Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

"Gái Việt sính chồng ngoại, nỗi đau đã di căn ác tính"

08/11/2012 08:00
Huệ Nguyễn (ghi)
(GDVN) - "Tôi đọc, và tôi cảm nhận rất rõ một điều đau nhức, hoàn toàn không bình thường đã xuất hiện, đã phát triển, đã di căn ác tính ngay trong lòng đời sống xã hội vốn xưa nay rất thuần Việt của chúng ta".

Sau khi đăng tải loạt bài Thâm nhập đường dây tuyển gái lấy chồng Hàn Quốc, báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được những sẻ chia đau đáu từ nhà văn Hồ Tĩnh Tâm (Hội nhà văn Việt Nam), một người từng chứng kiến, từng có thời gian sống ở vùng quê xảy ra thực trạng con gái đua nhau lấy chồng nước ngoài.

"Từ lâu, tôi đã quan tâm tới việc, các cô gái Việt sính lấy chồng ngoại, nhưng gần đây, khi đọc loạt bài phản ánh về thực trạng lấy chồng Hàn Quốc của các cô gái vùng nông thôn và những chiêu bài của các 'Tú bà, Tú ông' được đăng tải trên báo điện tử giaoduc.net.vn, tôi mới giật mình, bàng hoàng thật sự. Tôi đọc, và tôi cảm nhận rất rõ một điều đau nhức, hoàn toàn không bình thường đã xuất hiện, đã phát triển, đã di căn ác tính ngay trong lòng đời sống xã hội vốn xưa nay rất thuần Việt của chúng ta.

Nhà văn Hỗ Tĩnh Tâm (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhà văn Hỗ Tĩnh Tâm (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cận cảnh một ngày thi tuyển lấy chồng Hàn Quốc của thiếu nữ đất Cảng

Điểm mặt các 'Tú bà' trong đường dây tuyển gái Việt lấy chồng Hàn

Tôi không có ý định theo chân tác giả lên đường làm một phóng sự báo động đỏ về việc các cô gái xuân thì đua nhau hay a dua theo nhau tìm kiếm chồng ngoại dưới mọi hình thức, kể cả hình thức hạ thấp mình, tự biến bản thân thành hàng hoá con người, để cho người ta mặc sức lựa chọn mua bán. Điều này tác giả đã viết rất nhiều, đã phản ánh rất sinh động với những tư liệu, số liệu và hình ảnh rất cụ thể. Tôi chỉ muốn đề cập tới vấn đề này dưới góc độ nỗi đau của xã hội Việt Nam đương đại, về vấn đề chảy máu gái xuân thì ra nước ngoài. Việc tác hợp hôn nhân theo kiểu tuyển chọn mua bán trên thân xác các thiếu nữ xuân thì, để trục lợi cá nhân là tội ác, là vi phạm truyền thống đạo đức hôn nhân của dân tộc, làm băng hoại giá trị tình yêu hôn nhân của dân tộc", nhà văn mở lời.

Nói tiếp, nhà văn Hồ Tĩnh Tâm tâm sự: "Trước hết, là nhà văn, tôi không phải là người có quan điểm quá khắt khe về tình yêu, tình dục, nhưng tôi luôn thật sự quan tâm tới vấn đề tình yêu, tình dục trong cuộc sống của xã hội đương đại hiện nay. Tạm bỏ vấn đề tình dục sang một bên, tôi muốn nói rằng, người ta sống để yêu, và người ta yêu để sống tốt hơn, sống đẹp hơn. Bởi vậy, với con người, tình yêu là thiêng liêng và cao cả. Tình yêu không có bất cứ một biên giới nào, về địa lý, về tuổi tác, về chức nghiệp, về trình độ học vấn… Nói như nhạc sĩ Trần Tiến, “tình yêu là như thế, yêu nhau vì yêu nhau”. Xuất phát từ góc độ nhìn nhận tình yêu này, việc yêu và tiến tới hôn nhân với một người nước ngoài, tôi cho là một việc rất bình thường, hay nói theo dân gian, là bình thường như hoa mướp thế thôi. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh, cái gốc của hôn nhân, phải là tình yêu, thật sự phải là tình yêu. Bởi vì, từ lâu tôi đã ghi nhớ câu này: “Những nụ hôn không có tình yêu là nhầy nhụa xác thịt”.

Các cô gái trong một buổi thi tuyển lấy chồng Hàn Quốc.
Các cô gái trong một buổi thi tuyển lấy chồng Hàn Quốc.
Hôn nhân không có tình yêu, nhất định sẽ là hôn nhân không có cội rễ bền vững của sự chung thủy, nhất định sẽ phải trả giá rất đắt trong cuộc sống chung đụng đời thường. Bởi những va chạm không thể tránh khỏi, về văn hóa địa lý, văn hoá xã hội, văn hóa tập quán, văn hoá phong tục, văn hoá ngôn ngữ, văn hoá tâm sinh lý lứa tuổi, và… văn hoá cơm áo gạo tiền…

Bản thân tôi là đàn ông mà khi đến một vùng quê xa xôi, ngay trong Tổ quốc mình, tôi còn vấp phải không biết bao nhiêu bỡ ngỡ ban đầu, huống nữa là một cô gái mới lớn. Bất ngờ nhờ sự mai mối, theo kiểu tuyển chọn mua dâu, lọt thỏm giữa xứ sở xa xôi nào đó, nơi nửa chữ cắn đôi không biết, nơi hoàn toàn khác lạ về mọi mặt văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần. Chuyện gì sẽ xảy ra, khi hai người, dù đã là vợ chồng hợp pháp trên danh nghĩa, nhưng chưa hề có tình yêu với nhau, chưa hề có một chút hiểu biết gì về nhau, và không thể trao đổi thông tin với nhau do bất đồng ngôn ngữ. Tất yếu ở đây, nhất định sẽ là những hậu quả khôn lường, nếu cuộc hôn nhân mua bán này, mãi mãi không tìm được tiếng nói của tình yêu".

Nhà văn kể: "Trong một lần đi thực tế sáng tác ở cù lao Mây (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), tôi đã được nghe câu chuyện của nhà báo tự do Trương Hoàng Minh. Anh Minh cho tôi biết, xã cù lao của anh đang sống yên lành, bỗng rộ lên phong trào con gái đua nhau lên Sài Gòn đăng kí lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. Bởi cái lợi nhãn tiền là ai chịu lấy chồng xứ lạ ngay lập tức, gia đình sẽ nhận được mớ tiền, có thể sửa lại căn nhà dột nát của cha mẹ, có thể mua cho em trai cái Honda để hành nghề xe ôm… Giá rẻ như bèo, nhưng với người nghèo thì con cá lòng tong cũng bằng con cá lóc. Bởi vậy, nên khi kẻ mai mối xuất hiện, nhiều bậc phụ huynh đã hoa mắt, đã khuyên nhủ, xúi dục, thậm chí ép buộc con gái phải hy sinh cứu gia đình.

Với truyền thống hiếu thảo “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, nhiều cô gái đã phải nghe theo, nhắm mắt vượt biển theo người mua mình để tròn đạo hiếu. Có người ra đi không tin tức. Có người ra đi lâu lâu có tiền gửi về. Chính những người lâu lâu có tiền gửi về này, đã gieo họa cho biết bao cô gái khác còn lại trong làng. Từ chỗ bị cha mẹ ép buộc, nhiều cô gái hám của đã mù quáng dấn thân, tự tìm kiếm niềm hy vọng giàu sang ở xứ người.

Bấy giờ ở cù lao Mây, có hai vợ chồng trẻ, có với nhau đứa con trai hai tuổi. Cảnh nhà quanh năm thiếu trước hụt sau nên đứa con triền miên ốm đau quặt quẹo. Ai đó xúi bảo mà anh chồng tự nhiên đêm nào cũng thẽ thọt với vợ, rằng để cứu lấy đứa con, người vợ chỉ còn cách phải lấy chồng nước ngoài, bằng cách họ ra tòa ly dị giả. Còn yêu nhau thì vẫn cứ yêu nhau miễn là vợ có tiền gửi về nuôi con, khi nào giàu có thì trốn về. Chồng nói riết, cuối cùng người vợ cũng nghe theo, nhờ người ta mai mối cho được tấm chồng Đài Bắc.

Và rồi người vợ ra đi biền biệt, suốt năm năm trời không có tin tức gì. Qua năm thứ sáu, đột ngột người vợ ẵm đứa con trai ba tuổi, cùng ông chồng già Đài Bắc tìm về quê thăm mẹ, nhờ người nhắn tin gọi chồng cũ dẫn con đến để nhìn mặt, với tư cách là người anh họ. Bữa tiệc sum họp theo kiểu: “Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”. Nhân lúc ông chồng già Đài Bắc vui vẻ trò chuyện với mọi người, cô vợ lẻn ra ngoài, dúi cho chồng cũ được ngàn đô, với lá thư đẫm nước mắt kể rằng: qua xứ người, cô như bị cầm tù trong nhà chồng, quanh năm chỉ lo chuyện nấu nướng giặt giũ, và hầu hạ giường chiếu cho chồng, không được ra ngoài làm gì, nên không có tiền, ngàn lần mong chồng (chồng cũ) tha thứ.

Nghe xong chuyện này tôi nghĩ, người vợ ấy vẫn còn may, vì dù chỉ quanh năm thui thủi trong nhà như đầy tớ, mất hết quyền làm người, nhưng dẫu sao cũng không lâm vào cảnh bị nhà chồng hành hạ".

"Kể chuyện này, tôi muốn gửi tới mọi người thông điệp: Xã hội cần phải lên án quyết liệt, cần phải xử phạt nghiêm minh những 'Tú ông, Tú bà' chuyên trục lợi bằng nghề bất chính, tuyển chọn mua bán dâu trái phép cho người nước ngoài. Còn các thiếu nữ xuân thì của chúng ta, họ quá trẻ, họ cần được hưởng một nền giáo dục thật ưu việt, để ý thức được đầy đủ, sâu sắc, ý nghĩa giá trị của tình yêu và hôn nhân thật sự.

Tôi nhớ câu: “Người ta yêu nhau vì trót nhìn vào mắt nhau”. Có lẽ đúng như vậy. Nhạc sĩ Hoàng Vân có viết, “tình yêu bắt đầu từ đôi mắt, ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay" hay như thông điệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn "Hãy yêu nhau đi!”. Tôi mong rằng những ai đang hy vọng tìm kiếm hôn nhân không hề có tình yêu, ngoài tham vọng tiền bạc, hãy xem lại giá trị con người chân chính của mình từ hôm nay, đừng để quá muộn, đừng để phải lâm vào cảnh của Vương Thúy Kiều ngày xưa", nhà văn Hồ Tĩnh Tâm mong mỏi.

Mời độc giả xem cả loạt bài Thâm nhập đường dây tuyển gái lấy chồng Hàn Quốc: 

Nơi nhiều đàn ông Việt khóc ròng vì... không thể tìm được vợ

Nơi nhiều đàn ông Việt khóc ròng vì... không thể tìm được vợ

Thâm nhập đường dây tuyển gái: Gái một lần đò 'đánh bạc' với rể Hàn

Thâm nhập đường dây tuyển gái: Gái một lần đò 'đánh bạc' với rể Hàn

"Gái Việt sính chồng ngoại, nỗi đau đã di căn ác tính" ảnh 5

"Trắng" gái xuân thì vì trào lưu lấy chồng Hàn Quốc

Vụ 'Tú bà' tuyển gái Việt: Bức thư đẫm nước mắt từ Hàn Quốc

Vụ 'Tú bà' tuyển gái Việt: Bức thư đẫm nước mắt từ Hàn Quốc

Điểm mặt các 'Tú bà' trong đường dây tuyển gái Việt lấy chồng Hàn

Điểm mặt các 'Tú bà' trong đường dây tuyển gái Việt lấy chồng Hàn

Chiêu 'làm tiền' 'lạnh gáy' của các Tú bà tuyển gái lấy chồng Hàn (P5)

Chiêu 'làm tiền' 'lạnh gáy' của các Tú bà tuyển gái lấy chồng Hàn (P5)

Video: Thiếu nữ lũ lượt xếp hàng đi thi tuyển lấy chồng Hàn Quốc

Video: Thiếu nữ lũ lượt xếp hàng đi thi tuyển lấy chồng Hàn Quốc

 Bóc trần thủ thuật “mua vợ” Việt Nam của các chàng rể Hàn

Bóc trần thủ thuật “mua vợ” Việt Nam của các chàng rể Hàn

Nữ phóng viên thâm nhập đường dây 'Tú bà' tuyển gái lấy chồng Hàn (P1)

Nữ phóng viên thâm nhập đường dây 'Tú bà' tuyển gái lấy chồng Hàn (P1)

Cận cảnh một ngày thi tuyển lấy chồng Hàn Quốc của thiếu nữ đất Cảng

Cận cảnh một ngày thi tuyển lấy chồng Hàn Quốc của thiếu nữ đất Cảng

Huệ Nguyễn (ghi)