Đang có nhiều ý kiến trái chiều về giọng nói của phát thanh viên trên VTV. Tham gia cuộc tranh luận có cả nghệ sĩ ưu tú Kim Tiến, chất giọng của chị đã đi vào lòng người suốt một thời gian dài. Quan điểm của một phía là phải có giọng chuẩn toàn quốc, phía kia là phải đa dạng các giọng nói đặc trưng cho các vùng miền.
Mỗi quốc gia có các biểu tượng đặc trưng là Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy và Quốc ngữ. Nước ta có lúc còn rộ lên việc tìm Quốc hoa và nghe nói hoa sen đã được chọn, tiếc là những biểu tượng cơ bản của đất nước, của dân tộc thì lại chưa được đề cập một cách khoa học, chính xác. Trong nghị trường Quốc hội đại biểu Hà Minh Huệ đã phải nói: “Các vị đại biểu Quốc hội có thể quan sát Quốc huy treo trên phông của hội trường là chuẩn. Hình Quốc huy in trên bìa cuốn sổ ghi chép phát cho các đại biểu đã khác, màu mè lòe loẹt, không chuẩn về tỷ lệ quy định.”
Xin nêu một vài suy nghĩ, mong bạn đọc cùng góp tiếng nói.
Thứ nhất nói về Quốc kỳ
Điều 13 Hiến pháp năm 2013 quy định:
1. Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
2. Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
3. Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”.
4. Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945.
5. Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.
Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. (Ảnh: chinhphu.vn) |
Dành nửa ngày tìm một tài liệu hoặc văn bản hành chính mô tả chính xác hình dạng lá quốc kỳ trên Google chỉ thấy được hai công văn hướng dẫn treo Quốc kỳ:
Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Ngự (20/01/2011), Ủy ban nhân dân huyện Lai Vung (9/8/2010). Trong các công văn này kích thước Quốc kỳ được quy định như sau:
+ Cỡ nhỏ, kích thước 90cm x 60cm.
+ Cỡ trung (phổ biến nhất), kích thước 120cm x 80cm.
+ Cỡ đại, kích thước 240cm x 160cm.
Với các quy định này cấp huyện chỉ được treo Quốc kỳ kích thước lớn nhất là 240x160 cm, thế còn trên tỉnh và trung ương thì kích thước có to hơn hay không? Lại nữa cờ được treo như thế nào? Nói ra điều này có vẻ là thừa nhưng không thiếu trường hợp người ta mang lá cờ bình thường treo theo chiều dọc nghĩa là ngôi sao không còn nằm ngay ngắn trên nền cờ. Người viết đã từng nhìn thấy tại trụ sở công an một huyện ở tỉnh nọ người ta treo cờ búa liềm bên phải, cờ đỏ sao vàng bên trái. Một số xã chính quyền may cờ phát cho dân, nền đỏ ở giữa được khoét đi để may ngôi sao vàng vào cho tiết kiệm, vô hình chung ngôi sao ở mặt này to hơn ngôi sao ở mặt kia.
Một điều đáng nói khác là tại một số cơ sở liên doanh sản xuất ở nước ta, Quốc kỳ được treo lẫn lộn với các loại cờ biểu tượng của công ty không đúng với thông lệ quốc tế, làm tổn hại đến quốc thể.
Thứ hai nói về Quốc huy
Tôn vinh Hai Bà Trưng, đâu phải chỗ để suy luận lung tung!
Mô tả Quốc huy như điều 13 Hiến pháp 2013 vừa quá sơ sài vừa không chính xác vì:
Quốc huy không hẳn là hình tròn (về mặt hình học). Quanh Quốc huy ở hai phía là hai bó lúa chứ không phải là bông lúa. Dòng chữ “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nằm trên hay dưới nửa bánh xe răng?
Đã xảy ra trường hợp một trường đại học in phôi bằng tốt nghiệp ngoài dòng chữ “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” còn thêm chữ “Việt Nam” ở dưới.
Thứ ba nói về Quốc ca
Nên chăng cần phải chỉ rõ bài “Tiến quân ca” ấy do ai sáng tác, vào năm nào và được sửa đổi ra sao. Thế hệ chúng tôi nhớ rõ những câu từ như “thề phanh thây … quân thù”. Ngày nay những từ ấy đã được thay đổi nên không thể lấy bài “Tiến quân ca” nguyên bản làm Quốc ca được.
Tương tự quy định “Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945” là không chuẩn về ngữ pháp vì thiếu chữ “mồng” 2 tháng 9.
Thứ tư nói về Quốc ngữ
Hiến pháp chưa có quy định cụ thể về Quốc ngữ. Trước khi nêu ý kiến về vấn đề này, xin nêu một vài ví dụ ở nước làng giềng Trung Quốc.
Ông Khổng Khánh Đồng (cháu chắt của Khổng Tử), dạy môn Trung Hoa học tại Đại học Bắc Kinh đã gọi người Hồng Công là “con hoang”, “là chó” vì người Hồng Công không hiểu tiếng Quan thoại (tiếng Hán phổ thông). Điều này đã dẫn tới biểu tình của dân Hồng Công tại trụ sở cơ quan đại diện của chính quyền trung ương. Tại Asiad Quảng Châu, chính quyền trung ương yêu cầu ban tổ chức sử dụng tiếng Quan thoại nhưng ban tổ chức vẫn dùng tiếng Quảng Đông. Kết quả đã gây rất nhiều khó khăn cho việc phiên dịch của các hãng truyền hình và thông tấn nước ngoài. Xa hơn một chút các nghị sĩ quốc hội Ucraina đã đánh nhau đổ máu ngay trong phòng họp chỉ vì tranh cãi quanh việc có đưa tiếng Nga thành một ngôn ngữ chính thức bên cạnh tiếng Ucraina hay không.
Như vậy là trên thế giới việc tranh luận, phản biện về ngôn ngữ trong một quốc gia không phải là chuyện hiếm, vấn đề là làm sao để nó không mang màu sắc chính trị.
Quốc ngữ có hai đặc trưng cơ bản: chữ viết và tiếng nói (một số tác giả dùng thuật ngữ chính tả và phát âm)
Có thể thấy rằng chữ viết đã thống nhất trong phạm vi quốc gia nghĩa là trong các văn bản hành chính, đối ngoại, giáo dục ... Việc sáng tạo chữ viết cho một số dân tộc ít người gần đây không có ảnh hưởng gì tới chữ viết của cả nước. Tuy nhiên hiện nay khá nhiều tài liệu, sách báo đã sử dụng các chữ cái như W, J, Z, (trong di chúc, Bác Hồ cũng đã dùng chữ “Z”), các ký tự sử dụng trên Internet như @, /, … đã khiến chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về cải tiến bộ mã quốc gia.
Phạm trù “tiếng nói” thì có nhiều điều cần bàn.
Luật “Giáo dục đại học” có điều khoản quy định: “Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục đại học. Căn cứ quy định của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở giáo dục đại học quyết định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường”.
Cách đây khoảng hai thập kỷ, một nhà ngôn ngữ học phương Tây đã đưa ra nhận định: “sau khoảng hai trăm năm nữa, người Anh và người Mỹ sẽ không hiểu ngôn ngữ của nhau”. Điều này đã được minh chứng bởi các tộc người Slave (Slavơ). Người Nga, người Ba Lan, người Sec, người Nam tư (cũ), người Ucraina đều có chung nguồn gốc, chung một ngôn ngữ. Sự di chuyển đến miền đất mới và những yếu tố lịch sử xã hội đã khiến chữ viết và tiếng nói của họ khác nhau đến nỗi ngày nay các dân tộc này không còn hiểu được nhau viết gì, nói gì mặc dù Ba Lan, Ucraina và Nga vẫn có chung biên giới.
Công chức, công cốc và căn bệnh khiếm thính
Trong một bài được đăng cách đây không lâu, có phóng viên đã nêu với nghệ sĩ hài Chí Trung một nhận định là: “các nghệ sĩ hài phía Nam biểu diễn rất nhiều người không hiểu họ nói gì”. Mới đây nghệ sĩ Công Lý cũng bị “ném đá” tơi bời chỉ vì dám “nói thẳng” là nghe các nghệ sĩ hài miền Nam nói không hiểu. Quả thật bản thân người viết đôi khi xem các tiểu phẩm hài trên truyền hình cũng buộc phải chuyển sang kênh khác vì không nghe rõ nội dung lời thoại mà các nghệ sĩ phía Nam trình bày. Đây là một thực tế mà chúng ta cần thừa nhận và cũng đừng gắn vào đó những quan điểm cực đoan.
Nước ta có chín mươi triệu dân với năm mươi tư dân tộc. Việc mỗi cộng đồng dân cư có một ngôn ngữ riêng phản ánh sự đa dạng văn hóa cần được tôn trọng. Ngay cả với tiếng Việt (tiếng của dân tộc Kinh) mỗi vùng miền, thậm chí hai làng trong một xã cũng có cách phát âm khác nhau. Nhà nước không thể bắt người dân nói cùng một giọng nhưng nhà nước phải có quy định giọng chuẩn quốc gia. Không phải ngẫu nhiên mà các ca sĩ trên khắp ba miền tổ quốc khi hát đều hát giọng vùng Hà Nội trừ trường hợp hát dân ca, vọng cổ.
Báo QĐND thứ năm 1/7/2010 trong bài viết của tác giả Xuân Vui có câu: “Những người dựng non sông, dù đi đâu về đâu, Cũng mang Thăng Long theo như chứng minh thư nguồn cội”.
Vị tướng, nhà văn người Nam Bộ Huỳnh Văn Nghệ trong bài thơ “Nhớ Bắc” viết năm 1946 ở chiến khu D đã để lại một bài thơ bất hủ với những câu:
Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Giọng nói ở Kẻ Chợ - Thăng Long – Hà Nội không phải giọng nói của riêng Thủ đô, đó là giọng nói của đất tổ Phú Thọ, của vùng Kinh Bắc hòa trộn với giọng Ninh Bình, Thanh - Nghệ, giọng của nhiều dân tộc trên khắp mọi miền tổ quốc. Đó là giọng nói đã được gọt rũa qua hàng nghìn năm và trở thành chuẩn hóa. Đó là giọng nói mà con dân đất Việt từ khắp Bắc, Trung, Nam và hải ngoại đều cất lên trong mỗi bài ca ca ngợi tình yêu, ca ngợi tổ quốc.
Sự phát triển của công nghệ thông tin đang dần cho phép chuyển đổi lời nói thành chữ viết, từ đó hình thành các mã lệnh điều khiển hoạt động của thiết bị. Các nhà thiết kế phần mềm sẽ bó tay nếu từ “vui vẻ” lại được đọc là “dui dẻ” hay từ “vay vốn” lại đọc thành “day dốn”.
Chuẩn hóa tiếng nói, chuẩn hóa phát âm là yêu cầu của quá trình phát triển khoa học, kỹ thuật, không phải là ý đồ một cá nhân hay của một thiểu số người, càng không phải là sự áp đặt duy ý chí như một số người đang e ngại.
Vậy thì cách phát âm thế nào được coi là chuẩn quốc gia?
1. Cách phát âm phải đồng bộ với chữ viết, tránh viết một đằng đọc một nẻo.
2. Cách phát âm phải dễ nghe, dễ hiểu, hạn chế tối đa các sai sót khi nghe.
3. Cách phát âm phải được phần lớn cư dân tự nguyện chấp thuận.
Với các tiêu chí đã nêu cách phát âm vùng Hà Nội là phù hợp hơn cả. Chính vì vây việc nhiều người coi cách phát âm vùng Hà Nội là chuẩn phát âm của quốc gia không có gì là khiên cưỡng. Có thể thấy điều này qua việc khán giả xem, nghe ca nhạc chưa bao giờ yêu cầu nghệ sĩ phải hát giọng Huế hay giọng Sài Gòn bởi một điều đơn cách phát âm ấy không phù hợp với nghệ thuật biểu diễn ca nhạc hiện đại.
Đã đến lúc cần phải chuẩn hóa Quốc ngữ. Cần phải có quy định giọng nói nào là giọng chuẩn quốc gia. Tiếp đó nên có các quy định các đài phát thanh, truyền hình trung ương cần phải phát âm theo giọng chuẩn. Tương tự các chương trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài cần phải dạy theo giọng chuẩn.
Ở nhà, ở làng là một chuyện, nghiên cứu khoa học và đối ngoại là chuyện khác. Chuẩn hóa các biểu tượng Quốc gia là đòi hỏi của cuộc sống và là điều không thể chậm trễ thêm nữa.