Lẩu cháo
Những ngày chớm thu, trời se lạnh, ăn lẩu cháo là cái thú của nhiều thực khách.
Lẩu cháo là món ăn có xuất xứ từ Quảng Châu - Trung Quốc. Món này không cầu kì như lẩu nhưng cũng không quá đơn giản như cháo.
Khi ăn lẩu cháo các bạn sẽ thấy hương vị đặc trưng của lẩu Trung Quốc. Bởi trong nguyên liệu của lẩu cháo có nấm Đông Cô, thảo quả, hạt ý dĩ, hải sâm, táo tàu, ngân nhĩ, sâm non, những thứ này hầu hết là những nguyên liệu phổ biến ở Trung Quốc.
Ở Quảng Châu thì hạt gạo cháo là loại gạo tẻ thường, hạt dài và trắng muốt. Lẩu cháo Hà Nội, nhà hàng lại dùng hạt gạo lứt còn nguyên cám, nhè nhẹ màu nâu đỏ. Nấu gạo này phải ngâm vài ba chục phút cho gạo mềm ra rồi mới bỏ vào ninh nhỏ lửa. Như thế gạo mới thật nở bung, thật nhừ và thơm.
Rau của lẩu cháo thì vô cùng đa dạng: cải cúc, cải thảo, rau muống, cải xanh, rau cần, ngải cứu, thậm chí cả rau mùng tơi hay giá đỗ đều ngon. Nhưng ngon và hợp nhất thì phải là ngải cứu nếp, lá nhỏ, nhiều ngọn, có phủ một lớp phấn trắng nhẹ. Nhúng trong nước lẩu cho lá ngải mềm ra là dùng được ngay, ăn thật chậm để thưởng thức kỹ cái vị tê và ngọt nhè nhẹ, thơm ngai ngái của lá ngải cứu non.
Thịt gà dùng trong lẩu cháo đúng kiểu phải là gà ác, nhỏ con, thịt mềm và ngọt đậm.
Bạn có thể gọi thêm một đĩa gỏi cuốn tôm thịt hoặc một đĩa thịt nướng chấm tương lạc man mát để ăn trước trong lúc chờ nồi lẩu sôi.
Lẩu cháo sẽ là một bữa đủ chất nhưng nhẹ bụng, dễ ăn cho cả gia đình bạn.
Lẩu hoa
Có nhiều món ăn được chế biến từ các loại hoa như: bông bí, bông điên điển, bông lục bình, bông hẹ, bông lẻ bạn, bông mướp, bông sầu đâu, bông so đũa, bông sen, bông súng, bông thiên lý, hoa chuối… Các loại hoa này sẽ làm cho món lẩu thêm ngọt, thơm, có vị rất lạ.
Có hàng chục loại lẩu hoa khác nhau ăn vào các mùa như:
Lẩu mắm bông điên điển. Loại hoa dân dã, bình dị này ăn cùng với lẩu mắm thì ngon tuyệt
Thêm vào nồi lẩu mắm là vài bông súng. Hoa súng chỉ ăn phần thân, nhưng khi dọn món ăn, người ta thường dùng nó để trang trí.
Hoa điên điển giòn giòn, ngòn ngọt, đăng đắng. Hoa lục bình xôm xốp, nồng nồng. Bắp chuối trộn ghém chua ngọt thơm mùi rau răm. Các loại rau khác, mỗi loại mỗi hương vị khác nhau.
Bỏ một miếng bún trắng ngần vào bát, gắp các loại rau vào. Bỏ thêm một miếng cá ba sa thơm lừng. Rồi thì cà tím, đậu bắp, nấm rơm.... Cắn miếng ớt đỏ cay xè, vừa chảy nước mắt, vừa xuýt xoa thấy mọi hương vị đậm đà thấm vào đầu lưỡi.
Lẩu hoa so đũa: Khi gió chướng thổi trên những cánh đồng, so đũa bắt đầu ra hoa. Lẩu chua hoa so đũa cũng là món ăn được nhiều người yêu thích.
Lẩu thập cẩm hoa thiên lý: Hoa thiên lý, hoa mướp, hoa bí đỏ làm nên vị ngọt mát của nồi lẩu.
Lẩu hoa thiên lý là món lẩu đầy đủ chất dinh dưỡng, có tác dụng giải nhiệt và bồi bổ cơ thể rất hiệu nghiệm. Món này thường ăn kèm với nhiều loại hoa nguyên liệu khác nhau tùy sở thích.
Lẩu nấm
Trong món lẩu này, người ta dùng từ những giống nấm quen thuộc như nấm rơm, đông cô, bào ngư, nấm mỡ cho đến những loại nấm mới như nấm đùi gà, nấm kim chi, nấm bao tử, nấm kim châm, nấm bào ngư vàng…
Hiện nay nhiều nhà hàng có bán món lẩu nấm tổng hợp. Lẩu nấm được ăn chung với thịt heo, gà, bò hoặc hải sản để tăng thêm hương vị. Ăn lẩu nấm ngon mà nhẹ bụng.
Theo aFamily