Viết tiếp bài “Dừng tuyển sinh 207 ngành: Bộ GD&ĐT có quá cứng nhắc, máy móc?” và “Quy hoạch nguồn nhân lực điện ảnh có nguy cơ “đổ bể”, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc phỏng vấn với TS. Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD&ĐT), cuộc phỏng vấn này sẽ làm rõ vấn đề vì sao 71 cơ sở giáo dục đại học có 207 ngành đào tạo, trong đó có các ngành liên quan tới văn hóa nghệ thuật cũng bị dừng tuyển sinh trong năm 2014.
Phản ứng của trường có đúng, có sai
PV: Ông có nhận định gì về việc Bộ GD&ĐT cho dừng 207 ngành của 71 cơ sở giáo dục đại học?
TS. Lê Viết Khuyến: Chủ trương của Bộ như thế là đúng, vì thực tế việc mở các ngành đào tạo, các chương trình đào tạo của các trường lâu nay khá tùy tiện, lỗi cả của hai phía (từ phía xin mở ngành và từ phía quản lý). Bộ cũng không thể nói các trường lừa Bộ được, trường lừa Bộ là lỗi của các trường, nhưng nếu Bộ thiếu trách nhiệm cứ duyệt ào ào thì đó lại là lỗi của Bộ.
Thực tế cho thấy, thời gian qua không ít trường có xu hướng chạy theo việc mở những ngành hot, trong khi việc chuẩn bị còn chưa đến nơi, đến chốn, dẫn đến sản phẩm đào tạo ra chưa có chất lượng.
TS. Lê Viết Khuyến lý giải vì sao các ngành đào tạo bị dừng tuyển sinh nhiều đến vậy. |
Việc Bộ căn cứ vào các chuẩn đã công bố tại Thông tư 08 để xem xét việc dừng tuyển sinh cũng hoàn toàn đúng quy trình. Theo tôi nếu Bộ làm nghiêm túc hơn nữa, dựa vào các yêu cầu có trong Thông tư 08 về mở ngành, thì chắc chắn sẽ còn đình chỉ tuyển sinh nhiều ngành nữa chứ không chỉ có 207 ngành. Có thể lên đến 500-600 ngành bởi vì những chuẩn quy định trong Thông tư 08 rất cao, mà ngay cả trường đại học lớn ở khu vực cũng không đáp ứng được.
Nhưng phản ứng các trường có ngành, nhất là các ngành đặc thù, bị dừng tuyển sinh cho rằng Bộ làm như vậy là chưa thực tế, còn cứng nhắc?
TS. Lê Viết Khuyến: Phản ứng của các trường có cái đúng và có cái không đúng. Trước hết tôi không thích việc chấp nhận “ngành đặc thù”, để rồi hy vọng sẽ nhận được ưu ái cái này cái nọ, liên quan đến điều kiện và trình độ đào tạo. Cách làm đấy dễ dẫn đến “cơ chế xin-cho”.
Thực tế rất rõ ràng: mọi chương trình đào tạo đều nhằm tới một trong hai mục tiêu là giúp người học đi sâu vào nghề nghiệp hoặc nâng cao trình độ học vấn, hoặc kết hợp cả hai. Tuy nhiên chỉ những chương trình giúp người học nâng được trình độ học vấn thì mới được phép cấp cho người học văn bằng cao hơn.
Theo Nghị định 141/2913/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính Phủ hướng dẫn thi hành Luật GDĐH, các chương trình cao đẳng được xây dựng theo định hướng thực hành, còn các chương trình đại học được xây dựng theo cả hai định hướng: nghiên cứu và ứng dụng. Theo đó, ta có thể thấy các chương trình dạy nghề hay theo hướng truyền nghề (chủ yếu là thực hành kỹ năng nghề nghiệp) chỉ có thể đạt tới trình độ cao đẳng. Cũng dựa vào đó các trường có thể tự đánh giá xem những chương trình mà trường mình đang triển khai thực sự tương ứng với trình độ cao đẳng, đại học định hướng nghiên cứu hay đại học định hướng ứng dụng, hay ở những trình độ cao hơn.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy mục tiêu đào tạo của các loại chương trình, ở những trình độ khác nhau là hoàn toàn khác nhau, dẫn đến tiêu chuẩn tuyển chọn đội ngũ giảng viên cũng không như nhau. Trong khi các chương trình đại học định hướng nghiên cứu và các chương trình sau đại học đòi hỏi giảng viên phải có trình độ học vấn cao (tiến sỹ, thạc sỹ) thì các chương trình cao đẳng và đại học định hướng ứng dụng lại thường chọn những giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn hơn (tất nhiên phải có trình độ tối thiểu là đại học).
Nhầm lẫn “tai hại”
Theo ông, việc Bộ GD&ĐT ra Thông tư 08 quy định điều kiện mở ngành, đình chỉ ngành liệu đã tính tới tình huống như ông vừa đề cập ở trên chưa?
TS. Lê Viết Khuyến: Theo tôi, Bộ có động cơ đúng khi đưa ra văn bản này, nhưng việc biên soạn lại chưa chu đáo, thiếu chuyên nghiệp. Có 3 nhầm lẫn lớn trong nhận thức:
Một là, thực tế Thông tư 08 được soạn thảo chỉ cho các chương trình đào tạo theo hướng nghiên cứu nên mới đòi hỏi giảng viên phải đạt được các trình độ tiến sỹ, thạc sỹ. Giảng viên của các chương trình theo hướng nghề nghiệp ứng dụng (có thể chiếm tới 70-80% quy mô sinh viên theo Nghị quyết 14 và Luật Giáo dục đại học) chủ yếu cần kinh nghiệm nghề nghiệp hơn là có những văn bằng cao về học vấn.
Hiện nay chúng ta vẫn phê phán chương trình của nhiều trường đại học, cao đẳng còn nặng về lý thuyết và yếu về thực hành, nhưng định hướng xây dựng đội ngũ giảng viên của Bộ chỉ chạy theo bằng cấp mà không quan tâm tới tính chuyên nghiệp, kinh nghiệm thực tế của người giảng thì đương nhiên các chương trình đào tạo bị yếu về thực hành là đúng.
Hai là, Bộ quy định các trường phải có giảng viên cơ hữu đạt trình độ thạc sỹ, tiến sỹ đúng ngành nghề với ngành được đào tạo. Điều này dẫn tới bất kỳ ngành đào tạo nào có đào tạo ở cao đẳng thì cũng phải đào tạo ở các trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Thực tế thế giới không phải vậy: các trình độ thạc sỹ, đặc biệt tiến sỹ thường chỉ có ở những chương trình định hướng nghiên cứu; còn những chương trình định hướng nghề nghiệp, ứng dụng, thực hành thường chỉ đào tạo ở các trình độ cao đẳng, đại học. Vậy ở các nước đó các trường cao đẳng, đại học định hướng nghề nghiệp tìm đâu ra giảng viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ đúng ngành được phép đào tạo.
Ba là, đối với những ngành mang tính chất liên ngành, như Việt Nam học, Khoa học môi trường, Quốc tế học…, những giảng viên gội cạo thường được mời từ các khoa đơn ngành khác nhau. Vậy ở những ngành này tìm đâu ra các giảng viên có trình độ tiến sỹ đúng ngành được phép đào tạo.
Thưa ông, Bộ GD&ĐT đưa ra những chuẩn trong Thông tư 08 như vậy có phù hợp với điều kiện thực tế của các trường ở Việt Nam hay không?
TS. Lê Viết Khuyến: Bộ đưa ra những chuẩn như vậy là cần thiết, nhưng việc xây dựng những chuẩn đó phải căn cứ vào thực tiễn nền giáo dục của quốc gia và phải tham khảo kinh nghiệm của các hệ thống giáo dục khác. Có làm được như vậy thì các quyết định của Bộ mới được các trường chấp hành nghiêm túc, "tiếng nói" của Bộ mới có "uy lực". Trong trường hợp ngược lại, việc đưa ra các quy định chỉ mang tính hình thức và sẽ tạo cơ hội phát triển cơ chế "xin - cho" cùng nhiều tiêu cực khác.
Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT công khai cho xã hội biết những trường đại học và cao đẳng nào đáp ứng được các yêu cầu ở Thông tư 08. Chắc rằng sẽ rất ít, bởi vì ngay cả các trường trọng điểm quốc gia cũng không phải có tất cả các ngành đào tạo đáp ứng được yêu cầu đó.
Ngoài ra có không ít ngành đào tạo cho dù có huy động giảng viên trong cả nước cũng không thỏa mãn nổi yêu cầu trên. Nhiều ngành đào tạo, nhất là những ngành cao đẳng, không thể tìm đâu ra tiến sỹ. Và khi đã không đáp ứng được các yêu cầu như vậy, dĩ nhiên là các trường phải chấp nhận cơ chế "xin - cho": xin Bộ, xin các trường "bề trên" được Bộ tín nhiệm... để được "châm chước".
Dũng cảm sửa để không phá nát cơ cấu nhân lực
Như vậy, Thông tư 08 có nhiều điều chưa phù hợp. Vậy theo ông, Bộ GD&ĐT cần có động thái gì lúc này?
TS. Lê Viết Khuyến: Rà soát lại điều kiện triển khai các chương trình đào tạo ở các trường để bảo đảm chất lượng là một chủ trương đúng, dựa vàoThông tư 08 để triển khai rà soát cũng không sai quy trình, nhưng lại đang có nguy cơ dẫn tới phá nát cơ cấu nhân lực của đất nước. Vậy nguyên nhân ở đâu, rõ ràng là từ Thông tư 08.
Cách đây 2 năm tôi đã có viết thư gửi tới BT Phạm Vũ Luận dự báo những hệ lụy của Thông tư 08 nhưng Bộ GD&ĐT không tiếp thu. Vậy ngay bây giờ Bộ hãy dũng cảm sửa Thông tư 08, chứ không phải sửa theo kiểu “xem xét” rà soát lại trường này, trường kia và “âm thầm” cho tuyển sinh trở lại vì đó là cách làm theo kiểu “xin – cho”, không thể chấp nhận .
Bộ phải dũng cảm trong việc này, thừa nhận Thông tư 08 là sai, đừng đổ cho Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học. Bộ ra Thông tư 08 thì, nếu thấy bất cập, hoàn toàn có quyền chỉnh lại Thông tư đó. Nếu không sửa thì Bộ vẫn còn quá bảo thủ.
Xin cảm ơn ông.
... khi đưa ra các quy định để các trường thực hiện, Bộ cần thận trọng, phải căn cứ vào tình hình cụ thể và phải tham khảo kinh nghiệm của các hệ thống giáo dục khác. Có làm được như vậy thì các quyết định của Bộ mới được các trường chấp hành nghiêm túc, "tiếng nói" của Bộ mới có "uy lực". Trong trường hợp ngược lại, việc đưa ra các quy định chỉ mang tính hình thức và sẽ tạo cơ hội phát triển cơ chế "xin - cho" cùng nhiều tiêu cực khác...
... Văn bản hiện đang bị các trường phản ứng nhiều nhất hiện nay là Thông tư số 08/2011/TT- BGDĐT ngày 17/2/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng...
...Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi được biết việc đặt ra các tiêu chí chuẩn được nhiều hệ thống giáo dục áp dụng nhưng không một nơi nào lại đưa ra những chỉ tiêu "trên trời" như ở Thông tư 08. Ví dụ: Tại Thông tư về các tiêu chí chuẩn của các chương trình trình độ đại học năm 1999 của Bộ Đại học Thái Lan chỉ quy định mỗi ngành đào tạo trình độ đại học phải có tối thiểu 3 giảng viên có kinh nghiệm, trong đó có ít nhất 1 giảng viên có trình độ thạc sĩ , trong khi từ lâu hệ thống GDĐH của Thái Lan đã vượt rất xa chúng ta về cơ cấu trình độ giảng viên...
(Trích thư của TS Lê Viết Khuyến gửi BT Phạm Vũ Luận ngày 18/1/2012)