Hình ảnh cập nhật mới nhất về hoạt động cải tạo, xây dựng bất hợp pháp của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam được Tân Hoa Xã công bố. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 9/10 dẫn lời Nghê Lạc Hùng, một nhà phân tích quân sự tại Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng, mục đích của Bắc Kinh khi công khai xuất bản những hình ảnh mới nhất, rõ nhất về sân bay quân sự (trái phép) trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược các năm 1956, 1974 và chiếm đóng bất hợp pháp đến nay) là nhằm gửi thông điệp cảnh báo Việt Nam và Hoa Kỳ, rằng Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện quân sự của họ trong khu vực.
Bắc Kinh cũng đã tức giận trước tuyên bố của Hoa Kỳ đầu tháng này về việc nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam sau 40 năm, các nhà phân tính nhận định. Các bức ảnh mới nhất về sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm được công bố trên Tân Hoa Xã và các kênh truyền thông lớn của Trung Quốc, trong đó nói rằng đường băng được xây dựng bởi các nhà thầu quân sự và dân sự.
Đảo Phú Lâm rộng 1,8 km nhưng đường băng dài hơn 2000 mét, Tân Hoa Xã nói rằng nó có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự. Nghê Lạc Hùng sử dụng khái niệm "tàu sân bay không chìm" để ví đường băng trên đảo Phú Lâm, cung cấp nơi cất hạ cánh "lý tưởng" cho binh chủng không quân trong hải quân Trung Quốc.
"Sự phát triển mới nhất trên đảo Phú Lâm là nhằm mục đích cảnh báo Washington rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị tốt trong trường hợp Mỹ tham gia cùng Việt Nam đối phó với Trung Quốc trong bất kỳ cuộc xung đột lãnh thổ nào có thể xảy ra trong tương lai", Nghê Lạc Hùng bình luận.
Giới phân tích Trung Quốc đều cho rằng, việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam là nhằm mục đích giúp người Việt tăng cường khả năng phòng thủ trên Biển Đông. Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân Trung Quốc thì cho rằng, đường băng trên đảo Phú Lâm sẽ mở đường cho Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không (phi pháp) ở Biển Đông.
"Đường băng mới bây giờ sẽ là sân bay lớn nhất ở phía Nam của Trung Quốc", Lý Kiệt nói, ám chỉ gần như toàn bộ Biển Đông này là "của Trung Quốc". Nó sẽ tăng cường khả năng chiến đấu của các chiến đấu cơ, máy bay trinh sát và thậm chí là cả lực lượng phản trinh sát Trung Quốc.
Ngoài mục đích quân sự, đường băng bất hợp pháp này cũng có thể được Trung Quốc sử dụng vào việc tổ chức các tour du lịch bất hợp pháp ra quần đảo Hoàng Sa.