Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

"Nữ y tá giật nước cuốn xác thai nhi đã tố cáo tội ác kinh khủng"

01/11/2012 14:51
Thảo Lăng
(GDVN) - "Mỗi sinh linh đều mang một sứ mệnh hay có thể gọi là một giá trị nhất định nào đấy. Thật đúng khi nói, khi một đứa con chào đời không chỉ là việc bắt đầu của một sự sống mới mà đồng nghĩa với việc người bố, người mẹ ấy dù có qua đời cũng không bao giờ chết đi".

Sau khi đăng tải loạt bài về Nữ y tá giật nước bồn cầu, cuốn trôi xác thai nhi bóc trần sự thật kinh hoàng trong phòng khám thai tư nhân, mới đây chị Trần Mai Anh, mẹ của “chú lính chì” Thiện Nhân đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Giaoduc.net.vn. Trong suốt nhiều giờ trò chuyện, người phụ nữ có trái tim nhân hậu, đã yêu thương, đùm bọc bé Thiện Nhân, em bé bị cha mẹ bỏ rơi ngay khi vừa lọt lòng, bị súc vật cắn đứt một chân và bộ phận sinh dục không khỏi bàng hoàng về sự thật đau đớn này.

"Loạt phóng sự của báo Giaoduc.net.vn đã tố cáo một sự thật, một tội ác kinh khủng. Hành động bỏ xác thai nhi vào bồn cầu rồi giật nước không kịp mang lại cho tôi suy nghĩ gì mà ngay lập tức khiến tôi nổi da gà và run. Một sự thật mà khi đọc rồi, tôi ước gì chưa từng bao giờ phải đọc. Hành động kinh hãi giật các thai nhi trôi theo bồn cầu, cảm xúc dằn vặt, ám ảnh ma quái của người y tá, hình dung về gương mặt và bàn tay của người bác sĩ già bấm chết đi hàng ngàn các sinh linh bé bỏng… Thật sự đã là một đòn bổ choáng váng vào đạo đức cơ bản của việc được làm người", chị Mai Anh không giấu nổi vẻ kinh sợ nói. 

Chị Trần Mai Anh (bên phải ngoài cùng) và bé Thiện Nhân (bên trái ngoài cùng).
Chị Trần Mai Anh (bên phải ngoài cùng) và bé Thiện Nhân (bên trái ngoài cùng).

"Mỗi sinh linh đều mang một sứ mệnh"

Theo chị Mai Anh, khái niệm khác nhau giữa con người - con vật và rồi xa hơn nữa là khái niệm con người trước khi – sau khi chui ra khỏi bụng mẹ dù xuất phát điểm từ đâu và dựa trên bất cứ lý luận gì đều tác động đến suy nghĩ dẫn tới hành động nhất định của mỗi người.

"Vị bác sĩ già chôn cất hay giật nước bồn cầu cuốn trôi xác thai nhi phụ thuộc nhiều ở việc ông ấy quan niệm như thế nào về sự sống và cái chết.

Ví dụ một việc rất đơn giản và xảy ra khá nhiều với các gia đình là khi các vật nuôi trong nhà như con cá, con mèo chết, cách xử lý thông dụng nhất người ta làm là đổ lũ cá chết vào bồn cầu giật nước, túm đuôi con mèo chết lẳng lặng bỏ vào thùng rác công cộng. Các con vật bé như cá không khác gì các hài nhi nhỏ chưa thành hình hài và các em bé ở tuần tuổi lớn hơn thì như xác mèo chết.

Bố mẹ tôi không dạy các chị em tôi như vậy. Và bây giờ tôi cũng đang học bố mẹ để dạy 3 anh em Thiên Minh, Hải Minh, Thiện Nhân. Ngày các chị em tôi bé, nhà nuôi rất nhiều cá, nuôi trong chai, trong vại, trong bát… và bố mẹ cùng chúng tôi nuôi chúng. Không phải vì các con cá này đẹp hay trang trí cho ngôi nhà đẹp lên mà vì chúng tôi thích nuôi chúng, sung sướng đón lũ cá con chào đời.

Và mỗi khi có một con cá bị chết, mẹ dành thời gian bên cạnh chị em tôi an ủi và cùng chúng tôi kiếm cái hộp diêm, cuốn xác chú cá vào một cái lá nhỏ, đặt vào hộp diêm và cùng đi đào hố để chôn. Khi đào hố, mẹ cũng dạy tôi phải chọn chỗ đất cao ráo, đào cái hố thật sâu, vùi chặt đất để đàn kiến không chui vào được và để nước mưa không làm trôi đất đi.

Chúng tôi cũng nuôi chó và mèo. Mẹ kể và tôi vẫn nhớ như in ngày con mèo đi mất, cả tháng trời tôi đã ngồi khóc và chờ nó ở góc đường mỗi ngày đi học về. Và một ngày nó về thật, nó kêu ngheo ngheo trên mái nhà gọi và lần lượt thả xuống 4 con mèo con mới sinh còn chưa mở mắt. Đến đêm con mèo mẹ chết. Và lúc đó, chúng tôi hiểu, con mèo dù đã bỏ nhà đi hoang vẫn coi chúng tôi là người thân. Khi biết bị trúng bả chuột, nó đã tha lũ con bé bỏng về tin cậy trao cho mẹ tôi nuôi nấng. Mẹ đã bảo với chị em tôi rằng, đó là các sinh linh", chị Mai Anh kể.

Những tháng ngày chăm sóc, chữa bệnh cho Thiện Nhân - một đứa con mà chị chẳng hề có quan hệ máu mủ ruột rà, chị suy nghĩ như thế nào về ý nghĩa của một đứa trẻ trong cuộc sống với các bậc làm cha, làm mẹ?, tôi hỏi"Mỗi sinh linh đều mang một sứ mệnh hay có thể gọi là một giá trị nhất định nào đấy. Thật đúng khi nói, khi một đứa con chào đời không chỉ là việc bắt đầu của một sự sống mới mà đồng nghĩa với việc người bố, người mẹ ấy dù có qua đời cũng không bao giờ chết đi. Một đứa bé bị vứt bỏ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, đứa bé bị súc vật ăn mất phần cơ thể, một đứa bé như Thiện Nhân sống sót và tồn tại không được trông đợi, mong muốn, tưởng như để cho mọi người thương cảm nhưng hoàn toàn không phải như vậy.

Bé Thiện Nhân đã giúp tôi thấy được giá trị quý báu của việc sinh tồn, của sự sẻ chia, của lòng can đảm và của những điều kỳ diệu. Ở trường, Thiện Nhân rất tinh nghịch, hiếu động nhưng học rất sáng dạ, tham gia các hoạt động giúp lớp từ việc làm tổ trưởng, làm bàn trưởng nhắc nhở các bạn trong giờ ăn, trong tổ, lấy gối chuẩn bị cho cả lớp ngủ trưa, hay xung phong làm quản ca… rồi xin mẹ trừ bớt đi một điểm 10 thưởng để mua phấn màu vàng vì để ý hộp phấn của cô giáo sắp hết.

Những phòng khám thai mọc "nhan nhản" ở dốc Phụ Sản, Hà Nội.
Những phòng khám thai mọc "nhan nhản" ở dốc Phụ Sản, Hà Nội.

Nhân cũng được phân công ngồi cạnh để giúp đỡ bạn gái hay nhõng nhẽo khóc nhè để bạn học tập Nhân mà tự lập và mạnh mẽ hơn. Ở nhà, Thiện Nhân cũng là đứa con nhiều “tội” nhất và hay bị phạt nhất nhưng lại là đứa giàu tình cảm. Nhân chăm sóc 2 anh, chăm sóc mẹ từ các việc tưởng nhỏ như khéo léo bóc cái băng ở vết khâu cho anh Minh bé, hàng đêm chờ anh Minh lớn hay quên ngủ say, Thiện Nhân lại lụi hụi tháo kính cho anh để ngay ngắn đầu giường. Mỗi tối, Thiện Nhân lo mẹ khát nước đêm nên lò cò lên phòng mẹ lấy cái chai xuống nhà rót đầy nước, đặt sẵn ở chỗ mẹ dễ với tay trong lúc ngủ...

Tất cả các điều đó xảy ra mỗi ngày và không ai dặn hay quy định Nhân phải làm, phải nhận. Có được một đứa con trai như vậy chắc chắn rất nhiều người đều mong có và tôi cũng tin chắc rằng Thiện Nhân lớn lên sẽ không thể nào hư được, và sẽ nhất định trở thành một con người có ích, có giá trị sống", chị Mai Anh chia sẻ.

"Giả sử đặt mình vào địa vị của một người mẹ vì một lý do nào đó phải “phá bỏ” đứa con trong bụng, đến hôm nay biết được sự thật tiếp sau đó là đứa bé sẽ bị bỏ vào bồn cầu rồi xả nước, tôi cho rằng người mẹ nào cũng rất đau lòng và hối hận. Một xã hội khi được biết sự thật về hàng nghìn, hàng nghìn sinh linh bị giật tuột theo bồn cầu, giật cùng theo cả lương tri của con người chắc chắn là rất choáng váng. Hy vọng tất cả những sự đau lòng, những sự choáng váng… sẽ dẫn tới giá trị, hành động nhất định để phanh phui, ngăn chặn, giáo dục và chấm dứt những bi kịch thế này", chị Mai Anh chua xót.

Cũng theo chị Mai Anh, người ta thường nhắc tới “trách nhiệm” khi nói về việc phá thai. Nhưng “trách nhiệm” trong chuyện này nên hiểu như thế nào thì có vẻ chưa rõ ràng lắm: "Tôi nghĩ, hành trang cho mỗi con người ngay từ nhỏ rất cần có khái niệm cơ bản đó là trách nhiệm, và trước hết đó là trách nhiệm với bản thân mình, với hành động của mình. Đó là trách nhiệm trực diện và giải quyết các vấn đề dù to hay nhỏ, buồn hay vui.

Trong cả cuộc đời ai cũng có lúc lỗi lầm, ai cũng có lúc bị các tai họa không đâu rơi vào người. Nhưng khi đã có thói quen đối diện thẳng thắn với trách nhiệm thì con người ta sẽ làm việc khác có trách nhiệm hơn. Khả năng làm điều xấu, điều thất đức sẽ được giảm thiểu hơn. Với tôi khi có một điều không hay đã xảy ra, thì mọi chuyện sau đó đều là hậu quả mất rồi".

Mời độc giả xem loạt bài Sự thật kinh hoàng trong phòng khám thai tư nhân:

"Nữ y tá giật nước cuốn xác thai nhi đã tố cáo tội ác kinh khủng" ảnh 3

"Nữ y tá giật nước cuốn xác thai nhi đã tố cáo tội ác kinh khủng"

Nữ y tá giật nước, cuốn xác thai nhi: Đẫm nước mắt nghĩa trang online

Nữ y tá giật nước, cuốn xác thai nhi: Đẫm nước mắt nghĩa trang online

Câu chuyện đáng sợ của y tá giật nước bồn cầu cuốn trôi xác thai nhi

Câu chuyện đáng sợ của y tá giật nước bồn cầu cuốn trôi xác thai nhi

Ký ức kinh hoàng của nữ y tá giật nước bồn cầu cuốn trôi xác thai nhi

Ký ức kinh hoàng của nữ y tá giật nước bồn cầu cuốn trôi xác thai nhi

Thảo Lăng