“Cụ Nguyễn Tuân cũng không trả lời được”
GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, ông cũng là người phải chịu đựng hậu quả của việc dạy văn trong nhà trường, kể ra có thể một số người dạy môn này sẽ thấy khó chịu. Chuyện là ông phụ trách một số chuyên mục trên truyền hình và báo chí nên thường nhận được câu hỏi của học sinh. Có nhiều em viết sai chính tả không tưởng tượng nổi, sai hết ngữ pháp cơ bản. Thế thì học văn để làm gì?
“Sang Mỹ, tôi gặp một học sinh lớp 10 đang đọc cuốn “Chiến tranh và hòa bình” dày cộp. Tôi hỏi tại sao, đứa bé trả lời rằng thầy giáo bảo phải đọc hết mới trả lời được các câu hỏi.
Trong khi ở mình thì thấy một tí Lão Hạc, một tí Mùa Lạc, một tí Chị Dậu… Tôi không hiểu học như thế để làm gì?
Có những tác phẩm mang giá trị lịch sử cao như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, nhưng nó cần cho sinh viên chuyên khoa, người nghiên cứu chứ đâu cần cho học sinh. Chưa kể, chương trình ngữ pháp phổ thông cũng vô cùng rắc rối.
Nói thật, cụ Nguyễn Tuân có sống lại cũng không trả lời được câu hỏi: “Ngừng nghỉ tiếng chim kêu – Câu này là câu gì?”, GS Dũng nói.
GS Nguyễn Lân Dũng: "Cụ Nguyễn Tuân có sống lại cũng không trả lời được câu hỏi: “Ngừng nghỉ tiếng chim kêu – Câu này là câu gì?". Ảnh: Ngọc Quang. |
GS Dũng nhận định, không riêng gì ngành Sử học, Văn học mà tất cả các ngành khoa học cơ bản khác hiện rất ít thí sinh đăng ký dự thi. Khoa học cơ bản là nền móng của các ngành kinh tế xã hội của cả quốc gia, không cần thật đông sinh viên thi vào ngành này, nhưng phải là những sinh viên ưu tú.
Muốn vậy phải có chính sách đặc biệt cho các ngành khoa học cơ bản. Sinh viên các ngành này được miễn học phí, được học các thầy cô giỏi thật sự, khi tốt nghiệp được ưu tiên phân công về các vị trí công tác thích hợp.
Môn Lịch sử ép học sinh nhớ nhiều chi tiết không cần thiết
Sự kiện kỳ thi đại học có hàng nghìn thí sinh bị điểm 0 môn Lịch sử không thể coi là chuyện bình thường, bởi vì chỉ có một số ít các trường Đại học thi khối C, nếu tất cả các thí sinh đều thi môn Sử thì con số điểm 0 có thể phải lên đến hàng vạn.
Cần thẳng thắn nhận định rằng ở bậc phổ thông số đông các thầy cô giáo dạy môn Lịch sử đã không làm cho học sinh thích thú, có thể do những nguyên nhân:
Chương trình môn Lịch sử chưa thỏa đáng. Lịch sử nước Mỹ có từ năm 1776, nghĩa là cách đây chỉ 235 năm. Trong khi đó lịch sử nước ta đã trải qua hàng nghìn năm, vậy không có lý gì chương trình lại dành quá nhiều thời lượng cho giai đoạn sau năm 1930, dù rằng đó là một giai đoạn quan trọng.
Môn Lịch sử thiếu hấp dẫn vì không làm nổi bật được vị thế hào hùng của các vị anh hùng dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Chúng ta nhớ rằng vào cuối năm 1941 khi đang bận rộn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Bác Hồ đã dành thời gian viết tập diễn ca “Lịch sử nước ta” để làm tài liệu học tập cho cán bộ trong các lớp huấn luyện ở chiến khu thời đó.
Ngay câu mở đầu, Bác đã khẳng định: Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Chỉ trong một bài diễn ca như vậy, Bác Hồ đã nhắc được đầy đủ công trạng của Hồng Bàng, Phù Đổng, Hùng Vương, An Dương Vương… cho đến Đinh Tiên Hoàng, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Lê Lợi, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng…
“Giờ đây, tôi tin chắc rằng không ít người đang sống trên các đường phố mang tên các vị anh hùng dân tộc nói trên nhưng hiểu biết rất ít, thậm chí không biết gì về họ”, GS Dũng nói.
Giáo dục mà như đánh giặc, thầy kiểu gì cũng dạy được, quá nguy hiểm
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, xem đề thi lịch sử vào Đại học những năm qua sẽ thấy lối dạy như nhồi sọ mà nhiều sự kiện có lẽ thầy cô dạy Sử cũng không nhớ nổi. Thí dụ đề thi Lịch sử tốt nghiệp THPT 2011 có các nội dung theo đáp án: “Với cương vị là phái viên của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc chủ động triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản đảng và An Nam Cộng sản đảng đến Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) để bàn việc hợp nhất” (0,75 điểm); “trong hai ngày 18,19-12-1946, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng đã quyết định phát động cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp” (0,75 điểm); Từ năm 1952 đến năm 1960, kinh tế Nhật Bản có bước phát triển nhanh, nhất là từ năm 1960 đến năm 1973, thường được gọi là giai đoạn phát triển thần kỳ (0,50 điểm)…
“Đấy là tôi mới chỉ lấy thí dụ riêng đề thi năm 2011, còn nhiều đề thi Sử khác cũng như vậy, chẳng khác gì đánh đố những bộ óc non trẻ của một thế hệ. Tôi nghĩ thầm, không hiểu nhà sử học đầu đàn – GS.VS Phan Huy Lê nếu không dở tài liệu ra mà phải viết ngay lời giải cho các câu hỏi trên thì liệu sẽ được mấy điểm?”, GS Dũng chia sẻ.
Sách giáo khoa Sinh học của Việt Nam không giống nước nào
GS Nguyễn Lân Dũng phân tích, bộ sách giáo khoa sinh học là cố gắng rất lớn của nhiều tác giả, nhưng tiếc là chương trình lại không hợp lý. Có lẽ đó là do chịu ảnh hưởng của sách giáo khoa sinh học trước đây của Liên Xô. Đưa ra nhiều nội dung, quá nhiều chi tiết không cần thiết trong khi số giờ lại quá ít.
“Tôi đã mua trên 70 cuốn sách giáo khoa sinh học ở bậc phổ thông các nước và thấy chương trình ở ta chẳng giống nước nào cả. Tôi đã thử hỏi các em đang học cấp 3 và thấy các em hiểu biết rất mù mờ và hầu như chẳng mấy em thích thú. Em nào định thi vào Sinh, vào Y, vào Dược thi đi tìm sách đại học để đọc thêm.
Các em đã học quá nhiều chuyên ngành “động vật không xương, động vật có xương, thực vật bậc thấp, thực vật bậc cao, vi sinh vật học, giải phẫu và sinh lý người, di truyền học, tiến hóa học, sinh thái học…”, trong khi số giờ dạy quá ít ỏi mỗi tuần. Vừa khó hiểu, vừa khó nhớ nên không muốn học, vì ít khi có trong các môn thi tốt nghiệp thì hiểu sao được. Đã không hiểu thì còn nói gì đến nhớ”, GS Dũng nói.
"Đừng bắt trẻ con hao tổn trí tuệ vì những con số vô hồn"
Cũng Theo GS Nguyễn Lân Dũng, nội dung di truyền học là rất khó, xem kết quả các bài thi có thể thấy rất rõ điều này. Liệu rằng một cháu 12 tuổi có nhớ nổi sơ đồ cắt ngang của một thân cây trưởng thành với các thuật ngữ khó hiểu như: vỏ, tầng sinh vỏ, thịt vỏ, mạch rây, tầng sinh trụ, mạch gỗ? Các cháu 13 liệu có thể nhớ các bộ phận thùy khứu giác, thùy thị giác, não trước, tiểu não, hành tủy, tủy sống của con thằn lằn?
“Tôi chú ý đến chương trình của hai nước Pháp và NePal. Pháp là một nước khoa học phát triển nhưng học sinh phổ thông không học Sinh học, mà chỉ học môn khoa học về sự sống và về trái đất. Đó là cách dạy tích hợp những kiến thức về sự sống và về trái đất nói chung.
sự sống, học sinh sẽ hiểu khá sâu về hệ tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh, hệ hô hấp, di truyền, tiến hóa… của thế giới sinh vật, chứ không học sâu về bất kỳ nhóm sinh vật nào. Nhờ có thời gian nên có thể hiểu rất sâu cả những tiến bộ mới mẻ về di truyền, thậm chí về cả sinh học phân tử và công nghệ sinh học.
Còn ở NePal, một nước rất nghèo, họ coi kiến thức phổ thông hết lớp 10 là đủ rồi (thế hệ chúng tôi học hết phổ thông có 9 năm thôi). Họ dành hai lớp 11 và 12 để phân ban sâu. Chỉ có 4 phân ban: Quản trị và kinh doanh, xã hội và nhân văn, Toán Lý, Hóa Sinh. Chỉ có ban Hóa Sinh mới học môn Sinh học.
Chính vì vậy tôi giật mình khi mua hai cuốn sách giáo khoa sinh học lớp 11 và 12, mỗi cuốn trên 700 trang. Thế thì cần gì phải dạy thêm, học thêm nữa? Các nước Anh, Pháp, Úc đều dạy môn Sinh học theo phương pháp tích hợp”, GS Dũng chia sẻ.