Cảm ơn thầy, người thầy vĩ đại của em

19/11/2012 16:16
Nguyễn Đỉnh
(GDVN) - Ngày tôi biết thầy rời xa mái trường, dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng lòng tôi vẫn nhen lên cảm xúc khó diễn đạt bằng lời, buồn, nhớ, cảm phục, nuối tiếc…
LTS: Nhân dịp 20/11, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của bạn đọc để tri ân Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Khoát, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Giao Thuỷ, Nam Định. Báo Giáo Dục Việt Nam xin đăng tải bài viết này tới bạn đọc với mục đích vinh danh những “người lái đò” tận tụy, những người thầy đáng kính đã và đang âm thầm cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả. Sau 11 năm, tôi vẫn nhớ bài toán thầy dạy lớp chúng tôi khi bắt đầu học về bất đẳng thức Cauchy. Tìm giá trị nhỏ nhất của biểu thức: A = x^2 + 2/x, với x > 0. Sau này, tôi biết đó là một bài toán rất đơn giản về tìm “điểm rơi” trong bất đẳng thức Cauchy, tôi có điều kiện để biết và tìm hiểu sâu những bất đẳng thức khó, phức tạp hơn rất nhiều và nhận ra cái mà học sinh được dạy là bất đẳng thức Cauchy thực tế là bất đẳng thức giữa trung bình cộng và trung bình nhân (AM-GM)… Nhưng với kiến thức hạn hẹp của những học sinh lớp 10 như chúng tôi ngày ấy, trong điều kiện sách vở ít ỏi, máy tính còn là một thứ xa vời, Internet chưa xuất hiện ở vùng nông thôn và kiến thức chủ yếu thu lượm từ người thày trực tiếp dạy mình… phương pháp tìm “điểm rơi” mà thầy giới thiệu trong buổi học ấy như mở ra một thế giới. Với tôi, ngày hôm ấy thầy giống như một siêu nhiên, một ảo thuật gia thiên tài với kỹ thuật siêu hạng trên công cụ rất giản đơn là tấm bảng đen và viên phấn trắng.
Thầy Nguyễn Văn Khoát bên tập thể Giáo viên trong lễ chia tay.
Thầy Nguyễn Văn Khoát bên tập thể Giáo viên trong lễ chia tay.
Ngày hôm ấy, thầy đã dạy cho tôi nhiều hơn là kiến thức trong một tiết học 45 phút. Đó là nhiệt huyết, là đam mê, là khát vọng và cảm hứng, những thứ đã dẫn dắt tôi trong suốt 3 năm phổ thông, 5 năm đại học và sau ấy. Tôi thích học toán từ khi còn rất bé, nhưng tôi chỉ bắt đầu yêu toán bắt đầu từ ngày hôm ấy. Tôi lao đầu vào học và giải toán, đọc tạp chí Toán học & tuổi trẻ và tìm tòi lời giải cho những bài toán khó nhằn nhất, bứt rứt vì những nỗ lực bất thành và sung sướng đến tột cùng vì một lời giải đúng, hãnh diện khi nhận giải thưởng năm của tạp chí… 3 năm học cấp 3 là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa và không thể quên trong cuộc sống của tôi. Có một điều tôi biết, tôi không phải là học sinh được thầy yêu quý và không phải là người được thầy nhớ đến trong hơn 30 thế hệ học trò của thầy. Nhưng tôi sẽ luôn nhớ về thầy như một tấm gương sáng và một biểu tượng. Tôi vẫn nhớ như in những lần thầy “dọa dẫm”: “Anh không đỗ đại học đâu!”, cho những ý tưởng ngu ngốc và dở hơi của tôi và chúng đã kích thích lòng quyết tâm của tôi nhiều hơn hàng nghìn lời khích lệ. Tôi đã học bằng tất cả sự quyết tâm và lòng say mê, không chỉ môn toán mà còn tất cả những môn khác. Và tôi đã đỗ đại học với một điểm số tốt, vào một lớp tốt. Tôi tiếp tục học toán, tham gia thi Olympic SV và tận hưởng niềm vui mà nó mang lại…
Những đóa hoa tươi thắm tặng thầy Nguyễn Văn Khoát.
Những đóa hoa tươi thắm tặng thầy Nguyễn Văn Khoát.
Giờ đây tôi không còn làm toán nữa, công việc hiện tại không liên quan tới toán học và tôi cũng nhận ra rằng toán không mang lại quá nhiều lợi ích thiết thực như tôi tưởng. Nhưng điều quan trọng là toán đã dẫn dắt tôi từ một học sinh ham chơi, lười học… tới một người chăm chỉ ở hầu khắp các môn. Quan trọng hơn, tôi đã sống bằng tất cả nhiệt huyết và đam mê cháy bỏng của mình, những điều ấy vô cùng ý nghĩa. Được học thầy trong 2 năm học là món quà đầy may mắn của tôi. Cũng có những điều trăn trở, nuối tiếc khi tôi đã không đi cùng đam mê ấy chơ tới tận cùng. Nhưng có phải “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, nếu chọn toán, tôi lúc này có thể đang là một anh giáo quèn nai lưng dạy thêm kiếm sống và giấc mơ bị giết chết, chôn vùi trong những nỗi lo cơm áo gạo tiền… Con đường đi dang dở là để tôi sẽ nhớ về nó như một kỷ niệm đẹp, và nhớ về thầy như một người đưa tôi đến với đam mê ấy và dẫn dắt tôi trên suốt hành trình. Ngày tôi biết thầy rời xa mái trường, dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng lòng tôi vẫn nhen lên cảm xúc khó diễn đạt bằng lời, buồn, nhớ, cảm phục, nuối tiếc… Những dòng viết tặng thầy tôi đặt tên là “A brief Tribute to a long Career” - Lời tri ân nhỏ cho một sự nghiệp lớn, bao nhiêu chữ cũng không đủ bởi thầy vĩ đại hơn cả ngàn trang giấy. Nhưng tôi vẫn muốn viết ra bằng tất cả lòng biết ơn và thán phục. Cảm ơn thầy Nguyễn Văn Khoát, người cha tinh thần, người thầy vĩ đại nhất của em!
“31 năm qua, cứ 5h45’ hàng ngày, dù trời mưa hay nắng, mùa đông hay mùa hè, thầy Khoát đều đã có mặt tại sân trường để kiểm tra công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và chấn chỉnh nề nếp khi học sinh bước chân vào trường, lớp học” - Đó là lời nhận xét của thầy Vũ Văn Hưng - Hiệu trưởng về người thầy Nguyễn Văn Khoát, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Giao Thuỷ, huyện Giao Thuỷ (Nam Định).

Thầy Khoát giản dị bên cạnh học trò.
Thầy Khoát giản dị bên cạnh học trò.

Thầy giáo Nguyễn Văn Khoát (sinh năm 1952), nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Giao Thuỷ, sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo bên sông Sò (một nhánh của sông Hồng) thuộc địa bàn xã Giao Tân, huyện Giao Thuỷ. Từ thuở nhỏ cậu học trò Khoát đã rất ham học hỏi, với ước mơ trở thành thầy giáo trường làng. Năm 1969, Khoát đã thi đỗ vào Khoa Toán của Trường đại học Tổng hợp. Sau 3 năm “dùi mài kinh sử” trên giảng đường, năm 1972, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, cậu sinh viên Khoát đã xung phong lên đường nhập ngũ, đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược. Gần 4 năm (1972 - 1975) tham gia lực lượng vũ trang, vào Nam ra Bắc bao lần sinh tử, đến năm 1975, anh mới quay trở lại Trường đại học Tổng hợp để tiếp tục thực hiện giấc mơ còn dang dở. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, đến năm 1977, anh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu và vinh dự được lãnh đạo Trường đại học Tổng hợp giữ lại làm giảng viên, cán bộ quản lý. Nhưng với ước mơ sẽ về làm việc ở trường làng, giúp đỡ học trò nghèo, thầy giáo Khoát kiên quyết quay về mái Trường THPT Giao Thuỷ (năm 1978) công tác.

Ngay sau khi về trường, thầy Khoát đã tham gia nhiều hoạt động tích cực, nổi bật nhất là giúp đỡ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Riêng môn Toán, thầy Khoát đã liên tục đổi mới phương pháp giảng dạy, phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi học sinh. Đến năm 1991, thầy Khoát vinh dự được lãnh đạo Sở GD&ĐT Nam Định tín nhiệm, giao trọng trách giữ chức Phó hiệu trưởng và 12 năm sau thì làm Hiệu trưởng Trường THPT Giao Thuỷ.

Trong khoảng hơn 20 năm làm lãnh đạo Trường THPT Giao Thuỷ, thầy Khoát đã nhiều lẫn vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và năm 2000, được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Thầy nghỉ hưu vào tháng 11/2012.
Nguyễn Đỉnh