"Bộ GTVT không tham mưu trong việc xây dựng Nghị định 71"
Như vậy, sau những ý kiến của những đại diện các cơ quan chức năng liên quan đến Nghị định 71/2012/NĐ-CP, vấn đề xử phạt người mua bán xe mà không sang tên đổi chủ đã rõ ràng. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân đã có chút xáo động và điều này đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác tuyên truyền pháp luật tới người dân của các cơ quan chức năng.
Như vậy, sau những ý kiến của những đại diện các cơ quan chức năng liên quan đến Nghị định 71/2012/NĐ-CP, vấn đề xử phạt người mua bán xe mà không sang tên đổi chủ đã rõ ràng. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân đã có chút xáo động và điều này đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác tuyên truyền pháp luật tới người dân của các cơ quan chức năng.
Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Bùi Thị An (Đoàn ĐB TP. Hà Nội) có biết: “Từ ngày 10/11 khi Nghị định 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, đã có có rất nhiều cử tri gọi điện đến cho tôi và bày tỏ băn khoăn.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An - Đoàn ĐB TP. Hà Nội (Ảnh: TTXVN) |
Không chỉ vậy, ở trên mạng cũng rất nhiều ý kiến về vấn đề xử phạt người đi xe không sang tên, đổi chủ và đi kèm với đó là những lời trách móc của người dân đến một số vị lãnh đạo trong đó người bị chỉ trích nhiều nhất là Bộ trưởng Đinh La Thăng bởi Nghị định này.
Ngay sau đó, tôi đã gọi điện tới Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhưng ông Đinh La Thăng cho biết không phải Bộ GTVT, mà là bộ khác tham mưu trong việc xây dựng Nghị định 71 này. Sau đó, tôi lại gọi sang các Bộ Công an và Bộ Tư pháp…”.
Dễ sinh nạn mãi lộ nếu...
Bà An nói cho rằng: “Chúng ta đã ban hành được văn bản pháp luật nào là văn bản đó phải đi vào được cuộc sống. Tức là, đại đa số người dân chấp nhận theo tính hợp lý chứ không phải chấp nhận theo ý thích của người nào.
Trở lại Nghị định 71 vừa có hiệu lực, đúng là các quy định không có gì mới, chỉ là tăng mức xử phạt và đi vào một nội dung mà mọi người rất quan tâm trong hai ngày qua là “đi xe không chính chủ”. Ở đây có việc quản lý việc mua bán xe và chuyển sang tên đổi chủ mà phải nộp thuế thì đương nhiên nhưng phải có giải pháp.
Trong thực tế, việc xác định trường hợp nào là mua xe nhưng không sang tên đổi chủ, trường hợp nào thì mượn xe… cũng không hề đơn giản. Nhưng việc này phải xác định được rõ trước khi bắt lỗi “không sang tên đổi chủ” và áp dụng mức phạt.
Nếu không làm được việc này thì sẽ có nhiều người bị oan, còn những người khác thì lại “lọt lưới”. Không chỉ vậy, việc xử phạt người vi phạm quy định mua bán xe mà không sang tên đổi chủ theo Nghị định này không dựa trên những cơ sở rõ ràng thì dễ sinh ra nạn mãi lộ. Bởi dễ sinh ra vấn đề người vi phạm hối lộ CSGT để được coi là mượn xe mà không phải nộp phạt một khoản tiền lớn hơn trong chế tài".
Bà An băn khoăn, trong thực tế, yêu cầu tuân thủ pháp luật là rất đúng. Bây giờ có nhiều người dân khó khăn, ki cóp từng đồng một mua những chiếc xe cũ giá chỉ vài triệu để đi làm, lấy vài chục nghìn tiền công một ngày. Trong khi đó, chủ xe đó đã không còn liên hệ được, bây giờ khi lưu thông mà họ không may bị phạt thì sẽ như thế nào?
Cũng theo bà An, mức độ phạt tăng lên thì cũng không sao vì sẽ tăng tính răn đe nhưng trong trường hợp này thì cần xem tăng như thế nào để phù hợp với mức độ cuộc sống của người dân. Chỉ có các cơ quan chủ quản mới giải quyết được chuyện này vì các vùng miền khác nhau thì người dân có mức thu nhập khác nhau.
Vị đại biểu Quốc hội này tiếp tục bày tỏ lo lắng: “Tất cả những điều này nếu không xử lý tốt thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng tôi khẳng định rằng những ai vi phạm pháp luật như mua bán xe mà không sang tên đổi chủ thì phải xử lý.
Việc Nghị định 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực đã khiến người dân hoang mang. Và trong việc này, rõ ràng công tác tuyên truyền của chúng ta đến người dân về văn bản pháp luật này còn chưa được đến nơi, đến chốn. Vô tình, việc này đã gây ra những nghi ngờ cho các cơ quan không có liên quan trong đó có bộ GTVT. Tôi thấy khổ thân anh Thăng (Bộ trưởng Bộ GTVT) vì trong chuyện này anh ấy bị oan”.
“Tôi đề nghị các cơ quan có liên quan đến Nghị định này rà soát lại xem còn vấn đề gì chưa sát, chưa chặt chẽ thì cho tiếp tục khảo sát thực tiễn. Đồng thời, nghiên cứu làm sao để có một biện pháp thích hợp hoặc là đưa ra vào một thời điểm thích hợp, giải quyết tất cả tồn động cũ đi để từ đó trở đi sẽ xử lý vấn đề này (mua bán xe nhưng không sang tên đổi chủ - PV).
Có như vậy, pháp luật mới đi vào cuộc sống và khả thi. Trong thời gian tới, chúng ta phải rút kinh nghiệm để tránh xã hội bị “kích động” một cách không cần thiết như vậy”, bà An kiến nghị.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Tuệ Minh