Công ty Trực thăng châu Âu kiếm lợi nhuận khổng lồ trong khủng hoảng

15/09/2012 08:29
Đông Bình (nguồn chinamil)
(GDVN) - Nhà sản xuất trực thăng lớn nhất thế giới - Công ty Trực thăng châu Âu đang tích cực xâm nhập thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Máy bay trực thăng EC-175 hay Z-15 do Trung Quốc và châu Âu hợp tác nghiên cứu chế tạo.
Máy bay trực thăng EC-175 hay Z-15 do Trung Quốc và châu Âu hợp tác nghiên cứu chế tạo.

Ngày 13/9, mạng tin tức tổ hợp công nghiệp quân sự Nga cho biết, Tập đoàn Máy bay trực thăng châu Âu luôn chiếm vị thế chủ đạo trên thị trường quốc tế, mặc dù bị tác động bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, từ năm 2005-2011, lợi nhuận năm của công ty vẫn từ 3,2 tỷ USD tăng ổn định lên 5,4 tỷ USD, năm 2011 lượng đơn đặt hàng tăng 32%, lên tới 457 chiếc. Trung Quốc trở thành đối tác quan trọng nhất, hợp tác song phương tiếp tục phát triển.

Giám đốc Tập đoàn Trực thăng châu Âu Berthelin cho biết, mức doanh thu năm 2011 của công ty tương đối cao, tiêu thụ máy bay trực thăng dân dụng chiếm 53%, máy bay trực thăng quân dụng chiếm 47%.

Đến nay, máy bay trực thăng do công ty này sản xuất chiếm 33% thị trường thế giới, toàn cầu tổng cộng có 147 quốc gia, 2.500 cá nhân, tập thể hoặc cơ quan nhà nước đang sử dụng hơn 11.300 máy bay trực thăng châu Âu.

Công ty sở dĩ có thể luôn duy trì địa vị dẫn đầu trên thị trường thế giới, một trong những nguyên nhân chủ yếu là áp dụng chiến lược marketing rất linh hoạt, đa dạng, tích cực mở rộng hợp tác quốc tế, mở rộng, phát triển thị trường các nước đang phát triển có trọng điểm, củng cố địa vị của công ty ở những thị trường quan trọng, duy trì, cải thiện mạng dịch vụ quốc tế.

Máy bay trực thăng EC-175
Máy bay trực thăng EC-175

Đối với nhà sản xuất máy bay trực thăng thế giới, các nước đang phát triển phương Đông trở thành thị trường hấp dẫn nhất.

Căn cứ vào đánh giá của chuyên gia phân tích của Công ty Honeywell, Mỹ, trong bối cảnh nhu cầu máy bay trực thăng của thị trường Bắc Mỹ và châu Âu giảm xuống, thị trường châu Á dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, biên độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 20%, trong khi đó Trung Quốc và Ấn Độ - những nước duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định lâu dài, là thị trường hứa hẹn nhất của châu Á.

Theo báo Nga, tăng cường hợp tác với Trung Quốc là vấn đề tương đối “rối rắm” đối với Tập đoàn Trực thăng châu Âu.

Một mặt, Tập đoàn Trực thăng châu Âu muốn tăng cường quan hệ đối tác với các nhà sản xuất Trung Quốc, kiếm được nhiều lợi nhuận. Mặc khác, doanh nghiệp chế tạo hàng không Trung Quốc đã trở thành một đối thủ cạnh tranh chủ yếu của công ty châu Âu trên thị trường châu Á.

Hợp tác giữa Tập đoàn Trực thăng châu Âu và các nhà sản xuất Trung Quốc bắt đầu từ năm 1967, khi đó công ty châu Âu đã xuất khẩu máy bay trực thăng “Chim sơn ca-III” (Aérospatiale Alouette III) cho Trung Quốc. Vào thập niên 1980, Trung Quốc bắt đầu nhập công nghệ, có giấy phép sản xuất máy bay trực thăng AS365.

Máy bay trực thăng HC-120 do Trung Quốc-châu Âu hợp tác nghiên cứu chế tạo, sản xuất tại Trung Quốc, đã trang bị cho Quân đội Trung Quốc
Máy bay trực thăng HC-120 do Trung Quốc-châu Âu hợp tác nghiên cứu chế tạo, sản xuất tại Trung Quốc, đã trang bị cho Quân đội Trung Quốc

Đầu thập niên 1990, Công ty Xuất nhập khẩu Công nghệ Hàng không Quốc gia Trung Quốc và Công ty Công nghiệp Máy bay Cáp Nhĩ Tân bắt đầu hợp tác với Tập đoàn Trực thăng châu Âu, hợp tác nghiên cứu chế tạo máy bay trực thăng EC120 Hummingbird đa dụng hạng nhẹ 1 động cơ.

Cuối cùng, vào năm 2004 bắt đầu sản xuất máy bay trực thăng HC120 ở Cáp Nhĩ Tân, loại sản phẩm này đến nay vẫn đứng ở vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực máy bay trực thăng hạng nhẹ trên thế giới, nó có trọng lượng cất cánh 1.700 tấn.

Sau đó, Tập đoàn Trực thăng châu Âu bắt đầu hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, vào năm 2007 thiết lập chi nhánh công ty tại Trung Quốc, thiết lập trung tâm dịch vụ ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Hồng Kông, Thâm Quyến để tiêu thụ hàng hóa, cung cấp dịch vụ kỹ thuật.

Hiện nay, hợp tác song phương đã đạt được nhiều kết quả không tồi, đã hợp tác nghiên cứu chế tạo được máy bay trực thăng cỡ vừa 2 động cơ EC-175. Căn cứ vào thỏa thuận giữa hai bên, tên máy bay trực thăng kiểu mới này theo cách gọi của Trung Quốc là Z-15, trong tương lai sẽ do Công ty Trực thăng – Công nghiệp Hàng không Trung Quốc sản xuất.

Máy bay trực thăng EC-175/Z-15
Máy bay trực thăng EC-175/Z-15

Trên phương diện nghiên cứu chế tạo máy bay trực thăng EC-175/Z-15, hợp tác giữa Trung Quốc và châu Âu rất chặt chẽ, đã lần đầu tiên sử dụng công nghệ mô hình 3D mạng máy tính CATIA, làm cho nhà chế tạo máy bay trực thăng Trung Quốc và châu Âu (cách rất xa nhau) có thể làm việc đồng bộ.

Sự phân công cụ thể của hai bên là: Công ty Trực thăng châu Âu phụ trách nghiên cứu chế tạo hộp số chính, đuôi cánh quạt, thiết bị điện tử hàng không, thiết bị thủy lực, máy lái tự động và hệ thống điện; còn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc phụ trách nghiên cứu chế tạo kết cấu thân máy bay, rô-to chính, hộp số đuôi và phần chuyển tiếp, hệ thống nhiên liệu, hệ thống điều khiển và bánh đáp. Đầu tư tổng thể của chương trình là 600 triệu euro.

Căn cứ vào đánh giá của Công ty Trực thăng châu Âu, trong 20 năm tới, lượng tiêu thụ của loại máy bay trực thăng này có thể đạt 1.000 chiếc, đem lại lợi nhuận khổng lồ cho công ty. Máy bay trực thăng EC175 đã được Cục An toàn Hàng không châu Âu chứng nhận năm 2011, trước cuối năm nay sẽ cung cấp sản phẩm được sản xuất hàng loạt đầu tiên.

Ngoài Trung Quốc, Công ty Trực thăng châu Âu còn tích cực tăng cường hợp tác với Ấn Độ, Malaysia, phát triển thị trường Trung Á, tập trung tăng cường hợp tác với Kazakhstan, đồng thời còn tiến quân vào thị trường Mỹ, Nga, tiếp tục mở rộng phát triển không gian lợi nhuận của Công ty.

Máy bay trực thăng EC-175/Z-15 do Trung Quốc và châu Âu hợp tác sản xuất.
Máy bay trực thăng EC-175/Z-15 do Trung Quốc và châu Âu hợp tác sản xuất.
Đông Bình (nguồn chinamil)