Vì sao Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen giương cao ngọn cờ phi lợi nhuận?

24/09/2014 09:26
VĂN - THANH - BÍCH
(GDVN) - Khi thấy người quản lý cấp cao liên tiếp có nhiều sai phạm, người chủ doanh nghiệp cần thiết phải có “hành động” để khắc phục những sai phạm đã xảy ra.

Câu chuyện tranh chấp của Trường Đại học Hoa Sen đã khiến báo chí tốn khá nhiều “giấy mực” và chưa có hồi kết. Dư luận quan tâm đến cuộc tranh luận “đại học phi lợi nhuận và đại học vì lợi nhuận”, mà người khởi xướng cho cuộc tranh luận này không ai khác là Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen – TS. Bùi Trân Phượng. Đồng thời, có khá nhiều học giả, tri thức và “người trong cuộc” của Đại học Hoa Sen lên tiếng về cuộc tranh luận này.

Theo dõi thông tin về Đại học Hoa Sen trong thời gian, và là những người đã và đang “có duyên” làm việc tại Đại học Hoa Sen nhiều năm, chúng tôi muốn chia sẻ một góc nhìn khác về sự thật đằng sau cuộc chiến này để lý giải vì sao Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen lại “giương cao ngọn cờ” phi lợi nhuận.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trích đăng các ý kiến này trên tinh thần tôn trọng tự do ngôn luận, chấp nhận tranh luận các chiều để tiếp cận gần nhất với sự thật.

Che đậy các sai phạm trong quản lý

Khởi nguồn tranh chấp có lẽ bắt đầu từ tháng 5/2013 khi các phòng ban chức năng (kế toán, mua sắm) phát hiện ban quản lý dự án xây dựng tòa nhà Nguyễn Văn Tráng đã tự ý thay đổi chủng loại vật tư (trong gói thầu đã được phê duyệt) và tự ý đưa nhà cung cấp khác với vật tư khác có giá cao hơn giá thị trường từ 50-200% vào dự án mà không tuân thủ quy trình hiện hành, không báo cáo thường trực ban dự án, tổng giá trị sai phạm không tuân thủ quy trình này bị chỉ ra là gần 22 tỷ đồng. 

Tháng 12 năm 2013, Kế toán trưởng đã phát hiện Ban giám hiệu giấu 119 tỷ đồng lợi nhuận từ năm tài chính 2010 cho đến 2013. Như vậy, không những các báo cáo tài chính mà Hiệu trưởng ký để gửi cho các cổ đông bị sai mà còn làm sai lệch nghĩa vụ nộp thuế của nhà trường. 

Cụ thể, tháng 5/2014, ĐHHS đã phải đóng truy nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 2/2013-2014 và nộp lãi chậm nộp thuế vào ngày 19/5/2014 với tổng số tiền là hơn 15 tỷ đồng, trong đó tiền nộp lãi vì chậm nộp thuế đã hơn 3,7 tỷ đồng.

Vì sao Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen giương cao ngọn cờ phi lợi nhuận? ảnh 1ĐH lợi nhuận và không lợi nhuận: Sở hữu tập thể hay sở hữu cộng đồng?

(GDVN) - Mấu chốt của vấn đề phân định đại học vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận nằm ở chỗ tài sản chung không chia được xác định của tập thể hay cộng đồng?

Tháng 1/2014, Bà Bùi Trân Phượng chỉ định ký hợp đồng tư vấn trị giá gần 1,4 tỷ đồng với công ty TNHH Đàng Hoàng và người tư vấn chính là ông Lê Trọng Nhi. Một điều khá thú vị ở đây, công ty TNHH Đàng Hoàng chỉ mới thành lập được 20 ngày và ông Lê Trọng Nhi cũng là cố vấn của Hiệu trưởng – Bùi Trân Phượng!

Tháng 3/2014, Thanh tra Bộ giáo dục đã xử phạt hành chính công ty Vĩnh An, do Bà Bùi Trân Phượng làm đại diện pháp luật kiêm giám đốc công ty. Đến tháng 8/2014, Bộ GD&ĐT đã ra quyết định đình chỉ tuyển sinh 1 năm để khắc phục các sai phạm. Ngoài ra, Ban Giám hiệu cũng đã không thực thi đúng nghị quyết của HĐQT từ năm 2011 khi mà cá nhân đứng tên góp vốn, chuyển doanh thu từ Đại học Hoa Sen sang Vĩnh An, gây thất thoát gần 16 tỷ đồng và hơn nữa, các cổ đông không hề biết gì về công ty Vĩnh An này trong nhiều năm.

Trước những thông tin nêu trên, đa số các cổ đông của Đại học Hoa Sen bắt đầu lo ngại về phương cách quản lý và định hướng tương lai của nhà trường,  họ đã nhiều lần đề nghị gặp Ban giám hiệu để làm rõ các vấn đề nhưng đã bị từ chối. 

Với hàng loạt sai phạm bị phát hiện và thấy không còn được sự ủng hộ của đại đa số cổ đông, bà Bùi Trân Phượng đã rất khôn khéo sử dụng chiêu bài “biến Đại học Hoa Sen thành một trường phi lợi nhuận” để thoát khỏi sự “đe dọa quyền lực” của nhóm cổ đông. Việc tại vị quá lâu (18 năm) đã khiến bà Bùi Trân Phượng cảm thấy mình trở thành đặc biệt, không ai thay thế được. 

Do đó, “phi lợi nhuận” chỉ là một chiêu bài của vị hiệu trưởng tiếp tục thao túng và bảo vệ quyền lợi cá nhân của mình. Ngoài chiêu bài phi lợi nhuận để đánh lạc hướng những sai phạm đã bị thanh tra Bộ GD&ĐT phanh phui và xử phạt cũng như các sai phạm về tài chính, bà Bùi Trân Phượng còn “tung hô” Hoa Sen đang bị chiếm đoạt bởi một “nhóm cổ đông cá mập” để bán cho nhà đầu tư nước ngoài (đây là từ mà chính bà Bùi Trân Phượng đã sử dụng để bôi nhọ nhóm cổ đông).

Vào đầu năm 2014, nhân viên đại diện Tập đoàn Laureate Education Group thông qua ông Nguyễn Lưu Bảo Đoan – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế đến gặp bà Bùi Trân Phượng để đề nghị hợp tác và sự việc mới chỉ dừng lại ở đây. 

Từ đó, trong các cuộc họp nội bộ với các trưởng phòng, trưởng khoa, bà Phượng đã nhắc đến việc có doanh nghiệp nước ngoài muốn mua Hoa Sen. Lập luận này của bà Bùi Trân Phượng hết sức buồn cười, vì Đại học Hoa Sen là sở hữu của các cổ đông ngay từ khi chuyển đổi từ trường Cao đẳng bán công Hoa Sen thành đại học tư thục năm 2006 với gần 270 cổ đông sở hữu 100% cổ phần tương ứng với toàn bộ vốn điều lệ, nên không có chuyện “chiếm đoạt” gì ở đây. 

Chẳng ai tự đi chiếm đoạt tài sản của chính mình và giả sử, nếu doanh nghiệp khác muốn mua, thì cổ đông chính là người quyết định, chứ không phải BGH hay HĐQT.

Vậy cốt lõi cuộc tranh chấp này là gì?

Khách quan mà nói đây là một cuộc tranh chấp về quyền lực giữa chủ nhân và ban điều hành một doanh nghiệp.  Khi thấy người quản lý cấp cao liên tiếp có nhiều sai phạm, người chủ doanh nghiệp cần thiết phải có “hành động” để khắc phục những sai phạm đã xảy ra để tiếp tục đưa doanh nghiệp phát triển, nếu không sẽ bị “bỏ lại phía sau”. 

Trong bối cảnh của xã hội cũng như của giáo dục tại Việt Nam lúc này, cuộc tranh chấp này sẽ giúp chúng ta nhận diện những vấn đề đích thực cần giải quyết, làm minh bạch phương cách quản lý, góp phần vào việc cải tổ được nền giáo dục cho nó trở nên lành mạnh, khai phóng và tự chủ hơn.

Cũng xin nói thêm, vấn đề tranh chấp quyền lực cũ như trái đất. Và những ai đã nắm quyền một thời gian dài thường cảm thấy mình là người đặc biệt, không ai thay thế được. Rất hiếm những người như đức thánh Trần Nhân Tông, sau khi đại thắng quân Nguyên lại từ bỏ ngai vàng đi tu thiền, hay Nelson Mandela, sau 27 năm ngồi tù, chỉ làm Tổng thống một nhiệm kỳ rồi về hưu.

 (Còn tiếp)

VĂN - THANH - BÍCH