Trung Quốc vẫn ôm mộng bá quyền
Đã hơn 20 ngày kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 và hàng trăm tàu vũ trang vi phạm vùng biển Việt Nam. Mặc dù dư luận Việt Nam và thế giới phản ứng kịch liệt, nhưng Trung Quốc vẫn chưa chịu rút lui, thậm chí vẫn tiếp tục chủ động tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam. Ông có nhận định gì về ý đồ tiếp theo của Trung Quốc?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Cách đây một vài năm, Trung Quốc gọi thầu khai thác một số lô dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thừa biết Việt Nam sẽ quyết liệt phản đối nên không có công ty nào trên thế giới hưởng ứng lời mời ấy, nhưng Trung Quốc vẫn gọi thầu để gieo một nhận thức mơ hồ vào đầu thiên hạ, biến một vùng hiển nhiên thuộc chủ quyền Việt Nam thành vùng có tranh chấp.
Bây giờ, Trung Quốc không cần lấy danh nghĩa các công ty quốc tế nữa mà tự đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa. Đây là bước phát triển cao hơn của mưu đồ cũ. Như nhiều chuyên gia kỹ thuật đã nhận định, đưa giàn khoan vào vùng biển sâu tới 1.200m và túi dầu có thể còn nằm sâu hơn nữa thì đó là việc làm không có hiệu quả, nhất là ở trình độ kỹ thuật chưa cao như Trung Quốc hiện nay.
Không những thế, để bảo vệ cho hành vi ăn cướp này, Trung Quốc phải duy trì cả trăm chiếc tàu bảo vệ, rất tốn kém. Như vậy, có thể thấy đằng sau cái giàn khoan khủng kia thực chất là mưu đồ áp đặt đường 9 đoạn, hợp pháp hóa việc xâm chiếm biển Đông, trước mắt là khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt từ năm 1974.
Nhìn suốt chiều dài lịch sử, càng thấy âm mưu của Trung Quốc lộ rất rõ. Bởi vậy, bước tiếp theo của họ sẽ là áp dụng những biện pháp mới để thực hiện bằng được chiến lược độc chiếm Biển Đông. Bước sau bao giờ cũng trắng trợn hơn, nguy hiểm hơn bước trước. Và khi có cơ hội, họ sẽ không ngại dùng vũ lực tiếp tục đánh chiếm các đảo của ta.
GS Nguyễn Minh Thuyết: "Chuyện gì Trung Quốc cũng có thể làm. Đừng bao giờ lơ là với họ". |
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng đến giờ chúng ta vẫn chưa kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Điều đó cho thấy thiện chí rất rõ trong quan hệ ngoại giao của chúng ta, nhưng dường như Trung Quốc đang lấy thế của nước lớn để đạp lên chính nghĩa, thưa Giáo sư?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Chúng ta có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vì vậy, dù chưa đưa ra tòa án quốc tế thì những người công bằng, chính trực và có đủ thông tin cũng đã thấy rõ rồi.
Gần đây, vào đầu tháng 4/2014, bà Angela Merkel – Thủ tướng CHLB Đức đã tặng Chủ tịch Trung Quốc – ông Tập Cận Bình nhân dịp ông này sang làm khách của nước Đức – một tấm bản đồ cổ có tên China Proper (Trung Quốc đích thực), do nhà bản đồ học người Pháp Jean- Baptiste Bourguignon d’Anville vẽ, dựa trên các cuộc khảo sát địa lý do các nhà truyền giáo Dòng Tên thực hiện trước đó, được xuất bản năm 1735 tại Đức. Điều đáng chú ý là trên tấm bản đồ cổ ấy, lãnh thổ Trung Quốc không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mới đây, ở Thủ đô Brucxells của Bỉ, người ta bán đấu giá bộ Atlas Thế giới – được thực hiện bởi nhà nghiên cứu địa lý Philip Vadermalen, xuất bản năm 1827 – thể hiện rất rõ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Một Việt kiều đã mua được bộ Atlas ấy và tặng Nhà nước ta. Các bản đồ Trung Quốc cho đến tận những năm 40 thế kỷ XX cũng chỉ xác định lãnh thổ đến đảo Hải Nam là hết. Thậm chí, theo công bố của một nhà nghiên cứu mới đây, bản đồ Trung Quốc xuất bản năm 2004 mà nhà nghiên cứu này mua được trên đất Trung Quốc cũng không dám khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của nước này như bây giờ họ vẫn nhận xằng.
Thời gian qua, Việt Nam đã cố gắng giải quyết vấn đề giàn khoan 981 và vấn đề Biển Đông nói chung bằng biện pháp thương lượng hòa bình, nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn ôm mộng bành trướng bá quyền theo tư tưởng Đại Hán của các triều đại phong kiến trước đây, càng ngày càng hành xử quá đáng. Nói theo kiểu Trung Quốc “bốn hiện đại” thì mèo trắng hay mèo đen cũng vẫn là mèo thôi. Chẳng có mèo nào thấy cá không thèm nhỏ dãi.
Vì vậy, việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để càng chậm thì càng bất lợi cho Việt Nam. Bởi vì không phải ai cũng có đầy đủ thông tin chính xác, khách quan về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhất là người dân ở một nước hạn chế thông tin như Trung Quốc. Nhà cầm quyền Bắc Kinh đang đổ vấy cho Việt Nam “khiêu khích, quấy rối giàn khoan của họ hoạt động trong vùng biển của Trung Quốc”.
Chắc chắn là người dân Trung Quốc chỉ có thể hiểu Chính phủ nước họ đang làm bậy như thế nào nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Vả lại, nên nhớ rằng kể từ ngày Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa (năm 1974) tới nay đã 40 năm. Các cụ xưa đã nói “để lâu cứt trâu hóa bùn”, của mình không khéo lại trở thành của nhà thằng ăn cướp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần bàn bạc, dàn xếp với một số quốc gia trong khu vực có quyền lợi liên quan ở Biển Đông và phối hợp với họ ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Trung Quốc sợ Việt Nam đưa vụ việc ra tòa án quốc tế
Dường như trên con đường ngoại giao, Trung Quốc luôn tìm cách để đối thoại song phương và cố gắng né tránh đa phương, thậm chí họ sẽ rất lo ngại nếu đưa vấn đề tranh chấp về biển đảo ra các tổ chức quốc tế?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Trung Quốc không muốn đưa ra tranh luận công khai ở diễn đàn quốc tế hay tòa án quốc tế, vì họ không có chứng cứ để khẳng định chủ quyền hợp pháp. Họ cũng không chịu giải quyết vấn đề biển Đông với sự tham gia của nhiều bên vì họ muốn dùng thủ thuật “bẻ gãy từng chiếc đũa” trong “bó đũa” ASEAN.
Tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng phun vào tàu kiểm ngư Việt Nam. |
Hiện thời, mưu đồ chia rẽ ASEAN của Trung Quốc dường như đang phát huy tác dụng. Một số nước trong khu vực, thậm chí cả những nước mà người Việt Nam ta hàng chục năm nay đổ xương máu ra giúp họ, luôn coi họ là anh em thân thiết thì cũng đang e ngại Trung Quốc. Nhưng không phải những nước này không hiểu “chiến thuật tằm ăn dâu” của Trung Quốc đâu, và về lâu về dài, nếu Trung Quốc tiếp tục thi hành chính sách bành trướng, bá quyền thì nước nào cũng sẽ công khai lên án Trung Quốc. Ngay cả bây giờ Trung Quốc vẫn khẳng định sẽ giải quyết vấn đề bằng đàm phán song phương, nhưng đàm phán theo kiểu ăn hiếp như vậy thì ai chấp nhận được?
Philippines thì đã đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Còn Việt Nam lần này, sự thể hiện thái độ cũng ở cung bậc mạnh mẽ hơn trước nhiều. Việc các lực lượng chấp pháp của Việt Nam kiên quyết thực thi chức trách của mình trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị xâm phạm, việc Nhà nước và người dân Việt Nam liên tục phản đối mạnh mẽ hành vi khiêu khích, xâm lược của Trung Quốc, cho lưu hành công hàm phản đối Trung Quốc ở Liên hợp quốc có nghĩa là chúng ta không bao giờ chấp nhận để mất chủ quyền vùng biển.
Theo ông, với những việc đang làm, ý đồ thực sự của Trung Quốc là gì?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Trước hết là để gây áp lực buộc Việt Nam chấp nhận việc họ muốn. Chúng ta nên để ý là họ đã cử các quan chức quân sự hàng đầu đến một số nước lớn và một số nước trong khu vực làm thuyết khách. Chuyện gì nhà cầm quyền Trung Quốc cũng có thể làm. Đừng có bao giờ lơ là, mất cảnh giác với họ.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!