“Thời thế có thể tạo nên anh hùng” nhưng cũng có thể “lôi tuột” mọi người vào những ngõ khuất. Vậy xã hội chúng ta hiện nay đang đưa thế hệ trẻ Việt Nam đến “đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu” như thế nào và cũng đang góp phần cản trở sự tự giác của giới trẻ ra sao?
Bài viết nguyên văn của TS. Nguyễn Tùng Lâm về những điều mà xã hội đang vô tình hay hữu ý cản trở sự tự giác của giới trẻ ngày nay, chúng tôi xin phép đăng tải bài viết này như một lời cảnh báo trước thực trạng trên.
Công tác quản lý xã hội của Việt Nam tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều bất cập, nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp nên các biểu hiện tiêu cực của xã hội luôn có mảnh đất bùng phát dễ làm cho “người ngay thẳng thường thua thiệt”.
An toàn thực phẩm thường xuyên đe dọa người dân, hàng giả, hàng nhái tràn lan, siêu thị nơi người dân đặt niềm tin cũng tràn lan hàng giả, phân bón giả làm thiệt hại mùa màng, khốn khổ bao người nông dân, các công trình xây dựng bị bớt xén, kém chất lượng…
TS. Nguyễn Tùng Lâm -Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục học Hà Nội. Ảnh Nguyễn Khánh |
Trong một môi trường sản xuất, kinh doanh và hành chính công quyền như vậy, giới trẻ mới lao vào lập thân lập nghiệp sao không chịu ảnh hưởng. Khoa học quản lý ở từng doanh nghiệp, người ta chịu học tập, có nhiều cải tiến không thua kém các nước nhưng khoa học quản lý xã hội, quản lý liên ngành, quản lý hành chính của các cơ quan nhà nước để quản lý xã hội chúng ta chưa chịu học hỏi, nghiên cứu và cải tiến để công tác quản lý xã hội đi vào nề nếp, hiệu quả, tạo ra những an lành cho mỗi người dân.
Quản lý xã hội bằng bộ máy quản lý của các ngành, các cấp đã yếu, chúng ta lại chưa biết quản lý song song cả hai mặt cả pháp luật và đạo đức xã hội.
Chúng ta phải biết vận dụng cả sức mạnh của pháp luật cũng như đạo đức xã hội để quản lý xã hội. Tóm lại chúng ta nhiều khi lại để những mặt tiêu cực của đạo đức xã hội lấn át.
Điều nữa, giới trẻ chưa được xã hội thật sự tôn trọng, tin tưởng, khích lệ. Giới trẻ khi chưa đủ kinh nghiệm, bản lĩnh thường chưa mạnh dạn nên không được những người đi trước tạo điều kiện, tin tưởng giao việc họ sẽ khó có dịp được thử thách, được học tập và phát huy hết khả năng của mình tất nhiên căn bệnh rụt rè, thiếu tự tin và không mạnh dạn sẽ đến một cách tự nhiên với lớp trẻ. Nếu thiếu tự tin giới trẻ sẽ không thể chủ động sáng tạo.
Hiện nay Trung Ương Đoàn đang có nhiều phong trào như thanh niên tình nguyện, hoặc những công trình thanh niên là cách làm hay, tạo môi trường để giới trẻ được thử thách, được khẳng định và được chủ động sáng tạo cống hiến.
Những tấm gương thanh niên chủ động sáng tạo. Trung ương Đoàn biểu dương trong dịp 26.3 cần được nhân rộng. Chỉ khi nào được tôn trọng, tin tưởng, khích lệ giới trẻ mới tự giác chủ động, sáng tạo được và nếu có thất bại, có sai sót với lớp trẻ cũng là bình thường tạo điều kiện lớp trẻ ngã đâu, đứng dậy ở đấy. Thất bại phải được coi là những bài học quý để giới trẻ trưởng thành.
“Bệnh thành tích” hủy hoại tính tự giác
Phong trào thi đua yêu nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã phát huy hiệu quả đã động viên sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc nhưng trong điều kiện hiện nay nhiều mặt tiêu cực xã hội tác động, “bệnh thành tích” ra đời dễ tác động tính trung thực của lớp trẻ, tạo gương xấu cho lớp trẻ lôi kéo lớp trẻ vào những thành tích ảo không chỉ tác hại đến nếp sống trung thực, tự giác mà quan trọng không tạo lớp trẻ có khả năng, có năng lực thật, có nghị lực vượt qua những khó khăn.
Từ thiếu năng lực sẽ dẫn đến mất niềm tin, mất tự tin. Mất khả năng này lớp trẻ không thể tiến xa, không thể nảy sinh những việc làm tự giác theo hoài bão ước mơ của mình.
Xã hội chúng ta chưa chú trọng áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để cải tiến nâng cao chất lượng công việc của mỗi đơn vị. Lớp trẻ là những người mới tiếp thu kiến thức còn nhiệt tình, có sức khỏe nếu mỗi đơn vị coi việc đưa lớp trẻ vào những công việc cải tiến kỹ thuật, hướng dẫn lớp trẻ vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công việc của mình chắc chắn lớp trẻ không chỉ có thêm kiến thức, thêm tự tin và tạo động lực thi đua sáng tạo cho lớp trẻ là điều quan trọng.
Việc chúng ta thay đổi quan điểm, cách nhìn sẽ tạo cho lớp trẻ được chủ động, tích cực, sáng tạo theo đúng khả năng của mình.