Hàn Quốc - Triều Tiên có thể bùng phát xung đột bất cứ lúc nào

12/11/2012 07:55
Đông Bình
(GDVN) - Bài báo đặc biệt lo ngại các động thái quân sự mang tính tấn công của Hàn Quốc gây căng thẳng khu vực, thực ra là lo ngại cho bản thân Trung Quốc...

Tờ “Thanh niên Trung Quốc” vừa đăng bài viết của các tác giả gồm Lữ Chính Thao, Khương Ba thuộc một trung tâm nghiên cứu của Quân đội Trung Quốc. Sau đây là nội dung bài viết:

Tên lửa đạn đạo do Hàn Quốc tự sản xuất. Hàn Quốc mở rộng tầm phóng tên lửa gây phản đối mạnh mẽ từ CHDCND Triều Tiên
Tên lửa đạn đạo do Hàn Quốc tự sản xuất. Hàn Quốc mở rộng tầm phóng tên lửa gây phản đối mạnh mẽ từ CHDCND Triều Tiên

Bài viết cho rằng, gần đây, Hàn Quốc có các động thái quân sự dồn dập, có tư thế mang tính tấn công, làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên lại đột ngột nóng lên.

Ngày 24/10, hai nước Hàn-Mỹ đã tổ chức Hội nghị tư vấn an ninh (SCM) lần thứ 44, tái khẳng định CHDCND Triều Tiên là “mối đe dọa lớn nhất” của hai nước, đồng thời thỏa thuận xây dựng “hệ thống chuỗi sát thương” để tiến hành tấn công CHDCND Triều Tiên trước khi nước này phóng tên lửa.

Ngày 25/10, Hàn Quốc đã tổ chức cuộc “diễn tập quân sự bảo vệ đất nước” bao trùm toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc, tham diễn có trên 240.000 quân, bao gồm các quân chủng của quân đội và hệ thống cảnh sát của Hàn Quốc.

Đầu tháng này, hai nước Hàn Quốc và Mỹ đã đạt được nhất trí, Mỹ đồng ý cho Hàn Quốc mở rộng tầm phóng tên lửa đạn đạo từ 300 km hiện nay lên 800 km để mở rộng phạm vi tấn công bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ CHDCND Triều Tiên; Hải quân Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ mở rộng lực lượng tàu chiến cỡ lớn với quy mô lớn.

Một loạt động thái quân sự “mang tính tấn công” của Hàn Quốc đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ CHDCND Triều Tiên, thậm chí một số học giả trong nước Hàn Quốc cũng cho rằng, Hàn Quốc đang đi trên “con đường hiếu chiến”, theo đó bán đảo Triều Tiên cũng có thể “thai nghén” cuộc khủng hoảng mới, lớn hơn.

Tàu sân công đổ bộ/tàu sân bay LPX-Dokdo của Hàn Quốc
Tàu sân công đổ bộ/tàu sân bay LPX-Dokdo của Hàn Quốc

“Ý nghĩa sâu xa đằng sau sự hăm dọa của Hàn Quốc”

Theo báo Trung Quốc, sau khi nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền, cùng với việc kiên trì chính trị “quân sự đi trước”, tập trung nhiều nguồn lực hơn vào phát triển kinh tế, quan hệ hai miền Triều Tiên cũng đã xuất hiện thời kỳ tương đối yên ả hiếm có. Gần đây, Hàn Quốc lại chủ động phá vỡ sự yên ả đó, liên tiếp răn đe quân sự, Hàn Quốc chắc chắn có sự tính toán chiến lược ở phía sau.

Trước hết, sức ép an ninh tổng thể của Đông Bắc Á là bối cảnh lớn cho các động thái quân sự dồn dập của Hàn Quốc. Trong thời gian gần đây, các nước Đông Bắc Á liên tục leo thang mâu thuẫn do tranh chấp biển đảo. Tăng cường sức mạnh quân sự để bảo đảm và củng cố lợi ích tự thân đã trở thành sự lựa chọn chiến lược quan trọng nhất của các nước.

Phía Hàn Quốc cho rằng, sự căng thẳng truyền thống giữa hai miền Triều Tiên chưa hề dịu đi, tính không xác định đối với chính sách Hàn Quốc của nhà lãnh đạo mới Kim Jong-ul vẫn tồn tại rủi ro cao.

Cùng với việc ứng phó với mối đe dọa chủ yếu – CHDCND Triều Tiên, tranh chấp đảo Dokdo giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng leo thang trong năm qua, Hàn Quốc cố gắng tăng cường sức mạnh quân sự để ứng phó với nhiều mối đe dọa an ninh.

Lần này, Hàn Quốc mở rộng tầm phóng tên lửa, không chỉ bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ CHDCND Triều Tiên, mà còn bao trùm lên cả Trung Quốc, Nhật Bản và một bộ phận lãnh thổ Nga.

Xe tăng K-1 Hàn Quốc trong một cuộc diễn tập quân sự liên hợp với Mỹ
Xe tăng K-1 Hàn Quốc trong một cuộc diễn tập quân sự liên hợp với Mỹ

Quan chức cấp cao Quân đội Hàn Quốc từng nói thẳng rằng, mục tiêu lâu dài chế tạo tàu chiến cỡ lớn của Hải quân Hàn Quốc là chống lại Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-hwan gần đây cũng công khai cho rằng, Đông Bắc Á vẫn có nhiều yếu tố rủi ro an ninh, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cùng vai trò ảnh hưởng quân sự được tăng cường làm cho bản đồ an ninh và kinh tế của Đông Bắc Á không ngừng thay đổi, lời nói này đã ám chỉ “mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Thứ hai, Hàn Quốc có ý đồ tạo dựng nền tảng sức mạnh để hình thành khả năng chỉ huy tác chiến độc lập. Từ lâu, quyền chỉ huy tác chiến trong đồng minh quân sự Mỹ-Hàn luôn do Mỹ kiểm soát, trong khi Hàn Quốc lại theo đuổi nó.

Một mặt, về bản chất, quyền chỉ huy tác chiến là tượng trưng cho chủ quyền quốc gia, Hàn Quốc luôn hy vọng có thể thực hiện chỉ huy tác chiến độc lập.

Mặt khác, về an ninh, quốc phòng, Hàn Quốc có sự phụ thuộc to lớn vào Mỹ, họ cũng lo ngại, sau khi giành lạ quyền chỉ huy tác chiến, quân Mỹ sẽ buông lỏng về chi viện quân sự, đồng thời, Hàn Quốc cũng không hoàn toàn tự tin với khả năng tác chiến độc lập của họ.

Căn cứ vào sự tham vấn giữa Hàn-Mỹ, phía Mỹ vốn có kế hoạch đến năm 2012 giao quyền chỉ huy tác chiến cho phía Hàn Quốc, nhưng do Chính phủ Lee Myung-bak tự cho rằng “năng lực không đủ”, kéo dài thời gian đến năm 2015.

Đứng trước nút thời gian cấp bách, Hàn Quốc cố gắng tăng cường nhanh chóng sức mạnh quân sự tổng thể, để làm nền tảng sức mạnh cho việc lấy lại và thực hiện quyền chỉ huy tác chiến cuối cùng, nhìn từ góc độ này, trong tương lai, Hàn Quốc sẽ còn có nhiều hành động hơn trong việc tăng cường sức mạnh quân sự.

Hàn Quốc tổ chức diễn tập bảo vệ đất nước với sự tham gia của 240.000 quân trên toàn bộ lãnh thổ, trong đó có khoa mục "chống khủng bố"
Hàn Quốc tổ chức diễn tập bảo vệ đất nước với sự tham gia của 240.000 quân trên toàn bộ lãnh thổ, trong đó có khoa mục "chống khủng bố"

Cuối cùng, với tư cách là một mắt khâu quan trọng trong việc quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, Hàn-Mỹ dựa vào nhau về tăng cường sức mạnh quân sự, củng cố quan hệ đồng minh.

Từ khi khởi động dịch chuyển chiến lược sang hướng Đông đến nay, Mỹ không ngừng sử dụng mưu lược vào việc sắp đặt bố cục toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó, thông qua kích động căng thẳng khu vực để “tăng điểm” cho mình là thủ đoạn thường xuyên của họ.

Ở hướng Đông Bắc Á, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai cánh quan trọng nhất. Mỹ trước hết là dựa vào tranh chấp đảo Senkaku giữa Trung-Nhật, gia tăng đầu tư quân sự đối với căn cứ Okinawa và Guam, đồng thời xây dựng Nhật Bản thành phòng tuyến thứ nhất châu Á-Thái Bình Dương của hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu.

Từ lâu, Hàn Quốc hoàn toàn không tích cực trong chiến lược phòng thủ tên lưa châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, thậm chí đi một con đường khác, đã nhập công nghệ phòng thủ tên lửa của Nga, dốc sức vào xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tầng thấp độc lập.

Thông qua căng thẳng truyền thống của bán đảo Triều Tiên, Mỹ ủng hộ Hàn Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, đồng thời củng cố quan hệ đồng minh, giảm khuynh hướng ly tâm (rời xa) của Hàn Quốc.

Trong khi đó, dựa vào Mỹ để tăng cường khả năng phòng thủ của bản thân cũng chính là nhu cầu cấp bách của Hàn Quốc, Mỹ và Hàn Quốc có thể gọi là lợi dụng lẫn nhau, mỗi người có một nhu cầu riêng.

Hải quân Hàn Quốc diễn tập bắn đạn thật kỷ niệm sự kiện đấu pháo đảo Yeonpyeong
Hải quân Hàn Quốc diễn tập bắn đạn thật kỷ niệm sự kiện đấu pháo đảo Yeonpyeong

Nổ ra xung đột mới hoàn toàn không phải là chuyện giật gân

Các động thái quân sự “hăm dọa” của Hàn Quốc làm cho bán đảo Triều Tiên lại quay trở lại tình hình hết sức căng thẳng. Nhìn vào động cơ chiến lược của hai miền Triều Tiên, bán đảo nổ ra xung đột mới thậm chí nổ ra chiến tranh hoàn toàn không phải là chuyện đùa.

Nhìn vào phía CHDCND Triều Tiên, “lấy siêu cứng rắn để ứng phó với cứng rắn” luôn là truyền thống chiến lược của CHDCND Triều Tiên, hơn nữa CHDCND Triều Tiên có ý chí và “gan” đánh đòn phủ đầu, tuyệt đối sẽ không khoan nhượng với sự gây hấn quân sự của Hàn Quốc.

Trước đây không lâu, các nhà hoạt động chống Bình Nhưỡng ở Hàn Quốc đã rải 200.000 tờ rơi “tâm lý chiến” tới CHDCND Triều Tiên. CHDCND Triều Tiên tuyên bố cứng rắn rằng, sẽ trực tiếp tấn công quân sự đối với khu vực có liên quan của Hàn Quốc mà “không đưa ra lời cảnh báo”.

Trong cùng thời gian, CHDCND Triều Tiên đã điều 4 máy bay chiến đấu MiG, bay qua ranh giới không phận hai miền, tiến về khu vực lân cận không phận Kaesong, khiến cho Hàn Quốc hết sức căng thẳng.

Là nhà lãnh đạo mới của CHDCND Triều Tiên, Kim Jong-ul có tuổi đời trẻ, từng trải ít, thông qua các thủ đoạn quân sự cứng rắn để ứng phó với Hàn Quốc là một con đường nhanh nhất để xây dựng uy tín tuyệt đối trong nước, củng cố vị thế cầm quyền, chứng tỏ sự cứng rắn và tài năng với bên ngoài.

Máy bay chiến đấu MiG của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên
Máy bay chiến đấu MiG của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên

Có nhà quan sát cho rằng, khi mới lên cầm quyền, Kim Jong-un đã thể hiện tư thế cứng rắn. Trong đó, một đặc điểm quan trọng chính là, trong xã luận năm 2012, truyền thông CHDCND Triều Tiên không nhắc đến một chữ nào trong “thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” (trước đây chắc chắn nhắc đến), đồng thời tái khẳng định quân Mỹ là “thế lực nước ngoài có tính xâm lược”, nhấn mạnh “việc ngăn chặn các phần tử hiếu chiến trong và ngoài nước kích động chiến tranh là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay”, đề xuất phải “loại bỏ trở ngại lớn nhất của hòa bình bán đảo Triều Tiên – quân xâm lược Mỹ rút khỏi miền nam Triều Tiên (tức Hàn Quốc)”.

Một năm qua, Kim Jong-un đã đi khảo sát và thăm rất nhiều đơn vị quân đội, lần lượt là những đơn vị tuyến đầu – gồm: quân đoàn 4, lực lượng tiên phong đấu tranh chống địch đường nam Hoàng Hải, pháo binh Panmunjom – tuyến ranh giới quân sự hai miền Triều Tiên.

Thậm chí có phương tiện truyền thông Hàn Quốc cho rằng, Kim Jong-ul rất chú trọng thể hiện “tài năng quân sự”, trong sự kiện đấu pháo đảo Yeonpyeong, chính là Kim Jong-ul đã tự tiến hành bố trí quân sự.

Ông Kim Jong-ul tích cực thể hiện "tài năng quân sự" thông qua việc tăng cường thị sát các đơn vị quân đội. Trong hình là ông Kim Jong-ul chụp ảnh với các binh sĩ Không quân bên cạnh máy bay chiến đấu MiG-29
Ông Kim Jong-ul tích cực thể hiện "tài năng quân sự" thông qua việc tăng cường thị sát các đơn vị quân đội. Trong hình là ông Kim Jong-ul chụp ảnh với các binh sĩ Không quân bên cạnh máy bay chiến đấu MiG-29

Ngoài ra, cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sắp đến, trong thời khắc nhạy cảm như vậy, bất cứ thái độ nhượng bộ nào của CHDCND Triều Tiên đều có thể “cộng điểm” cho đảng Đại Đại Dân tộc (GNP) của Hàn Quốc – đảng có chủ trương cứng rắn với CHDCND Triều Tiên.

Bằng hành động cứng rắn, CHDCND Triều Tiên tấn công vào tinh thần của GNP, tác động tới xu thế chính trị ở Hàn Quốc.

Đối với Hàn Quốc, nhiệm kỳ của Tổng thống Lee Myung-bak sẽ kết thúc vào tháng 2/2013, Hàn Quốc sắp diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống, đây sẽ là giai đoạn tế nhị trong chiến lược của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên.

Một mặt, sức ép cầm quyền của Lee Myung-bak giảm mạnh, điều mà Lee Myung-bak xem xét nhiều hơn là đánh giá lịch sử. Từ sự kiện tàu Cheonan đến sự kiện đảo Yeonpyeong, Lee Myung-bak đều bị cho là “ứng phó bất lực với sự khiêu khích của CHDCND Triều Tiên”.

Trong một hội nghị chính phủ, Lee Myung-bak từng cho biết, khi xảy ra đấu pháo đảo Yeonpyeong, Quân đội Hàn Quốc không đáp trả mạnh mẽ, khiến cho ông hối hận suốt đời. Cho nên, trong giai đoạn cuối cầm quyền, Lee Myung-bak tiến hành các hành động quân sự cứng rắn hơn với CHDCND Triều Tiên để “báo thù” và vãn hồi danh dự chính trị là một khả năng không thể loại trừ.

Trận địa phóng tên lửa Patriot-2 ở căn cứ Osan quân Mỹ tại Hàn Quốc
Trận địa phóng tên lửa Patriot-2 ở căn cứ Osan quân Mỹ tại Hàn Quốc

Mặt khác, ông Lee Myung-bak tiến hành các hành động quân sự cứng rắn với CHDCND Triều Tiên có thể là “cộng điểm” cho Đảng Đại Dân tộc trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc nửa đầu năm 2012, đảng cầm quyền - Đảng Đại Dân tộc giành được thắng lợi một cách thuận lợi, ở mức độ rất lớn cho thấy, người dân Hàn Quốc ủng hộ áp dụng chính sách cứng rắn với CHDCND Triều Tiên, đặc biệt là nhân vật mới lên nắm quyền – Kim Jong-ul vẫn chưa rõ ràng về chiến lược đối với Hàn Quốc, điều này đã làm tăng lớn tính không xác định cho tâm lý của người dân Hàn Quốc. Lee Myung-bak cứng rắn với CHDCND Triều Tiên có lợi cho việc thỏa mãn tâm trạng bảo thủ của người dân Hàn Quốc.

Do đó, xuất phát từ lợi ích chiến lược tự thân, hai bên căng thẳng trực tiếp của bán đảo Triều Tiên đều không loại trừ cứng rắn, thậm chí có động cơ và nguyện vọng xung đột. Trong bầu không khí chiến lược này, khả năng hai miền Triều Tiên nổ ra một cuộc xung đột mới thậm chí diễn biến thành một cuộc xung đột tương đối lớn đã tăng lên rất lớn, mà các động thái quân sự mang tính tấn công của Hàn Quốc không khác gì chơi lửa bên thùng thuốc súng.

Tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc khi còn nguyên vẹn
Tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc khi còn nguyên vẹn

Tình hình an ninh Đông Bắc Á sẽ phức tạp hơn

Theo báo Trung Quốc, tình hình an ninh Đông Bắc Á vốn đã rất mỏng manh do sự đan xen nhiều mâu thuẫn cũ và mới rất phức tạp, các động thái quân sự mang tính tấn công lần này của Hàn Quốc không chỉ làm cho không khí căng thẳng bán đảo Triều Tiên leo thang nhanh chóng, mà còn rất có thể làm cho môi trường an ninh của Đông Bắc Á, thậm chí toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục xấu đi trên cấp độ chiến lược sâu hơn.

Thứ nhất, sẽ gây hiệu ứng tác động tiêu cực đối với việc CHDCND Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc có sức mạnh tổng hợp hơn hẳn CHDCND Triều Tiên, lại lấy đồng minh Mỹ-Hàn làm chỗ dựa, Hàn Quốc tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự sẽ chỉ làm cho CHDCND Triều Tiên – nước vốn thiếu cảm giác an ninh, sẽ dùng phương thức cực đoan hơn để thực hiện cân bằng quân sự, CHDCND Triều Tiên rất có thể kiên định hơn trong việc thúc đẩy chương trình hạt nhân của họ.

Thông thường, bên ngoài phổ biến cho rằng, chiến lược phát triển vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên mang màu sắc tâm lý chiến chiến lược ở mức độ tương đối. Nhưng, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên, ông Kang Sok-Ju từng nói rõ rằng, CHDCND Triều Tiên “nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân không phải là để vứt bỏ đi”.

Tên lửa đạn đạo tầm xa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Tên lửa đạn đạo tầm xa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Liên hệ với một loạt bước đi chiến lược của CHDCND Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân, về bản chất, chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên rất có thể hoàn toàn không phải là một con bài chính trị phô trương thanh thế, mà là chiến lược thực sự.

Nếu Mỹ-Hàn vì lợi ích chính trị nhất thời, liên tục gia tăng sức ép an ninh đối với CHDCND Triều Tiên, thì rất có thể làm cho chiến lược hạt nhân của CHDCND Triều Tiên càng kiên trì hơn, không gian dàn xếp vấn đề hạt nhân bán đảo sẽ càng thu nhỏ, khi đó, toàn bộ an ninh châu Á-Thái Bình Dương sẽ đối mặt với thách thức to lớn.

Thứ hai, sẽ có thể gây ra chạy đua vũ trang ở châu Á-Thái Bình Dương. Cùng với việc Hàn Quốc “đơn phương” tăng cường lớn sức mạnh quân sự tự thân, Mỹ đồng ý sửa đổi “Thỏa thuận tên lửa” Mỹ-Hàn, mở rộng tầm phóng tên lửa của Hàn Quốc, là một sự “dung túng” đối với việc mở rộng sức mạnh quân sự của Hàn Quốc, điều này tất yếu có tác dụng “đầu têu” rất có hại.

Việc mở rộng tầm phóng tên lửa của Hàn Quốc không chỉ tạo ra mối đe dọa an ninh lớn hơn cho CHDCND Triều Tiên, đồng thời cũng đã tạo ra sức ép an ninh lớn hơn đối với Trung Quốc, Nga và Nhật Bản.

Đặc biệt là, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, do vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ, lòng tin chính trị giữa hai bên mỏng yếu, hơn nữa gần đây thế lực cánh hữu Nhật Bản “ngóc đầu dậy”, “khuynh hướng chủ nghĩa quân phiệt có dấu hiệu phục hồi”. Hàn Quốc ra sức tăng cường sức mạnh tên lửa, tàu chiến, và sự xấu đi của tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên, rất có thể làm cho Nhật Bản tiếp tục phá bở Hiến pháp hòa bình, tạo cớ phát triển vũ khí mang tính tấn công.

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên rất có khả năng đã nghiên cứu chế tạo thành công vũ khí xung điện (EMP) - theo chuyên gia Mỹ
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên rất có khả năng đã nghiên cứu chế tạo thành công vũ khí xung điện (EMP) - theo chuyên gia Mỹ

Thứ ba, Đông Bắc Á nồng nặc mùi khói súng sẽ làm cho Mỹ khó mà chỉ lo cho thân mình.

Nhưng, hiện nay, bán đảo Triều Tiên đã rơi sâu vào vòng tròn luẩn quẩn – đó là “sự ngờ vực lẫn nhau về chính trị một cách cực đoan làm kích động chạy đua vũ trang, và chạy đua vũ trang lại làm trầm trọng hơn sự ngờ vực lẫn nhau”, hơn nữa vòng tròn luẩn quẩn này rất có thể đã rơi vào trạng thái “tới hạn” bùng phát xung đột.

“Đồng minh một chiều” giữa Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật mặc dù tương đối hoàn thiện, nhưng giữa hai bên vẫn tồn tại mâu thuẫn nhất định, cộng với bán đảo Triều Tiên đan xen mối quan tâm phức tạp của các nước lớn, một khi tình hình bán đảo nảy sinh sự mất kiểm soát, Mỹ thu được “lợi ích” hay “trả giá” vẫn là một câu hỏi lớn.

Tình hình an ninh Đông Bắc Á ngày càng căng thẳng
Tình hình an ninh Đông Bắc Á ngày càng căng thẳng
Đông Bình