Biến đổi các giá trị sống: Tiếng thở dài u buồn

30/06/2014 06:46
PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn
(GDVN) - Định hướng giá trị là một thành phần quan trọng trong nhân cách của con người.

Giá trị theo quan điểm của mỗi người sẽ ít nhiều khác biệt nhưng nhìn chung nó được thống nhất theo những chuẩn mực quy định của xã hội. Lẽ đương nhiên, từ sự ảnh hưởng này nên những thay đổi trong đời sống xã hội ít nhiều đều có tác động đến hệ thống giá trị mà mỗi cá nhân quy định cho bản thân để sống và lao động trong cuộc đời họ.

Từ sự đổi thay những giá trị nhân văn

Lối sống thực dụng ngày càng lan truyền nhanh trong đời sống xã hội, nhất là giới trẻ.

Những hiện tượng về tính bạo lực, tính giả dối hay sự không chung thủy khiến con người ngày càng mất niềm tin vào nhau. Như một phản ứng tự vệ mang tính tất yếu, cá nhân có sự chuyển đổi thu mình, bảo vệ bản thân bằng những quan điểm trái ngược nhằm giảm tối đa nhất sự tổn thương về mặt tâm lý. 

Người ta đã không còn dễ dàng cho người ăn xin vài đồng tiền lẻ vì nghi ngờ đó là ăn xin giả. Người ta không dám dừng chân giữa đường để đưa bà lão qua đường vì sợ bị mọi người mắng là cản trở giao thông hay lo chuyện bao đồng, hay sợ bị giật đồ, cướp xe... 

Biến đổi các giá trị sống: Tiếng thở dài u buồn ảnh 1

Tình trạng học sinh phổ thông đánh nhau làm suy giảm giá trị sống ngày một nhiều. Ảnh minh họa

Sự nghi ngờ mang tính cộng đồng dẫn đến sự thay đổi giá trị nơi cá nhân. Những giá trị về lòng nhân ái, tính vị tha được ông cha ta dạy dỗ, lưu truyền thì giờ đây giới trẻ sợ bị lợi dụng nếu áp dụng triệt để những giá trị ấy. Chính vì vậy, họ phân vân trước những quyết định mang tính nhân văn. Khi quyên góp tiền nhân đạo họ cũng đặt câu hỏi: Liệu số tiền này có đến tận tay người cần giúp đỡ?... 

Theo công trình nghiên cứu đề tài khoa học năm 2010 về sự lựa chọn các giá trị trong định hướng lối sống của chúng tôi, cho thấy tỷ lệ rất cao là có đến 41% sinh viên đồng ý không nhất thiết phải sống cao thượng vì đôi khi cao thượng lại là mù quáng, 36% đồng ý làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt và 28% có tư tưởng trả thù, báo oán. Bên cạnh đó, có 18% sinh viên chấp nhận đưa lợi ích cá nhân lên trên hết và không bao giờ quan tâm đến ai nếu không liên quan đến mình. 

Sự thay đổi hay nói một cách mạnh mẽ hơn sự biến đổi nơi giá trị con người không thể đổ lỗi cho sự tác động về mặt xã hội, hoàn cảnh xã hội khiến cá nhân mất niềm tin vào những giá trị mang tính nhân văn mà ảnh hưởng lớn nhất cần bàn đến là gia đình. 

Cuộc sống bận rộn, cha mẹ ít có thời gian giáo dục con cái hơn. Nếu như trước đây, phần lớn những giá trị truyền thống đều do ông bà, cha mẹ truyền đạt hay răn dạy con cháu qua những bữa cơm gia đình thì dường như ngày nay những điều ấy đã khá lạ lẫm. 

Công nghệ thông tin quá phát triển, mỗi thành viên trong gia đình giao tiếp với nhau qua công nghệ là chủ yếu. Thời gian ăn cơm, xem phim cùng nhau rất ít huống chi ngồi bên nhau để tâm tình, chia sẻ... Và giới trẻ chủ yếu giao lưu trên thế giới ảo hoặc bạn bè - trong khi đây đều là những kênh thông tin chưa có sự chín chắn về nhân cách cũng như độ chính xác không cao. 

Biến đổi các giá trị sống: Tiếng thở dài u buồn ảnh 2

Giáo dục kỹ năng sống: Đừng chạy theo “mốt”

Chính vì vậy, họ có thể dễ dàng bị chi phối và định hướng sai lệch. Sự gắn bó và yêu thương đối với gia đình cũng suy giảm. Vì vậy, trong cuộc sống hiện nay không ít hiện tượng cha mẹ con cái mâu thuẫn, con tranh giành tài sản, giết cha mẹ hay đuổi cha mẹ ra khỏi nhà khi già cả. 

Giá trị về lòng hiếu thảo ngày một lỏng lẻo. Không ít thanh thiếu niên cho rằng đến 18 tuổi mình có quyền bình đẳng với cha mẹ nên có thể thẳng thừng đưa ra quan điểm mà không sợ làm tổn thương bậc sinh thành. 

Trong phạm vi quan hệ gia đình, nghiên cứu cho thấy có đến 60% sinh viên đổ mọi trách nhiệm nuôi dạy con cái lên cha mẹ mà không thừa nhận trách nhiệm của chính bản thân những người con. 

Đến sự đổi thay các giá trị văn hóa

Cá nhân ngày nay dễ dàng chấp nhận với những hành vi không phù hợp với chuẩn mực xã hội hơn và đôi khi xem đó là trào lưu của xã hội hiện đại. Lòng tự trọng được hạ thấp và cái tôi ảo được nâng cao. Họ sẵn sàng nói sai sự thật về cá nhân khác hay khoe thân thể để đánh đổi sự nổi tiếng, sự giàu có cho riêng mình. 

Một tỷ lệ khá cao, 31% sinh viên chấp nhận hành động mà không quan tâm xem có ảnh hưởng đến người khác hay không. Một số hành vi được xem là lối sống văn minh được xem là “sến”, là “rảnh hơi” khi nghiêm túc thực hiện. Người tốt thực hiện đúng thì bị chỉ trích. Người xấu thực hiện sai được xem là sống có cá tính. 

Chính vì vậy, việc xây dựng lối sống văn minh như xếp hàng nơi công cộng, nhường chỗ trên xe buýt, nói lời xin lỗi - cảm ơn, bảo vệ cây xanh, không xả rác bừa bãi... vẫn còn là thực trạng nhức nhối trong việc hình thành lối sống có văn hóa trong công cuộc hội nhập và phát triển.

Trước đây, “nhất tự vi sư - bán tự vi sư”, “uống nước nhớ nguồn - ăn quả nhớ kẻ trồng cây”... thì ngày nay cá nhân dễ dàng quay lưng với thầy cô của mình. 

Học sinh nói xấu, bình luận tiêu cực hay bôi nhọ nhân cách người thầy một cách dễ dàng và công khai nhờ mạng xã hội. Nhưng buồn hơn, những hành vi này được cộng đồng mạng đánh giá là dũng cảm, cá tính. 

Không bình luận ở nội dung của mâu thuẫn nhưng đánh giá trên bình diện hành vi đạo đức con người thì đó đã là giá trị đi ngược lại với truyền thống của dân tộc hay đơn thuần chỉ là cái tình của con người. 

Biến đổi các giá trị sống: Tiếng thở dài u buồn ảnh 3

Giáo dục và câu chuyện “ném đá phòng lạnh”

Số liệu của nghiên cứu nói trên cũng cho thấy có 32% sinh viên chấp nhận hành vi vô ơn, không xem đó là chuyện phi đạo đức. Tất cả đều là những con số biết nói, mang đến sự trăn trở cho nhiều người khi mọi cái đảo lộn đều có nguy cơ diễn ra theo hướng đáng lo lắng khi vàng thau chung mâm, chung chiếu.

Nếu ngày xưa, người Việt được biết qua cá tính “trọng sự hòa thuận”, “một cái lý một bằng một tý cái tình” thì ngày nay con người dễ dàng “nhảy bổ” vào nhau bằng hành động lẫn ngôn từ. Lối sống ích kỷ ngày càng xâm chiếm một cách mạnh mẽ. 

Trong đời sống, chỉ cần va quẹt xe nhau là người ta “trợn mắt”, “chửi rủa”, “hăm dọa” và “cào cấu” nhau trên đường. Mọi người xung quanh thì thản nhiên nhìn xem, vừa cười, vừa bình luận... Sẽ có rất ít người can ngăn hay gọi điện cho lực lượng chức trách vì ai cũng sợ mang họa vào thân. 

Đau lòng hơn, trong những tình huống thương tâm từ tai nạn giao thông, người ta thản nhiên đứng nhìn chứ không hỗ trợ nạn nhân hay gọi xe cấp cứu, chưa kể không ít kẻ còn tận dụng cơ hội để “hôi của”... 

Không thể bỏ qua sự bất công khi so sánh dù biết là khập khiễng. Giải thưởng các cuộc thi nhan sắc và cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quá chênh nhau, sự nỗ lực bao năm trời rèn dũa viết lách của một nhà báo hay nhà văn kỳ cựu không thể bằng một chiến lược truyền thông đầy scandal của một cây viết mạng thở bằng văn thơ dăm ba tháng. 

Sự tréo ngoe khi một nhà khoa học xây dựng hình ảnh liên tục nhiều năm liền so với một nhân vật “nóng sốt” nào đó chịu khó “tải mình” theo nhiều hình thức, kích cỡ khác nhau… Còn đấy sự đảo lộn giá trị của giàu và nghèo, của sang và hèn, của tiền và tiếng, giữa hô hào và thực hiện, giữa lời nói và hành động… Sự đảo lộn giá trị xét nhiều chiều kích đều đáng lo lắng.

Tạm khép lại vấn đề, thời gian trôi kéo theo đó là sự thay đổi của đời sống xã hội. Có những lối sống, những giá trị tích cực được hình thành là tín hiệu đáng vui mừng cho hạnh phúc của xã hội. 

Nhưng có những giá trị được xem là cốt lõi của nhân cách con người bị mai một thì đó không chỉ là tiếng thở dài u buồn mà còn là sự mất mát, sự tổn thương vô cùng to lớn cho thế hệ đang sống và thế hệ mai sau... Các chương trình hành động kịp thời, mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ về định hướng giá trị cho giới trẻ phải là điều cần thực hiện. 

Và xem chừng, trách nhiệm không thể được thực thi nếu làn sóng chủ quan sẽ không sao đâu, rồi cũng ổn mà… trở thành sự lựa chọn của những người quản lý hay những nhà giáo dục của hôm nay.
 

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn