Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Hai kỳ vọng lớn của Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội

05/10/2012 06:48
Hồng Chính Quang
(GDVN) - "Chúng ta phải có trách nhiệm và chúng tôi hi vọng sẽ có một chương trình hợp lý đáp ứng được yêu cầu của người dân. Đấy là hai sự kì vọng trong kì họp tới đây của tôi”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa, kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc. Dự kiến, Quốc hội sẽ dành nửa ngày để các vị Bộ trưởng, trưởng ngành báo cáo về việc thực hiện lời hứa tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3. Đây là nội dung hoàn toàn mới so với các kỳ họp trước.
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ: “Với tư cách là một Đại biểu Quốc hội, tôi hi vọng trong kì họp tới đây sẽ kiểm điểm những việc đã làm trong năm 2012. Đây là năm rất là quan trọng để bước vào năm 2013 - năm bản lề của kế hoạch. Nó quan trọng bởi đây là năm đẩy nhanh và triển khai tốc độ của việc tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tài chính. 

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Việt Dũng)
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Việt Dũng)

Đây vừa là nhiệm vụ trước mắt của năm 2012 lại vừa là nhiệm vụ lâu dài cho cả một mô hình chuyển đổi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Hi vọng là chúng ta sẽ rút ra được các bài học, đặc biệt là năm 2012 về kinh tế vĩ mô chúng ta đã làm được nhiều việc như kìm giữ được lạm phát… 

Việc tiến hành tái cơ cấu kinh tế có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế và việc này cũng cho chúng ta những bài học rất hay. Thí dụ như trong công tác điều hành kìm chế giá vào tháng 9/2012 là bài học đắt giá cho Chính phủ.  

Cụ thể, giá tiêu dùng trong tháng 9 tăng đột biến như vậy hoàn toàn do cách điều hành của Chính phủ mà ít bị ảnh hưởng của thị trường. Chúng ta đã tác động lên thị trường. Qua kinh nghiệm của tháng 9 vừa qua, chúng ta sẽ tìm được bài học cho công tác điều hành vĩ mô của năm 2013 và tôi kì vọng chúng ta sẽ phân tích được điều đó để biến thành hành động ngay từ đầu năm 2013”.

Ông Kiên nói tiếp: “Kì vọng thứ hai là chúng ta sẽ chăm lo tốt hơn tới đời sống của đại bộ phận người dân. Cụ thể là chất lượng các dịch vụ của nhà nước với người dân như y tế, giáo dục bên cạnh việc quản lý, điều hành kinh tế theo nguyên tắc của thị trường, quy luật của nền kinh tế thị trường.

Chúng ta phải có trách nhiệm…và chúng tôi hi vọng sẽ có một chương trình hợp lý đáp ứng được yêu cầu của người dân. Đấy là hai sự kì vọng trong kì họp tới đây của tôi”.

Theo ông Kiên, thời gian 2 ngày dành cho phiên chất vấn của Quốc hội là vừa đủ và hợp lý bởi vì sau kì họp tháng 5/2012, tháng 8 và tháng 9 đã thực hiện chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. "Những vấn đề nóng chúng ta đã kịp thời đưa ngay ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Còn phiên chất vấn 2 ngày ở Quốc hội dùng để tập trung làm rõ các vấn đề dài hơi hơn chứ không phải là những vấn đề nóng, đột xuất nữa...", ông Kiên bày tỏ.

Có quan điểm khác với ông Kiên, theo Đại biểu Bùi Thị An - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thời gian chất vấn nên kéo dài thêm để tăng sự đối thoại giữa đại biểu Quốc hội. Để người được chất vấn có thời gian trao đổi thêm, làm rõ ra một số vấn đề mới có định hướng, có cách sửa chữa, rút kinh nghiệm.

Đại biểu Bùi Thị An phát biểu tại hội trường (Ảnh: TTXVN).
Đại biểu Bùi Thị An phát biểu tại hội trường (Ảnh: TTXVN).

Nói về những điều đã làm được và chưa làm được của các vị Bộ trưởng đương nhiệm, bà An cho biết: “Quốc hội đã có Nghị quyết về chất vấn thế nên đây là sẽ căn cứ để kiểm điểm những lời hứa của các đồng chí trưởng ngành cũng như là Bộ trưởng trước các đại biểu Quốc hội. Nhìn một cách tổng thể, bây giờ chưa thể đánh giá về những điều đã làm được và chưa làm được của các Bộ trưởng, phải đợi xem thế nào”. 

Về các phiên chất vấn của Quốc hội, bà An nói: “Tôi nghĩ là sẽ dần dần hiệu quả hơn trên cơ sở đổi mới nội dung của Quốc hội. Các vấn đề đưa ra chất vấn tại Quốc hội đã thể hiện được ý nguyện của dân, những vấn đề mà dân bức xúc. 

Có nhiều việc mà Quốc hội đã làm được như giám sát các công trình trọng điểm: Đường Hồ Chí Minh, các công trình thủy điện… thông qua việc tiếp xúc cử tri và đã tuyên bố dứt khoát lấy quyền lợi của dân là cao nhất”...
17 thành viên Chính phủ chuẩn bị báo cáo kỳ họp thứ 4 của Quốc hội

Thủ tướng Chính phủ đã phân công các Bộ trưởng, Tổng Thanh tra Chính phủ chuẩn bị một số báo cáo, dự thảo Luật dự kiến sẽ được trình bày và xem xét tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII khai mạc vào ngày 22/10 tới.


Theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị, trình Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; Dự án Luật Đầu tư công, mua sắm công; phối hợp chuẩn bị Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi); chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khác chuẩn bị, trình Báo cáo về việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công và việc thực hiện dự án, công trình quan trọng quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng khác sử dụng vốn vay của Chính phủ.


Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị, trình: Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Báo cáo về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013; Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012; Báo cáo về nợ công; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân...


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chuẩn bị Báo cáo chung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013 và Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3. Các báo cáo này sẽ do Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp Quốc hội tới.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp được giao chuẩn bị, trình Báo cáo về công tác bồi thường của Nhà nước; Dự án Luật Hòa giải cơ sở; Dự án Luật Thủ đô; phối hợp chuẩn bị Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư...

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn bị, trình Báo cáo về tình hình quốc phòng năm 2012; chuẩn bị phần Báo cáo về công tác thi hành án trong lực lượng quân đội năm 2012; Dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh.

Bộ trưởng Bộ Công an chuẩn bị Báo cáo về tình hình an ninh năm 2012; Báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2012; Dự án Luật Phòng, chống khủng bố; chuẩn bị phần Báo cáo về công tác thi hành án trong lực lượng công an năm 2012.

Báo cáo về tình hình thực hiện Dự án thủy điện Lai Châu, công trình thủy điện Sơn La và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ do Bộ trưởng Bộ Công Thương chuẩn bị, trình.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chuẩn bị, trình Báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2012.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan khác chuẩn bị, trình Báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị, trình.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn bị, trình Dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chuẩn bị Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi).

Dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai sẽ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị, trình.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị, trình Dự án Luật Việc làm.

Báo cáo về tình hình xây dựng Nhà Quốc hội sẽ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng chuẩn bị, trình.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị, trình Báo cáo về tình hình thực hiện công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh và Báo cáo về tình hình an toàn giao thông.

Tổng Thanh tra Chính phủ chuẩn bị, trình Báo cáo của Chính phủ về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2012; Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị, trình Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai...


(Theo chinhphu.vn)



* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Chính Quang