Tàu hút cát Thiên Kình được Trung Quốc sử dụng cải tạo bất hợp pháp một số bãi đá mà họ chiếm đoạt, chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. |
Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn Cầu ngày 10/11 dẫn nguồn tin mạng Bình luận Quân sự Nga phỏng vấn một viên tướng khá nổi tiếng của Trung Quốc, Chủ tịch Hội nghiên cứu Binh pháp Tôn Tử và là viện sĩ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc về việc Bắc Kinh đang chuẩn bị cho chiến tranh với Nhật Bản và phương Tây.
Viện sĩ Trung Quốc dẫn Binh pháp Tôn Tử nói rằng, muốn tránh chiến tranh thì cách tốt nhất là phải chuẩn bị cho chiến tranh. Trung Quốc đang chuẩn bị cho điều này, nhưng đồng thời cũng thực hiện chính sách hòa bình (?!). Trên báo Nga, viên tướng này chỉ tập trung vào 3 điểm: Thứ nhất, mặc dù tăng trưởng liên tục với 2 con số nhưng thực lực quân sự Trung Quốc vẫn còn kém xa Mỹ.
Thứ hai, Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội là nhằm mục đích bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là yêu sách trên biển Hoa Đông, Biển Đông; Thứ ba, Nga không phải đối thủ của Trung Quốc mà là một đồng minh của Bắc Kinh, cũng giống như Nhật là đồng minh của Mỹ.
Tuy nhiên bản tin của Tân Hoa Xã và Thời báo Hoàn Cầu đã được biên tập thêm một đoạn nội dung cho biết, "từ tháng 6 năm nay Trung Quốc bắt đầu triển khai xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp (thực tế là quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc nhảy vào đòi tranh chấp). Ngoài Trung Quốc còn có Việt Nam, Malaysia, Philippines tuyên bố chủ quyền với quần đảo này".
"Nhưng hầu như các nước khác đều không thể tranh được nữa. Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng sân bay (phi pháp) ở Trường Sa. Trong tháng 6 quan chức Philippines nói với phóng viên, Trung Quốc đã liên tục xây dựng không ngừng nghỉ các đảo nhân tạo nhằm khống chế toàn bộ Biển Đông", Tân Hoa Xã viết.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc khẳng định: "Trên thực tế, Trung Quốc đã xúc hàng tấn đất đá từ lòng biển đổ lên các bãi đá và rặng san hô, sau đó dùng bê tông gia cố. Máy xúc Trung Quốc đang làm việc suốt ngày suốt đêm ở Trường Sa, không ghì nghi ngờ, Trung Quốc đang vẽ lại biên giới mới trên Biển Đông. Mặt khác, Trung Quốc không chỉ sử dụng máy xúc để thể hiện mình."
Máy xúc, máy ủi và tàu hút cát Trung Quốc đã biến đá Gạc Ma thành một đảo nhân tạo bất hợp pháp. |
Bản gốc trên báo Nga không có thông tin này, phải chăng Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn Cầu muốn mượn tên truyền thông quốc tế để bóng gió thừa nhận hoặc cố tình bộc lộ dần các hoạt động cải tạo bất hợp pháp trên một số bãi đá ở Trường Sa mà Bắc Kinh dùng vũ lực thôn tính bất hợp pháp của Việt Nam năm 1988 và đồn trú trái phép từ đó đến nay?
Cũng một thủ đoạn tương tự, tờ Nhân Dân nhật báo ngày 11/10 dẫn nguồn tin tờ Tin tức Bắc Kinh bình luận: "Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam là thiển cận" mà chúng tôi đã phản ánh và bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc TẠI ĐÂY, tờ báo cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã thêm vào một đoạn.
"Trung Quốc và Việt Nam có ký một thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản hướng dẫn giải quyết các vấn đề trên biển giữa 2 nước. Hơn nữa, 2 nước đã thành lập 'tổ công tác song phương' để thảo luận về hợp tác chung trên Biển Đông trong năm 2013. Tuy nhiên việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam sẽ không giúp gì cho việc triển khai thực hiện các điểm đồng thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc, ngược lại nó sẽ làm tổn hại cho ổn định và làm tình hình trở nên phức tạp"?!
Về thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản hay cái Nhân Dân nhật báo gọi là "tổ công tác song phương" rất có thể gây ra những hiểu lầm nguy hại trong dư luận, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã từng nhiều lần phân tích trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, quý độc giả có thể theo dõi TẠI ĐÂY.
Mặt khác, các hãng truyền thông quốc tế đã dẫn lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là bình thường. Việt Nam không mua của Mỹ thì cũng mua của nước khác, nên Trung Quốc không có lý do gì phải lo ngại về chuyện này. Hơn nữa, việc Việt Nam nâng cao năng lực phòng thủ trên biển dù đã rất nỗ lực, nhưng về quy mô, mức độ đầu tư chắc chắn chẳng thấm vào đâu so với những gì Trung Quốc rót cho hải quân hay lực lượng tàu bán vũ trang (Hải cảnh) của họ trên Biển Đông.
Đường băng Trung Quốc mở rộng bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa được Tân Hoa Xã nói rằng sẽ sử dụng cho mục đích quân sự. |
Không dừng lại ở đây, phản ứng trước việc Mỹ tuyên bố giúp Việt Nam nâng cao năng lực phòng thủ trên biển thì chính Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn Cầu đã công khai những hình ảnh, thông tin mới nhất về việc mở rộng trái phép đường băng trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng trái phép từ năm 1956, 1974) với thông điệp "cảnh báo Việt Nam và Mỹ".
Collin Koh, một nhà nghiên cứu từ trường S Rajaratnam, Singapore đã nói với Bloomberg, động thái này cho thấy Bắc Kinh sẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa yêu sách (vô lý, phi pháp) trên Biển Đông. Việt Nam chắc chắn sẽ không để chuyện này diễn ra dễ dàng. Hành động của Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều căng thẳng ngoại giao hơn trước.
Cuộc đụng độ giữa các tàu thực thi pháp luật Việt Nam với hạm đội tàu Trung Quốc hộ tống trái phép giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam vừa qua đã bộc lộ hạn chế của Trung Quốc trong lĩnh vực "giám sát Biển Đông từ trên không". Một đề xuất của Malaysia cho phép Mỹ đặt máy bay do thám P-8 tại quốc gia này là những nguyên nhân khác dẫn đến việc Bắc Kinh tỏ ra mất bình tĩnh trên Biển Đông, Collin Koh bình luận.
Vì vậy theo học giả này, không chỉ đơn thuần là Trung Quốc kéo dài đường băng (trái phép) ở Phú Lâm, mà Bắc Kinh muốn biến đảo này thành nơi trú ẩn cho các máy bay nhỏ cũng như máy bay chiến đấu, các hầm ngầm chứa nhiên liệu và đạn dược.
Alexander Vuving, một nhà phân tích an ninh châu Á - Thái Bình Dương từ Trung tâm Nghiên cứu an ninh Hawaii nói với Bloomberg, Trung Quốc đang đánh cược rằng "quan hệ chính trị với Việt Nam cũng như sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc sẽ là công cụ để Bắc Kinh giữ Việt Nam trong quỹ đạo của nó". Tuy nhiên điều này phản ánh sự mất lòng tin ngày càng tăng của Việt Nam vào nước láng giềng phương Bắc. Và đó là một canh bạc xấu (với Bắc Kinh). Chòm sao trong khu vực sẽ được sắp xếp lại, Vuving nhấn mạnh.