Chỉ trích, chửi bới đội nhà là quyền của các CĐV, nhưng chửi các cầu thủ và huấn luyện viên làm gì khi họ chơi một trò chơi chắc chắn sẽ có kẻ thua? Thực ra từ “Văn hóa” là một từ đa nghĩa, nó có thể chỉ những sản phẩm vật chất hoặc tinh thần do con người sáng tạo, nhưng cũng chỉ những hoạt động nhằm thỏa mãn đời sống tinh thần. Bóng đá cũng là một sản phẩm tinh thần mang tới bởi những người chơi bóng và huấn luyện, thế nên việc cổ vũ thế nào cũng nằm trong phạm trù “Văn hóa”. Tự đó mà suy, mọi hành vi cổ vũ trong bóng đá đều thuộc phạm trù Văn hóa. |
Chính vì thế mà tôi, thẳng thắn mà nói, có thể rút ra kết luận rằng việc chỉ trích hay thậm chí chửi bới đội nhà lẫn đối phương cũng là văn hóa bóng đá. Việc chỉ trích & chửi đối phương là điều bình thường nên ta sẽ không bàn đến ở đây, điều thực sự đáng quan tâm hơn là những người chỉ trích & chửi bới đội nhà. Họ lăng mạ đội bóng mà mình cổ động vì lý do gì? |
1) Vì đội nhà thất bại: Trường hợp chung nhất, phổ biến nhất. Thắng thì được ca ngợi, thua thì bị chỉ trích, các đội bóng đều sẽ phải chịu cảnh đó vì họ ra sân chơi bóng phục vụ khán giả, những người trả tiền vé vào sân hay bỏ thời gian để ngồi trước màn hình vô tuyến. HLV Lê Thụy Hải và cả đội Thanh Hóa bị khán giả nhà chửi mắng vì thua Sông Lam Nghệ An cách đây 17 tháng, trận đấu mà Thanh Hóa đá trên sân nhà và đã dẫn trước sau hiệp 1 nhưng thủ môn Hoàng Dương bắt đầu bắt bóng lập bập mà vẫn không bị thay ra. Khi tỷ số là 3-2 cho SLNA, nhiều khán giả chuyển sang cổ vũ cho đội khách, ném chai nước xuống sân và dùng những từ ngữ tục tĩu nhất cho tất cả các cầu thủ Thanh Hóa lẫn ông Hải “lơ”, gọi họ là những kẻ bán độ. |
2) Vì thua cược: Andres Escobar bị bắn chết vào năm 1994 chỉ vài tháng sau khi khiến đội nhà bị loại ở World Cup vì đá phản lưới nhà trong trận gặp Mỹ. Cảnh sát điều tra đã cho biết một trong những giả thuyết của vụ sát hại là vì có những kẻ đã đặt quá nhiều tiền vào cửa Colombia thắng Mỹ nên tìm cách trả thù. Tất nhiên, đó không phải là vụ duy nhất từng xảy ra. Có thể khẳng định chắc chắn là không có nước nào trong khu vực Đông Nam Á mà vấn đề cá cược bóng đá lại trầm trọng như ở Việt Nam, cho nên đừng ngạc nhiên nếu có những “Cổ động viên” chửi đội nhà chỉ vì lỡ đặt cả đống tiền cá cược. |
3) Vì thua trước kẻ thù: Cristiano Ronaldo cách đây 12 tháng đã có mặt trong một trận El Clasico giữa Real Madrid và Barcelona tại Bernabeu. Ronaldo phung phí rất nhiều cơ hội khiến đội nhà thua 1-2, và vì đây là El Clasico, nên CR7 lập tức bị CĐV chửi bới khi bước vào đường hầm. |
4) Vì chơi xấu: Đây là điều sẽ thấy được ở bóng đá Nhật Bản, bởi các CĐV Nhật luôn dành sự tôn trọng nhất định cho đối thủ và họ chỉ quay lưng với đội nhà một khi dùng thủ đoạn để chiến thắng. Trường hợp này hiếm khi xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, và cũng chưa có một tư liệu cụ thể nào ghi lại những sự kiện như thế. |
Trên đây chỉ là một vài lý do chủ yếu, mà trong đó ta sẽ thấy lý do nào cũng đều có vẻ chính đáng cả (kể cả thua cược). Những người không hài lòng với đội nhà chắc chắn sẽ có sự bất bình, và việc họ chỉ trích là một hành động nhằm hạ bớt sự bất bình đó. Đó cũng là vấn đề văn hóa của bóng đá, chỉ có điều nó mang nghĩa tiêu cực khi người nhà đi nói xấu người nhà. |
Ai cũng có quyền bày tỏ sự bất bình của mình, nhưng ở Việt Nam, xem ra điều đó đi quá giới hạn rất nhiều lần. Trường hợp của Thanh Hóa ở trên cho thấy các CĐV Thanh Hóa thực sự là những người hiếu thắng và rất võ đoán. Thanh Hóa khi đó bất bại trên sân nhà nhưng Sông Lam Nghệ An là một đối thủ rất khó đánh bại, vậy thì thua trước một đối thủ mạnh trên sân nhà có gì là nhục? Nếu dẫn trước 1-0 nhưng bị lội ngược dòng 3-2 khi trận đấu kết thúc là bán độ, ắt cả đội AC Milan đi bán độ trong trận chung kết Champions League 2005. Hay phải chăng bán độ cũng là “văn hóa” của bóng đá Thanh Hóa, đến nỗi khi đội nhà thua là nghĩ ngay tới bán độ? |
Trong 10 điều mà FIFA khuyến khích với những người chơi bóng đá chuyên nghiệp, điều 2 nói rằng chơi để thắng nhưng hãy biết chấp nhận thất bại và tôn trọng đối thủ lẫn trọng tài & khán giả, còn điều 7 nhấn mạnh mọi hành vi bạo lực, lăng mạ trên sân đều không được chấp nhận. Nếu như các cầu thủ biết chấp nhận thất bại, biết tôn trọng đối thủ và tôn trọng cả khán giả nhà thì các CĐV cũng nên có thái độ tương tự. Nỗ lực trên sân bóng của các cầu thủ có thể ngang nhau, nhưng trong môn thể thao nào thì cũng chỉ có một kẻ chiến thắng và phần còn lại là thất bại, do vậy đừng chỉ trích cầu thủ & HLV một khi họ đã đổ mồ hôi để làm việc và cố gắng phục vụ khán giả với mức độ nỗ lực ngang bằng với kẻ chiến thắng. |
Điều cuối cùng mà tôi muốn nói, đó là việc chỉ trích, chửi bới, lăng mạ đội nhà vì bất cứ lý do nào cũng là không nên, không phải bởi vì nó không chính đáng, mà bởi chúng ta có thể sẽ nhận được những hệ quả không đáng có từ những hành động ấy. Các cầu thủ, huấn luyện viên, hay thậm chí trọng tài, xét cho cùng cũng là những con người bình thường như chúng ta, họ cũng là người giống như bạn bè, người thân hay con cái chúng ta. Liệu chúng ta có văng tục trước mặt con cái chúng ta không? Nếu có, chúng ta không đáng làm phụ huynh. |
Trần Long