình thức và nội dung phong phú, bố cục chặt chẽ: Tất cả các kẻ phía trước chùa và các dép hoành kê đệm đòn tay đều trang trí các hình hoa lá, vân xoắn, chữ triện hay hình phượng, ly hay long mã.
Riêng các bức cốn, đã được tạo thành các tác phẩm nghệ thuật với trình độ điêu luyện, hết sức tinh xảo như cốn nách ở tòa tiền đường, các bức cốn ở 2 bên tả hữu của thượng điện, được chạm các đề tài Long - Ly – Quy – Phượng, mai điểu, tùng lộc và long mã, có cả hình 2 con khỉ nhỏ trông rất sinh động...
Những đánh giá về ngôi chùa để lại cho thấy đây là ngôi chùa được xây dựng thời Hậu Lê, năm Chính Hòa 14 (1693). (Trong ảnh là quần thể khu di tích đền, chùa Chi Đông đã được xếp hạng cấp quốc gia.) |
Đây là những bức cốn đẹp, đạt trình độ thẩm mỹ cao của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian. Với kỹ thuật chạm nổi, đục thủng, chạm lộng, bong kênh bằng những đường nét chạm khắc tỉ mỉ, sắc gọn, diễn tả các đề tài về các con vật vũ trụ quen thuộc như tứ linh, các loài thủy tộc và muông thú, cùng với cỏ cây hoa lá hòa với thiên nhiên… đã thể hiện những ước vọng thanh bình, dung dị của cuộc sống của con người đương thời.
Chùa Chi Đông còn có hệ thống tượng đẹp, gồm 13 pho, được làm bằng gỗ và đất luyện. Ở tiền đường có 4 pho, theo thứ tự từ trái sang phải là: tượng Đức Ông, cặp tượng Hộ Pháp (Khuyến Thiện, Trừng Ác), tượng Thánh Tăng. Ở thượng điện có 6 pho được bày theo từng cấp: trên cùng là Di Đà tam tôn, dưới là Quan Âm Nam Hải, tiếp dưới nữa là tượng Ngọc Hoàng và lớp ngoài cùng là tòa Cửu long. Nhìn chung, mỗi pho tượng là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo với những đường nét trau chuốt kỹ lưỡng đến từng chi tiết, từng hoa văn trang trí kết hợp với kỹ thuật sơn thếp lành nghề.
Tuy nhiên, theo năm tháng, ngôi chùa bị xuống cấp, dột nát, mục ruỗng… tháng 8 năm 2009, UBND thị trấn Chi Đông, UBND huyện Mê Linh đã có các văn bản gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị chấp thuận cho trùng tu, tu sửa di tích chùa Chi Đông và đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận tại văn bản số 8563/UBND-KH&ĐT ngày 4/9/2009.
Tới cuối tháng 1/2010, Bộ VHTT&DL đã có công văn yêu cầu Sở VHTT&DL Hà Nội phối phợp cùng Chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo thiết kế trước khi phê duyệt. Sau đó, bản thiết kế đã được thẩm định và duyệt chấp thuận.
Trùng tu hay hủy hoại?
Chủ trương tu sửa, trùng tu với nội dung phải giữ và bảo tồn tới mức tối đa các mảng chạm khắc và dấu tích chỉ định niên đại đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và bà con nhân dân trong địa phương hết sức ủng hộ.
Toàn bộ cột trụ được sử dụng bằng những cây cột mới mà không tuân theo bản thiết kế đã được phê duyệt. |
Sau khi hoàn thiện tất cả các thủ tục, được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương đã tiến hành hạ giải chùa và bắt đầu công việc dỡ bỏ toàn bộ ngôi chùa và trùng tu di tích này từ đầu năm 2010.
Tuy nhiên, cho tới nay, đã hơn 2 năm trôi qua, việc trùng tu, tôn tạo di tích vẫn chưa được hoàn thành. Các hạng mục vẫn còn dở dang với lý do được ông Nguyễn Văn Quang – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông đưa ra là… chưa đủ kinh phí. Dự án trùng tu, tôn tạo di tích chùa Chi Đông được phê duyệt với tổng số vốn từ ngân sách là gần 9,6 tỷ đồng. Nhưng đến nay, địa phương mới nhận được nguồn ngân sách từ thành phố là 5 tỷ đồng.
Điều đáng nói ở đây là việc các dấu tích của ngôi chùa để lại khi được hạ giải đã không được bảo quản và bảo tồn ở mức “tối đa” theo yêu cầu của Bộ VHTT&DL.
Rất nhiều chân cột bằng đá được xây dựng từ những ngày đầu tiên, dù còn rất tốt nhưng không được sử dụng mà được để mỗi nơi vài tảng. |
Ghi nhận của PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tại chùa Chi Đông hiện nay, hầu hết các cột, kèo, tay đệm, câu đầu, ngói… đều được thay mới hoàn toàn, chỉ một số ít các bức cốn, phù điêu còn được giữ lại. Nhiều đống kèo, cốn, kê hoành, đệm tay… được hạ giải đã không được bảo quản cẩn thận mà vứt đống chỏng chơ, phơi mưa phơi nắng cả năm trời và đang mục nát.
Việc chạm khắc những tay đòn, kê hoành… được thay mới chỉ nhìn qua cũng thấy không như cũ. Các chi tiết hoa văn không mềm mại, không uyển chuyển như những phần còn lưu giữ lại vốn được chạm khắc hình nổi điêu luyện mà ngược lại, chúng rất thô và không có ấn tượng.
Những bản cốn được làm mới đã không thể hiện được như những tiêu bản gốc mà nguyên nhân theo ông Quang là do thợ mộc ngày nay không thể nào làm được hơn.? |
Mặc dù, tại bản thiết kế chi tiếc việc trùng tu di tích thể hiện rất rõ từng chi tiết về cấu kiện xuống cấp được thay thế, tu sửa ra sao ví dụ như cột trụ mục ruỗng bên trong hay một phần sẽ vẫn giữ lại phần không hư hỏng, sau đó bỏ phần hư hỏng và thay bằng những đoạn gỗ mới; những cột mục bên trong sẽ được nhồi ruột bằng bột gỗ sưa và chất kết. Tuy nhiên, trên thực tế, những cột trụ này lại được thay toàn bộ, phần cột được cắt bỏ do hư hỏng lại được sử dụng làm các tay kèo, kê có kích thước ngắn…
Mái chùa vốn nguyên bản cong và được đắp những hình linh vật nhưng sau khi bị phá dỡ, nó được đắp lại hoàn toàn khác dù cũng có những hình thù kèm theo.
Đặc biệt là ba pho tượng được đắp bằng thổ mộc, đất luyện đã và sẽ mãi mãi không còn xuất hiện để tín khách thập phương chiêm bái. Theo các vị cao niên trong làng và lời ông Quang thì ba pho tượng này được chôn dưới lòng nền tiền đường.
Ông Quang cho hay, việc hạ tượng này đã được họp bàn với các bậc cao niên trong làng và được sự đồng ý của mọi người. Vậy là chính quyền địa phương cho đào xây hầm, hạ ba pho tượng này an vị sau đó đổ lắp bê-tông lên. Sau khi việc trùng tu hoàn tất, bệ chân tượng sẽ được đặt vào đúng vị trí ba pho tượng thổ mộc này an vị và dựng ba pho tượng mới thay thế.
Những thanh sà, câu đầu khi được hạ giải còn tốt nhưng không được bảo quản tốt, phơi mưa nắng cả năm trời nên đã trở nên hư hỏng. |
Trong khi đó, Bộ VHTT&DL yêu cầu: “Không thay thế các hệ bán kèo và ván gió của Trung đường và Hậu cung, cần tu bổ trên cơ sở đánh giá các cấu kiện sau hạ giải”… “Cần có phương án bảo quản tốt các hiện vật tại di tích trong quá trình thực hiện tu bổ tôn tạo, đặc biệt là hệ thống 13 pho tượng bằng gỗ và đất luyện.”
Bên cạnh ngôi chùa, ngôi đền Chi Đông (đã được chứng nhận là di tích quốc gia) nằm sát đó cũng được trùng tu nhưng toàn bộ cột gỗ đã được thay bằng… cột bê-tông.
Theo lý giải của ông Quang thì việc các bức cốn, hoành kê đệm đòn tay,… không được chạm khắc như cũ, mái chùa không được làm cong như những gì vốn có và những thanh câu đầu không tạo đường cong như các vị cao niên phản ảnh là vì những người thợ không có khả năng làm được điều đó. (?)
Điều đáng nói ở đây, chùa Chi Đông là di tích cấp quốc gia chứ không phải là ngôi chùa, ngôi đình của thôn, của làng, của thị trấn Chi Đông nữa. Cũng chính bởi vậy nên, việc trùng tu phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định về Luật di sản văn hóa chứ không phải chuyện cán bộ địa phương và nhân dân ngồi bàn bạc với nhau để đưa ra quyết định thay thế vật liệu trùng tu và chôn tượng xuống lòng đất được.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thểBẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!