Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

GS. Đặng Hùng Võ: 'Còn nhiều điều chưa thể nói khi gặp dân Văn Giang'

12/11/2012 07:05
Hồng Chính Quang
(GDVN) - "Khi người dân bắt phải theo luật một cách cứng nhắc trên giấy tờ thì tôi phải thừa nhận là sai. Tôi không thể nói là đúng theo lôgíc hình thức. Chúng ta hãy trở lại cốt lõi của hệ thống pháp luật, xây dựng pháp luật để làm gì nếu không phải là mục tiêu của sự phát triển đất nước".
Với nét mặt khá căng thẳng và có vẻ buồn sau khi buổi gặp mặt với người dân Văn Giang (Hưng Yên) kết thúc, chúng tôi hiểu GS. Đặng Hùng Võ còn nhiều điều muốn giãi bày. Điều này xuất phát một phần từ việc thời gian cho buổi gặp mặt không dài nhưng nhiều người dân với tâm trạng bức xúc cũng không muốn nghe ông trình bày với lý do những điều ông nói chỉ là biện minh.
GS. Đặng Hùng Võ tại buổi gặp mặt người dân Văn Giang (Hưng Yên)
GS. Đặng Hùng Võ tại buổi gặp mặt người dân Văn Giang (Hưng Yên)
Sau buổi gặp mặt chiều 8/11, nhiều lần hẹn gặp, chúng tôi mới có thể trò chuyện với ông về những điều mà ông còn suy nghĩ, chưa nói ra được. Tiếp chúng tôi ngay sau một buổi phỏng vấn truyền hình, ông tươi cười chia sẻ vấn đề mà chúng tôi muốn nghe về hoàn cảnh mà ông ký 2 Tờ trình trong vụ thu hồi đất ở Văn Giang. 

"Tôi phải thừa nhận sai"

Rút một điếu thuốc trong bao thuốc đã gần hết và châm lửa, ông chậm rãi chia sẻ: “Hoàn cảnh ở đây là giai đoạn từ 15/10/1993 đến 30/6/2004, tất cả những quyết định về đất đai thuộc thẩm quyền của Chính phủ đều do Thủ tướng Chính phủ thực hiện. Tại sao lại có chuyện ấy là vì có ngữ cảnh. Từ 15/10/1993, từ thời gian ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã giao cho Thủ tướng Chính phủ thực hiện thẩm quyền của Chính phủ về đất đai. 
Có 2 lý do hợp lý dẫn đến quyết định này. Thứ nhất là khó thực thi pháp luật. Tất cả những văn bản liên quan đến đất đai đều là Quyết định như Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất… trong khi văn bản của Chính phủ lại không có hình thức Quyết định mà chỉ có Nghị quyết hoặc Nghị định. Ngay trong văn bản quy phạm pháp luật hiện nay cũng không có việc Chính phủ ra Quyết định". Ông Võ nói tiếp: "Cũng có người nói rằng Chính phủ ra Nghị quyết giao cho Thủ tướng ban hành Quyết định mới chuẩn. Tại sao chúng ta lại cứ phải "tự lấy đá ghè vào chân mình như vậy". Thực tế, người dân đang đòi hỏi đơn giản thủ tục hành chính, thủ tục phức tạp không chỉ gây bức xúc cho dân mà còn làm mất cơ hội đầu tư ở địa phương.
"Thực tế, người dân đang đòi hỏi đơn giản thủ tục hành chính, thủ tục phức tạp không chỉ gây bức xúc cho dân mà còn làm mất cơ hội đầu tư ở địa phương".
"Thực tế, người dân đang đòi hỏi đơn giản thủ tục hành chính, thủ tục phức tạp không chỉ gây bức xúc cho dân mà còn làm mất cơ hội đầu tư ở địa phương". 
Tư duy thông thường là hãy đơn giản thủ tục trong phạm vi không gây hậu quả xấu mà làm. Thủ tướng Chính phủ thực hiện thẩm quyền của Chính phủ nhưng luôn phải có ý kiến trình không chỉ của Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) mà còn phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng là những Bộ có chức năng quản lý đất đai. Ngoài ra còn có Bộ Tư pháp "giữ cửa" về tính hợp thức của văn bản.   Ở đây, Luật Đất đai đang mong muốn có các quy định thật chặt chẽ về thẩm quyền, nhưng trên thực tế thì rất khó thực thi, hoặc thực thi lại gây cản trở cho quá trình phát triển. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang chuẩn bị theo hướng trao cho thẩm quyền riêng quyết định về đất đai, đúng như Chính phủ đã thực hiện trước đây".

Lý do thứ hai được ông Võ đưa ra là: "Năm 1994 Nghị quyết TW 7 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được ban hành thì một trong những điểm để tăng sức thu hút đầu tư là không để các thủ tục về đất đai rắc rối, phức tạp cho các nhà đầu tư. Chúng ta đang phải thu hút đầu tư, đầu tư rất nhiều nơi, các tỉnh đều có yêu cầu đầu tư. Nếu quá phức tạp thì mất cơ hội đầu tư cho địa phương. 

Tôi cho rằng đây là hai lý do hợp lý khi Thủ tướng Chính phủ thực hiện thẩm quyền của Chính phủ. Tuy nhiên, so với Luật thì điều này lại vênh. Một bên là tính hợp lý so với cuộc sống phát triển đang đòi hỏi, và bên kia là vênh với những điều luật cứng nhắc. Thực tế không chờ đợi pháp luật, nhất là trong hoàn cảnh hệ thống pháp luật nước ta còn thiếu tính hệ thống". 

"Khi vào đối thoại thì tôi rất thành tâm, khi nói rằng về thẩm quyền thì chắc chắn là vênh với pháp luật nên tôi nhận sai, nhận sai mang tính cá nhân so với đòi hỏi áp dụng pháp luật một cách máy móc. Thực tế là như vậy, tôi cũng thuyết minh rằng đó là “thông lệ” của Chính phủ từ 10 năm nay với hơn 3000 văn bản, không phải bây giờ mới xảy ra cá biệt cho riêng một trường hợp của Văn Giang.

Khi người dân bắt phải theo luật một cách cứng nhắc trên giấy tờ thì tôi phải thừa nhận là sai. Tôi không thể nói là đúng theo lôgíc hình thức. Chúng ta hãy trở lại cốt lõi của hệ thống pháp luật, xây dựng pháp luật để làm gì nếu không phải là mục tiêu của sự phát triển đất nước", GS. Võ tâm sự.  

Vị GS này nói tiếp: "Nhưng qua việc này thì cũng thấy rằng hệ thống pháp luật về đất đai cũng còn những lỗ hổng, thiếu chuyên nghiệp chưa phân tích hết khả năng thực thi như thế nào, các tình huống xảy ra và cách điều chỉnh kịp thời như thế nào để tránh xảy ra tình trạng như vậy.

Thêm nữa, trong 10 năm 1993 - 2004, Bộ Tư pháp cũng như Quốc hội khi đó cũng thấy chuyện này là hoàn toàn bình thường và chưa ai có ý kiến gì về thực hiện thẩm quyền của Chính phủ. Tôi cho rằng, rất cần một ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sự hợp lý của áp dụng thẩm quyền của Chính phủ trong 10 năm đó". 
“Tôi không ngại bị kiện”


Khi được hỏi về việc ông có lường trước việc khi ông nhận sai thì người dân sẽ kiện ông ra tòa hành chính, ông Võ nói: "Tôi không ngại gì cả bởi kiện là quyền của người dân. Bức thư tôi nhận được ký ngày 25/10 và nói rằng trong 1 tuần không gặp bà con thì họ sẽ tố cáo.

Nhưng tôi vẫn để sau một tuần tôi mới gặp để thấy rằng bà con cứ tố cáo, sau đó tôi mới gặp. Không vì lời đe dọa tố cáo mà tôi gặp. Đó là một câu chuyện rất bình thường, không nên quá đề phòng, tính toán để làm mất đi sự tự nhiên, tính khách quan của sự việc".


"Sau khi gặp dân Văn Giang, tôi cảm thấy nhẹ nhàng vì xong một công việc. Nhưng từ đó cũng đặt ra một vấn đề mới, tức là những khiếu kiện của người dân còn nhiều thì mình có thể đóng góp gì vào việc thay đổi tình trạng ấy. Mình là người trong bộ máy xây dựng pháp luật thì dễ, nhưng hiện nay tôi đã về hưu vậy việc tác động như thế nào lại là cả một vấn đề lớn.

Nhưng tôi vẫn quyết tâm tác động. Người dân ta vốn rất tốt, trong chiến tranh, mọi người đều mang của cải của mình ra đóng góp, mọi người đều mang đồ đạc của mình ra lót đường cho xe ra tiền tuyến, họ cũng sẽ hết mình trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay. Yên lòng dân là một yếu tố quan trọng nhất của phát triển bền vững", ông Võ tâm sự.

(còn nữa)

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Chính Quang