Sau khi đăng tải bài viết: “Dừng tuyển sinh 207 ngành: Bộ GD&ĐT có quá cứng nhắc, máy móc?”, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề này.
Trong đó, một ý kiến của người cha có con đang học lớp 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng sắp tới tỏ ra rất lo lắng khi 207 ngành, trong đó có những ngành được coi là nghệ thuật cũng bị dừng tuyển sinh.
Người thầy có giỏi thì trỏ mới giỏi. Ảnh minh họa |
Người cha này cho biết, gia đình ông là một gia đình yêu nghệ thuật có truyền thống, hầu như ai cũng đam nghê nghệ thuật.
Cậu con trai đang học lớp 12 theo lời kể của ông, không biết từ bao giờ đã yêu nghề nhiếp ảnh. Thông tin dừng tuyển sinh cả ngành nhiếp ảnh tại Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội khiến ông và con trai hoang mang.
Chúng tôi trân trọng đăng tải nguyên văn ý kiến của một người cha có con đam mê nghệ thuật và có nguyện vọng học nhiếp ảnh.
“Tôi là cha của cháu Vũ Tuấn Kiên, cháu đang học lớp 12. Tôi nghe thời sự và đọc báo mạng thấy Bộ Giáo dục dừng tuyển sinh 207 ngành trong đó ngành "nghệ thuật”. Gia đình tôi có truyền thống về nghệ thuật và đam mê về nghệ thuật rất nhiều, gia đình tôi và nhất là cháu cảm thấy khó tin trước thông báo này, một thông báo hoàn toàn sai lầm khi Bộ Giáo dục nghĩ "nghệ thuật" là ROBOT, điều đó không phải .
"Nghệ thuật" là một thứ gì đó làm tâm hồn con người trở lên thanh thoát, nhẹ nhành hơn, yêu cuộc sống và đam mê với nghề hơn. Không biết từ bao giờ mà con tôi lại yêu thích nghề nhiếp ảnh, tôi thấy nó lúc nào cũng cầm chiếc máy ảnh chụp mọi thứ, nó cứ nhìn thấy cái gì lạ, cái gì đẹp là nó chụp. Có hôm 12 giờ đêm nó vẫn ở ngoài đường chụp ảnh ánh đèn thắp sáng, nó cho tôi xem những bức ảnh nó chụp, toàn thấy hình tròn hình lục giác…, tôi thấy nó gọi là bo-ke, tôi cũng chẳng biết được, ừ cứ nghe nó gọi như vậy tôi cũng gật đầu.
Lúc đầu tôi nghĩ nghệ thuật cũng là một thứ nghề bình thường như bao nhiều nghề khác, nhưng có một lần tôi được đi xem những bức ảnh mà nhiều nhà nhiếp ảnh chụp và được treo trong phòng triển lãm, tôi lấy làm thắc mắc làm sao “ông này chụp kiểu gì mà có một bức ảnh đẹp và có hồn đến thế”, tôi nghĩ chắc người nghệ sỹ này phải bỏ tâm huyết hết sức mình vào bức tranh này.
Không phải chỉ riêng nhiếp ảnh mà các ngành nghệ thuật khác cũng phải có một tâm hôn và có kiến thức sâu rộng, am hiểu được ý nghĩa cuộc sống. Không có người thầy xuất sắc thì sẽ không có học trò xuất sắc. Trong cuộc sống này mà không có "nghệ thuật" thì con người trở lên héo úa, không có sức sống như hoa không được tưới nước. Tôi cảm ơn nhà trường đã cho con em chúng tôi trở thành 1 con người có tâm hồn "nghệ thuật".
Trên đây là toàn văn bức thư của một người cha có con có nguyện vọng được học nhiếp ảnh tại trường đại học.
Trước đó, những thông tin về dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo của 71 cơ sở giáo dục đại học đã khiến nhiều trường lâm vào cảnh “trắng tay”, có những trường bị dừng tuyển sinh tới 14-15 ngành đào tạo trong năm 2014.
Nhiều ý kiến đã bàn luận về vấn đề này, tuy nhiên có một ý kiến giúp nhiều trường và cả Bộ GD&ĐT nhận ra được nguyên nhân khởi nguồn. Độc giả có thể đọc và tham khảo tại đây.
Trong cuộc trao đổi này, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, chủ trương của Bộ GD&ĐT về việc rà soát, kiểm tra, xử lý theo Thông tư số 08 như vậy là đúng, vì thực tế việc mở các ngành đào tạo, các chương trình đào tạo của các trường lâu nay khá tùy tiện, lỗi cả của hai phía.
Tuy nhiên, đang có một sự không rõ ràng ở đây. Vì theo Nghị định 141/2913/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính Phủ hướng dẫn thi hành Luật GDĐH, các chương trình cao đẳng được xây dựng theo định hướng thực hành, còn các chương trình đại học được xây dựng theo cả hai định hướng: nghiên cứu và ứng dụng.
Thực tế, trong Thông tư 08 được soạn thảo chỉ cho các chương trình đào tạo theo hướng nghiên cứu, do vậy mới đòi hỏi giảng viên phải đạt được các trình độ tiến sỹ, thạc sỹ. Giảng viên của các chương trình theo hướng nghề nghiệp ứng dụng chủ yếu cần kinh nghiệm nghề nghiệp hơn là có những văn bằng cao về học vấn.