Vietnam Airlines đang "đì" Vietjet Air
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014 của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia diễn ra ngày 28/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành cổ phần hóa trong ngành hàng không, xóa bỏ độc quyền bao cấp như hiện nay.
Với vai trò “anh cả” trong ngành hàng không, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng Vietnam Airlines đóng góp nhiều trong sự phát triển của hàng không, tạo nên thương hiệu của ngành hàng không Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Tuy nhiên trong giai đoạn phát triển mới cần có sự thay đổi.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng với vị thế "anh cả" Vietnam Airlines đang "đì" Vietjet |
Dù muốn dù không, chiếc áo nhà nước mà Vietnam Airlines mặc bao nhiêu năm nay đã quá cũ kỹ, chật hẹp, cần phải thay chiếc áo mới. Cơ chế bao cấp của nhà nước và độc quyền kinh doanh đã làm xơ cứng tư duy và kìm nén sự năng động. Cho nên, cổ phần hóa là quá cần thiết” - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng từ khi hàng không giá rẻ, hàng không tư nhân ra đời đã xóa bỏ được độc quyền, hành khách được đi máy bay với giá rẻ hơn. Vietnam Airlines có đối thủ cạnh tranh cho nên phải đổi mới, cạnh tranh lành mạnh luôn tạo ra môi trường tốt cho cả hai bên.
Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn cho rằng Vietnam Airlines cần công bằng trong cạnh tranh không nên cậy mình là “anh cả”, ra đời sớm hơn có kinh nghiệm hơn để “đì” những đứa em sinh sau nở muộn như Vietjet Air. Ngược lại ông anh cả cư xử hào sảng với em út thì không thể vận động bằng lời, mà phải tạo ra một sân chơi bình đẳng.
Bộ trưởng không ngại khi nói thẳng ra rằng, Vietnam Airlines “đì” Vietjet.
Vi phạm An ninh hàng không tăng đột biến
Cũng tại Hội nghị tổng kết, nhìn lại ngành hàng không 6 tháng đầu năm nay Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Lại Xuân Thanh cho biết, 6 tháng vừa qua cả nước đã xảy ra tới 145 vụ việc vi phạm an ninh hàng không, tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2013 (95,9%). Trong đó, hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vật phẩm nguy hiểm sai quy định là 62 vụ; hành khách sử dụng giấy tờ giả để đi tàu bay tăng 35 vụ.
Cũng trong thời gian này, cả nước đã có 173 sự cố liên quan đến an toàn bay (tăng 32 vụ so với năm 2013); sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không ở mức E và D tăng hơn 25,7%.
Bộ trưởng Đinh La Thăng... |
Đánh giá vấn đề an ninh hàng không, Thiếu tướng Trình Văn Thống - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) chỉ rõ, ngành hàng không đang có “lỗ hổng” từ việc kiểm soát ở trong và ngoài sân bay.
Giải thích điều này, Thiếu tướng Trình Văn Thống đưa ra dẫn chứng, hàng rào ở sân bay, hệ thống camera quan sát toàn sân bay cũng không đảm bảo, an ninh nội bộ cũng có sơ hở đối với nhân viên, tiếp viên, tổ lái; mất hành lý vẫn diễn ra…
“Thậm chí, ngay cả việc kiểm soát ma túy, hàng không thì nói không có chức năng phát hiện ma túy, chỉ phát hiện chất nổ. Đã là an ninh, an toàn thì không nên đưa ra lý do. Vì thế, cần phải tính toán lại trong việc phối hợp giữa lực lượng hải quan, hàng không và công an để an ninh hàng không được siết chặt hơn”, Thiếu tướng Trình Văn Thống khẳng định.
Vấn đề uy hiếp an toàn hành không bên cạnh việc phối hợp chưa tốt giữa các đơn vị quản lý, các hãng hàng không, phần khác là do sự thiếu ý thức của hành khách như việc nói đùa có bom; tò mò tự ý mở cửa thoát hiểm, lôi áo phao ra khỏi vị trí quy định… Trước vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng bày tỏ quan điểm, cơ quan Nhà nước nên thu tiền phạt ít nhưng tăng thời gian cấm bay đồng thời xử lý nghiêm với người gây uy hiếp an toàn bay, người quản lý bay như kiểm soát viên không lưu, thậm chí có thể truy tố trách nhiệm hình sự nếu sự cố là nghiêm trọng.
“Đặc biệt, cần xử lý nghiêm cơ quan quản lý Nhà nước và các cá nhân hành khách gây mấy an toàn bay. Khi sự cố xảy ra, phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, chứ không nên xử lý nửa vời. Chỉ khi nào máy bay rơi mới thấy được sự nghiêm trọng,” Bộ trưởng Đinh La Thăng quả quyết.
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia Hoàng Trung Hải tỏ ra quan ngại với các con số về số vụ vi phạm an ninh, an toàn hàng không mà Cục hàng không báo cáo.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, hàng không là thương hiệu, hình ảnh của Quốc gia, nếu chẳng may một vụ xảy ra thì không biết bao nhiêu năm nữa ngành hàng không mới lấy lại được hình ảnh. Ngành hàng không coi những việc trên là bình thường thì không bao giờ khắc phục vấn đề an toàn, an ninh hàng không.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu mỗi hãng hàng không, Cục Hàng không… cần có kế hoạch hành động để khắc phục ngay trong tháng Tám này. Từ giờ đến cuối năm, các đơn vị liên quan phải có sự chuyển biến về an ninh an toàn hàng không, từ việc chậm hủy chuyến nghiêm trọng, thành ít nghiêm trọng.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công an thành lập đồn công an tuần tra kiểm soát thường xuyên, để công an đi cùng an ninh mỗi chuyến bay…