Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Quan chức QH: “Thật đau lòng khi thấy tội phạm do nghiện game sex"

19/09/2012 06:58
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Chúng ta đã không khỏi đau lòng khi chứng kiến những vụ phạm tội, những hoàn cảnh trớ trêu do nghiện game bạo lực, game sex gây ra”. 
LTS: Để có cái nhìn toàn diện hơn về hiện trạng game sex và game bạo lực đang lan tràn trên mạng internet, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn bà Ngô Thị Minh - Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.

Bà Ngô Thị Minh - Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
Bà Ngô Thị Minh - Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội

PV: Thưa bà, là người phụ trách công tác về văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, bà đánh giá thế nào về tác hại của game sex và game bạo lực đối với thế hệ trẻ hiện nay?

Bà Ngô Thị Minh: Hầu hết những game bạo lực, game sex có mặt tại Việt Nam hiện nay đều là những trò chơi bị cấm và tồn tại được là nhờ những game thủ hoặc hacker bẻ khóa bản quyền và phát tán trái phép. Nó đang là một “trò thư giãn” yêu thích của không ít bạn trẻ và để lại hậu quả cả về mặt thể chất và tinh thần. Nghiện game được ví như nghiện ma túy nhưng tác hại của nó còn nghiêm trọng hơn nhiều. Nó đang hủy hoại một bộ phận thanh thiếu niên và đây chính là vấn nạn mới của xã hội thời @.

Tác động của game bạo lực và game sex không chỉ dừng lại ở sự bỏ bê, sao nhãng học hành mà nghiêm trọng hơn là sự thay đổi nhân cách của giới trẻ theo chiều hướng xấu, khiến các em có những định hướng sai lầm, nảy sinh hành vi tiêu cực, nếu không kịp thời ngăn chặn có thể làm hủy hoại cả tương lai.

Vì nghiện game bạo lực nên không ít những game thủ trở thành hung thủ, đánh mất tương lai của mình vì những hành vi vi phạm pháp luật. Những ám ảnh trong game khiến các em thường xuyên rơi vào thế giới ảo dẫn đến lệch lạc về tư tưởng, nhận thức, có lối sống vô cảm, thậm chí nhiều em đã phải trả giá đắt cho hành vi bạo lực của mình. Một số vụ án mạng nghiêm trọng xuất phát từ những ảnh hưởng của game bạo lực khiến chúng ta phải giật mình (cướp của, giết người bằng những thủ đoạn tàn bạo, lạnh lùng…)

Còn với game sex, nó có sức tác động mạnh hơn và hiệu lực nhanh hơn. Với những trò chơi bạo lực, để game thủ có thể bắt chước thì phải có thời gian và cơ hội trong một hoàn cảnh nào đó. Nhưng đối với game sex, các game thủ thậm chí còn bị thúc đẩy tự tạo ra hoàn cảnh, tạo ra điều kiện để thử.

Nghiện game sex tạo ra sự nhận thức tình dục lệch chuẩn, dẫn đến các chứng loạn thần, trầm cảm, hoang tưởng, luôn có ảo giác là mình phải quan hệ tình dục với người khác, là một trong những nguyên do dẫn đến tình trạng gia tăng tội phạm tình dục trẻ em.

Một cảnh nóng trong một sex game thuộc họ Visual Novel
Một cảnh nóng trong một sex game thuộc họ Visual Novel

Theo các bác sĩ, sau khi nghiện game khiêu dâm, hầu hết các bệnh nhân đều mắc chứng loạn dục, thậm chí hóa cuồng vì thèm sex do không làm chủ được hành vi của mình. Chứng bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, phát dục sớm, tổn thương bộ phận sinh dục, mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục mà còn có thể dẫn đến vô sinh. Chúng ta đã không khỏi đau lòng khi chứng kiến những vụ phạm tội, những hoàn cảnh trớ trêu do nghiện game bạo lực, game sex gây ra. 

Giới trẻ chính là tương lai của đất nước. Tuy nhiên một phần trong thế hệ tương lai này đang tự hủy hoại mình bởi những hệ lụy của nghiện game sex, game bạo lực. 

PV: Sự lo ngại của nhiều người về ảnh hưởng của loại game này đối với giới trẻ không phải là không có căn cứ khi đã có nhiều vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng (vụ án hiếp dâm, vụ án mạng…) xảy ra…

Bà Ngô Thị Minh: Game sex và game bạo lực đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với giới trẻ, trở thành một trong những vấn nạn cần được cả xã hội chung tay khắc phục. Khi giới trẻ chơi game và bắt chước theo những hành vi trong game chính là đang biến những hành động của thế giới ảo thành hiện thực. Một khi mất đi khả năng kiểm soát, thường xuyên sống trong ảo giác mà không biết sẽ gây ra những hành vi dần ảnh hưởng đến đạo đức, làm tha hóa nhân cách, lệch lạc về nhận thức, từ đó dẫn đến những hành vi tiêu cực, có thể hủy hoại tương lai của giới trẻ.

PV: Trước hiện tượng các loại game sex và game bạo lực lan truyền một cách mạnh mẽ trên mạng internet như hiện nay, trách nhiệm của các cơ quan chức năng cần phải được thể hiện rõ như thế nào, thưa bà?

Bà Ngô Thị Minh: Phải công nhận rằng, trong thời gian qua việc quản lý internet của chúng ta còn nhiều bất cập, chưa có biện pháp hiệu quả để làm trong sạch môi trường thông tin nhanh, đa chiều và rộng lớn này, làm ảnh hưởng đến lối sống và hành vi của một bộ phận thanh thiếu niên. Đây là trách nhiệm chung của nhiều cơ quan liên quan, trong đó đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Thông tin &Truyền thông và các bên liên quan chính là ngành Giáo dục & Đào tạo, Đoàn Thanh niên, một phần trách nhiệm không nhỏ thuộc về gia đình…

Các đối tượng cướp vàng với mục đích để lấy tiền chơi game không ít
Các đối tượng cướp vàng với mục đích để lấy tiền chơi game không ít

PV: Xin bà có thể nói cụ thể hơn về trách nhiệm của các gia đình trong việc này?

Bà Ngô Thị Minh: Như nội dung đã đề cập ở trên, trách nhiệm của gia đình là rất lớn trong việc quản lý, giáo dục con cái, người chưa thành niên. Hiện nay trong điều kiện kinh tế mở, các bậc phụ huynh, nhất là những gia đình bố mẹ làm kinh doanh bận rộn, hoặc hay phải đi làm ăn xa nhà có ít thời gian để trò chuyện, tìm hiểu suy nghĩ, tình cảm của con và hướng dẫn con cái học tập.

Các em thiếu sự kèm cặp và quan tâm của người lớn; dễ bị bạn bè xấu, kẻ xấu rủ rê, lôi kéo và sa vào những trò chơi không lành mạnh; cũng có trường hợp vì cảm thấy cô đơn trong môi trường gia đình nên muốn đến với trò chơi bạo lực để có cảm giác sức mạnh… và trở nên nghiện game từ lúc nào không biết.

Để khắc phục, tôi nghĩ trong tổng thể các giải pháp thì có một giải pháp rất quan trọng là cần tăng cường cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, giáo dục con cái, nâng cao nhận thức về tác hại của game bạo lực, game sex cho các bậc cha mẹ, giúp các bậc cha mẹ thấy hết trách nhiệm của mình trước những nguy cơ đang đe dọa thế hệ trẻ…

PV: Có ý kiến cho rằng các em học sinh tìm đến những loại game này một phần lớn là do tò mò. Vậy theo bà, phải chăng công tác giáo dục giới tính của chúng ta đang có vấn đề?

Bà Ngô Thị Minh: Đặc điểm của lứa tuổi vị thành niên là tính tò mò, thích khám phá cái mới, ngay cả khám phá chính bản thân mình, có điều là các em nên tiếp cận những gì và môi trường, điều kiện tiếp cận của các em? Câu hỏi đặt ra là tại sao những em học hành chăm chỉ, được định hướng tốt lại ít khi tìm đến các loại game độc hại đó?

Vì vậy, chúng ta không thể đỗ lỗi cho tính tò mò hay cho rằng công tác giáo dục giới tính của chúng ta có vấn đề mà bỏ qua những yếu tố quan trọng khác như vai trò của gia đình, nhà trường, tổ chức đoàn thể, môi trường bạn bè… Tuy nhiên đối với giáo dục thì việc giáo dục giới tính cho các em hiện nay còn ở mức độ đơn giản, chưa có một chương trình đổi mới cho phù hợp và đang còn nhiều tranh cãi về quan điểm, nhìn nhận, về nội dung cụ thể đưa vào chương trình học…

PV: Theo bà, trách nhiệm của Đoàn Thanh niên trong việc này như thế nào khi có ý kiến cho rằng có quá ít các hoạt động tập thể dành cho giới trẻ khiến họ bị cuốn hút, mê hoặc bởi những thứ game đen kia?

Bà Ngô Thị Minh: Đoàn Thanh niên có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, định hướng lý tưởng, khơi dậy hoài bão… cho giới trẻ. Hiện nay, Đoàn cũng đang từng bước đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động của mình nhằm thu hút, tập hợp thanh niên tham gia vào các hoạt động rèn luyện sức khỏe, phát huy trí tuệ bản thân và tham gia xây dựng cộng đồng…

Tuy nhiên, sức hấp dẫn trong hoạt động của Đoàn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tổ chức Đoàn cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các nhà trường để ngăn chăn tình trạng  giới trẻ bị cuốn hút, mê hoặc bởi game đen, bị lệch lạc về tư tưởng, lối sống… 

PV: Có một thực tế, vấn nạn này chúng ta đã đề cập tới từ cả chục năm nay, các giải pháp cũng đã được đưa ra với rất nhiều kỳ vọng nhưng hiệu quả đạt được dường như chẳng được là bao?

Bà Ngô Thị Minh: Trước hết, chúng ta phải thấy được và thực hiện được một cách đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm của mình đối với thế hệ trẻ, và phải có sự chung tay phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể, không đùn đẩy trách nhiệm...

Trong công tác quản lý Nhà nước, trước hết Bộ Thông tin và truyền thông là đơn vị có chức năng quản lý dịch vụ internet, một mặt cần chỉ đạo quản lý chặt chẽ hơn hệ thống dịch vụ kinh doanh internet theo quy định, mặt khác, phải đầu tư nghiên cứu để có các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn truy cập vào các trang web đen, game online có nội dung không lành mạnh…

Tuy nhiên, đây không phải là trách nhiệm của riêng Bộ Thông tin và truyền thông, mà biện pháp ngăn chặn tận gốc phải là tăng cường giáo dục về lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho giới trẻ, hướng thanh thiếu niên vào những hoạt động lành mạnh… Mặt khác, thế hệ trẻ ngày nay cần xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với gia đình, với cộng đồng và xã hội, trong đó có việc mỗi bạn trẻ là một chiến sỹ chiến đấu để đẩy lùi sự xâm nhập của các trang web trò chơi độc hại.

Xin trân trọng cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn! 


* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Chính Quang