Theo báo cáo này, giá vàng trong nước 3 tháng cuối năm sẽ chịu tác động của bốn yếu tố chính.
Thứ nhất, giá vàng thế giới trong 3 tháng cuối năm sẽ có xu hướng tăng trước việc các nền kinh tế lớn liên tục bơm tiền để kích thích phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Việc tăng nhiều hay ít của giá vàng thế giới sẽ phục thuộc rất lớn vào hiệu quả của các gói và các chính sách kích thích kinh tế mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) vừa đưa ra trong tháng 9/2012.
Thứ hai, lạm phát 3 tháng cuối năm sẽ có xu hướng tăng trở lại dưới tác động của yếu tố mùa vụ khiến nhu cầu tăng nhưng nguồn cung đặc biệt là hàng thực phẩm khá hạn hẹp. Tuy nhiên, CPI 3 tháng cuối năm khó có thể tăng mạnh và mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới một con số trong năm 2012 là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Thứ ba, hệ thống ngân hàng thương mại trong 3 tháng cuối năm sẽ tiếp tục đối mặt với hoạt động tái cơ cấu diễn ra mạnh mẽ và việc xử lý nợ xấu. Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại thì khó tránh khỏi những cú "sốc" trên thị trường tương tự như sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt vào tháng 8/2012. Do đó, giá vàng trong nước 3 tháng cuối năm sẽ khó tránh khỏi những thời điểm biến động đột biến.
Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì việc quản lý chặt chẽ thị trường vàng trong đó tiếp tục hạn chế hoạt động huy động và cho vay vàng... sẽ khiến giá vàng trong nước khó tăng mạnh trong những tháng tới.
“Giá vàng trong nước 3 tháng cuối năm sẽ tăng nhưng khó tăng mạnh, dự báo giá vàng trong nước 3 tháng cuối năm dao động trong khoảng từ 47 - 48 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã duy trì trong một thời gian khá dài, nó đang khuyến khích và làm gia tăng hoạt động nhập lậu vàng. Cùng với quy định cho vàng miếng SJC là thương hiệu vàng quốc gia, sẽ làm gia tăng hoạt động hợp thức hóa vàng nhập lậu bằng cách làm giả thành vàng miếng SJC để lưu hành trên thị trường và làm phức tạp hơn thị trường vàng miếng trong nước”, báo cáo viết.
Thị trường vàng trong nước trong 9 tháng đầu năm từng có thời gian ổn định khá dài từ trung tuần tháng 3/2012 đến cuối tháng 8/2012, do các quy định quản lý thị trường vàng được Ngân hàng Nhà nước ban hành, trong đó có hai điểm đáng chú ý là việc chọn SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia và hạn chế hoạt động huy động và cho vay vàng tại các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, sang tháng 9/2012 giá vàng trong nước đã tăng mạnh cùng với xu hướng tăng mạnh của giá vàng thế giới khi kinh tế toàn cầu cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng chậm và các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đồng loạt tung ra gói kích thích kinh tế.
Bên cạnh đó, giá vàng trong nước còn chịu sức ép tăng giá khá mạnh do nguồn cung trong nước hạn hẹp và thanh khoản thấp. Điều này đã khiến giá vàng trong nước luôn duy trì cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng hơn 2 triệu đồng/lượng, thậm chí vào trung tuần tháng 9/2012, khoảng chênh lệch này lên tới gần 4 triệu đồng/lượng.
Trước diễn biến tăng mạnh của giá vàng trong nước, cuối tháng 9/2012, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép SJC dập lại 350 nghìn lượng vàng móp méo SJC và phi SJC để nhằm tăng nguồn cung vàng trên thị trường. Mặc dù vậy, giá vàng trong nước vẫn duy trì ở mức cao trên 47 triệu đồng/lượng và cao hơn giá vàng thế giới quy đổi tới trên 3 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 9/2012.