Căn cứ quân Mỹ tại Okinawa. |
Tờ nguyệt san “Voice” tháng 9 của Nhật Bản vừa có bài viết “Mỹ không cần Okinawa nữa về ý nghĩa chiến lược” của Hidaka Yoshiki - nhà nghiên cứu hàng đầu Viện nghiên cứu Hudson Mỹ. Sau đây là nội dung của bài viết:
Mỹ đưa ra chiến lược mới răn đe Trung Quốc
Tháng 11/2011, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thành lập cơ quan liên quan đến chiến lược hoàn toàn mới – “tác chiến hợp nhất trên không-trên biển”, chuyên phụ trách sử dụng vũ khí đỉnh cao nhằm vào Trung Quốc.
Trung Quốc coi Mỹ là kẻ thù giả tưởng (đối tượng tác chiến), không ngừng tăng cường khả năng chiến đấu, Mỹ đưa ra chiến lược mới là để “trả đòn”. Vũ khí chủ lực gồm có tên lửa, máy bay ném bom tàng hình, máy bay trinh sát không người lái, máy bay tấn công không người lái và tàu ngầm hạt nhân. Vì vậy, lực lượng mặt đất với trung tâm là lính thủy đánh bộ đã bị đặt vào vị trí thứ yếu trong chiến đấu.
Như vậy, một điểm tương đối rõ ràng trong xu hướng chiến lược của Mỹ chính là: lính thủy đánh bộ thường xuyên triển khai ở Okinawa để sẵn sàng cho chiến sự ở Viễn Đông – quan điểm này không còn tồn tại nữa. Căn cứ lực lượng quân Mỹ đóng ở Okinawa được trang bị máy bay cánh xoay Osprey chính là chứng cứ rõ ràng cho kết luận này.
Máy bay Osprey là máy bay đa chức năng có thể cất/hạ cánh thẳng đứng như máy bay trực thăng, tốc độ có thể đạt 520 km, khoảng cách bay liên tục là 3.900 km. Nếu được tiếp dầu trên không, máy bay này có thể bay không hạn chế.
Vì vậy, ở độ cao 5.000 m, nó có thể tiến hành tấn công tập trung đối với các mục tiêu của Trung Quốc như trung tâm chỉ huy, trung tâm thông tin và căn cứ tên lửa. Ngoài ra, máy bay Osprey còn có thể mang theo 25 lính thủy đánh bộ được vũ trang toàn bộ xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc, đặc biệt là ở Tây Tạng và Tân Cương.
Mỹ đã triển khai máy bay cánh xoay MV-22 Osprey tại Nhật Bản. |
Trước đây, với tư cách là căn cứ để lính thủy đánh bộ triển khai hành động tấn công, Okinawa đã được coi trọng. Sau khi xảy ra chiến sự, Mỹ có thể điều hạm đội vận tải từ căn cứ Sasebo (Nagasaki), điều máy bay trực thăng cỡ lớn từ Futenma để chi viện cho lính thủy đánh bộ tiến hành tác chiến đổ bộ.
Nhưng, cùng với việc sức mạnh quân sự của Trung Quốc được tăng cường, chiến lược cũ này đã không còn hiệu quả, đồng thời vị trí chiến lược của Okinawa cũng đã có sự thay đổi to lớn.
Người dân tỉnh Okinawa đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc triển khai máy bay Osprey. Phía Mỹ cho rằng chính quyền Noda của Đảng Dân chủ Nhật Bản hoàn toàn không hợp tác, nhưng việc triển khai máy bay Osprey vốn đã là tượng trưng cho sự thay đổi vị trí chiến lược của Okinawa.
Chiến lược Viễn Đông châu Á mới của Mỹ có mấy yếu tố sau: Trước hết là trước khi tên lửa “chống vệ tinh” của Trung Quốc tấn công vệ tinh của Mỹ, thì Mỹ sẽ tiến hành tấn công “đánh đòn phủ đầu” đối với Trung Quốc. Thứ hai là từ trên không tấn công căn cứ tên lửa của Trung Quốc. Thứ ba là tấn công căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc.
Thứ tư là hỗ trợ cho thế lực nổi dậy ở Trung Quốc tác chiến (vai trò của máy bay Osprey rất quan trọng). Thứ năm là sử dụng lực lượng đặc nhiệm tiến hành tấn công đối với các thế lực thù địch với Mỹ, đứng đầu là Trung Quốc (bắn chết Bill Laden là một ví dụ điển hình tốt nhất, trong đó máy bay Osprey cũng đóng vai trò then chốt) - Tân Hoa xã viết.
Trước đó, Hải quân Mỹ luôn đặt tiêu điểm và trọng điểm quan tâm vào vấn đề ứng phó với việc Trung Quốc tấn công tàu sân bay Mỹ. Chiến lược trước đó của Trung Quốc là, dùng tàu ngầm cỡ nhỏ mang theo tên lửa cỡ nhỏ, tránh khỏi tầm nhìn của tàu sân bay để tấn công tàu sân bay Mỹ, đồng thời triển khai tàu ngầm ở toàn tuyến Tây Thái Bình Dương, ngăn chặn hạm đội cơ động của Hải quân Mỹ áp sát duyên hải Trung Quốc.
Mỹ vừa tuyên bố triển khai thêm máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 tại Nhật Bản. |
Trung Quốc từng phát đi lời nói hùng hồn rằng, “Hải quân Mỹ không thể tiếp cận trong tuyến đường bờ biển Trung Quốc” và đầu tư chi phí quân sự khổng lồ để tăng cường sức chiến đấu.
Thái độ này của Trung Quốc đối với Hải quân Mỹ cũng đã tạo ra ảnh hưởng to lớn đối với chiến lược châu Á-Viễn Đông của Mỹ.
Chiến lược quân sự Mỹ (được gọi là chiến lược châu Á-Viễn Đông) trước đây triển khai lính thủy đánh bộ Mỹ với trung tâm là Okinawa, khi xảy ra chiến sự ở bán đảo Triều Tiên và Đài Loan, có thể điều tới thực địa tác chiến trong thời gian đầu.
Tác chiến lấy tàu tấn công đổ bộ Essex làm trung tâm, hạm đội vận tải của Hạm đội 7 Mỹ xuất trận từ Sasebo, mang theo lính thủy đánh bộ ở Okinawa, đồng thời điều vài chục máy bay trực thăng cỡ lớn.
Lực lượng cơ động tàu sân bay Mỹ không thể tiếp cận lãnh thổ Trung Quốc, tức có nghĩa là lực lượng chi viện cũng không thể tiếp cận bán đảo Triều Tiên và Đài Loan. Vì vậy, để chống lại sức mạnh quân sự đang tăng lên của Trung Quốc, Mỹ cấp bách cần áp dụng chiến lược quân sự mới.
Vị trí của Okinawa có sự thay đổi mang tính cách mạng
Trung Quốc thực sự lo ngại nếu lực lượng cơ động và hạm đội vận tải của Hải quân Mỹ tiếp cận lãnh thổ Trung Quốc. Chính vì vậy, TQ ra sức chuẩn bị tên lửa nhằm vào trận địa tuyến đầu của quân Mỹ - đó là Okinawa và các căn cứ quân Mỹ đóng tại Nhật Bản khác.
Khi Trung Quốc bắt đầu tiến hành bố trí tên lửa chiến đấu thực tế, Bộ Quốc phòng Mỹ đã liên tục bàn bạc. Có người nói: “Đưa 30.000 lính thủy đánh bộ tới Okinawa, một khi bị tên lửa Trung Quốc tấn công đánh đòn phủ đầu, tổn thất sẽ không thể tưởng tượng”.
Nhưng, nhân sĩ phái Trung Quốc trong chính quyền Clinton cho rằng, tầm phóng tên lửa của Trung Quốc còn chưa đủ xa, không thể dễ dàng tấn công các căn cứ quân Mỹ đóng tại Nhật Bản như Okinawa. Trên thực tế, tất cả những người hiểu biết Nhật Bản như Armitage đều đã đánh giá thấp trình độ của tên lửa Trung Quốc.
Tháng 1/2007, Trung Quốc sử dụng tên lửa phá hủy thành công một vệ tinh khí tượng đã phá tan sự yên lặng, thử nghiệm “chống vệ tinh” đã thành công.
Căn cứ Naha ở Okinawa do quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản sử dụng chung. |
Chính quyền Bush (thay thế chính quyền Clinton), dưới sự dẫn dắt của Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld, tăng cường sức mạnh quân sự trên cơ sở lấy Trung Quốc làm kẻ thù giả tưởng (tức quân xanh hay đối tượng tác chiến).
Khi Trung Quốc coi Mỹ là kẻ thù, đối chọi gay gắt với Mỹ ở châu Á, về ý nghĩa chiến lược, Okinawa đã tỏ ra tương đối yếu ớt. Cho dù đối với quân Mỹ, Okinawa cũng không được tính là căn cứ hậu phương an toàn.
Tổng thống Obama chán ghét quyết đấu về quân sự, hy vọng thông qua phân tán lính thủy đánh bộ ở Okinawa tới các khu vực như Guam và Australia để tránh rủi ro.
Nhưng, các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ lại không thích thú với thái độ tiêu cực này của Obama, họ muốn thông qua biện pháp đề cập tới phía trên, sử dụng hệ thống vũ khí mũi nhọn/tiên tiến tích cực chống lại sự tấn công của Trung Quốc.
Từ chiến lược mới 5 điểm trên, đối với Mỹ, vị trí chiến lược của Okinawa đang có sự thay đổi mang tính cách mạng.
Các nhà chiến lược của Washington cho rằng: “Là cứ điểm quân sự của quân Mỹ, Okinawa không còn quan trọng nữa, nhưng tầm quan trọng chính trị đối với Trung Quốc lại hầu như không thay đổi”.
Các quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ càng hiểu rõ hơn. Một quan chức cấp cao có vị thế quan trọng của Hải quân Mỹ nói: “Để tiếp tục gây sức ép chính trị với Trung Quốc, tư tưởng chuyển lính thủy đánh bộ tới các khu vực khác phải tạm thời gác lại”.
Các nhà chiến lược cho rằng, khi Trung Quốc bắt đầu tăng cường sức mạnh quân sự ở Tây Thái Bình Dương và biển Hoa Đông, đối lập sức mạnh quân sự của quân Mỹ sẽ tăng lên tương ứng. Nhưng, để bày tỏ ý bảo vệ Nhật Bản, Mỹ cũng cần tạm thời gác lại một cách thích hợp kế hoạch di chuyển lính thủy đánh bộ.
Hải quân Mỹ lo ngại và nhạy cảm nhất đối với nhóm đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư và các hòn đảo lân cận). Do Chính phủ Nhật Bản ứng phó kém hiệu quả, Mỹ lo ngại tình hình tiếp tục như vậy thì Trung Quốc sẽ đoạt lấy nhóm đảo Senkaku, tiến tới thừa thắng xông lên đoạt lấy Okinawa.Hải quân Mỹ tán thành và mạnh mẽ chủ trương quyền tự do hàng hải, phản đối Trung Quốc tiến hành độc chiếm các vùng biển của khu vực. Trong tình hình đó, lực lượng Mỹ đóng ở Okinawa, về chính trị là sự tính toán không thể thiếu.
Điều không thể phủ nhận là, trong chiến lược châu Á-Viễn Đông mới – “tác chiến hợp nhất trên không-trên biển” với hạt nhân là Bộ Quốc phòng Mỹ, vị trí quân sự của Okinawa rõ ràng giảm xuống đã là thực tế không thể tranh cãi. Trong tình hình quân sự mới, điều mà Nhật Bản cần quan tâm tới là, quân Mỹ ở lại Okinawa vốn là sự răn đe về chính trị đối với Trung Quốc.
Việc trả lại hoàn toàn Okinawa và quân Mỹ rút khỏi Okinawa là mong muốn lâu nay của người dân tỉnh Okinawa. Nhưng, Nhật Bản cần xem xét một vấn đề thực tế như này, đó là một khi Mỹ cho rằng Okinawa không còn quan trọng nữa về chiến lược, nếu rút khỏi Okinawa, Trung Quốc sẽ hành động như thế nào?
Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang được nước này đầu tư, tăng cường, Mỹ lại bắt đầu thay đổi chiến lược, lập trường về Okinawa một khi thay đổi, Nhật Bản e rằng sẽ phải cố gắng đơn thương độc mã đối phó với Trung Quốc.
Chỉ cần có cái ô bảo vệ hạt nhân theo quy định của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ, Mỹ sẽ có thể đảm bảo an ninh cho Nhật Bản, vì vậy lực lượng đồn trú trên thực tế không quan trọng. Mặc dù quan điểm này có liên quan tới “thuyết đồn trú ứng phó với sự cố” của quân Mỹ trong Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ, nhưng Trung Quốc cũng sở hữu vũ khí hạt nhân, hơn nữa còn có khả năng tiến hành tấn công đánh đòn phủ đầu đối với các phương tiện, thiết bị quân sự như vệ tinh nhân tạo của Mỹ.
Trong môi trường quân sự này, đối với việc tranh chấp quần đảo Senkaku-một khu vực cục bộ, nếu Mỹ rút lui về chính trị, Trung Quốc nhất định sẽ tiến lên lấp đi khoảng trống. Đây cũng là nhận thức thông thường trong chính trị quốc tế.
Môi trường quân sự châu Á-Viễn Đông với trung tâm là Okinawa, có thể nói, sắp xảy ra sự thay đổi “long trời lở đất”.
Mỹ-Nhật vừa đạt nhất trí triển khai radar phòng thủ tên lửa X-band thứ hai ở miền nam Nhật Bản. |
Quyền tự vệ tập thể không còn khả năng tồn tại?
Báo chí TQ tuyên truyền rằng, sau khi chiến lược châu Á-Viễn Đông của Mỹ với cứ điểm là Okinawa bị loại bỏ, Nhật Bản nên đi về đâu? Quyền tự vệ tập thể do Nhật Bản ra sức chủ trương sẽ mất hết ý nghĩa. Mỹ lo ngại Trung Quốc đoạt lấy quần đảo Senkaku và Okinawa từ tay Nhật Bản, Nhật Bản lại tập trung sự chú ý vào việc – khi Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với quần đảo Senkaku, Mỹ có thể ra tay hỗ trợ hay không.
Yếu tố cơ bản của “tác chiến hợp nhất trên không-trên biển” là sử dụng vũ khí đỉnh cao tiến hành tấn công đối với Trung Quốc, nhưng một khi Trung Quốc thực sự muốn chiếm lấy đảo Senkaku và Okinawa, Mỹ sẽ dành sự coi trọng và đáp trả ở mức độ nào, điểm này người Mỹ hầu như không có dấu hiệu bàn luận nghiêm túc.
Nhật Bản cho rằng, khi xảy ra tranh chấp Nhật-Trung trong vấn đề quần đảo Senkaku và Okinawa, căn cứ vào Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ, Nhật-Mỹ sẽ liên hợp tác chiến. Nhưng, trong chiến lược “tác chiến hợp nhất trên không-trên biển” của Mỹ, hiện nay, khi ở lãnh thổ Nhật Bản nảy sinh vấn đề, Mỹ sát cánh tác chiến với Nhật Bản ở mức độ nào. Nhà lãnh đạo của Hải quân Mỹ nói:
“Nếu Chính phủ Nhật Bản có thể thuyết phục các nhà lãnh đạo Mỹ đứng đầu là Tổng thống, nhận được mệnh lệnh bảo vệ Nhật Bản thì chúng tôi sẽ giúp Nhật Bản đánh trận. Điều quan trọng là, các nhà lãnh đạo Nhật Bản cần duy trì kênh trao đổi chính trị tích cực với các nhà lãnh đạo Mỹ. Ngoài ra, còn cần phải để cho người dân Mỹ tiếp nhận quan điểm của Nhật Bản, cho rằng Nhật Bản là chính nghĩa”.
Có tin cho biết, Nhật Bản có kế hoạch nhập máy bay không người lái Global Hawk và triển khai ở Guam cùng chia sẻ tin tức tình báo với Mỹ. |
Đối với quần đảo Senkaku, các nhà lãnh đạo hải quân cho rằng, mặc dù quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát thực tế, nhưng chủ quyền rốt cuộc thuộc về nước nào vẫn chưa rõ ràng.
Tức là nói, mặc dù Nhật Bản đương nhiên cho rằng họ có chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, nhưng Mỹ hoàn toàn không nhất định có thể tiếp nhận hoàn toàn quan điểm của Nhật Bản. Nhìn từ góc độ của Mỹ, trong vấn đề quần đảo Senkaku chưa rõ chủ quyền thuộc về ai, lý do để tiến hành tác chiến liên hợp Nhật-Mỹ là không đầy đủ.
Căn cứ vào tư tưởng “tác chiến hợp nhất trên không-trên biển”, Mỹ mặc dù không sợ phát động tấn công đánh đòn phủ đầu đối với căn cứ tên lửa và trung tâm thông tin của Trung Quốc, nhưng sẽ không phát động chiến đấu trên bộ.
Nói cách khác, nếu Nhật Bản và Trung Quốc khai chiến ở quần đảo Senkaku, Mỹ sẽ tấn công căn cứ tên lửa của Trung Quốc, nhưng sẽ không tham gia chiến đấu trên bộ ở quần đảo Senkaku.
Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ thực sự có những điều khoản liên quan, nhưng chính như quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ nói, khai chiến vẫn cần sự quyết đoán chính trị của Mỹ.
Đối với Mỹ, quyền tự vệ tập thể chính là khi vệ tinh nhân tạo của Mỹ bị Trung Quốc tấn công, Nhật Bản có thể viện trợ cho Mỹ theo một hình thức nào đó. Điều này hoàn toàn trái ngược với việc khi xảy ra chiến sự ở đảo Senkaku, Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật Bản theo hình thức nào đó. Không thể có việc chỉ có Nhật Bản hưởng lợi riêng nhờ quyền tự vệ tập thể.
Vấn đề Okinawa chính là tiêu chí của quan điểm này.
Trước đây, Mỹ luôn coi Okinawa là cứ điểm chiến lược Viễn Đông quan trọng của họ, và vô cùng coi trọng. Nhưng, cùng với sự thay đổi và tăng cường chiến lược đối với Trung Quốc, căn cứ Okinawa ngày càng khó tiếp nối.
“Tác chiến hợp nhất trên không-trên biển” chính là được đưa ra trong tình hình này, tấn công đối với các căn cứ tên lửa, căn cứ tàu ngầm, cộng với lực lượng đặc nhiệm tấn công trở thành trung tâm của chiến lược châu Á của Mỹ. Ở đây đã không còn “chỗ trống” để tiếp tục đưa vào các khái niệm khác như quyền tự vệ tập thể.
Mỹ vừa tăng cường triển khai máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-22 tại Nhật Bản |
Quan điểm của Mỹ được biểu lộ sâu sắc hơn, đó là sự thay đổi của chiến lược phòng thủ Đài Loan và bán đảo Triều Tiên của Mỹ. Quân Mỹ đã quyết định chấm dứt thực hiện chiến lược điều động lực lượng mặt đất khi bán đảo Triều Tiên và Đài Loan bị xâm lược.
Hay nói cách khác, buộc phải chấm dứt áp dụng chiến lược này. Trong môi trường quân sự mới hiện nay, Hàn Quốc và Đài Loan buộc phải dựa vào sức mạnh của mình để bảo vệ an ninh tự thân. Khi bán đảo Triều Tiên và Đài Loan xảy ra chiến sự, Mỹ cũng sẽ tấn công căn cứ tên lửa của Trung Quốc, nhưng sẽ không tham gia chiến đấu trên bộ. Những quan điểm như quyền tự vệ tập thể cũng không có chỗ trống tồn tại.
Nhật Bản cần thoát khỏi sự ràng buộc của “chủ nghĩa hòa bình”
Chiến lược châu Á-Viễn Đông của Mỹ thay đổi lớn, vị trí chiến lược của Okinawa giảm đi. Nhưng vấn đề là, Mỹ hầu như hoàn toàn không có ý định muốn trả lại căn cứ quân sự Okinawa cho Nhật Bản.
Trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng không ngừng giảm đi, để sử dụng có hiệu quả vốn ngân sách, các nhà lãnh đạo Quân đội Mỹ để cho các căn cứ quân Mỹ tại Nhật Bản đứng đầu là Okinawa gần như nằm trong trạng thái trống rỗng.
Cán bộ quân Mỹ có khi dựa vào đó chế nhạo Tư lệnh quân Mỹ đóng tại Nhật Bản và Okinawa, cho rằng họ là “nhân viên quản lý của ký túc xá trống rỗng”. Nhưng, mặc dù tầm quan trọng quân sự không còn tồn tại, căn cứ quân Mỹ Okinawa vẫn thuộc về Mỹ. Tình hình tiếp tục, chắc chắn gây ra phong trào chống căn cứ của người dân địa phương.
Đến căn cứ quân Mỹ ở Okinawa, sự sạch sẽ, hoàn thiện của các công trình tại đây gây kinh ngạc cho mọi người, tựa như quân Mỹ có thể quay trở lại nơi đây bất cứ lúc nào. Thực ra, đây là việc làm theo nhận thức quân sự thông thường, nhưng đối với người Nhật Bản không có tính toán đến vấn đề quân sự, thì có những người khó hiểu được, thái độ gay gắt của người dân tỉnh Okinawa cũng có thể tha thứ.
Bên trong căn cứ Okinawa |
Cần phải tính tới tình hình thực tế. Trung Quốc cho dù về quân sự hay về kinh tế, đều muốn lấy quần đảo Senkaku, đá Okinotori, thậm chí toàn bộ Okinawa làm của riêng. Gần 60 năm qua, Trung Quốc sở dĩ không tiến hành xâm lược đối với Nhật Bản, chính là do có “trở ngại quân sự” này của Mỹ.
Nếu chiến lược của Mỹ thay đổi, xác định rõ “không can thiệp vào tranh chấp khu vực và chiến tranh cục bộ”, thì Nhật Bản chỉ có thể một mình đối mặt với Trung Quốc.
Đài Loan, khu vực có lập trường như Nhật Bản, đã hoàn thành phát triển tên lửa tầm trung, một khi áp dụng các hành động quân sự, Đài Loan sẽ sử dụng tên lửa phá hủy đập lớn Tam Hiệp, Trung Quốc sẽ bị ngập lụt. Hàn Quốc trên thực tế cũng sở hữu vũ khí thông thường mạnh ngoài sự tưởng tượng. Chỉ cần không sở hữu vũ khí hạt nhân, CHDCND Triều Tiên sẽ bị Quân đội Hàn Quốc áp đảo.
Về chiến lược, Mỹ không còn cần Okinawa nữa, đối mặt với môi trường quân sự mới, Nhật Bản phải tự cường, sớm xác lập thể chế cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia.
Vị thế của Okinawa thay đổi có nghĩa là sự suy giảm tương đối của sức mạnh Mỹ và sự trỗi dậy tương đối của sức mạnh Trung Quốc.
Lập trường chiến lược về Okinawa thay đổi đã là thực tế không thể tranh cãi. Trong vấn đề an ninh quốc gia, từ trước đến nay, người Nhật bị ràng buộc bởi ý thức hệ chủ nghĩa hòa bình. Nhật Bản muốn bảo vệ đất nước, phải thoát khỏi ý thức hệ này, điều này e rằng là cơ hội cuối cùng đối với Nhật Bản.
Bên trong căn cứ Okinawa |