Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Sản phụ tử vong ở Viện C: Tắc mạch ối, BS cũng không hoàn toàn vô can

08/10/2012 12:30
Thu Hòe (Thực hiện)
(GDVN) -  "Nước ối có chất gây, chất cặn và nhiều chất lạ khác khi vào mạch máu thường gây tắc mạch ở phổi, gây sốc dẫn đến tim đập nhanh, huyết áp tụt, thiếu máu não, suy hô hấp nặng… Quá trình này xảy ra rất nhanh nếu không được phát hiện và cấp cứu sớm, bệnh nhân sẽ tử vong sau 10-15 phút…".
Cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Hằng (SN 1992), trú tại Tổ 5 Văn Nội – Phú Lương – Hà Đông – Hà Nội tiếp tục là một cảnh báo về những tai biến sản khoa nguy hiểm. Dư luận hoang mang và đặt câu hỏi làm sao để có quá trình chuyển dạ an toàn? Khám thai định kì như thế nào là khoa học? Lúc nào nên mổ đẻ và đẻ thường? Dấu hiệu nhận biết và cách cấp cứu tai biến tắc mạch ối đế tránh tử vong cho mẹ và con?... PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi cùng Ths. BS Nguyễn Công Khanh – Khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai về những vấn đề này.

Cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Hằng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 30/9 vừa qua tiếp tục cảnh báo về những tai biến sản khoa nguy hiểm khiến dư luận xã hội hoang mang
Cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Hằng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 30/9 vừa qua tiếp tục cảnh báo về những tai biến sản khoa nguy hiểm khiến dư luận xã hội hoang mang

Cảnh tang thương của gia đình sản phụ tử vong bất thường ở viện C

PV: Thưa Ths. BS Nguyễn Công Khanh! Ông nhìn nhận và đánh giá như thế nào về cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Hằng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương gây xôn xao dư luận những ngày qua?

Ths. BS Nguyễn Công Khanh: Tôi nghĩ, bất cứ nghề nghiệp nào cũng sẽ có những sự cố, tai biến ngoài ý muốn, ngoài tầm kiểm soát của con người. Sự việc của sản phụ Nguyễn Thị Hằng cũng là một trong những sự cố bất ngờ, nằm ngoài tầm kiểm soát của các y bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là y bác sỹ của kíp trực và bệnh viện hoàn toàn vô can trong sự việc này. Là một bác sỹ trực tiếp cứu chữa cho bệnh nhân, trước bất cứ một sự cố đáng tiếc nào, người thầy thuốc đều thấy buồn, trăn trở, tự trách… và phải xem xét trách nhiệm trực tiếp.

PV: Trả lời báo chí, TS. Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, khả năng dẫn đến cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Hằng là do tai biến tắc mạch ối. Bác sỹ có thể giúp độc giả của Giáo dục Việt Nam hiểu rõ hơn về tai biến tắc mạch ối?

Ths. BS Nguyễn Công Khanh: Có 5 tai biến sản khoa thường gặp đó là: Rau tiền đạo chảy máu, đờ tử cung băng huyết, vỡ đờ tử cung, sản giật và uốn ván sơ sinh. Tắc mạch ối cũng là một trong những tai biến sản khoa nhưng rất hiếm gặp nên người ta không xếp vào những tai biến sản khoa thông thường.

Vụ sản phụ chết tại Bệnh viện C: GĐ Bệnh viện Nhi Trung ương lên tiếng

Vụ sản phụ chết tại Bệnh viện C: GĐ Bệnh viện Nhi Trung ương lên tiếng

Thai phụ thắt cổ chết trên tầng 3

Thai phụ thắt cổ chết trên tầng 3

Bóc trần bộ mặt “nghiệp đoàn mại dâm” lớn nhất Hà thành (P1)

Bóc trần bộ mặt “nghiệp đoàn mại dâm” lớn nhất Hà thành (P1)

Nguyên nhân của tắc mạch ối (hay còn gọi là tắc mạch phổi) là do nước ối thâm nhập vào trong mạch máu của mẹ. Nước ối chứa trong khoang ối, có màng bọc vì một lí do gì đó vỡ ối, rách màng ối, nước ối thâm nhập vào máu của người mẹ. Thông thường khi tiêm bất cứ một chất lạ nào vào mạch máu cũng gây nên sốc và dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Nước ối có chất gây, chất cặn ngoài ra còn có nhiều chất lạ khác nên khi vào mạch máu thường gây tắc mạch ở phổi, gây sốc dẫn đến tim đập nhanh, huyết áp tụt, thiếu máu não, suy hô hấp nặng… Quá trình này xảy ra rất nhanh nếu không được phát hiện và cấp cứu sớm, bệnh nhân sẽ tử vong sau 10-15 phút.

PV: Tắc mạch ối là một tai biến rất hiếm gặp và nguy hiểm. Thế nhưng có một thực tế, tất cả những ca tai biến sản khoa dẫn đến tử vong được đăng tải trên báo chí thời gian qua lại có chung nguyên nhân do tắc mạch ối. Liệu rằng, đó có còn là sự hiếm gặp không thưa bác sỹ?


Ths. BS Nguyễn Công Khanh: Tỷ lệ sinh mỗi năm của Việt Nam là 1,7%. Mỗi năm có 1,5 triệu đứa trẻ được sinh ra. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh của thế giới là 2%. Cứ 100 đứa trẻ sinh ra, trung bình có 2 đứa trẻ chết khi chào đời. Nếu đem so sánh, 5-6 trường hợp sản phụ chết do tắc mạch ối thì đây là một con số quá nhỏ bé.

Tôi nghĩ chuyện vin vào các tai biến hiếm gặp để chối bỏ trách nhiệm là chuyện rất khó để kết luận. Để chẩn đoán đó có phải tai biến sản khoa hay không, đó không phải là chuyện gì đó quá khó khăn. Tai biến tắc mạch ối có những tiêu chuẩn để chẩn đoán. Những triệu chứng lâm sàng chỉ là một bước để chẩn đoán. Ngoài ra, người ta còn có thể tiến hành mổ tử thi, tìm tế bào nước ối trong máu, tổn thương của tắc mạch phổi.

Chuyện tai biến trong sản khoa là chuyện không thể tránh được. Ngành y cũng như những ngành nghề khác. Tuy nhiên, riêng với ngành y, tai biến càng tốt càng ít.

PV: Thưa bác sỹ, với những trường hợp rau tiền đạo như thế nào thì chỉ định phải mổ đẻ?


Ths. BS Nguyễn Công Khanh: Không phải tất cả các trường hợp rau tiền đạo đều bắt buộc phải mổ đẻ. Chỉ có rau tiền đạo trung tâm, rau tiền đạo kèm chảy máu thì bắt buộc phải mổ đẻ còn những loại rau tiền đạo thông thường vẫn có thể đẻ thường.

Bàn thờ của sản phụ Nguyễn Thị Hằng tại nhà
Bàn thờ của sản phụ Nguyễn Thị Hằng tại nhà

Cảnh tang thương của gia đình sản phụ tử vong bất thường ở viện C

 PV: Phụ nữ mang thai nên có một quá trình khám thai định kì như thế nào, thưa bác sĩ?

Ths. BS Nguyễn Công Khanh: Đối với phụ nữ đã chậm kinh 1 tuần, 10 ngày thì nên đi khám. Mỗi tháng, sản phụ nên đi siêu âm 1 lần. Tháng cuối cùng thì tuần nào cũng nên đi khám để xem sức khỏe của thai nhi thế nào và nắm tình hình sức khỏe của mẹ cũng như để phát hiện những hiện tượng bất thường có thể xảy ra ở cuối thai kì.

Cần tuyệt đối đừng nhầm lẫn giữa việc đi siêu âm thai nhi đơn thuần là đã đi khám thai. Bởi lẽ, không phải phòng khám siêu âm nào, bác sỹ siêu âm nào cũng có chuyên môn về sản khoa. Các sản phụ nên tìm đến các bác sỹ chuyên khoa sản để được khám và xin tư vấn tại chỗ…

PV: Thưa bác sỹ, tỉ lệ giữa mổ đẻ và đẻ thường hiện nay như thế nào? Với những trường hợp như thế nào thì nên mổ đẻ và đẻ thường?

Ths. BS Nguyễn Công Khanh: Tỷ lệ mổ đẻ cao ở các thành phố lớn. Các tỉnh, nông thôn, miền núi đẻ thường vẫn chiếm tỷ lệ cao. Không có bất cứ một so sánh nào là tuyệt đối giữa công nghệ mổ đẻ và đẻ thường. Theo kinh nghiệm của tôi, giữa mổ và đẻ thường thì cái gì đáng mổ thì mổ, cái gì đáng đẻ thì nên đẻ.

Có những nguyên tắc chuyên môn rất rõ ràng quy định chỉ định mổ đẻ tuyệt đối, tương đối. Trong ngành sản khoa có những trường hợp bắt buộc phải mổ đẻ như: rau tiền đạo trung tâm, những sản phụ từng mổ đẻ 2 lần, mổ sẹo bóc nhân sơ, mổ vỡ tử cung, các phẫu thuật tạo hình tử cung, khung xương chậu hẹp, lệch, vỡ xương chậu… Có những trường hợp được khuyên mổ đẻ trước khi chuyển dạ đẻ.

Mổ cũng an toàn, đẻ thường cũng an toàn. Tuy nhiên cần phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Y học không phải là toán học, có công thức, có phương trình, 1+1 =2, y học phải có sự kết hợp chuyên môn, kinh nghiệm và những yếu tố xã hội…

Trân trọng cảm ơn bác sỹ!


* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!




Thu Hòe (Thực hiện)