Ai đã gây ra cuộc chiến tại Trường đại học Hoa Sen?

25/09/2014 11:09
VĂN - THANH - BÍCH
(GDVN) - Đã đến lúc bà Bùi Trân Phượng cần can đảm đối diện sự thật và không nên đổ lỗi cho ai vì đó chính là tác nhân dẫn đến cuộc chiến Hoa Sen.

Viết tiếp bài "Vì sao Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen “giương cao ngọn cờ” phi lợi nhuận?", nhóm tác giả Văn-Thanh-Bích có bài viết thứ hai gửi tới tòa soạn, xin được giới thiệu tới độc giả.

Nhìn lại tiến trình cuộc tranh chấp

Ngày 17/3/2014, Hiệu phó phụ trách về đào tạo kiêm Bí thư Đảng ủy, thạc sỹ Đỗ Sỹ Cường đã ra nghị quyết 07-NQ-ĐU về việc “tăng cường sự lãnh đạo của đảng bộ trong việc thực hiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động không vì lợi nhuận của trường Đại học Hoa Sen” và cho triển khai đến toàn thể Đảng viên, giáo viên, nhân viên.

Ngày 19/05/2014, nhóm cổ đông chiếm cổ phần trên 30% đã gửi văn bản theo đúng luật định đề nghị HĐQT triệu tập ĐHĐCĐ bất thường để làm rõ các sai phạm và có biện pháp giải quyết. Chờ đến đúng thời hạn chót, ngày 19/06/2014, Chủ Tịch HĐQT, ông Trần Văn Tạo ký thư trả lời từ chối triệu tập ĐHĐCĐ bất thường.

Ngày 7/6/2014, bà Bùi Trân Phượng tổ chức hội nghị về Phi Lợi Nhuận (PLN), tuy nhiên chỉ mời các đối tác với tư duy cùng chiều, chứ không mời những ai với ý kiến trái chiều, kể cả một phụ huynh gửi bài viết “trái ý” cũng không được đưa vào tài liệu hội nghị. Tuy nhiên, ngay tại buổi hội thảo, một sáng lập viên của Hoa Sen, PGS TS Lưu Tiến Hiệp, đã cho phổ biến một bài sửa sai “lịch sử Hoa Sen” của bà Phượng.

Ai đã gây ra cuộc chiến tại Trường đại học Hoa Sen? ảnh 1Đại học Hoa Sen: Đâu là sự thật?

(GDVN) - Mâu thuẫn nội bộ tại trường Đại học Hoa Sen được ngụy trang dưới danh nghĩa cuộc chiến vì lợi nhuận và phi lợi nhuận để tranh giành quyền lực.

Ngày 30/07/2014, bà Phượng tổ chức hội nghị “Hoa sen trước nguy cơ bị chiếm đoạt” có mời một số cổ đông “chọn lọc” tham dự cùng với các giảng viên, nhân viên. Đại diện nhóm cổ đông đã đề nghị tham dự để có thông tin đa chiều và làm rõ các vấn đề, tuy nhiên, bà Bùi Trân Phượng đã tránh né, từ chối không mời nhóm tham dự và nhóm cổ đông đã gửi thư ngỏ đến hội nghị để làm sáng tỏ nhiều vấn đề.

Ngày 2/8/2014, đa số cổ đông – chiếm 70% số vốn được biểu quyết - họp ĐHĐCĐBT và đã biểu quyết miễn nhiệm HĐQT cũ, trừ một người là ông Nguyễn Trung Đức.  ĐHĐCĐBT này cũng bầu lên một thành viên HĐQT mới do TS Lưu Tiến Hiệp làm chủ tịch, với 6 thành viên khác.  Hiện nay, UBND TP.HCM đang xem xét để phê duyệt HĐQT mới này.

Ngày 14/8/2014, ông Trần Văn Tạo, Chủ tịch HĐQT cũ của ĐHHS ký và gửi văn bản số 891/ĐHHS-HĐQT lên Thành ủy và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất phương án “Dùng tài sản không phân chia để mua lại cổ phiếu của HSU” nhằm mục đích ép cổ đông thoái vốn. Đề nghị này đã khiến cho nhiều cổ đông Đại học Hoa Sen phản ứng kịch liệt, vì cái được gọi là “tài sản không phân chia” mà ông Tạo muốn dùng để mua lại cổ phiếu thực chất là tiền lời thuộc về sở hữu của các cổ đông; chính họ mới là những người quyết định sẽ dùng số tiền lời ấy vào những việc gì. Chủ tịch HĐQT và BGH không thể lạm quyền như thế. 

Hơn ai hết, ông Tạo vốn là luật sư thì càng phải hiểu rõ quyền tư hữu là bất khả xâm phạm thì đằng này lại “biết luật, phạm luật”. Nếu giả định có thể thực hiện được việc mua cổ phần như ông Tạo nói thì quy luật thị trường phải “thuận mua vừa bán”, đằng này ông Tạo lại tự định giá mua thì liệu cổ đông nào chịu bán? Vấn đề này không dễ dàng và đơn giản như ông Trần Văn Tạo nói vì không phải người ta đầu tư vào, mua cổ phiếu rồi khi “có lời” lại muốn “quốc hữu hóa” tài sản tư nhân. 

Trong khi chủ trương nhà nước hiện nay đang muốn cổ phần hóa cả trường công để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, chống tiêu cực, tham nhũng trong giáo dục và tăng cường thu hút giới đầu tư, thì hành động này không khác gì đi ngược lại chủ trương đúng đắn của nhà nước. Chưa kể hiện nay, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành giáo dục trong thời gian tới là rất lớn, trong khi nguồn lực Nhà nước lại hạn chế, vì vậy Nhà nước đang kêu gọi đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho giáo dục.

Theo cơ chế thị trường và theo luật pháp thì bất cứ ai cũng có thể mua hay bán cổ phiếu của ĐHHS. Hai vấn đề là các cổ đông hiện tại có đồng ý bán với giá nào, và dùng tiền của ai để mua các cổ phiếu này. Các cổ đông họ dùng tiền của chính họ để mua và tích lũy từ nhiều năm nay và họ mong muốn đầu tư lâu dài, thành tâm mong có một trường đại học vững mạnh và trong sạch. 

Việc đổ thừa cho các nhân viên cấp dưới thu gom cổ phiếu, như bà Bùi Trân Phượng phát biểu trên các phương tiện truyền thông, là sự nói dối trắng trợn, vì chính bà là một trong số những người thu gom cổ phiếu nhiều nhất. Đơn cử, khi cổ phần hóa đầu năm 2007, số cổ phiếu bà Phượng được mua là 10,800 cổ phiếu, chiếm tỉ lệ là 0.7%, sau nhiều lần tăng vốn bằng thưởng cổ phiếu và thực hiện mua thu gom thêm từ các nhà đầu tư khác, nhất là từ nhân viên, đến nay số cổ phiếu đầu tư trực tiếp và gián tiếp của bà Phượng đã tăng lên gần 450.000 cổ phiếu, tương đương với tỉ lệ sở hữu là 4.7%; do đó bà Phượng hiện là một trong những cổ đông lớn của ĐHHS.

Có nên lôi kéo sinh viên, giảng viên, nhân viên của trường vào tranh chấp này không?

Theo chúng tôi hoàn toàn không nên, vì đây là cuộc tranh chấp giữa các cổ đông  -chủ nhân- và ban quản lý. Vì vậy, đôi bên cần tranh biện một cách khách quan và giải quyết vấn đề theo tiêu chí “thượng tôn pháp luật”. Tuy nhiên, vì thừa biết pháp luật chỉ nói “lý” chứ không nói “tình”, nên bà Bùi Trân Phượng đã làm áp lực với các giảng viên, nhân viên buộc họ phải ủng hộ Ban Giám hiệu cũng như chính sách phi lợi nhuận giả hiệu và bảo vệ uy tín của hiệu trưởng. Phao tin đồn Đại học Hoa Sen có nguy cơ bị chiếm đoạt và bà là một vị “thuyền trưởng” đang điều hành một ngôi trường “trong cơn sóng gió tròng trành” và kêu gọi giảng viên, nhân viên hãy cùng bà bảo vệ trường. 

Trước hàng loạt sai phạm trong quản lý, thay vì thừa nhận trách nhiệm bà đã làm cho mình trở thành “nạn nhân”, rằng “tôi đã bị lừa, tôi nhìn nhầm người”,…Bà đưa ra lập luận “thế giới xấu xa không phải vì những kẻ ác mà vì sự im lặng của những người tốt” và buộc giảng viên, nhân viên Hoa Sen lên tiếng bảo vệ mình. Theo nhiều nguồn tin từ giảng viên, nhân viên Hoa Sen, họ còn nghe nói bà Bùi Trân Phượng đã ra “thỉnh nguyện thư” để kêu gọi họ đồng ý ký tên, lên tiếng ủng hộ, bảo vệ nhà trường, bảo vệ uy tín và danh dự hiệu trưởng…

Ai đã gây ra cuộc chiến tại Trường đại học Hoa Sen? ảnh 2Giáo sư Phạm Phụ: Hoa Sen là đại học siêu lợi nhuận

(GDVN) - “Yếu tố truyền thống văn hóa cho – tặng của phương đông không giống phương tây, chính vì vậy nói đại học không vì lợi nhuận là chưa chính xác”.

Đối với sinh viên, cựu sinh viên, bà Bùi Trân Phượng cũng không ngần ngại lôi kéo: Tạo logo, hình ảnh kêu gọi “tôi là sinh viên Hoa Sen, tôi yêu Hoa Sen, tôi tin tưởng và ủng hộ cô Bùi Trân Phượng”; Yêu cầu cựu sinh viên viết cảm nhận về Hoa Sen, về việc tin tưởng vào định hướng phi lợi nhuận mà bà đang lèo lái...

Một câu hỏi đơn giản đặt ra là ở một vị trí lãnh đạo cấp cao, điều hành một đơn vị với hơn 450 con người liệu có thể nào chấp nhận một người lãnh đạo không biết nhìn người? Bị nhân viên cấp dưới lừa nhiều lần? Và tệ hơn nữa, trước nhiều sai phạm, trên phương tiện thông tin đại chúng và kể cả nội bộ, bà Bùi Trân Phượng chưa bao giờ biết nhìn nhận trách nhiệm đúng với cương vị một người đứng đầu của tổ chức mà luôn đổ thừa các sai phạm cho cấp dưới. 

Rõ ràng, với những bằng chứng như vậy, chúng ta có quyền nghi ngờ năng lực lãnh đạo cũng như trách nhiệm cá nhân của Hiệu trưởng – bà Bùi Trân Phượng! 

Trong khi dư luận nội bộ đang bị “gây sốc” trước nhiều luồng thông tin cũng như đặt câu hỏi về sự thật cuộc chiến cũng như những khuất tất sai phạm trong quản lý của mình thì bà Bùi Trân Phượng đã “hạ nhiệt” dư luận nội bộ bằng cách ký công văn “thưởng” cho mỗi giảng viên, nhân viên 3 tháng lương năng suất (tên là năng suất, nhưng ai cũng nhận được như  nhau), tổng cộng hơn 19 tỉ đồng, và thực hiện ngay trong tuần đầu tháng 8/2014. 

Trước đó, vào dịp Tết Nguyên Đán 2014, BGH và HĐQT cũ cũng đã thưởng cho mọi giảng viên, nhân viên 2 tháng lương, một con số khá hậu hĩ so với các cơ sở Giáo dục hay doanh nghiệp trong nước. 

Lâu nay Hoa Sen hoạt động là một trường đại học tư thục thì cần phải chấp nhận “sân chơi của luật pháp”. Cần có một quan điểm minh bạch và sòng phẳng về Đại học Hoa Sen nói riêng và các trường tư khác nói chung. Nếu không có sự sòng phẳng và minh bạch thì người ta có thể nhân danh công ích để tìm kẽ hở của pháp luật nhằm thu lợi bất chính và lái dư luận theo hướng có lợi cho mình. 

Trên cương vị là người đứng đầu của tổ chức, đã đến lúc bà Bùi Trân Phượng cần có can đảm đối diện sự thật và không nên đổ lỗi cho ai vì đó chính là tác nhân dẫn đến cuộc chiến Hoa Sen như ngày hôm nay. 

Bất kỳ tổ chức nào muốn lớn mạnh, muốn phát triển bền vững, cần phải xây dựng được những giá trị cốt lõi, những giá trị văn hóa riêng của mình mà ở đó phải đề cao được lòng tự trọng, sự minh bạch, sự thật phải được tôn trọng, cái đúng phải được công nhận, cái sai phải được nhìn nhận và sửa chữa.

VĂN - THANH - BÍCH