Hậu tin đồn sữa có đỉa:

Có hay không sự cạnh tranh thiếu lành mạnh ở một số ít DN sữa?

18/10/2012 07:12
Độc giả Vũ Tiến Phong
(GDVN) - "Bên cạnh việc cần phải có cơ chế xử phạt thật nặng những người tung tin đồn nhảm, tôi cũng mong muốn, các cơ quan chức năng điều tra, xem xét, các tin đồn thất thiệt trong thời gian qua có phải xuất phát chính từ sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số ít doanh nghiệp sữa?", độc giả Vũ Tiến Phong bày tỏ.
Liên tục trong thời gian gần đây những tin đồn thất thiệt về đỉa có trong sữa, bim bim, trứng... đã gây ra sự hoang mang đối với người tiêu dùng, đồng thời thiệt hại cho doanh nghiệp. 

Trước các ảnh hưởng của những thông tin thất thiệt này, tòa soạn đã nhận được rất nhiều những ý kiến, phản hồi của độc giả.
Một trong những ý kiến đó là của độc giả Vũ Tiến Phong (Hoàng Mai, Hà Nội). Mời độc giả cùng theo dõi:
Có thể thấy rõ ràng, hiện nay những tin đồn thất thiệt về chất lượng các sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe ngày càng nhiều và luôn có hiệu ứng lan tỏa rất mạnh, khiến người tiêu dùng hoang mang, lo sợ. Mới đây nhất những tin đồn thất thiệt về đỉa có trong sữa hay trong một số sản phẩm khác là một minh chứng rõ ràng cho câu chuyện này. 
ảnh minh họa (nguồn Internet)
ảnh minh họa (nguồn Internet)

Tuy không phải là một chuyên gia, nhưng từ sự lan tỏa nhanh chóng của một tin đồn không hề có dẫn chứng cụ thể, không hề có các căn cứ khoa học, tôi thấy rõ sự ảnh hưởng của vấn đề này đến việc sử dụng các sản phẩm của người tiêu dùng, việc tiêu thụ, sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp và hơn thế là sự ổn định của nền kinh tế nói. Đứng trên góc độ người tiêu dùng nhìn vào trước hết là tin đồn sữa có đỉa, đã khiến cho một bộ phận người tiêu dùng, khi chưa được tiếp cận những thông tin chính thống, kiểm chứng từ các cơ quan chức năng, nhà khoa học, sự hoang mang, lo lắng. Thậm chí, ở một số địa phương, người tiêu dùng còn quan ngại tới mức không dám sử dụng bất cứ sản phẩm nào. Việc từ các tin đồn thất thiệt không dám sử dụng sữa đã gây ra những thiệt hại cho quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với trẻ em, nhóm đối tượng đang cần uống sữa để đảm bảo sự phát triển toàn diện... Đối với doanh nghiệp, thì tôi cũng không cần phải nói lại nhiều khi mà thực tế đã cho thấy, những tin đồn thất thiệt này sẽ gây những ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản phẩm sẽ không bán được. Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng một phần nhưng những người nông dân chăn nuôi bò sữa của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn do khâu tiêu thụ bị hạn chế... Sự lan tỏa, ảnh hưởng của tin đồn đã rõ ràng, nhưng mấu chốt vấn đề đặt ra ở đây mà dư luận xã hội quan tâm trong lúc này, đó là việc các cơ quan chức năng cần vào cuộc và sớm điều tra, xác định nguồn gốc của tin đồn này. Việc tung tin đồn thất thiệt gây nguy hại cho nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội như vậy thể hiện sự nguy hiểm, hay nói cách khác là sự phá hoại, vu khống nhằm đạt những mục đích xấu. Vì thế, việc cần phải có những chế tài, biện pháp xử lý đủ mạnh, mang tính răn đe cao đối với những đối tượng có hành vi cố tình tung tin đồn ác ý này là rất cần thiết.  Tuy nhiên, từ thực tế, tôi cũng thấy một điều rằng, các tin đồn chưa có dẫn chứng, bằng chứng cụ thể có thể còn thể hiện lên sự tiêu cực ở sự cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Nói cách khác, không loại trừ khả năng, việc xuất hiện những tin đồn thất thiệt này chính xuất phát từ sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của số ít các doanh nghiệp cùng kinh doanh trên thị trường. Vì thị trường, vì lợi nhuận, họ sẵn sàng "tung ra" những chiêu trò, nhằm phá hoại thương hiệu của các doanh nghiệp khác. Thực tế, kiểu làm ăn chộp giật như vậy đã từng xuất hiện nhiều lần và báo chí đã từng không ít lần lên tiếng phản ánh, phê phán. Quay trở lại, tin đồn sữa có đỉa ở đây, tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng điều tra, xem xét xem ở đây, có hay không việc các tin đồn này xuất phát từ động cơ xấu, nhằm trục lợi từ một số ít các doanh nghiệp vì động cơ xấu, trục lợi. Nếu có vấn đề như vậy, thì đây sẽ là mối nguy hại rất lớn và cần phải được xử lý nghiêm khắc, triệt để, mang tính răn đe cao, tránh ảnh hưởng đến cả nền kinh tế...

Trước đó, khi trao đổi với PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Khắc Tích, chuyên gia về ngành bò sữa cũng đề cập đến việc có khả năng, các tin đồn thất thiệt liên quan đến sữa này xuất phát từ chính sự cạnh tranh thiếu lành mạnh:

"Các tin đồn chưa có dẫn chứng, bằng chứng cụ thể như vụ việc đỉa trong sữa Mộc Châu này thể hiện sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, sự tiêu cực trong nền kinh tế thị trường. 

Đứng về phía doanh nghiệp sản xuất, nó sẽ gây những ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản phẩm sẽ không bán được. Khi đó thì những người nông dân chăn nuôi bò sữa của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng rất lớn do khâu tiêu thụ bị hạn chế. 

Còn chắc chắn những tin đồn kiểu như thế sẽ gây hoang mang, lo lắng đối với người tiêu dùng nói chung nên sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm việc tung tin đồn thất thiệt này là rất quan trọng"

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi! 

Độc giả Vũ Tiến Phong