Hà Nội dừng hàng loạt dự án BOT, BT

08/10/2012 10:17
Theo VnEconomy
UBND thành phố Hà Nội vừa công bố kết quả rà soát các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao).

Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.
Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.
Theo đó, có 64 dự án được Thành phố chấp thuận cho tiếp tục hoàn thiện thủ tục và triển khai thực hiện theo hình thức BOT, BT; có 11 dự án phải giãn tiến độ triển khai thực hiện ở giai đoạn sau năm 2020 và có 24 dự án phải dừng và không triển khai theo hình thức hợp đồng BOT, BT hoặc chuyển hình thức đầu tư khác.

Trong số các dự án được tiếp tục thực hiện theo hình thức BOT, BT, đáng chú ý vẫn có tên những dự án đã được Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng về tài chính trong quá trình triển khai hồi đầu năm 2012, như dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở do Tập đoàn Gamuda (Malaysia) làm chủ đầu tư, trạm xử lý nước thải khu vực Tây Hồ, đường Đỗ Xá - Quan Sơn, đường Trục phát triển phía Nam Hà Tây cũ…

Bên cạnh đó, có một số dự án đã hoàn thành nhưng vẫn được Thành phố xếp vào danh mục các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT như Bảo tàng Hà Nội, đường trục phía Bắc Hà Tây cũ, Cung trí thức thành phố, đường Lê Văn Lương kéo dài… trong đó có những dự án đội vốn hàng trăm tỷ đồng so với dự toán.

Ngoài ra, một số dự án vẫn được tiếp tục triển khai theo hình thức BOT, BT nhưng hiện vẫn chưa chọn được chủ đầu tư, gồm: Bệnh viện 1.000 giường tại Mê Linh, Bệnh viện 1.000 giường khu vực phía Tây.

Đối với nhóm phải dừng và không triển khai theo hình thức BOT, BT gồm có 24 dự án, trong đó có những dự án có tổng vốn đầu tư lớn như: dự án cải tạo nâng cấp đê Hữu Hồng kết hợp làm đường (vốn 18.000 tỷ đồng), dự án xử lý kè chống sạt lở sông Hồng, sông Đà, sông Đuống (vốn 3.069 tỷ đồng), dự án cải tạo nâng cấp sông Hang và kênh xả lũ hồ Đồng Mô (vốn 1.447 tỷ đồng), dự án xây dựng cơ sở hỏa táng tại Đông Anh (vốn 502 tỷ đồng)…

Nhóm các dự án phải giãn tiến độ sau năm 2020, gồm có các dự án lớn như: xây dựng tuyến đường Tiền Phong - Văn Khê - Tự Lập (Mê Linh) vốn hơn 1.400 tỷ đồng, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài đến ngã tư Dục Tú vốn 1.460 tỷ đồng, tuyến đường trục Vĩnh Ngọc - Cổ Loa - Việt Hùng - Nguyên Khê (Đông Anh) vốn 1.281 tỷ đồng…

UBND thành phố cũng lưu ý, đối với 2 dự án cải tạo môi trường hồ (cải tạo môi trường hồ Đầu Băng và cải tạo môi trường các hồ Đức Diễn, hồ Đình Quán tại xã Phú Diễn và hồ Chuối, xã Xuân Phương) đã triển khai một số hạng mục đầu tư theo chỉ đạo của Thành phố thì giao Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra, yêu cầu hoàn thiện thủ tục, tách riêng phần đầu tư theo phương thức xã hội hóa của doanh nghiệp với phần khối lượng đầu tư được chi trả từ ngân sách Thành phố hoặc tiếp tục kêu gọi ủng hộ của doanh nghiệp để sớm hoàn thành các dự án đưa vào sử dụng.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội giao các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quy hoạch kiến trúc, Xây dựng…thông báo cụ thể cho các nhà đầu tư về kết quả rà soát đối với các dự án thuộc phạm vi dãn tiến độ, dừng và không triển khai theo hình thức hợp đồng BOT, BT hoặc chuyển hình thức đầu tư khác; Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các nhà đầu tư và các cơ quan có liên quan đôn đốc việc tổ chức thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT được tiếp tục triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định, hiệu quả.

Riêng đối với Sở Tài chính, lãnh đạo Thành phố yêu cầu phải sớm xác định giá trị quyền sử dụng đất đối với các dự án khác (dự án đối ứng) theo đúng quy định của Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn liên quan; đảm bảo xác định giá trị quyền sử dụng đất của quỹ đất theo nguyên tắc thị trường trong điều kiện bình thường, có tham khảo giá đất được thực hiện thông qua các hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất; đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí đổi trừ hợp lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính trong xác định giá trị quyền sử dụng đất.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!


Theo VnEconomy