So sánh Tàu sân bay Kuznetsov và tàu sân bay Liêu Ninh

02/10/2012 06:35
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Mặc dù là “chị em” với tàu sân bay Kuznetsov Nga, nhưng tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cũng có nhiều điểm khác biệt.
Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc

Tàu sân bay Liêu Ninh vừa được bàn giao cho Hải quân Trung Quốc, đánh dấu Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 10 trên thế giới sở hữu tàu sân bay, cũng là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cuối cùng sở hữu tàu sân bay.

Tàu sân bay Liêu Ninh được cải tạo trên nền tảng tàu sân bay Varyag do Liên Xô chế tạo trước đây. So với tàu sân bay “chị em” Kuznetsov, tàu sân bay Liêu Ninh đã có những thay đổi gì? Từ các hình ảnh của tàu sân bay Liêu Ninh có thể thu được những thông tin gì về đống sắt được tái chế này?

"Cột buồm" thay thế ống vòng tròn lớn

Tàu sân bay Liêu Ninh được cải tạo từ tàu sân bay Varyag do Liên Xô chế tạo. Về thiết kế, tàu Varyag cùng một cấp với tàu sân bay Kuznetsov của Nga. Vì vậy, về các chỉ tiêu cơ bản như ngoại hình tổng thể, độ dài, độ rộng, lượng giãn nước của tàu sân bay, cả hai không có sự khác biệt lớn.

Trong các tàu sân bay hiện có trên thế giới, kích cỡ và lượng giãn nước của tàu sân bay Kuznetsov chỉ đứng sau tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Enterprise và lớp Nimitz của Mỹ. Gần đây có tin tiết lộ, tàu sân bay động cơ lớp Enterprise sắp nghỉ hưu năm 2012, như vậy có thể xác định, tàu sân bay cỡ lớn như Kuznetsov (gồm cả tàu sân bay Liêu Ninh) đã đứng vững ở vị trí thứ hai trên thế giới nếu so sánh ở 2 tiêu chí trên.

Do tàu sân bay Kuznetsov sử dụng động cơ thông thường, vì vậy đảo tàu trên đường băng tàu sân bay lớn hơn so với đảo tàu của tàu sân bay động cơ hạt nhân của Mỹ, Pháp - điều này không chỉ do phải giữ lại không gian cho ống khói nồi hơi sử dụng cho tàu sân bay, hơn nữa cũng đã phản ánh, vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước, trình độ của công nghiệp điện tử Liên Xô cũ còn chưa thể thực hiện “nhỏ hóa” và “tích hợp hóa” thiết bị điện tử, chỉ có thể lấy thể tích lớn để thực hiện yêu cầu thiết kế.

So sánh cầu tàu (ngang ống khói) giữa tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc với tàu sân bay Kuznetsov của Nga
So sánh cầu tàu (ngang ống khói) giữa tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc với tàu sân bay Kuznetsov của Nga

Nhưng, so sánh chi tiết các hình ảnh của tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay Kuznetsov sẽ không khó phát hiện, đảo tàu của tàu sân bay Liêu Ninh đã không có các loại dây anten đứng dày như tàu Kuznetsov, không có ống tròn lớn trên đảo tàu nữa, thay vào đó là một "cột buồm", trên là radar do Trung Quốc sản xuất – radar mảng pha quét điện tử chủ động "Aegis Trung Hoa". Toàn bộ cửa sổ mạn tàu bị đóng, trông sáng hơn với lớp sơn màu xám nhạt theo tiêu chuẩn của Hải quân Trung Quốc.

Ngoài đảo tàu, tàu sân bay Kuznetsov vốn trang bị hệ thống phòng thủ tầm gần Kashtan và AK-630 xung quanh đường băng, nhưng trên tàu sân bay Liêu Ninh đã đổi sang trang bị hệ thống phòng thủ tầm gần pháo và tên lửa tự sản xuất, cùng với thiết bị phóng tên lửa chống tàu ngầm và máy phóng mồi nhử gây nhiễu điện tử.

Còn ở trên đường băng, thiết bị phóng tên lửa chống hạm cỡ lớn “Granite” vốn có của tàu sân bay Kuznetsov cũng đã bị bỏ đi.

Báo Trung Quốc cho rằng, từ những điểm trên có thể thấy, một số “đường vòng” trong phát triển tàu sân bay của Liên Xô cũ đã được Trung Quốc nghiên cứu nghiêm túc, khắc phục được những hiệu quả kém của tàu sân bay Liên Xô cũ, sự phát triển của tàu sân bay Trung Quốc lấy tấn công và phòng thủ của máy bay làm chính.

Tăng góc nhảy cầu

Tàu sân bay Kuznetsov và tàu sân bay Varyag ban đầu mặc dù là tàu cùng một cấp, đều sử dụng phương thức cất cánh kiểu nhảy cầu, nhưng góc vểnh lên của đường băng trước có chút khác nhau.

Khi Liên Xô cũ thiết kế tàu sân bay Kuznetsov, đã xác định góc nhảy cầu là 12 độ, nhưng sau vài năm thử nghiệm, căn cứ vào ý kiến của phi công tham gia thử nghiệm và kết quả thử nghiệm để phân tích, nếu tăng góc nhảy cầu, có thể tiếp tục nâng cao tính năng an toàn cất cánh cho máy bay và khả năng tải trọng, có lợi hơn cho việc nâng cao tính năng tác chiến tổng thể, do đó góc nhảy cầu của tàu sân bay Varyag đã tăng lên thành 14 độ.

Như vậy, trong điều kiện cùng sử dụng máy bay chiến đấu Su-33, đường băng của tàu sân bay Liêu Ninh có thể tăng 10% trọng lượng cất cánh.

Đường băng kiểu nhảy cầu
Đường băng kiểu nhảy cầu

Kết cấu khoang thay đổi, lượng giãn nước đầy tăng

Ngoài ngoại hình, bên trong tàu sân bay Liêu Ninh cũng có một số điểm mới cần phân tích, nghiên cứu. Căn cứ vào tình hình có liên quan của tàu sân bay Kuznetsov Nga, có thể thấy được mức độ phức tạp bên trong của một chiếc tàu sân bay cỡ lớn.

Tàu sân bay Kuznetsov có tổng cộng 7 tầng boong tàu, 3.800 khoang, có thể chứa 1.900 thủy thủ, 17 máy bay chiến đấu cánh cố định và 17 máy bay trực thăng.

Tàu sân bay Varyag (tức tàu sân bay Liêu Ninh hiện nay) và tàu sân bay Kuznetsov hoàn toàn không có sự khác biệt lớn về các phương diện như bố cục thân tàu, nhưng do sự thay đổi về lượng vận chuyển nhiên liệu (dầu) và kết cấu khoang bên trong, lượng giãn nước đầy đã tăng hơn 6.000 tấn.

Đồng thời, tàu sân bay Varyag đã áp dụng phương pháp chế tạo mô-đun hóa  mới, toàn bộ con tàu do 1.059 phân đoạn và đơn vị gắn kết tạo thành, đã giảm 35% so với tàu sân bay Kuznetsov. Các loại máy móc cỡ lớn đều sử dụng phương thức tổ máy chỉnh thể để lắp ráp trong tàu, tỷ lệ hoàn hảo của thiết bị, khả năng tích hợp hệ thống trong tàu và lắp ráp đều đã được nâng cao rất lớn.

Tàu sân bay Liêu Ninh
Tàu sân bay Liêu Ninh

Về phương diện bảo vệ thân tàu, tàu sân bay Varyag và tàu sân bay Kuznetsov có sự khác biệt rất nhỏ. Có tư liệu cho biết, tàu sân bay Kuznetsov bắt đầu áp dụng kết cấu bảo vệ dưới nước kiểu mới để cải thiện khả năng chống tấn công và khả năng sinh tồn của tàu, từ ngoài vào trong lần lượt là: khoang trống (khoang mở rộng), khoang thu nhận (khoang chứa dầu), khoang lọc (lắp các đường ống dẫn), đồng thời đã lắp đặt tấm giáp chống đạn phức hợp cường độ cao dày 120 mm.

Cùng với việc kế thừa kết cấu bảo vệ của tàu sân bay Kuznetsov, tàu sân bay Varyag hoàn toàn không còn sử dụng tấm giáp chống đạn phức hợp cường độ cao, đã tiết kiệm trọng lượng kết cấu gần 200 tấn cho tàu sân bay Varyag, khả năng bảo vệ lại không bị giảm đi.

Trước khi tàu sân bay Liêu Ninh đi vào hoạt động vài ngày, tàu sân bay cũ Vikramaditya của Ấn Độ mua của Nga bất ngờ gặp sự cố nồi hơi khi chạy thử, khiến cho thời gian đi vào hoạt động của tàu sân bay này tiếp tục bị chậm lại. Có thể thấy, tàu sân bay dù có mạnh hơn, không có động cơ đáng tin cậy là tuyệt đối không được.

Nhìn vào các tàu sân bay hiện có trên thế giới, tàu sân bay của Mỹ và Pháp đều sử dụng động cơ hạt nhân, nhưng tàu sân bay hạng nhẹ khoảng 20.000 tấn thường sử dụng tua-bin chạy ga. Trong khi đó, tàu sân bay cỡ lớn nếu không sử dụng động cơ hạt nhân, thì động cơ hơi nước là sự lựa chọn rất thích hợp, công nghệ cũng tương đối nắm chắc và hoàn thiện hơn.

Đương nhiên, sự hoàn thiện công nghệ cũng “tương đối” với động cơ hạt nhân, cho dù là động cơ hơi nước, do tàu sân bay có trọng tải lớn, tốc độ nhanh, yêu cầu đối với nồi hơi rất cao. Nếu công nghệ không đạt sẽ gây ra “chuyện cười” thứ Nga đang chế cho Ấn Độ.

Nhìn vào sự phát triển trong tương lai, động cơ hạt nhân tàu sân bay là xu thế. Thậm chí những năm trước Nga cũng có tín hiệu tàu sân bay Kuznetsov đổi sang sử dụng động cơ hạt nhân, nhưng thực tế đây là nhiệm vụ không thể hoàn thành, độ khó của nó không kém việc tái chế một chiếc tàu sân bay mới.

Đối với Hải quân TQ, tàu sân bay Liêu Ninh sử dụng động cơ hơi nước đã thích hợp. Họ cho rằng không cần thiết phải mạo hiểm trên phương diện này.

Tàu sân bay Kuznetsov Nga
Tàu sân bay Kuznetsov Nga

Yếu kém về năng lực và quan hệ hay lý  luận "tự sướng"?

Ở hiện trường đi vào hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh, ngoài bản thân tàu sân bay, còn có tàu chiến cỡ lớn đánh số mạn tàu màu trắng là 88. Nhìn vào con số này, tàu này thuộc tàu hỗ trợ tương tự tàu huấn luyện, bởi vì trong danh sách thứ tự của Hải quân Trung Quốc có tàu huấn luyện Trịnh Hòa 81, tàu động viên quốc phòng Thế Xương 82.

Nhìn vào các bức ảnh tàu 88 ở trên mạng sẽ thấy, xung quanh thân tàu khổng lồ của nó có nhiều cửa sổ và tay vịn, trong phạm vi tầm mắt không lắp bất cứ vũ khí trang bị nào, trên boong tàu trống và bằng phẳng, bố trí đường băng keo nhựa đan xen xanh-đỏ, thậm chí còn có khung bóng rổ.

Điều này có sự khác biệt rất lớn so với tàu Trịnh Hòa, tàu Thế Xương. Có dân mạng cho rằng, nhìn vào thiết bị bên trong ngoại hình, tàu 88 càng giống với tàu chuyến khổng lồ phiên bản hải quân.

Ngồi tàu chuyến (tàu du lịch) đi du lịch đã trở thành “mốt” nghỉ ngơi của nhiều người trong những năm gần đây. Tàu chuyến cỡ lớn là một công trình để các thủy thủ tàu sân bay của hải quân học tập và nghỉ ngơi ở biển xa, tiến tới nhanh chóng hình thành sức chiến đấu của tàu sân bay, đây vẫn là thứ “tự mình” trong phát triển của hải quân thế giới.

Sự phát triển của tàu sân bay hiện đại, không những bị hạn chế bởi công nghệ của bản thân tàu sân bay, hơn nữa có liên quan trực tiếp tới số lượng các căn cứ ở nước ngoài. Mỹ sở dĩ có thể có lực lượng tàu sân bay mạnh nhất thế giới có liên quan chặt chẽ tới việc quân Mỹ có các căn cứ ở nước ngoài rộng khắp thế giới. Tàu sân bay của quân Mỹ đều được các căn cứ tiếp tế khi huấn luyện hoặc tác chiến ở biển xa, thủy thủ cũng có thể lên đất liền nghỉ ngơi.

Tàu sân bay Liêu Ninh
Tàu sân bay Liêu Ninh

Trái lại, sự phát triển tàu sân bay của Liên Xô cũ, do không có sự hỗ trợ của các căn cứ ở nước ngoài, mỗi lần tàu sân bay huấn luyện ở biển xa, các thủy thủ sống dài ngày trên biển, đều buồn tẻ vô vị, khổ đến mức không chịu nổi.

Hiện nay, tàu sân bay Kuznetsov Nga cơ bản bị giới hạn ở Địa Trung Hải, biển Đen và biển Barents, hầu như không thể tiến hành các chuyến đi biển xa.

Nhưng hoàn toàn không phải là mỗi một quốc gia đều có thể có mạng lưới căn cứ trên toàn thế giới như Mỹ. Sự xuất hiện của tàu 88 đã tìm ra một lối đi khác giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển tàu sân bay với sự hỗ trợ của các căn cứ.

Đương nhiên, tàu 88 không thể hoàn toàn thay thế cho sự tồn tại của các căn cứ ở nước ngoài, nhưng có thể giảm bớt yêu cầu của tàu sân bay đối với các căn cứ trên đất liền, có thể thông qua phương thức tổ hợp là thay phiên giữa tàu chuyến trên biển và căn cứ trên đất liền, nâng cao tỷ lệ hiệu quả chi phí của cụm tác chiến tàu sân bay.

Dù sao, chi phí cho các căn cứ ở nước ngoài rất đắt đỏ, kể cả quân Mỹ, những năm gần đây cũng đang giảm bớt số lượng căn cứ ở nước ngoài. Báo Trung Quốc tự tin dự đoán, mô hình đi theo bảo đảm của tàu 88 là "sáng tạo của Hải quân Trung Quốc".

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)