Ảnh minh họa - tuổi trẻ. |
Tốt nghiệp ngành phát triển quốc tế và cộng đồng tại một trường đại học công lập ở Mỹ, một cô gái Mỹ (xin không nêu tên) cho biết trước khi sang VN, cô tham gia một khóa học tại quê nhà để lấy chứng chỉ CELTA (Certificate in English language teaching to adults) chứng nhận khả năng giảng dạy tiếng Anh cho người lớn do Đại học Cambridge cấp và có giá trị quốc tế.
Chân dung Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qua các thời kỳ
Cộng đồng mạng "lên cơn sốt" vì bài văn "ba ngày làm chuột"
Những hình ảnh xúc động về "lớp học tật nguyền" của bà lão 80 tuổi
Trong tuần đầu tiên ở TP.HCM, cô nộp đơn xin vào giảng dạy tại một trung tâm Anh ngữ có tiếng tăm và nhanh chóng được chấp nhận sau khi trải qua hai cuộc phỏng vấn ngắn gọn và dạy thử một lớp dành cho trẻ em. “Tổng thời gian từ lúc nộp đơn đến khi được tuyển dụng chưa đầy một tuần” - cô gái Mỹ cho biết.
Sau một thời gian làm thiết kế đồ họa ở Mỹ, V.Phan sang VN tìm cơ hội giảng dạy tiếng Anh và tính đến nay cô gái người Mỹ gốc Việt này đã kinh qua bốn trung tâm ngoại ngữ. V.Phan cho biết cô phải nộp các loại giấy tờ và quá trình xin việc cũng không quá khó khăn. Cô trải qua một cuộc phỏng vấn, dạy thử trên lớp khoảng một giờ, rồi bàn chuyện lương bổng và được nhận. V.Phan tiết lộ: “Chất lượng giảng dạy trong các lớp dạy thử như thế này sẽ góp phần quyết định mức lương của từng giáo viên khi ứng tuyển”.
Ông Philip G., người Anh, từng làm nhiều nghề trước khi kiếm được chỗ dạy tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ khá nổi tiếng ở TP.HCM. Philip G. cho biết quá trình xin việc của ông khá nhẹ nhàng: phỏng vấn rồi dạy thử và được nhận. “Tôi tham dự một buổi phỏng vấn, sau đó dạy nhân viên của họ (đóng giả học viên) trong khoảng 30 phút rồi bổ sung những giấy tờ cần thiết và nhận lớp. Tất cả kéo dài khoảng một tuần” - Philip nhớ lại.
Pierre Woussen, phụ trách tuyển dụng nhân sự người nước ngoài (Trung tâm ngoại ngữ ILA, TP.HCM), cho biết: “Dựa trên sơ yếu lý lịch hoặc đơn xin việc, mỗi năm chúng tôi chọn ra những người phù hợp từ hàng ngàn ứng viên thuộc mọi độ tuổi và quốc tịch.
Họ phải là những người nói tiếng Anh bản ngữ, có bằng đại học và chứng nhận giảng dạy tiếng Anh. Ngoài ra, họ còn được lựa chọn thông qua những công việc chuyên môn đã làm, thành tích hoạt động ngoại khóa và quá trình tham gia công tác tình nguyện. Vòng phỏng vấn là lúc chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về tính cách của các ứng viên phù hợp. Đồng thời, chúng tôi còn đánh giá họ qua cách xử lý những tình huống giảng dạy thực tiễn”.
Giám đốc học thuật Trung tâm Giáo dục và đào tạo Úc (ACET) tại TP.HCM cho rằng chênh lệch về chất lượng giữa giáo viên người Việt và nước ngoài đang dần thu hẹp khi ngày càng có nhiều giáo viên nước ngoài sinh sống lâu dài tại VN, đồng thời giáo viên người Việt cũng được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn tài liệu, phương pháp và chương trình đào tạo giống như giáo viên nước ngoài.
Lấy chứng chỉ quốc tế ngay tại VN
Nếu như trước đây giáo viên nước ngoài phải học để lấy chứng chỉ TESOL hay CELTA ở các nước khác trước khi đến VN, thì giờ đây họ có thể kiếm được các chứng chỉ đó ngay tại VN do đã có một số đơn vị đứng ra tổ chức. Chi phí lấy chứng chỉ CELTA hay TESOL ở VN rẻ hơn ở Mỹ và cũng kéo dài khoảng một tháng với đầy đủ lý thuyết và thực hành.
Tin Mai, giáo viên người Mỹ gốc Việt, cho biết anh chỉ tốn khoảng 1.500 USD để có chứng chỉ CELTA sau khi theo học một khóa tại một hệ thống trường Anh ngữ nổi tiếng ở TP.HCM. Tin cho biết thêm: “Một trong những ưu đãi của hệ thống trường này là nếu như được nhận vào làm giáo viên toàn thời gian trong vòng sáu tháng sau khi hoàn tất khóa học thì họ sẽ hoàn trả 50% học phí của khóa học CELTA, xem đó như là tiền hỗ trợ giáo viên người nước ngoài bắt đầu cuộc sống mới ở VN”.
Trong suốt khóa học, Tin được phân công dạy thử tiếng Anh cho học viên và các lớp thường có người của đơn vị tổ chức dự giờ để đánh giá. Theo Tin, mỗi giáo viên tương lai phải thực hành giảng dạy ít nhất bốn lần mới đủ tiêu chuẩn để được cấp bằng. Ở trung tâm mà anh theo học để lấy chứng chỉ thì những giảng viên đứng lớp đôi khi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tuyển dụng giáo viên cho trung tâm. Theo lời Tin, “họ có thể nói vào với giám đốc tuyển dụng khi phỏng vấn những ứng viên đã từng theo những khóa học này”.
Còn Michael Tatarski, giáo viên người Mỹ, đã bỏ ra khoảng 2.000 USD để học một khóa lấy chứng chỉ TESOL do Tổ chức giáo dục Language Coprs (Mỹ) có văn phòng tại nhiều quốc gia tổ chức, chia sẻ: “Khóa học kéo dài một tháng, trong đó tôi học hai tuần ở Campuchia và hai tuần còn lại ở VN. Họ còn tổ chức cho chúng tôi gặp gỡ ban giảng huấn của các trung tâm Anh ngữ để tìm kiếm cơ hội giảng dạy”.
743 giáo viên ngoại đang dạy tại các trung tâm
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, số lượng GV nước ngoài dạy ngoại ngữ tại các trung tâm tăng lên theo thời gian. Thời điểm tháng 11-2010, TP có 580 GV nước ngoài thì tháng 11- 2011 có 710 GV, và thời điểm hiện tại của năm 2012 là 743 GV nước ngoài hiện đang giảng dạy tại 70 cơ sở, trung tâm ngoại ngữ.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP - cho biết GV nước ngoài cũng có người dạy tốt và ngược lại. Chưa kể về bằng cấp, rất khó xác định đó là thật hay giả, việc này chỉ có cấp bộ mới làm được. Đánh giá một cách khách quan, GV nước ngoài đã mang vào nước ta những phương pháp giảng dạy đa dạng, tiên tiến, kỹ năng nghe và nói chuẩn. Nhưng cũng có khuyết điểm là số GV này không ổn định, tại một số trung tâm cứ phải thay đổi thường xuyên, trang phục của GV không được chỉn chu như GV VN, điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách của học viên, nhất là giới trẻ.