Bộ Giáo dục đang nhầm lẫn giữa dạy chữ và dạy người

13/10/2014 06:45
Ngọc Quang
(GDVN) - GS.TS, Nhà giáo nhân dân Trần Đình Sử: "Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như ngày nay, không có chữ là không có gì hết, không làm được gì hết".

Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, GS.TS.NGND Trần Đình Sử - nguyên Giảng viên Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội (Tổng chủ biên nhiều sách ngữ văn Trung học và sách ngữ văn nâng cao PTTH) nhận định, đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” có tác động sâu sắc và toàn diện tới đời sống xã hội. 

Vì vậy, cần phải có đánh giá kỹ lưỡng các cơ sở khoa học của nó, để khi đi vào thực thi có thể đem lại những kết quả tốt đẹp như kỳ vọng, tránh gây xáo trộn, gây ra bất ổn, làm mất đi các giá trị chúng ta đã đạt được.

Nhận thức sai hay chỉ là lầm lẫn "kỹ thuật"?

Theo GS. Trần Đình Sử, dự thảo chương trình dựa trên sự đánh giá đối lập dạy kiến thức với đào tạo năng lực, đối lập dạy chữ với dạy người, dẫn đến yêu cầu sự hài hòa hai mặt ấy, một mặt nào đó thì đúng. Tuy nhiên, ngay tại dự thảo đã có cái sai là không xem đào tạo tri thức là đào tạo con người, đối lập dạy chữ với dạy người, dẫn đến coi nhẹ đào tạo kiến thức cơ bản thì rất không đúng.

Trong hệ thống các năng lực mà dự thảo đề cập chỉ thấy các năng lực gắn với đạo đức, hành vi xã hội, mà không thấy rõ vị trí của kiến thức trong việc tạo thành các năng lực đó như thế nào? Sự đối lập giữa dạy chữ với dạy người có vẻ như muốn gợi cho người ta thấy dạy người quan trọng hơn, mà không cho thấy chữ chính là một phẩm chất, năng lực cơ bản của con người.

Phân biệt dạy chữ và dạy người ở đây không đúng, chẳng những thế sẽ gây ngộ nhận theo lối thô thiển là cốt dạy người (dạy năng lực) còn kiến thức thế nào cũng được. Thí dụ, về kiến thức có còn nguyên tắc cơ bản, hiện đại nữa không? Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như ngày nay, không có chữ là không có gì hết, không làm được gì hết.

GS Trần Đình Sử nêu thí dụ: "Ý thức coi nhẹ kiến thức thể hiện rõ nhất khi thuyết minh về nguyên tắc cấu tạo môn tiếng Việt, ngữ văn trong phần phụ lục. Tại trang 40 ghi “Chương trình môn học được tổ chức theo bốn mạch tương ứng với bốn kỹ năng giao tiếp, đọc viết, nói và nghe. Kiến thức tiếng Việt và văn học không được biên soạn thành bài học riêng mà chỉ được dạy học như là công cụ bổ trợ”. 

Vậy ở đây tiếng Việt và văn học có mạch kiến thức riêng hay không, hay chỉ có mạch kỹ năng là đủ? Kỹ năng là hệ thống, còn tri thức là công cụ? Nếu thế thì học sinh lấy đâu ra học vấn phổ thông nền tảng? Nêu thí dụ này để thấy việc xử lý mối quan hệ giữa hệ thống tri thức và hệ thống năng lực cần có nhận thức thấy đáo để chỉ đạo biên soạn chương trình môn học".

GS.TS.NGND Trần Đình Sử: "Quản lý yếu kém và lúng túng trong phương pháp dạy học đã dẫn tới hạn chế của sách giáo khoa". Ảnh: Ngọc Quang.
GS.TS.NGND Trần Đình Sử: "Quản lý yếu kém và lúng túng trong phương pháp dạy học đã dẫn tới hạn chế của sách giáo khoa". Ảnh: Ngọc Quang.

Giáo sư Sử cũng cho rằng, trong hệ thống các năng lực đã cung cấp một hệ thống các năng lực cần phải có, nhưng thiếu hẳn năng lực tự nhận thức về bản thân mình. Thiếu năng lực này thì không thể nói đến năng lực tự trọng được.

“Ngoài ra, trong các năng lực này còn thiếu năng lực thẩm mỹ, trước đây khi tôi nêu ra thì được trả lời rằng đó là năng lực chuyên biệt. Tuy nhiên, tôi xin nói rằng nhận thức đó là không đúng, bởi vì theo quan điểm mác xít thì năng lực thẩm mỹ là năng lực phổ quát nhất. Con người làm mọi việc đều theo nguyên tắc của cái đẹp, từ ăn mặc cá nhân cho đến phép ứng xử với mọi người xung quanh; từ vệ sinh cá nhân đến vệ sinh chung đều theo nguyên tắc cán đẹp cả. Vậy tại sao lại hiểu là năng lực chuyên biệt, chỉ nằm trong phạm vi hội họa, âm nhạc?”, GS Sử đặt vấn đề

Tốt hay xấu cốt ở người thầy

Phương pháp dạy học không chỉ là phương pháp sư phạm nói chung mà còn là phương pháp dạy học bộ môn. Theo GS. Trần Đình Sử, chương trình – sách giáo khoa tốt và có chất lượng là một chuyện; còn năng lực quản lý, năng lực dạy học của giáo viên, việc tổ chức kiểm tra đánh giá thực tế không khích lệ được học sinh lại là chuyện khác.

Bộ Giáo dục đang nhầm lẫn giữa dạy chữ và dạy người ảnh 2Giáo sư Hồ Ngọc Đại: "Việt Nam tụt hậu 1-2 thế kỷ"

GS. Sử phân tích: Thời gian qua, chính do quản lý yếu kém cũng như lúng túng trong phương pháp dạy học đã không chỉ hạn chế ưu thế của sách giáo khoa, mà còn gây nhiều bức xúc cho xã hội như học thêm dạy thêm, bài thi theo lối học tủ, bài học ghi theo lối đọc chép. Đó là yếu kém về phương pháp dạy học mà đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Theo chương trình mới lại phải tích hợp các môn khoa học xã hội (Sử, Địa) thì phương pháp dạy tích hợp này là mới hoàn toàn. Lại thêm giáo viên trước nay vẫn đào tạo theo từng môn Sử, Địa tách biệt, chưa đào tạo các môn tích hợp, vậy lấy đâu ra đội ngũ này?

GS Sử đánh giá: “Vấn đề phương pháp dạy học vẫn cần được coi trọng, đó là điều mà tôi thấy trong đề án, được xây dựng, coi như đã giải quyết xong rồi, không quan tâm nữa. Thế nhưng thực tế không phải vậy. Ngay bộ môn ngữ văn, phương pháp dạy tiếng Việt, dạy đọc hiểu cũng chưa có tiến triển gì nhiều, nếu phương pháp tốt thì đã không tái mù, đã viết đúng chính tả và viết câu không sai ngữ pháp. Người ta có thể thấy ẩn ý của đề án ở đây là cố tránh né vấn đề khó. 

Nói thẳng thắn, việc soạn chương trình – sách giáo khoa không quá khó, mà việc tạo chuyển biến cho cả đội ngũ giáo viên đông đảo về phương pháp dạy học theo hướng mới thì khó hơn rất nhiều. Vì thế cần phải nêu rõ thực trạng về phương pháp dạy học và phương hướng giải quyết nó như thế nào, một khi toàn bộ chương trình đã thay đổi, còn phương hướng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa thấy có gì đổi mới cả”.

GS Trần Đình Sử đề nghị đề án lấy tên là “Đề án đổi mới giáo dục phổ thông”, trong đó có chương trình, sách giáo khoa và đổi mới quyết liệt phương pháp dạy học cùng vấn đề đổi mới đào tạo giáo viên, quản lý giáo dục… thành hệ thống có tính tổng thể.

“Tôi chưa hiểu vì sao Chính phủ lại tách chương trình và sách giáo khoa ra thành một đề án riêng, còn các vấn đề cơ bản quan trọng khác trong cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục phổ thông thì để cho đề án khác hay sao? Hay là để tới sau năm 2020 mới làm? Như thế thì làm sao đồng bộ và đảm bảo được kết quả thực hiện chương trình sách giáo khoa lần này? Nếu có thêm các đề án khác song song thì sao không nêu ra để thấy sự đồng bộ?

Theo tôi, Chính phủ nên nhìn vào mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục như một bộ máy vận hành tổng thể để chỉ đạo dự thảo đề án, không nên coi chương trình – sách giáo khoa như là khâu quan trọng nhất, vì như vậy dễ rơi vào phiến diện. Việc thực hiện Nghị quyết 40/2000 đã làm như thế này rồi và thấy có nhiều hạn chế, chẳng lẽ chúng ta lại đi vào vết xe cũ?”, GS Sử nói.

Ngọc Quang