Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Món ăn từ gia cầm: Dân bao giờ… hết sợ?

04/10/2012 16:23
Theo Nguyễn Tuấn (Pháp Luật & Xã Hội)
Một lượng gà đẻ trứng bị thải loại, thường được sử dụng để chế biến thức ăn gia súc cũng được nhập về Việt Nam với số lượng lớn, lên đến hàng chục tấn mỗi ngày.
Từ gà giống không rõ nguồn gốc…

Trên thị trường cả nước, gà giống nhập lậu từ Trung Quốc đang được các lái buôn chuyển về Việt Nam với đủ chủng loại. Phần lớn, gà giống đều về theo đường “tiểu ngạch” với những thủ đoạn rất tinh vi sau đó được chuyển đến nhiều tỉnh thành trong cả nước để tiêu thụ, khiến các cơ quan chức năng khó phát hiện.

Đây chính là nguyên nhân bùng phát các dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu tháng 9 đến nay, tình trạng nhập lậu gia cầm đang có chiều hướng ngày một gia tăng.

Qua kiểm tra chợ Hà Vỹ (Hà Nội), chỉ riêng 3 tuần đầu tháng 9, cơ quan chức năng đã phát hiện 15 -18 tấn gà nhập lậu. Loại gà nhập về chủ yếu là gà giống, khoảng 2 tuần tuổi. Giá bán của loại gà này rẻ hơn gà trong nước, chỉ khoảng 4.000 – 5.000 đồng/con. Số gia cầm trên hầu hết đều được nhập lậu và vận chuyển hàng ngày qua đường Móng Cái (chiếm 90%) và Cao Bằng về Bắc Giang, Hà Nội để tiêu thụ.

Món ăn từ gia cầm: Dân bao giờ… hết sợ?, Tin tức trong ngày, gia cam loai, ga han quoc, ga lau trung quoc, ga sieu re, ga 30.000 đ/kg, ga chet, ga mia, cho gia cam Ha Vi, ga lau, cho, thit ga, ga cong nghiep, dich cum H5N1, tin tuc, tin hot, tin hay, vn

Nhiều ô tô chở hàng nhập lậu kiểu này che mắt được các cơ quan chức năng.

Ngày 20/9/2012, Đội kiểm soát Hải quan số 2 (Cục Hải quan Quảng Ninh) đã bắt giữ 4 xe ô tô vận chuyển gà giống, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc nhập. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính với các lái xe Nguyễn Văn Nghĩa (trú tại thôn 5, phường Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), Vũ Hữu Mán (trú tại xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), Phạm Văn Bằng (trú tại thôn 9, phường Hải Đông, TP Móng Cái) và Trần Văn Đại (trú tại xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên).

Đồng thời, tạm giữ các phương tiện BKS17K – 5035, 34C-014.39, 15C-019.80, 30V-6755 và tịch thu toàn bộ lô hàng. Số lượng gà giống nhập lậu của các xe trên lên đến 59.000 con, trị giá khoảng 354 triệu đồng.

... đến gà đẻ bị loại

Đáng nói, một lượng gà đẻ trứng bị thải loại, thường được sử dụng để chế biến thức ăn gia súc cũng được nhập về Việt Nam với số lượng lớn, lên đến hàng chục tấn mỗi ngày. Loại gà này thường có nguồn gốc không rõ ràng và đa phần được nhập lậu từ Trung Quốc. Đối với loại gà này bản thân con gà đã bị khai thác hết trứng, lông xơ xác, “cơ thể” yếu ớt và thường bị tiêm thuốc kích thích đẻ cùng nhiều kháng sinh khác nên lượng kháng sinh tồn dư trong gà khá cao.

Món ăn từ gia cầm: Dân bao giờ… hết sợ?, Tin tức trong ngày, gia cam loai, ga han quoc, ga lau trung quoc, ga sieu re, ga 30.000 đ/kg, ga chet, ga mia, cho gia cam Ha Vi, ga lau, cho, thit ga, ga cong nghiep, dich cum H5N1, tin tuc, tin hot, tin hay, vn

Hàng trăm gà đẻ thải loại được tập kết tại chợ đầu mối để bán.

Vòng đời của loại gà này chỉ khoảng 13 – 16 tháng. Vì thế, thịt gà loại này thường dai, da giòn khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn với thịt gà “mía”, gà ta. Ở chợ đầu mối Hà Vỹ, lượng gà thải loại này tiêu thụ xấp xỉ 10 tấn/ngày với giá chỉ từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, trong khi giá gà tam hoàng cũng phải đến 50.000 – 58.000 đồng/kg. Do đó, các quán ăn, quán phở thường mua loại gà này để tăng thêm lợi nhuận.

Các loại gà nhập lậu không rõ nguồn gốc kiểu này có nguy cơ gây bùng phát dịch cúm gia cầm rất cao. Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm đánh giá, từ tháng 8 đến nay, Việt Nam đã phát hiện thêm một nhóm virus mới, đó là nhóm H5N1 nhánh 2.3.2.1 (nhóm C).

Nhóm virus này được cho là mới xâm nhập và hiện lây lan dọc theo tuyến giao thông Bắc – Nam, đặc biệt là tại các ổ dịch tỉnh Quảng Ngãi. Báo cáo của Cục Thú y cho thấy, cả nước hiện còn 5 tỉnh có dịch cúm gia cầm, với tổng số gia cầm chết và bị tiêu hủy lên đến 40.000 con, riêng tỉnh Quảng Ngãi là 24.000 con.

Không những thế, một lượng gà thải loại lớn còn được chuyển qua đường chính ngạch từ Hàn Quốc về Việt Nam. Loại gà này được bày bán ở hầu hết các chợ, siêu thị với giá chỉ khoảng 43.000 – 49.000 đồng/kg. Một số doanh nghiệp nhập khẩu loại gà này cho biết, các con gà “dai bọng” kiểu này nhập từ Hàn Quốc chỉ từ 1,4 – 1,6 USD/kg, cộng các chi phí khác và thuế thì cũng chỉ xấp xỉ 40.000 đồng/kg, nên giá bán lẻ chỉ ngang bằng gà công nghiệp.

Còn nếu so với gà thải loại của các hộ chăn nuôi trong nước, giá vẫn thấp hơn từ 15.000 – 20.000 đồng/kg. Một số “thượng đế” cho hay, gà này ăn dai và giòn nhưng không thơm, ngon như gà ta.

Ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên Cục trưởng Cục chăn nuôi khẳng định, đối với gà loại này, các chất protein, chất béo còn rất ít nên có ăn không tác dụng nhiều đến sức khỏe. Nhưng đa phần khách chọn loại gà này vì giá rẻ, ăn dai và giòn như gà ta. Còn gà công nghiệp thì thịt lại nhão, mà giá cũng phải từ 50.000 – 55.000 đồng/kg, gà tam hoàng thì ăn có ngon hơn nhưng giá cũng khoảng 60.000 – 63.000 đồng/kg. Gà ta thì giá lại cao từ 90.000 – 100.000 đồng/kg trở lên.

Các nước tiên tiến trên thế giới kiểm soát rất tốt về môi trường dịch bệnh nên tần suất tiêm vắcxin ít hơn ở nước ta. Hơn nữa, các gà thải loại thường được họ sấy khô và xay ra làm thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên, đối với gà thải loại nhập về Việt Nam, các cơ quan chuyên môn vẫn chưa có kết quả thí nghiệm nào cho biết có lượng tồn dư vắc xin và thuốc kích thích đẻ trong gà không? Nếu có thì mức độ tồn dư là bao nhiêu? Điều đó cho thấy, sức khỏe của người tiêu dùng vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi loại thực phẩm này.

Mải chạy theo lợi nhuận, các lái buôn vẫn tìm mọi cách nhập lậu và tiêu thụ những loại gia cầm không rõ nguồn gốc, thậm chí còn mang “mầm mống” độc hại, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Từ thực tế này, các cơ quan chức năng và cấp chính quyền địa phương một mặt phải tìm ra các biện pháp hữu hiệu nhất ngăn chặn và triệt phá các đường dây buôn lậu; mặt khác, phải phối hợp với các cơ quan chuyên môn như các trạm y tế, thú y,... sớm có kết luận chính xác về những chất độc hại còn tồn dư trong những loại gia cầm này để có biện pháp xử lý kịp thời, nhằm bảo vệ sức khỏe cho “thượng đế”.

(Còn nữa)

Theo Nguyễn Tuấn (Pháp Luật & Xã Hội)