Trên các diễn đàn và các phương tiện truyền thông đang xôn xao về việc sẽ xử phạt đối với hành vi không mang theo giấy tờ xe chính chủ. Vậy đâu là cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn để áp dụng quy định này?
Trước đây, trong Nghị định 34 cũng có quy định về vấn đề này, cụ thể:
Điều 33. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
a) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;
Theo điểm e, mục 8.3 Điều 1 Nghị định 71 sửa đổi điều khoản này như sau:
3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
e) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;
Vậy, thế nào là chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định?
Theo Thông tư 36/2010/TT-BCA ngày 12 tháng 10 năm 2010, thì trách nhiệm đăng ký của chủ sở hữu xe như sau:
Điều 6:Trách nhiệm của chủ xe
3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua hoặc bán xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe.
Mặt khác, theo Nghị định 71 và Nghị định 34, thì người điều khiển xe chỉ bị xử phạt khi không mang giấy tờ như sau:
Điều 24: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
2. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy định phải kiểm định);
Như vậy có thể tóm tắt lại ở 2 ý:
1. Quy định xử phạt này là không mới
2. Cá nhân điều khiển xe không có trách nhiệm mang theo giấy tờ xe có mang tên mình (khoản 2 điều 24 không hề quy định về Giấy đăng ký xe phải mang tên người điều khiển xe).
Mặc dù Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính chưa quy định nghĩa vụ chứng minh vi phạm là của ai, nhưng theo nguyên tắc được áp dụng chung cho quan hệ pháp luật công, chẳng hạn trong Luật hình sự, thì cơ quan tố tụng mới là chủ thể có nghĩa vụ chứng minh tội phạm.
Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 đã bổ sung về nghĩa vụ chứng minh vi phạm tại khoản 2, điều 3, tuy nhiên đến 1/7/2013 Luật này mới có hiệu lực.
Vì thế, nếu muốn phạt người dân theo điểm e, mục 8.3 Điều 1 Nghị định 71 thì CSGT phải chứng minh được rằng xe này đã được mua, bán, tặng, cho mà không làm thủ tục sang tên.
Đình Phước/Thư viện Pháp luật