Kinh doanh kém, xin ưu đãi: VNA làm méo mó thị trường cạnh tranh

08/08/2014 07:11
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, nếu đồng ý với những đề xuất ưu đãi của Vietnam Airlines sẽ không công bằng với DN khác, làm méo mó thị trường cạnh tranh...

Vietnam Airlines cậy "anh cả", mặc cả với Bộ chủ quản?

Chưa thực hiện cổ phần hóa nhưng dư luận đang nghi ngờ khi nhìn vào những ưu đãi kèm trong Đề án cổ phần hóa được Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (VNA)  trình lên Bộ Giao thông Vận tải. 

Cụ thể theo đề án này, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sẽ giữ nguyên phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Sau khi cổ phần hóa, Vietnam Airlines đề xuất 2 kiến nghị:

Xin cơ chế ưu đãi trong khi làm ăn kém hiệu quả, Vietnam Airlines đang mặc cả với cơ quan quản lý
Xin cơ chế ưu đãi trong khi làm ăn kém hiệu quả, Vietnam Airlines đang mặc cả với cơ quan quản lý

Thứ nhất, được giữ lại toàn bộ phần thặng dư vốn phát hành thêm sau cổ phần hóa để bổ sung vốn mua máy bay. Theo quy định hiện hành, phần thặng dư sau khi phát hành cổ phiếu sẽ nộp 75% về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương và 25% để lại doanh nghiệp. Vì thế, nếu Chính phủ đồng ý với đề xuất giữ toàn bộ phần thặng dư, Vietnam Airlines sẽ được giữ lại khoảng 3.129 tỷ đồng, trong trường hợp doanh nghiệp này bán thành công 25% cổ phần với mức giá 22.300 đồng/cổ phiếu).

Thứ hai sau cổ phần hóa, Vietnam Airlines xin được thực hiện một số cơ chế ưu đãi, như: Bảo lãnh miễn phí 100% vốn khi mua máy bay và cho phép miễn áp dụng quy định về tài sản thế chấp khi vay tín dụng xuất khẩu và vay vốn hỗn hợp có bảo lãnh để tiếp tục mua máy bay.

Bên cạnh đề xuất trên, Vietnam Airlines cũng đang xin một số ưu đãi như giảm 25% giá các dịch vụ hàng không áp dụng trong năm 2014, xin giảm mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu từ 7% xuống còn 3% vì chi phí nhiên liệu bay hiện chiếm tới 38% tổng chi phí của hãng…

Trước các cơ chế mà Vietnam Airlines đang đề xuất, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công nhận định: “Vietnam Airlines đang mặc cả quyền lợi với cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông Vận tải theo kiểu phải cho cơ chế ưu tiên mới chịu cổ phần hóa”.

Kinh doanh kém, xin ưu đãi: VNA làm méo mó thị trường cạnh tranh ảnh 2

Bộ trưởng Thăng: Vietnam Airlines đang cậy anh cả "đì" Vietjet Air

Phân tích vấn đề, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề trên do chúng ta coi kinh tế nhà nước là chủ đạo trong đó doanh nghiệp nhà nước là chủ chốt. Tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường hiện nay, để phát triển doanh nghiệp nhà nước buộc phải cổ phần hóa, Chính phủ yêu cầu phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy phát triển.

Cùng với tồn tại trong quản lý trước đây và khó khăn của kinh tế chung hiện nay, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang gặp khó khăn. Khó khăn lớn nhất trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là định giá tài sản, nhất là với doanh nghiệp đầu tư dàn trải ngoài ngành. Vì vậy trước khi cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước phải thu hồi vốn những khoản đầu tư ngoài ngành.

Khi việc thu hồi vốn đầu tư ngoài ngành gặp khó cùng với khó khăn của tình hình kinh tế, hầu hết doanh nghiệp nhà nước đều gặp khó khăn trước thềm cổ phần hóa. Lúc này nảy sinh cơ chế xin ưu đãi của doanh nghiệp nhà nước.

“Doanh nghiệp nhà nước liên tục kêu khó khăn khó cổ phần hóa, đây là cách làm mình, làm mẩy để mặc cả với các bộ chủ quản, với Chính phủ phải cho cơ chế ưu đãi riêng mới chịu cổ phần hóa. Trong khi tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được đề ra vì thế nếu muốn doanh nghiệp cổ phần hóa Chính phủ, các Bộ phải cho cơ chế ưu đãi. Đây là vấn đề mặc cả”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết.

Nếu đề xuất ưu đãi được thông qua, VNA củng cố thế độc quyền

Từ việc đề xuất xin cơ chế ưu đãi của Vietnam Airlines, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng nếu đồng ý với ưu đãi này Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thế độc quyền không công bằng với doanh nghiệp khác, làm méo mó thị trường cạnh tranh.

Theo ông Thọ, có vấn đề thực tế với Vietnam Airlines cũng như rất nhiều doanh nghiệp nhà nước khác là khi nói đề xuất ưu đãi những doanh nghiệp này luôn đưa ra rất nhiều lý do, trong đó nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp. Với Vietnam Airlines cũng vậy, đóng góp của Vietnam Airlines trong vai trò “anh cả” của ngành hàng không đóng góp vào sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam.  

PGS.TS Phạm Quý Thọ: Nếu đồng ý với ưu đãi của Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thế độc quyền không công bằng với doanh nghiệp khác, làm méo mó thị trường cạnh tranh.
PGS.TS Phạm Quý Thọ: Nếu đồng ý với ưu đãi của Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thế độc quyền không công bằng với doanh nghiệp khác, làm méo mó thị trường cạnh tranh.

Như Bộ trưởng Đinh La Thăng từng nói từ khi hàng không giá rẻ, hàng không tư nhân ra đời đã xóa bỏ được độc quyền, hành khách được đi máy bay với giá rẻ hơn. Vietnam Airlines có đối thủ cạnh tranh cho nên phải đổi mới, cạnh tranh lành mạnh luôn tạo ra môi trường tốt cho cả hai bên. 

Tuy nhiên thay vì công bằng trong cạnh tranh Vietnam Airlines cậy “anh cả”, ra đời sớm hơn có kinh nghiệm hơn để “đì” những đứa em sinh sau nở muộn. 

Từ thực tế này, theo PGS.TS Phạm Quý Thọ nếu tạo cơ chế riêng ưu đãi cho Vietnam Airlines, vô hình chung tạo tiền lệ xấu, khiến Vietnam Airlines củng cố thế độc quyền. “Đồng ý những ưu đãi trên có nghĩa là trong khi các hãng hàng không khác phải căng mình tìm nguồn tài chính mua máy bay, tìm nguồn tài chính, chịu giá dịch vụ cao… thì mặc nhiên Vietnam Airlines ung dung vì tất cả đã được ưu đãi, được nhà nước đứng sau. Cuộc chơi như vậy là không công bằng, bản thân hãng hàng không tư nhân rất khó cạnh tranh và có được thị phần để phát triển”, ông Thọ nói.

Ngược lại nếu không đồng ý với ưu đãi đề xuất của Vietnam Airlines có thể khiến tiến trình cổ phần hóa của đơn vị này gặp khó. Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải nên đưa ra hạn định về ưu đãi hoặc kèm theo ưu đãi là những điều kiện.

Ví dụ việc bảo lãnh miễn phí 100% vốn khi mua máy bay chỉ được áp dung khoảng thời gian nhất định. Hoặc việc xin giảm giá thuê dịch vụ hàng không, giảm mức nhập khẩu xăng kèm theo điều kiện Vietnam Airlines phải giảm giá vé, bởi khi chi phí đầu vào giảm thì giá bán ra phải thấp người dân phải được lợi.

Hoàng Lực