Báo Mỹ: Nếu đánh chiếm được Senkaku, TQ sẽ lấn tới ở Biển Đông

31/10/2012 06:11
Đông Bình (nguồn The Wall Street Journal)
(GDVN) - “Nếu Trung Quốc chiếm được ưu thế trong tranh chấp đảo Senkaku, họ sẽ chiếm được lợi thế trong tranh chấp lãnh thổ khác (biển Đông)…”.
Hạm đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc
Hạm đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc

Ngày 28/10, trang mạng “Nhật báo phố Wall” Mỹ đã đăng bài viết của tác giả M. Taylor Fravell, giáo sư khoa học chính trị, thành viên của Chương trình Nghiên cứu An ninh tại MIT.

Bài viết cho rằng, tình hình bế tắc trong tranh chấp đảo Senkaku giữa Trung-Nhật vẫn còn kéo dài. Nhưng, sự đối đầu hiện nay nguy hiểm hơn suy nghĩ thông thường của dư luận. Những hành động trong tranh chấp lãnh thổ trước đây của Trung Quốc giải thích tại sao tình hình bế tắc trong vấn đề đảo Senkaku đều có thể bùng phát xung đột bất cứ lúc nào.

Từ năm 1949 đến nay, Trung Quốc đã cuốn vào 23 cuộc tranh chấp lãnh thổ trên đất liền và trên biển với các nước láng giềng, trong đó có 17 cuộc tranh chấp được giải quyết nhờ hai bên đạt được các thỏa thuận. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không chỉ một lần sử dụng vũ lực trong 6 cuộc tranh chấp. Những tranh chấp này tương tự với cục diện bế tắc đảo Senkaku hiện nay.

Trước hết, Trung Quốc thường chỉ sử dụng vũ lực khi xảy ra tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng có thực lực quân sự nhất. Những tranh chấp này gồm các cuộc chiến tranh hoặc xung đột, đụng độ lớn với Ấn Độ, Nga và Việt Nam.

Những nước này có khả năng lớn nhất trong việc ngăn chặn tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Trong tranh chấp với các nước yếu hơn như Mông Cổ hay Nepal, Bắc Kinh đã tránh sử dụng vũ lực, bởi vì họ có khả năng tiến hành đàm phán trên thế mạnh với các nước này.

Hiện nay, chỉ có Nhật Bản, quốc gia có Lực lượng Phòng vệ Biển hiện đại hóa và Lực lượng Bảo vệ bờ biển lớn, là nước láng giềng trên biển mạnh nhất của Trung Quốc.

Biên đội tàu chiến, tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Biên đội tàu chiến, tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Thứ hai, Trung Quốc sử dụng vũ lực nhiều nhất trong các trường hợp tranh chấp đảo đá xa bờ, tương tự như đảo Senkaku. Trong tranh chấp biển đảo, tỷ lệ Trung Quốc sử dụng vũ lực cao hơn tỷ lệ sử dụng vũ lực trong tranh chấp biên giới trên đất liền.

Biển đảo được cho là có giá trị chiến lược, quân sự và kinh tế lớn hơn nhiều, bởi vì nó ảnh hưởng đến an ninh hàng hải, hơn nữa có thể tàng trữ rất nhiều dầu khí và nguồn lợi thủy sản.

Thứ ba, Trung Quốc chủ yếu sử dụng vũ lực trong tranh chấp các lãnh thổ mà họ không ngay lập tức chiếm hữu hoặc chiếm hữu rất ít để tăng cường vị thế của họ. Chẳng hạn, năm 1988, Trung Quốc gây chiến ở quần đảo Trường Sa, đánh chiếm các đảo đá tại đây. Họ luôn tuyên bố chủ quyền một cách vô lý đối với tất cả các hòn đảo trên biển Đông và các vùng biển lân cận, trong đó có cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra).

Khi Trung Quốc đã chiếm được phần lãnh thổ có tranh chấp, chẳng hạn trong tranh chấp với Kazakhstan, thì họ sẽ ở vào vị thế mặc cả có lợi, vì vậy không có nhiều lý do để sử dụng vũ lực nữa. Nhưng, ở biển Hoa Đông, bất cứ hòn đảo nào trong nhóm đảo Senkaku hiện đều không do Trung Quốc kiểm soát, mà nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản.

Hải quân Trung Quốc đẩy mạnh chế tạo tàu đổ bộ cỡ lớn và tăng cường diễn tập đổ bộ đoạt đảo đá
Hải quân Trung Quốc đẩy mạnh chế tạo tàu đổ bộ cỡ lớn và tăng cường diễn tập đổ bộ đoạt đảo đá

Thứ tư, điều quan trọng nhất là, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ khi xảy ra bất ổn trong chính quyền, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy có động lực lớn hơn để giải quyết. Họ tin rằng, phe đối lập sẽ tận dụng khủng hoảng ở trong nước, tăng cường chống đối chính quyền, trong khi đó nếu chính quyền phản ứng yếu ớt sẽ làm tăng sự bất mãn phổ biến.

Hiện nay, đối với Trung Quốc, những động thái của Nhật Bản ở đảo Senkaku xem ra là thử tận dụng những khó khăn của Trung Quốc. Tình hình bế tắc hiện nay bắt đầu từ tháng 4/2012. Khi đó, thị trưởng Tokyo là Shintaro Ishihara đã tuyên bố có kế hoạch mua 3 hòn đảo từ tay tư nhân người Nhật.

Tuyên bố này đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh tạm ngưng các chức vụ của Ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai – một sự biến động được cho là lớn nhất trong nền chính trị Trung Quốc hơn hai thập kỷ qua.

Do kinh tế tăng trưởng chậm lại vượt dự kiến, một việc mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng lo ngại, thái độ ngoại giao của Trung Quốc đã trở nên cứng rắn.

Tàu khu trục Hạm đội Nam Hải diễn tập chống tàu ngầm ở biển Đông
Tàu khu trục Hạm đội Nam Hải diễn tập chống tàu ngầm ở biển Đông

Thứ năm, một nhân tố gây bất ổn cuối cùng trong cục diện bế tắc đảo Senkaku là, hai bên Trung Quốc và Nhật Bản đều cuốn vào tranh chấp các hòn đảo khác.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak gần đây trở thành vị Tổng thống đầu tiên thị sát đảo Dokdo (Nhật gọi là Takeshima) có tranh chấp. Hòn đảo này đang nằm dưới sự kiểm soát của Hàn Quốc, nhưng Nhật Bản tuyên bố có chủ quyền đối với nó.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã và đang cố gắng tạo ra tranh chấp chủ quyền ở biển Đông với Việt Nam và Philippines. Tokyo và Bắc Kinh có thể đều phán đoán, ai chiếm được ưu thế ở quần đảo Senkaku, người đó sẽ có khả năng chiếm lợi thế trong các tranh chấp khác.

Lịch sử không phải là định mệnh. Trung Quốc chưa trực tiếp sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ hơn 20 năm qua. Có thể tránh được leo tháng ở quần đảo Senkaku. Nhưng, tình hình hiện nay vô cùng nguy hiểm. Nếu tàu thuyền bất cứ bên nào của Trung Quốc và Nhật Bản rơi vào một sự cố nghiêm trọng thì rất có thể sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng thực sự không thể dự báo được kết quả.

Hải quân Trung Quốc diễn tập trên biển
Hải quân Trung Quốc diễn tập trên biển
Đông Bình (nguồn The Wall Street Journal)