Khi phong trào du học bắt đầu phát triển vào những năm 1997-1998, Anh, Pháp, Mỹ là những quốc gia được du học sinh Việt Nam lựa chọn nhiều nhất. Thế nhưng hiện nay, thị trường du học đã thay đổi nhiều với những cái tên Úc, NewZealand, Anh, Mỹ, Singapore, Thụy Sĩ.
Nung nấu
Từ khi con lọt lòng - gia đình chị Nguyễn Thị Vân Khanh (Tây Hồ, Hà Nội) đã nung nấu ý định cho con đi du học. Càng tìm hiểu về du học, chị càng băn khoăn, không biết chọn cho con đi đâu, học như thế nào...
“Tham khảo nhiều ý kiến bạn bè và tìm hiểu các nguồn thông tin, hiện vợ chồng mình đang nghiêng về ý định cho con đi Singapore. Về địa lý, khoảng cách Singapore - Việt Nam không quá xa, tiện cho việc đi lại, thăm nom. Về chất lượng, hệ thống giáo dục Singapore cũng nổi tiếng với môi trường học thuận lợi, bằng cấp có giá trị trên toàn cầu. Hơn nữa, chi phí sinh hoạt ở Sing cũng không quá đắt đỏ, an ninh tốt…” – là những lý do thuyết phục cả hai vợ chồng chị.
Còn Nguyễn Hồng Anh (cựu HS Trường THPT Lương Thế Vinh) mơ du học ở Mỹ từ hồi cấp 3. Vì điều kiện gia đình không cho phép, Hồng Anh quyết định chuyển hướng sang Singapore với những yêu cầu, đòi hỏi dễ dàng hơn. Cô xác định đây là “đường vòng” giúp cô sang Mỹ học.
Miệt mài ôn luyện tiếng Anh, lê la khắp các diễn đàn, hỏi thăm bạn bè quen biết, tìm tại liệu… cuối cùng Hồng Anh cũng thành công khi hồ sơ vào trường SMU (ĐH Quản lý Singapore) của cô được chấp nhận. Năm 2011, Hồng Anh lên đường đi du học trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, người thân.
“Mình vẫn phải vay nợ chính phủ họ, chịu ràng buộc phải làm việc cho một công ty của Singapore trong vòng 3 năm sau tốt nghiệp, nhưng mình chấp nhận điều đó” – Hồng Anh tâm sự.
Đại diện trung tâm Toán và khoa học Hexagon – thầy Phạm Văn Thuận nhận định, Singapore đã thành công trong việc thu hút tài năng trẻ ở các nước châu Á đến học tập nhờ có hai yếu tố chính: Chất lượng ĐH công lập, ưu đãi học phí và học bổng của chính phủ Singapore. Nhờ đó, Singapore đã thu hút được “nguyên khí” của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Singapore bắt đầu tuyển sinh ở Việt Nam từ quãng năm 2000, tăng mạnh đến năm 2008 và duy trì đến nay. Hiện chính sách giáo dục của Sing có phần thắt chặt hơn do những yếu tố chính trị, kinh tế trong nước, nhưng vẫn khá rộng rãi so với nhiều nước như Anh, Mỹ, Nhật… Bởi vậy, du học Singapore vẫn được phụ huynh Việt Nam quan tâm.
Thị trường dịch chuyển
Hiện nay tại nhiều trường phổ thông ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, phong trào du học, trong đó có du học Singapore cũng ngày càng phát triển mạnh.
Theo Hoàng Thị Kim Hậu Phúc – phó Bí thư Chi đoàn Trường THPT Chu Văn An (2011 - 2012), xu hướng đi du học của học sinh trong trường không còn xa lạ nữa. Tùy điều kiện, khả năng của mỗi HS mà các em lựa chọn những điểm đến khác nhau, trong đó Singapore, Anh, Mỹ, Pháp, Nhật là những lựa chọn phổ biến.
“Hầu hết các bạn có ý định du học là do tự bản thân cảm thấy muốn đi. Các bạn hết sức nỗ lực để đạt được điều đó bằng cách đầu tư học tiếng, tham gia các hoạt động xã hội chuẩn bị hồ sơ du học. Có người còn phải vừa ôn luyện dành học bổng, vừa phải lo thi ĐH vì bố mẹ chỉ đồng ý cho đi du học, với điều kiện phải chứng minh mình học được bằng cách đỗ ĐH trong nước” – Hậu Phúc cho biết.
Để tạo điều kiện cho học sinh trong trường có thể tìm được các suất học bổng giá trị, thực hiện ước mơ đi học, Trường Chu Văn An thường xuyên tổ chức các phong trào tình nguyện, các hoạt động ngoại khóa phát triển sôi nổi, rộng rãi.
“Mới đây trường thành lập CLB Quốc tế, giúp tư vấn du học cho các học sinh trong trường. Ngoài ra, CLB còn mang đến cho HS cơ hội tiếp xúc, giao lưu với các đoàn khách nước ngoài, giúp các bạn có cơ hội tiếp cận với các học bổng…” - Hậu Phúc chia sẻ.
Nhờ những sự trợ giúp như vậy, rất nhiều học sinh đã có thể sớm chạm tay vào giấc mơ du học, là bước khởi đầu thuận lợi cho tương lai của các em.
Gian nan đuổi theo giấc mơ
Thầy Phạm Văn Thuận chụp ảnh kỷ niệm cùng học trò của trung tâm |
Với học sinh Việt tha thiết muốn đi du học Singapore thì hầu hết các em phải cân nhắc việc ôn luyện thi như thế nào. Có em tự tìm tài liệu trên mạng, mượn bạn bè sách vở, tài liệu. Có em kỳ công nhờ những người đi trước gửi tài liệu từ Singapore về cho mình học. Phổ biến hơn cả là tìm một trung tâm luyện thi phù hợp với điều kiện tài chính và khả năng của bản thân.
Nhiều năm làm việc với các học sinh Việt Nam khao khát du học tại Sing, thầy Phạm Văn Thuận (Trung tâm toán và khoa học Hexagon) cho rằng, học sinh ở thành phố thường được tiếp cận với thông tin du học sớm, có sự chuẩn bị từ hai đến ba năm nên số thành công lớn hơn.
Thầy Thuận nhận định: “Singapore tuyển lựa nhân tài nhận học bổng theo học trung học hoặc đại học chủ yếu qua các bài thi viết (toán, lý, hóa, khoa học, tiếng Anh), phỏng vấn. Đề thi của họ thường có nội dung rộng, không nặng về tính toán, ít mẹo mực. Ví dụ, đề thi Vật lý của kỳ thi tuyển sinh đại học Việt Nam chỉ tập trung vào lớp 12, các câu hỏi thường dùng công cụ toán học nhiều, nên nặng về tính toán. Đề thi Vật lý của Singapore thì phủ rộng từ lớp 10 đến lớp 12, các câu hỏi trực tiếp hơn. Phản hồi chúng tôi thu được từ học sinh (giỏi) là các em thấy hứng thú hơn với chương trình, đề thi của Singapore”
Giúp nhiều học trò bứt phá, dành được các học bổng du học giá trị ở Sing, thầy Thuận cho rằng, việc luyện thi để dành được học bổng của Singapore cần có sự chuẩn bị đúng cách theo từng bậc học.
“Ở kỳ thi học bổng ASEAN, A*STAR, thường là những em học sinh giỏi tham gia, có tư chất và định hướng mục tiêu học tập rõ ràng. Vì vậy, việc ôn thi không quá áp lực. Nội dung chủ yếu tập trung vào những khác biệt nội dung chương trình toán giữa hai nước, tốc độ làm bài thi toán học (không sử dụng máy tính), kỹ năng tư duy bằng tiếng Anh, xây dựng vốn từ vựng theo chủ đề, phân loại và xử lý những lỗi thường gặp, kỹ năng trả lời phỏng vấn. Những em có tư chất tốt thường thích nghi rất nhanh với những yêu cầu như vậy” – thầy Thuận chia sẻ.
Còn nữa
Theo Vietnamnet