Tôn vinh Hai Bà Trưng, đâu phải chỗ để suy luận lung tung!

22/08/2014 09:22
Xuân Dương
(GDVN) - Hãy nhìn vào thực trạng nền kinh tế đất nước, những hiểm họa đang rình rập nơi biên giới, ngoài đảo xa để bớt đi những phung phí không cần thiết.

Phong tục ngàn đời nay của các gia đình người Việt khi tưởng nhớ tổ tông, nguồn cội là ngày giỗ tổ, con cháu tập trung về nhà thờ họ hoặc nhà ông trưởng, thắp nén nhang thơm kính lễ. Cũng vì thế cả nước có ngày Quốc giỗ là ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Xưa nay chưa bao giờ con dân nước Việt kỷ niệm ngày sinh các Vua Hùng.

Nhân 35 nhìn lại cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược biên giới phía bắc tháng 2/1979,  GS. Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Trong tâm thức của người Việt, chưa bao giờ nhớ cái ngày quân thù tấn công ở Việt Nam cả… Thường là kỷ niệm sự kiện chiến thắng oanh liệt nào đó, hoặc là cái ngày sạch bóng quân thù…”. [1]

Nói thế để thấy ý tưởng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) tổ chức kỷ niệm ngày sinh Hai Bà Trưng mà huyện Mê Linh - Hà Nội sẽ là đơn vị thực hiện, dù là một ý tưởng tốt về mặt ý thức, song lại “ngộ nghĩnh” xét về phương diện tín ngưỡng và chứng cứ lịch sử.

Hình ảnh Hai Bà Trưng đánh giặc trong tranh Đông Hồ
Hình ảnh Hai Bà Trưng đánh giặc trong tranh Đông Hồ

Hai dịp quan trọng nhất mỗi năm đối với người Việt được thể hiện trong câu: “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết”. Người Việt xưa không kỷ niệm ngày sinh bởi một điều đơn giản, con người ta chào đón cuộc đời bằng tiếng khóc chứ không phải tiếng cười. Cái giây phút cất tiếng khóc chào đời ấy đánh dấu cột mốc “đời là bể khổ”, là “sống gửi, thác về” (sống chỉ là tạm bợ, chết mới là trở về cõi vĩnh hằng) chính vì thế trong tâm tưởng không ai muốn kỷ niệm cái giây phút con người buộc phải khóc nếu muốn hiện diện trên cõi đời này.

Được biết Hội LHPNVN có cả một cơ sở đại học là Học viện Phụ nữ Việt Nam. Một trong các nhiệm vụ của Học viện là: “nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để tham mưu cho Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPNVN trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác Hội và phong trào phụ nữ”.

Tôn vinh Hai Bà Trưng, đâu phải chỗ để suy luận lung tung! ảnh 2

"Chảy máu chất xám" thế nào, làm ở đâu cũng là cống hiến!

(GDVN) - Câu chuyện thu hút nguồn nhân lực cho đất nước giống như một bài toán có lời giải nhưng việc áp dụng như thế nào lại là đáp số rất khó.

Không biết Học viện Phụ nữ có tham mưu cho lãnh đạo Hội, rằng ngày sinh của Hai Bà Trưng chính xác là ngày mùng 1 tháng 8 năm 14 và mất ngày mùng 8 tháng 3 năm 43 hay không? Người viết hoàn toàn không cố ý có ý xúc phạm cụ Phan Kế Bính, song phải nói rằng, cho đến hôm nay chưa thể tìm được bất kỳ một tư liệu đáng tin cậy nào cả ở Việt Nam lẫn Trung Quốc khẳng định ngày sinh của Hai Bà là 1/8/0014.

Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội có lý khi cho rằng: “truyền thuyết, thần tích, thần phả, dã sử… là văn hóa dân gian. Do đó, ngày sinh, ngày mất của các nhân vật cũng không có tính xác thực”. 

Chính bởi vì không có tính xác thực nên việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh Hai Bà, dù vào bất kỳ năm nào cũng là không khoa học và trái với truyền thống dân tộc. Tuy vậy chọn ngày 8/3 hàng năm để kỷ niệm ngày mất của Hai Bà, dù có thể không chính xác về ngày tháng nhưng  hoàn toàn đúng theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Vấn đề tranh luận về ngày sinh, ngày mất, về họ tên của Hai Bà chỉ tốn thời gian và tạo nên những mâu thuẫn không cần thiết. Hai nghìn năm binh đao, khói lửa, chống giặc ngoại xâm để giữ cho nước Việt hình hài ngày hôm nay, cho người Việt cuộc sống hôm nay không phải để chúng ta cãi vã, tranh luận Hai Bà Trưng họ gì, Hai Bà sinh ngày nào. Những câu hỏi ấy, trẻ thơ đặt ra thì có thể chấp nhận, người lớn đặt ra thì phải xem họ có thực sự là người lớn? 

Nếu ai đó còn có ý muốn tranh luận, xin hãy đọc Đại Việt sử ký toàn thư, xem sử gia Lê Văn Hưu viết: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao?”

Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục vua Tự Đức viết: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm sao!”.
Những câu văn như thế của tiền nhân sao không đem dạy cho con trẻ để đến nỗi trẻ thơ phải hỏi

“Hai Bà Trưng đánh giặc nào?”

Điều cần thiết không phải là trả lại ngày sinh hoặc họ cho Hai Bà, mà là dạy cho con cháu biết Hai Bà chống lại kẻ thù nào và vì sao Hai Bà lại phải phất cờ khởi nghĩa.

Thời cổ đại, suốt từ đông sang tây, chỉ có hai người phụ nữ gần như cùng thời xưng vương là Nữ hoàng Cleopatra VII Philopator (tháng 1, 69 TCN – 12 tháng 8, 30 TCN) và Hai Bà Trưng (năm 14 SCN- 8/3/ năm 43 SCN). 

Thay vì làm những việc ít ý nghĩa như lễ đón bằng di tích, tổ chức kỷ niệm ngày sinh, Hội LHPNVN nên phối hợp cùng các nhà nghiên cứu lịch sử, tổ chức những hội thảo nghiên cứu thời Hai Bà với các chuyên đề như:

Không gian sống của người Việt thời Hai Bà Trưng, các địa danh Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, Lĩnh Nam mà Hai Bà giải phóng có phải là đất Việt cổ hay không, ngày nay nó thuộc quốc gia nào;

Tôn vinh Hai Bà Trưng, đâu phải chỗ để suy luận lung tung! ảnh 3

Lo lắng học- thi, một học trò gửi tâm thư tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Xin đừng mạo hiểm tương lai nhiều thế hệ một cách thiếu trách nhiệm chỉ vì một chút vội vàng, một chút danh dự, một chút bảo thủ...

Chức thái thú của Tô Định nói lên điều gì?

Ở thời Hai Bà, người Việt đã thuần hóa voi trận như thế nào,vũ khí, trang bị của nghĩa quân thời Hai Bà Trưng ra sao?

Phong tục, tập quán, nền kinh tế nước Việt thời kỳ Hai Bà như thế nào?…

Hãy nhìn vào thực trạng nền kinh tế đất nước, những hiểm họa đang rình rập nơi biên giới, ngoài đảo xa để bớt đi những phung phí không cần thiết. Không một người dân nào cảm thấy hài lòng khi nhìn cảnh căng bạt, dựng lều, đeo hoa trên ngực xúc mấy xẻng cát để sẵn trong máng để khai trương một công trình. Đến bao giờ những sự khoe mẽ vô bổ ấy mới chấm dứt, mới trả lại sự thật cho những công trình vừa đưa vào sử dụng đã hỏng?

Những lý giải lê thê hay hùng biện lung tung về họ, về ngày sinh Hai Bà Trưng là một sự xúc phạm tiền nhân mà những người hiểu biết, đặc biết là những người có học hàm, học vị không nên sa đà vào.

Và người viết mong rằng năm 2015, Hội LHPNVN và Thành phố Hà Nội sẽ không tiêu tốn công quỹ cho những chuyện không mang lại danh thơm cho các bậc tiên hiền./.

Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/02/140216_vuminhgiang_1979_anniversary.shtml

Xuân Dương