"Vựa thuốc Nam" bị thương lái phương Bắc tận diệt như thế nào?

01/08/2011 23:31
(GDVN) - Từng được mệnh danh là “vựa thuốc Nam” ở vùng Đông Bắc, nhưng sau những chiến dịch thu mua ào ạt của thương lái TQ, nguồn thuốc ở đây gần như cạn kiệt.

(GDVN) - Xã Bắc Lãng (Đình Lập - Lạng Sơn) từng được mệnh danh là “vựa thuốc Nam” ở vùng Đông Bắc nước ta. Thế nhưng, sau những chiến dịch thu mua ào ạt của thương lái Trung Quốc, nguồn thuốc gần như cạn kiệt.

>> Thương lái TQ vét cạn sản vật rừng, cả làng 20 năm ăn đong gạo

>> Nước mắt mặn chát nơi cửa khẩu do thương lái TQ ép giá

Những đợt thu mua thảo dược khổng lồ

"Thương lái Trung Quốc sang tận các nhà dân đặt hàng, thu mua ồ ạt khiến thảo dược ở xã Bắc Lãng không kịp mọc. Cả xã bỗng xuất hiện hàng chục ông chủ tư thương, rải khắp các thôn bản săn mua từ hàng tươi sống như rùa, rắn, thú, chim muông... cho đến cây thảo dược. Giờ đây, cây thuốc Nam đang gần như cạn kiệt tại nơi được mệnh danh là "vựa thuốc Nam" này", ông H, người một thời chuyên thu gom cây dược liệu cho thương lái Trung Quốc ở xã Bắc Lãng, bắt đầu câu chuyện.

Cây hoàng đằng là thực vật quý hiếm, thuộc nhóm IIA, cần phải bảo vệ (theo Nghị định 32/2006/NĐ – CP, quy định về quản lý động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm). Thế nhưng, chỉ vì cái lợi trước mắt do những thương lái TQ "giăng" ra, người dân xã Bắc Lãng nhà nhà đổ xô vào rừng tìm cây hoàng đằng để bán. 1 kg hoàng đằng khô bán được chỉ 4 đến 5 ngàn, đợt cao điểm năm 2009 đội giá lên 12 ngàn/kg. Đặc biệt, loại thảo dược này còn được thương lái thu mua cả thân lẫn rễ. Với cách tận thu này, chẳng mấy chốc, rừng ở Đình Lập - Lạng Sơn gần như không còn bóng dáng hoàng đằng.

a
Vỏ cây thuốc được Trung Quốc thu mua.

Nấm Lim là nấm mọc ở cánh rừng già có gỗ Lim. Đây là nấm độc, nhưng khi được rửa sạch bằng rượu rồi ngâm bằng rượu nồng độ cao lại là vị thuốc hữu hiệu, giải rượu, đặc biệt là chữa được bệnh ung thư, trung hòa chất độc bảo vệ gan, tăng tuổi thọ...

“Thương lái Trung Quốc thu mua nấm Lim với giá rất cao. Năm 2010, giá nấm Lim khoảng 250 ngàn/1kg đối với nấm gây trồng, còn nấm hoang dã khoảng 500 ngàn/kg. Khoảng 20 năm về trước, gỗ Lim còn thì nấm mọc nhiều. Mới đầu còn nhiều, giá cao, tôi phất lên nhanh chóng nhờ việc vào rừng hái nấm Lim. Có tiền rồi lại đánh bạc, biệt hiệu của tôi bấy giờ là không bao giờ cạn tiền”, ông H., kể lại.

"Cứ hết tiền là tôi lại lấy tiền của ông chủ Trung Quốc để đi lấy hàng. Nhưng càng về sau này nấm hiếm dần, thương lái Trung Quốc lại trả giá thất thường, sau vài vụ lỗ to vì tham gom hết hàng của cánh chủ khác ở đất Đình Lập, tôi đã nợ rất nhiều tiền của chủ Trung Quốc. Cố gắng đi “nhặt nhạnh” 3 năm mới đủ tiền trả, khi đó nấm cũng chẳng còn, đành trở về với bàn tay trắng”, ông H. nói.

"Hồi đó, cứ thấy họ đề nghị mua nấm Lim thì mình đi gom hàng, người dân lại vào rừng tìm về bán. Hầu như không ai quan tâm họ mua để làm gì. Tôi cũng có nghe mang máng là nấm Lim có thể chữa bệnh gì đó, nhưng cũng chẳng mấy khi để tâm. Giờ thì cạn kiệt rồi", ông H tiếc nuối.

a
Chỉ một số ít những cây thuốc quý còn lại trong vườn thuốc nam
của hội Đông y xã.

Khoảng những năm 2003, khi người Trung Quốc thu mua ào ạt cây khúc khắc, mã kích..., hầu hết người dân ở đây lại vác mai vào rừng để đào. Vì củ của dây thuốc này cắm rất sâu cho nên ở đâu có cây khúc khắc, mã kích là họ “lật tung rừng” lên để đào. Họ cứ đào, cứ bán, càng nhiều càng tốt miễn sao đổi ra tiền, đổi nhiều tiền là được. "Nó có sẵn trong rừng, nhiều lắm. Người Trung Quốc không mua thì mình cũng chẳng biết để làm gì cho hết cả", một người dân ở Bắc Lãng thật thà nói.

Khoảng 4 – 5 năm trở lại đây, cả xã lại nổi lên “cơn sốt” nấm chẹo. Cánh thương nhân từ các vùng Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn đi khắp các vùng Đông Bắc để săn lùng cây nấm này. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, công dụng tốt nhất của nấm chẹo là tăng khả năng thụ thai cho phụ nữ ở vùng khí hậu lạnh, khó sinh nở. Đặc biệt, loại nấm này chỉ mọc vào một khoảng thời gian tháng 3 – 4  và 8 – 9 âm lịch trong năm, chúng thối rữa rất nhanh, có khi vòng đời của chúng chỉ là nửa ngày.

Thời cao điểm năm 2009, giá mỗi cân tươi là 50.000 đến 60.000 đồng/kg, cân khô được 600.000 – 700.000 đồng. Cứ khoảng 6 cân tươi mới được 1 cân khô. Chính vì giá cao như vậy, người dân đã lùng sục khắp vùng đồi núi để “săn" nấm, có người kiếm được tiền triệu mỗi ngày nhờ bán nấm cho người Trung Quốc.

a
Ông Nông Vĩnh Bảo, phó Chủ tịch xã Bắc Lãng cho biết, rất khó
quản lý tình trạng thương nhân mua cây thuốc nam.

Có nói chuyện với người dân Bắc Lãng mới biết, thương lái Trung Quốc còn thu mua các lại cây thuốc như cát sâm, ba kích, kê huyết đằng, thổ phục linh, đỗ trọng nam, hoàng đằng,... nhiều năm ròng rã. Hầu hết những cây thuốc này đều được thu mua vỏ, củ, thân cây, dây, có loại họ mua cả gốc lẫn rễ như cây chân chim.

“Cây hoàng đằng, cây chân chim, cây nấm lim... là những loại thương nhân Trung Quốc rất ưa chuộng và khuyến khích người dân lấy về bán. Hồi đó, tôi hay mua của những người ở trong thôn. Mỗi xã có mấy chủ nhỏ gom hàng cho thương lái Trung Quốc như tôi. Sau đó, có những người tiếp tục gom hàng cho các chủ ở trong huyện, trong tỉnh.

Đa số họ đến đặt cọc tiền hàng hậu hĩ. Cánh lái thương này chủ yếu là người Việt, mua hàng cho các ông chủ ở các vùng “đầu nậu” như huyện Bình Liêu, Tiên Yên (Quảng Ninh). Cũng có nguồn hàng được đưa đến các ông chủ lớn ở Sơn Động (Bắc Giang)... Đây là điểm tập kết quy mô lớn để đưa hàng qua biên giới bán cho Trung Quốc”, ông Lý Văn Th. - thôn Khe Cảy, trước hay thu mua các loại mặt hàng này cho biết.

Mưu sinh... tận diệt thảo dược

Ông Nông Vĩnh Bảo, Phó chủ tịch xã Bắc Lãng thừa nhận, để ngăn chặn tình trạng "chảy máu" thảo dược là vấn đề hết sức khó khăn.

Ông Bảo chua xót: “Do nhận thức của người dân còn kém, cuộc sống khó khăn. Cả xã có 11 thôn nhưng có đến 3 thôn là 100% hộ nghèo, tỉ lệ nghèo chung của xã là 77%. Gánh nặng đói nghèo buộc người dân phải vào rừng kiếm cây cỏ, cây thuốc bán cho tư thương kiếm tiền mưu sinh”.

“Ở nơi rừng rú này, nếu không lên rừng săn bắn con chim, con thú, không hái lượm cây thảo dược đem bán thì làm sao có tiền để mua cân gạo, cân muối chứ chú?”, ông Lý Văn Tựu, trưởng thôn Khe Phạ, xã Bắc Lãng than thở. Được biết Khe Phạ là thôn có 100% hộ nghèo, hầu hết miếng cơm, manh áo người dân có được là nhờ những sản vật rừng núi.

a
Cây thuốc 7 lá 1 hoa gần như tuyệt chủng ở vùng Đông Bắc.

Trung tâm tư vấn, quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) từng đến khảo sát tình hình cây dược liệu tại địa bàn xã Bắc Lãng và đã đưa “cảnh báo” về sự cạn kiệt nguồn thuốc Nam nơi đây.

Ông Lã Văn Lợi, trưởng hội Đông y xã Bắc Lãng tiếc nuối: “Những cây có thể chữa các bệnh như bệnh thấp khớp, đau thần kinh tọa, dạ dày như hoàng đằng, hoàng tinh, cây dây na rừng, cây lá khuôi giờ gần như sắp tuyệt chủng. Khó tìm nhất là loại vỏ 7 lá 1 hoa, những cây đăng sâm, kê huyết đơn, xuyên khung... dường như đã tuyệt chủng ở vùng núi Đông Bắc. Hiện nay, xã đã bảo vệ được những cây hoàng tinh, dây na rừng, nhưng chỉ được trồng tự nhiên, không có phương tiện kỹ thuật để nhân giống.

“Một cây thuốc Nam phải kết hợp với một số loại khác mới có thể tạo thành vị thuốc hoàn chỉnh, ví dụ: Chữa bệnh viêm xoang cần đến 10 loại cây thuốc, nhưng giờ hầu như không thể kiếm đủ các vị thuốc này nữa”, thầy thuốc Hà Thị Lỵ trăn trở với những bài thuốc đang mất dần vì không kiếm được đủ vị.

a
Chỉ còn số ít những cây thuốc quý được lưu giữ ở vườn các thầy
thuốc.
 

Hiện Hội đông y ở xã Bắc Lãng đã sưu tầm được hơn 800 loại thuốc với 3 khu bảo tồn thuốc Nam: vườn Pha Luông của đội Khe Cảy (15 ha), Khe Phước của đội Khe Mò (20 ha), Quán Thàng của đội Khe Váp (15 ha), hơn 1 sào gần Trạm y tế xã, hai vườn thuốc gia đình, vườn thuốc của ông Lợi và ông Đặng Minh Tài. Đây là những con số rất khiêm tốn so với nguồn thuốc Nam chưa được bảo tồn, hoặc đã tuyệt chủng.

“Trung Quốc thu mua rất bài bản. Không phải cái gì họ cũng mua đâu, họ nhìn thấy trước những cây thảo dược khi cạn kiệt thì nguồn nhiên liệu cho thuốc sẽ hiếm, giá cả đắt đỏ, khi đó họ lại bán dược phẩm sang Việt Nam. Họ thu mua trực tiếp trong dân nên giá rất rẻ. Thậm chí hiện nay, người Trung Quốc còn sang tận Việt Nam để mở các phòng khám chữa bệnh Đông y, trong khi người Việt Nam cũng khó cạnh tranh được. Chúng đã thu mua cạn kiệt nguyên liệu thì làm sao những bài thuốc Đông y của Việt Nam còn đủ vị?", thầy thuốc Hoàng Dư Quý, thôn Khe Mò “bắt mạch” ý đồ thu mua thảo dược nham hiểm của thương lái Trung Quốc.

Theo kết quả điều tra cơ bản về cây thuốc ở Cao Bằng, từ năm 1969 - 1973 có trên 617 cây thuốc thuộc 211 họ thực vật đã được phát hiện và đưa vào sử dụng.

Trong đó có nhiều loại cây thuốc quý đạt tiêu chuẩn về hàm lượng, công dụng y học và có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thay vì được sử dụng để chữa bệnh cho người dân, rất nhiều loại cây thuốc quý đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bởi tình trạng khai thác tràn lan, rồi xuất khẩu qua biên giới.   

Bài và ảnh: Hoàng Thế Tào

Tin bài liên quan:

>> TS.Nguyễn Minh Phong bày chiêu đối phó “bẫy” thu mua của TQ

>> Bà Phạm Chi Lan “bắt mạch” những “ngón đòn hiểm ác” của thương lái TQ

>> 10 "ngón đòn hiểm ác" của thương lái TQ: Điêu đứng "độc chiêu" phá giá

>> 10 "ngón đòn hiểm ác" của thương lái TQ khiến dân Việt Nam điêu đứng

>> 10 "ngón đòn hiểm ác" của thương lái TQ: Hành động nhỏ, “dụng ý” lớn?

>> Thương lái nước ngoài không được trực tiếp thu mua nông sản

alt