Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh lương thực quốc gia

25/09/2012 08:03
Diện Hứa
(GDVN) -Theo Tổ chức Nông - Lương LHQ (FAO), hiện nay thế giới vẫn còn khoảng 1 tỷ người thường xuyên không đủ ăn. Trong đó nỗi đau lớn nhất là cứ mỗi năm lại có khoảng 6 triệu trẻ em chết vì đói, có nghĩa là cứ mỗi ngày lại có khoảng 17.000 trẻ em phải chịu chết trong cơn đói. Đó là hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.

Tháng 9/2012, Hội nghị toàn cầu lần thứ hai về nông nghiệp an ninh lương thực và biến đổi khí hậu diễn ra. Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, cần tập trung xác định các nguồn tài chính mới, mở rộng nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường đầu tư của khu vực tư nhân, tăng cường quản lý rủi ro để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia thẳng thắn nhìn nhận, việc phải đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho khoảng 9 tỷ người với mức tăng sản lượng lương thực toàn cầu khoảng 70% tính đến năm 2050 là một thách thức lớn trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác quá mức và sử dụng lãng phí, chưa kể tác động ngày càng lớn của thiên tai, biến đổi khí hậu. Vậy biến đổi khí hậu đang là thách thức cho hàng tỷ người trên thế giới.

Thách thức lương thực cho 9 tỷ người trên các quốc gia

Những thách thức của an ninh lương thực toàn cầu thể hiện qua việc gia tăng dân số, kèm theo việc tăng nhu cầu lương thực thực phẩm. Theo dự báo, dân số thế giới tăng từ 6,8 tỷ hiện nay lên 9,1 tỷ vào năm 2050, mà đa số xảy ra ở những nước đang phát triển. Số dân tăng như vậy đòi hỏi lượng lương thực nói chung tăng 70%, song tại các nước đang phát triển phải tăng gấp đôi.

Mưa lũ lớn , làm hàng ngàn ha lúa bị ngập.
Mưa lũ lớn , làm hàng ngàn ha lúa bị ngập.
Gánh nặng khổng lồ của việc nuôi một số dân toàn cầu đang tăng nhanh như vậy càng trở nên nặng nề hơn do tác động của biến đổi khí hậu lên sản xuất lương thực. Những nghiên cứu mới đây đã vẽ ra một bức tranh đáng buồn: Tại Đông và Nam Á, việc thay đổi khí hậu sẽ làm thay đổi chế độ mưa, tăng tần suất hạn hán và nhiệt độ trung bình, đe dọa nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tại vùng châu Phi cận Sahara, theo dự báo, chỉ đến năm 2020 lượng mưa sẽ giảm một nửa. Biến đổi khí hậu có thể làm sản lượng nông sản phẩm tổn thất đến 50%. Nếu không có hành động khẩn cấp, biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, khiến số người bị thiếu đói và suy dinh dưỡng tăng vọt. Những dự báo mới đây cho rằng vào năm 2020 sẽ có khoảng 60 triệu người có nguy cơ bị đói.
Cộng đồng quốc tế đang phải đương đầu với thách thức to lớn này, nhằm vào những nước có thu nhập thấp để tăng sản lượng nông sản phẩm cho họ. Những cố gắng đó tập trung vào 500 triệu tiểu nông trên toàn thế giới, hiện làm ra một lượng lương thực nuôi sống khoảng 2 tỷ người. Nếu dựa vào các công nghệ tiên tiến để tăng năng suất của nông nghiệp thì không những bảo đảm được nhu cầu và dinh dưỡng cho họ mà còn cho cả hàng triệu người phụ thuộc vào họ.
         
Có thể thấy rằng, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm đang trở nên vô cùng cấp bách trong những năm trở lại đây. Trong đó, nguyên nhân gây nên tình trạng này là vấn đề khai thác quá mức, sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất , nước, rừng…

Một nguyên nhân nữa là các hiện tượng thời tiết cực đoan, như hạn hán và lũ lụt ngày càng khắc nghiệt, bắt nguồn từ biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là một nền nông nghiệp toàn cầu vốn đã bị “bỏ rơi”, không được đầu tư trong nhiều năm. Những vấn đề cấp bách này tạo tiền đề cho sự ra đời Hội nghị toàn cầu về Nông nghiệp, An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu mà chúng ta đang bàn tới.

Hạn hán, ruộng đồng nứt nẻ khiến cây trồng kém phát triển, năng suất giảm.
Hạn hán, ruộng đồng nứt nẻ khiến cây trồng kém phát triển, năng  suất giảm.
   
Điểm lại có thể thấy đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo toàn cầu được tổ chức để bàn thảo những vấn đề này. Hầu hết các hội nghị đều đề cập tới tình trạng biến đổi khí hậu là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới sự khan hiếm về lương thực. Cụ thể như sau:  Tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu với nước biển dâng, nhiệt độ tăng cao sẽ tác động xấu đến cây trồng, làm leo thang giá cả lương thực. Một khi giá cả leo thang, nguồn cung lương thực bấp bênh, người nghèo sẽ càng bị đói, điều này khiến an ninh lương thực không thể đảm bảo. Bởi an ninh lương thực chính là đảm bảo đủ lương thực cho xã hội để không một ai bị đói, người làm ra lương thực không bị nghèo đi so với mặt bằng chung của xã hội.
Biến đổi khí hậu cũng tác động xấu đến đất dự trữ nông nghiệp, vốn đã đang bị xói mòn, cạn kiệt trong nhiều năm qua. Giá cả lương thực leo thang, nhưng cán cân giàu - nghèo giữa người sản xuất và người hưởng thụ không thể cân bằng, cũng sẽ tác động ngược trở lại đội ngũ sản xuất theo hướng tiêu cực.

Trước đó, tháng 2/2012, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính 44 triệu người dân tại các nền kinh tế đang phát triển bị rơi vào tình trạng đói nghèo cùng cực do giá lương thực tăng chóng mặt.Trong báo cáo mang tên ‘Giám sát Giá Lương thực’ được đưa ra tháng 11, WB nói rằng chỉ số giá lương thực toàn cầu lên đến đỉnh điểm vào tháng 2/2011 nhưng sau đó lại giảm bớt 5%. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn cao hơn 19% so với tháng 9/2010.

Dựa trên bản báo cáo trên, ta có thể thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra rất nặng nề tới an ninh lương thực trên toàn thế  giới, trong đó  Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Việt Nam: An ninh lương thực cũng là vấn đề lớn

Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu cũng sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến sản xuất lương thực.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ TN&MT mới cập nhật, nếu nước biển dâng 1m, khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung có nguy cơ bị ngập.

Biến đổi khí hậu không những làm lượng lương thực giảm sút mà còn gây khó khăn cho việc vận chuyển.
Biến đổi khí hậu không những làm lượng lương thực giảm sút mà còn gây khó khăn cho việc vận chuyển.
Trong báo cáo mới nhất về biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận định, nếu không có hành động quy mô lớn, đất ở đồng bằng sông Cửu Long và các đồng bằng khác sẽ ngày càng bị xâm nhập mặn. Sự xâm nhập mặn ở  hiện do mở rộng các hệ thống tiêu thoát nước vùng đồng bằng, phá rừng, giảm lượng mưa vào mùa khô. Mực nước biển tăng sẽ tăng áp lực về xâm nhập mặn. Điều này có nghĩa là nước mặt cho tưới tiêu bị ảnh hưởng và nước ngầm bị mặn hóa, đất trồng và cây trồng cũng sẽ bị tác động theo. Thêm nữa, vùng trồng lúa của ta chủ yếu tập trung ở các đồng bằng thấp ven biển nên hệ lụy của nước biển dâng cao quả là đáng ngại.

Trước tình trạng trên, các quốc gia cần hợp tác vì an ninh lương thực toàn cầu. Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa khẳng định, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan là thách thức lớn nhất hiện nay bởi nó có tác động rất lớn đến nguồn cung lương thực. Vì vậy, phải có các chương trình đầu tư lâu dài, chuyển đổi phương thức sản xuất đất, tăng cường an ninh xã hội... để giảm nhẹ thiên tai.
Diện Hứa