Chuột ở khắp mọi nơi…
Người dân tại đây cho biết, tình trạng chuột hoành hành trong khu dân cư đã nhiều năm nay. Mật độ của chuột mỗi năm mỗi tăng và nếu có cuộc khảo sát, có lẽ mật độ chuột còn cao hơn mật độ dân số.
Chuột \'hoành hành\' trong khu dân cư ở phường 15
|
Chúng tôi đến phía sau một căn nhà trên đường Trần Thánh Tông (P.15, Q. Tân Bình, TP.HCM). Trước khoảng sân rộng có hai cụ già ngồi nhâm nhi uống trà, nói chuyện. Ở giữa, một đĩa bánh trung thu và một bình trà…
Những miếng vỏ bánh, vài hạt nhân bánh rơi xuống. Từ hốc ghế đá ăn sâu vào lòng đất, đàn chuột 4 con béo nung núc kéo ra nhặt sạch những gì hai cụ đánh rơi..
Còn tại một bãi đất trống bốn bề bao bọc bởi những căn hộ san sát nhau, có đàn chuột hàng chục con đang “sinh hoạt”, kiếm ăn một cách vô tư mà rùng mình, nổi gai ốc.
Chúng chạy lăng xăng, leo vào các giỏ rác, moi móc thức ăn thừa…Thấy có người đi tới, lũ chuột thậm chí không thèm để ý, có đuổi chúng cũng không chạy…
Dọc theo đường Nguyễn Phúc Chu, rác ngập 2 bên taluy che phủ các hang chuột. |
Anh Trần Kiên Trung, một người dân cư ngụ ở khu vực này nhiều năm cho biết, chuột từ dưới lòng đất chui lên tràn vào nhà tìm kiếm thức ăn.
Mặc dù người dân đã làm đủ cách để ngăn chặn nhưng không hiểu bằng cách nào chúng vẫn vào được. Nhiều đêm, bỗng có tiếng rơi của nồi niêu, của vật đựng đã làm cả nhà thức giấc. Thì ra chuột đã tung hoành trong tủ thức ăn, trong nhà bếp, lùng sục trong nồi trong chảo. Mặc dù đã che đậy cẩn thận nhưng chúng vẫn hất tung lên để tìm thức ăn.
“Nếu không có biện pháp tận diệt, chẳng bao lâu nữa chuột sẽ tấn công cả người”, một người dân lo lắng nói.
Bà con cho biết thêm, nhiều biện pháp được áp dụng như dùng keo diệt chuột, bẫy lồng, bẫy kẹp nhưng mỗi lần “dính” chỉ được 1 con, không đủ khả năng làm giảm số lượng chuột hiện có.
Điều khá khôi hài, mèo trong khu vực này lại sợ chuột. Khi chuột kéo đến hàng đàn, lục lọi khắp nhà thì mèo đã vội nhảy lên cao để…lánh nạn. Khả dĩ nhất là chó, chó luôn luôn tìm và diệt chuột nhưng oái oăm thay, những tay cẩu tặc đã “thâu gom” những chú chó khôn ngoan và vì vậy chuột ở đây ngày càng phát triển.
Người dân nơi đây bày tỏ quan ngại, đến một ngày nào đó, từ chuột phát sinh ra dịch bệnh thì hậu quả thật khó lường. Bà con mong mỏi, được sự quan tâm của chính quyền, của các đơn vị vệ sinh phòng dịch có biện pháp tiêu diệt chuột để bảo vệ môi trường và sự sống.
Chính quyền ra tay…
Phường 15 có tổng cộng 12 khu phố trong đó 8 khu phố có mương thoát nước lộ thiên. Những con mương này là ngóc ngách của kênh Tân Trụ và kênh Hi Vọng.
Chúng tôi đi dọc bờ các con kênh này trên đường Phạm Văn Bạch, Tân Sơn Nhất, Nguyễn Sĩ Sách, Nguyễn Phúc Chu.
Hai bên đường rác đổ thành đống và các giỏ đựng đầy rác chạy dài dọc theo sát mép kênh. Ở hai ta-luy bờ kênh, hang chuột giăng mắc khắp nơi được che lấp bởi rác chạy dài từ trên đường xuống sát mép nước.
Dọc theo kênh Tân Trụ đoạn giữa đường Phạm Văn Bạch và Tân Sơn rác ngập đầy trên bờ. |
Gặp cụ Hai Huy ở một quán cà phê cóc ven đường. Cụ đã gần 80 tuổi, kể lại cho chúng tôi nghe chuyện về khu vực này.
Cụ nói, trước năm 1975, khu vực này là vành đai an toàn cho sân bay Tân Sơn Nhất. Cả khu đất rộng hàng ngàn ha chạy dài từ đường Trường Chinh (Q. Tân Bình) đến đường Quang Trung (Q. Gò Vấp) trong tình trạng hoang hóa với cỏ tranh và lau sậy. Sau đó đến cuối thập niên 80 đầu 90, cư dân bắt đầu đổ về đây xây dựng nhà cửa.
Đường giao thông được mở mang và kênh rạch được nạo vét. Thế nhưng, người dân cứ theo thói quen đem rác đổ xuống kênh có lúc nghẽn cả dòng chảy. Trong rác có nhiều thức ăn dư thừa đã khiến cho lũ chuột phát sinh nhanh chóng.
Và khi thức ăn trong rác dọc theo kênh không đủ, chúng tìm cách vào các hộ dân rồi sinh sôi nảy nở trở thành thảm họa như hiện nay.
Thì ra là vậy. Thảm họa chuột cũng từ con người gây ra. Thế mà hiện nay, dọc theo những con đường ven kênh, rác vẫn còn đầy.
Chuột có mặt khắp nơi |
Bác sĩ Trần Quang Minh, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng quận Tân Bình thừa nhận, tình trạng chuột đang hoành hành tại phường 15 ở mức báo động. Ông cho biết, hiện quận đã có kế hoạch ra quân tiêu diệt chuột tại khu vực này.
Ông Minh cho biết, diệt chuột bằng hóa chất nếu không đúng cách sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Vì thế, trước mắt khâu tuyên truyền vận động bà con làm sạch môi trường không đổ rác bừa bãi, đồng thời đẩy mạnh sử dụng biện pháp bẫy chuột. Sau đó, Trung tâm sẽ tổ chức đăng ký cho các hộ sống dọc theo kênh tập huấn phương pháp dùng hóa chất đi kèm với những cam kết bảo đảm an toàn cho các loại gia súc và cả với người.
Lời khuyên của bác sĩ Minh, sau khi diệt sạch chuột nhưng bà con không ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nguy cơ tái sinh chuột trong ngày một ngày hai là điều khó tránh khỏi.
Trần Chánh Nghĩa/VietNamNet