Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Thống đốc Bình nhận lỗi trong quản lý thị trường vàng

31/10/2012 12:02
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Về nội dung quản lý thị trường vàng, tôi thay mặt NHNN nhận trách nhiệm về việc không làm tốt công tác thông tin, truyền thông để phổ biến kịp thời về chủ trương, chính sách của Nhà nước trong quản lý thị trường vàng. Do vậy, còn có nhiều thông tin chưa đầy đủ và chính xác gây nên những cách hiểu không đúng dẫn đến bất ổn trên thị trường".
Tiếp tục phiên thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; kế hoạch năm 2013, sáng 31/10, đã có nhiều ý kiến về giá vàng, giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu, vấn đề tiền lương và tình hình thủy điện Sông Tranh 2...

“Phải tập trung giải cứu doanh nghiệp như giải cứu mình”
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Đoàn Đại biểu tỉnh Tây Ninh) phát biểu về cách thức Quốc hội xem xét quyết định các mục tiêu, nhiệm vụ hàng năm, các chỉ tiêu kinh tế cơ bản: “Hàng năm, Chính phủ trình các mục tiêu tổng quát trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện của năm trước đồng thời là các chỉ tiêu cơ bản trong đó quan trọng là chỉ tiêu tăng trưởng và mức lạm phát…

Nhiều đại biểu cho rằng, nhiều năm nay các chỉ tiêu này đã không đạt được như chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Như vậy thì phải xem xét lại tại sao lại có trường hợp này. Vậy có phải các chỉ tiêu chúng ta đưa ra thiếu căn cứ và không được phân tích thấu đáo mang tính chủ quan hay các chỉ tiêu đưa ra không được dự báo, nắm bắt được các yếu tố đóng góp vào trong mức tăng trưởng và thiếu chính xác nên các chính sách, giải pháp đưa ra chưa đúng hay đã đúng mà quá trình áp dụng thì chưa đúng nên gây ra những tác động tiêu cực…”.
 
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn Đại biểu tỉnh An Giang) (Ảnh: qdnd)
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn Đại biểu tỉnh An Giang) (Ảnh: qdnd)

Để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mỗ và kiềm chế lạm phát và thực hiện kế hoạch năm 2013, Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn Đại biểu tỉnh An Giang) phát biểu: “Các ngân hàng tập trung vào giải cứu các doanh nghiệp như giải cứu mình nên các ngân hàng phải xem xét tiếp tục cho vay, tiếp tục thanh nợ. Không nên vì quá lo lắng về nợ xấu mà trong quá trình cải tổ mà thu hẹp nguồn vốn của doanh nghiệp...”.  

Trước nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề vàng, nợ xấu và hàng tồn kho, phát biểu lần thứ hai tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, một lần nữa khẳng định: “Việc giải quyết vấn đề hàng tồn kho là cực kỳ quan trọng. Đặc biệt hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản. Và chính việc giải quyết hàng tồn kho sẽ góp phần xử lý nợ xấu”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát biểu: “Về nội dung quản lý thị trường vàng, tôi thay mặt NHNN nhận trách nhiệm về việc không làm tốt công tác thông tin, truyền thông để phổ biến kịp thời về chủ trương, chính sách của Nhà nước trong quản lý thị trường vàng. Do vậy, còn có nhiều thông tin chưa đầy đủ và chính xác gây nên những cái hiểu không đúng và bất ổn trên thị trường".

Theo ông Bình, thời gian qua, do bất ổn kinh tế thế giới và trong nước, giá vàng thế giới tăng cao và giá vàng trong nước có nhiều biến động hết sức thất thường. Do vậy, tình trạng đô la hóa, vàng hóa của nền kinh tế đã được đẩy lên rất cao. Theo đánh giá sơ bộ ban đầu, nền kinh tế của nước ta có khoảng 300 tấn - 400 tấn vàng, tương đương khoảng 15 tỷ - 20 tỷ USD đã không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà bị "chôn" chặt vào vàng. Mỗi khi giá vàng biến động đã làm ảnh hưởng đến tỷ giá thông qua hoạt động nhập lậu vàng, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và gián tiếp làm cho lạm phát tăng cao những năm qua và tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô.

Về "độc quyền" vàng miếng SJC, Thống đốc Bình nói: "Kể từ 25/5, tất cả các đơn vị dập vàng miếng, kể cả Công ty SJC đều phải chấm dứt dập vàng miếng. Và cũng kể từ đó, chỉ có NHNN thực hiện vai trò độc quyền Nhà nước được dập vàng miếng. NHNN chọn SJC là mác vàng của NHNN. Trên thực tế, vàng SJC đến thời điểm này đã chiếm 93-95% thị phần vàng miếng toàn quốc. Do vậy để tránh xáo trộn và chi phí phải dập lại, NHNN sử dụng luôn mác đó và độc quyền NN chứ không có công ty SJC nào được dập vàng miếng SJC nữa".

Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh, theo qui định của Nghị định 24 thì từ sau 25/5, tất cả các loại vàng miếng mà trước đây đã được cấp phép dập vàng miếng đều được phép lưu hành bình thường. Nhà nước không bắt buộc phải chuyển đổi từ mác vàng miếng này sang mác vàng miếng khác.

Không có dấu hiệu mất an toàn ở đập và hồ chứa Thủy điện Sông Tranh 2

Nói về Thủy điện Sông Tranh 2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: “Đã xác định được động đất ở khu vực ở Thủy điện Sông Tranh 2 là động đất kích thích. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và sau khi kiểm tra thì thấy không có dấu hiệu mất an toàn ở đập và hồ chứa.

Tuy nhiên, vì mục tiêu an toàn cho người dân là hàng đầu nên đã quyết định là không tích nước trong mùa lũ năm nay và tiếp tục theo dõi. Chúng ta đã thuê cả chuyên gia nước ngoài để đánh giá về độ ổn định, an toàn đập. Sau khi có phương án về sự cố vỡ đập thì sẽ tổ chức diễn tập xử lý sự cố”... 


* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Chính Quang