Rất tình cờ, từ việc được tặng một quyển “sách cổ” của ông ké người dân tộc Nùng, ông đã mày mò nghiên cứu sáng chế ra thuốc trừ sâu thảo dược nhờ kết hợp với thuộc tính của các loại củ, quả như giềng, gừng, tỏi, ớt và các thành phần thảo dược khác để diệt trừ các loại sâu đục thân, sâu cuốn lá và rầy nâu cuối vụ...Công trình nghiên cứu của ông đã được Hiệp hội Những người lao động sáng tạo Việt Nam mang đi ứng dụng trên 5 tỉnh thành trong cả nước và cho hiệu quả cao, năng suất tốt diệt trừ được nhiều loại sâu bệnh cho cây lúa. Đó chính là nông dân Lê Văn Đáo sinh năm 1957 ở đội 4, thôn Hương Quất, xã Thành Công (Khoái Châu - Hưng Yên) người có biệt danh “ông Đáo điên” với biệt tài 30 năm uống thuốc trừ sâu thực vật do mình chế tạo.
Từ quyển sách cổ của người dân tộc Nùng…
Trao đổi với chúng tôi về nguồn gốc bắt đầu của ý tưởng “sáng chế táo bạo này”, ông Đáo chia sẻ, câu chuyện bắt đầu từ cuối năm 1974, khi ông tham gia trong trận chiến bảo vệ vùng biên ở Lạng Sơn. Trong một lần tránh hỏa lực của địch, đơn vị của ông Đáo sơ tán vào khu vực của người đồng bào dân tộc Nùng, nằm giữa thung lũng của Bản Chắt và Bản Hà Nằm (Lạng Sơn).
Tình cờ lúc đó ông vào nhà dân và phát hiện ra một ông lão người dân tộc đang mệt lả vì đói, thấy vậy ông đã cho gia đình một chút lương khô do mình dành dụm được để cứu ông lão. Một lúc sau, khi ông ké đó tỉnh lại hết lòng cảm ơn và đã gọi vợ của mình ra đưa cho ông Đáo một quyển sách nhỏ bằng bàn tay và nói “sẽ có lúc anh cần quyển sách này, anh là người tốt nên tôi tin tưởng giao nó cho anh”.
Ông Đáo giới thiệu về loại thuốc trừ sâu "thực vật" do mình sáng chế ra |
Cầm cuốn sách nhỏ với chữ Tàu, không đọc được, lúc đó ông Đáo có nhờ mấy người am hiểu tiếng hán dịch hộ mấy trang, thì thấy sách viết về những vị thuốc dân gian của người đồng bào dân tộc và cách chữa bệnh cho người và động vật. “Thấy hay hay, ông giữ lại bên mình”. Đến năm 1984, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, do cuộc sống vất vả, “rời tay súng lại bám lấy tay cày” nên ông chỉ tập trung vào việc giúp vợ con cấy cày, sản xuất nuôi sống gia đình. Quyển sách mà người dân tộc Nùng tặng lại, do trải qua chiến trường lủa đạn và thời gian mưa nắng cũng mủn ra không đọc được, ông Đáo chỉ còn nhớ lại những nội dung mà mình đọc được ở trong đầu và vận dụng vào những bài thuốc ở đó để chữa các bệnh như nấm, đau bụng, viêm tai... cho người nhà và hàng xóm xung quanh.
Câu chuyện sáng chế ra thuốc trừ sâu của ông rất tình cờ vào năm 2002, sau một lần đi làm đồng về hình ảnh cánh đồng lúa của quê hương ngổn ngang các loại thuốc trừ sâu, ô nhiễm hết các mương máng, lòng ông lúc này đã dậy lên ý định “sao người dân mình không thể có loại thuốc trừ sâu nào có tác dụng cao và không gây ô nhiễm môi trường nhỉ(?)”. Rồi ông cười trừ “nông dân như mình chắc gì đã làm được”.
Chuyện của người đàn bà tay trắng làm giàu, giúp trăm người thoát đói
(GDVN) - Không chỉ nỗ lực làm giàu cho gia đình, bà còn giúp đỡ cho những cảnh đời bất hạnh có việc làm ổn định. Bà là Luyện Thị Măng chủ một cơ sở sản xuất vàng bạc.
Những tưởng đó chỉ là câu chuyện vui của bác nông dân nghèo, nhưng vào những ngày tháng giêng, tháng hai thời tiết ẩm ướt để bảo quản thảo dược chữa bệnh, ông đem cất trong hòm đựng thóc. Thường thì khi cất thóc vào hay có mối mọt nhưng điều đặc biệt là thùng thóc chứa thảo dược không có một con mọt, mối nào. Lúc bấy giờ ông Đáo mới phát hiện thảo dược chứa trong hòm thóc có tác dụng ngăn chặn được côn trùng, mối mọt, cũng từ đấy ông nảy ra ý nghĩ thảo dược chữa bệnh được cho người thì cũng chữa được cho cây trồng và bắt tay vào nghiên cứu chế tạo thuốc trừ sâu từ thảo dược.
Suốt 30 năm đi bơm thuốc trừ sâu từ “tờ mờ sáng”
Đã có ý tưởng, ông bắt tay vào nghiên cứu thuốc trừ sâu. Nhưng không ai biết việc ông đang làm và “có nói mọi người cũng không tin” nên ông cứ âm thầm nghiên cứu. Lắm hôm vợ con thấy ông thức đến tận 1-2 giờ sáng, bật điện suốt đêm rồi sáng hôm sau thức dậy rất sớm từ 4 giờ sáng lại xách bình bơm thuốc sâu ra đồng. Cái lạ là “ông này không biết mua thuốc sâu ở đâu mà lại đi bơm cho lúa, lúc bơm thì mình trần trùng trục không cần phải mặc áo mưa, đi ủng để bảo hộ khi phun thuốc, không sợ hóa chất ngấm ra người”. Khi về nhà lại suốt ngày lần sờ với mấy củ hành, củ tỏi…
Thấy ông suốt ngày như vậy, ai cũng bảo là “gàn”, “dở”. Rồi thi thoảng ông lại mang ra một chén nước đặc sánh màu đen, ai vào nhà ông lại mời uống và khoe đó là “thuốc sâu” do mình chế tạo ra… đến lúc này vợ con ông cũng nghĩ “ông có vấn đề về thần kinh”, nhưng ông nói ông rất tỉnh táo. Lắm hôm vì chuyện nghiên cứu vợ chồng ông cãi nhau mất mấy ngày. Anh em trong gia đình thấy ông Đáo như vậy cũng nhiều lần can ngăn, khuyên bảo nên tập trung làm ăn kinh tế chứ “biết đến bao giờ mới thành công”.
Nhưng với lòng say mê nghiên cứu của mình, với mong muốn “cố gắng thành công để chứng minh cho mọi người thấy đó không chỉ là sự gàn dở mà là công sức bao nhiêu năm của mình”, vậy là suốt 30 năm qua, hình ảnh ông Đáo xách bình đi phun thuốc trừ sâu từ “tờ mờ sáng” đã trở thành quen thuộc đối với người dân nơi đây.
Ông được Hiệp hội những người lao động sáng tạo Việt Nam chứng nhận là hội viên “Đã tích cực tham gia Vận động lao động sáng tạo để phát triển đất nước” |
Trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm thuốc trừ sâu thảo dược của mình vào năm 2006, khi lần đầu tiên phun thuốc thử nghiệm vào ruộng của gia đình, thấy có chuột phá, ông pha thêm ít dầu luyn vào bình thuốc để đuổi chuột không cho gặm nhấm. Nhưng ngay sau khi phun, lúa của nhà cứ teo quắt lại. Hàng xóm láng giềng thì cho rằng “đúng là gàn, tự dưng lại đi phá lúa nhà mình”. Nhưng ông vẫn quyết định trung thành với công thức do mình sáng chế, và tiếp tục phun thử trên ruộng nhà mình. Quả nhiên, trải qua một đêm ngậm sương, năm thửa ruộng nhà ông lại tươi mơn mởn trở lại. Cũng trong năm đó, cả làng phải đánh thuốc trị bệnh rầy nâu phá lúa trong khi ruộng nhà ông Đáo tuyệt nhiên chẳng bị bệnh tật gì.
Tiếp tục từ năm 2006 đến nay, vụ mùa nào nhà ông cũng chỉ dùng duy nhất một loại thuốc trừ sâu “đặc biệt” do ông tự chế, và kết quả năm nào cây lúa của gia đình cũng cho mùa bội thu, trong khi đó có năm cả làng gần như “mất mùa” vì lúa bị sâu đục thân phá hại, còn ruộng lúa nhà ông thì vẫn xanh mơn mởn. Cứ mỗi khi có sâu xuất hiện, ông Đáo lại xách bình đi đánh thuốc và kết quả một ngày sau phun thì các loại sâu ăn lúa sẽ say thuốc và chết. Thuốc này lại không gây ô nhiễm môi trường, giá thành lại rẻ, an toàn và tiện dụng, thân thiện với môi trường. Còn bã thuốc thải ra, cứ 5 kg bã thuốc trừ sâu thực vật kết hợp với 5 kg vôi bột rắc đều/ 1 sào bắc bộ là trị hết ốc bươu vàng phá lúa.
Sáng chế ra thuốc trừ sâu thảo dược “có thể uống được”
Nói về công thức để chế tạo ra thuốc trừ sâu từ thảo dược của mình, ông chia sẻ: “Để bơm thuốc cho 01 mẫu ruộng lúa bắc bộ, tôi chiết suất thảo dược như sau: lấy 1500g bồ kết, 2 kg tỏi tía, 3 kg ớt khô, 1 kg hồ tiêu, kết hợp với các loại gừng, giềng, mật ong, cây mã tiền, chè búp và một số nguyên liệu khác rồi ngâm với cồn 90 độ để trong vòng nửa năm là có thể mang ra sử dụng. Công dụng của loại thuốc này là có thể diệt trừ các loại bệnh như sâu đục thân, sâu cuốn lá và rầy nâu cuối vụ…Đặc biệt là không gây hại cho người nông dân khi sử dụng”.
Nói đến đây, ông Đáo bỗng nhiên rót ra chén một thứ nước đen, đặc sánh và đưa lên miệng mình nhâm nhi và uống “ực” một cái như uống rượu. Và nói hồn nhiên “Các anh có sợ không, chứ tôi đã uống thứ này suốt gần 30 năm nay, không sao đâu nếu có chết thì đã chết rồi”. Với thành công này, năm 2013 trong một lần nghe Đài tiếng nói Việt Nam phát động cuộc thi về những ý tưởng sáng tạo của nông dân, ông đã gửi bài viết tham gia nói về sản phẩm nghiên cứu của mình và đạt giải Ba về ý tưởng sáng tạo.
Ông Nguyễn Xuân Hường, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Khoái Châu, cho biết: Công trình nghiên cứu chế biến thuốc trừ sâu từ thảo dược của nông dân Lê Văn Đáo là một sáng kiến hết sức độc đáo, vừa qua Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hưng Yên cùng lãnh đạo huyện đã về làm việc với ông Đáo để nắm bắt tình hình và xin các mẫu thuốc đi thử nghiệm thêm ở các điểm mới.
(GDVN) - Không sợ khó, sợ khổ, từ đôi bàn tay trắng anh Nguyễn Đức Quảng đã làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình bằng cây chuối Tiêu hồng
Trên cơ sở thành công của đề tài, ông đã gửi hồ sơ công trình nghiên cứu đề tài “Chế tạo thuốc trừ sâu từ thảo dược” của mình cho Hiệp hội Những người lao động sáng tạo Việt Nam, được Hiệp hội đánh giá rất cao và được Hiệp hội chứng nhận là hội viên “Đã tích cực tham gia Vận động lao động sáng tạo để phát triển đất nước”.
Ông Đáo chia sẻ trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, ông cùng với ông Trần Xuân Tư - Chủ tịch Hiệp hội Những người lao động sáng tạo Việt Nam và một số nhà khoa học khác đã cho phun thử thuốc sâu vào diện tích lúa và cây trồng của một số huyện thuộc 5 tỉnh thành như: Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên và mang thuốc sâu thảo dược lên Điện Biên Phủ cho những nhà khoa học cũng thuộc Hiệp hội để phun trực tiếp vào vườn ươm cây lâm nghiệp trên cánh đồng Mường Thanh. "Sau một tuần, họ đã phản ánh lại và cho biết kết quả rất tốt".
Ngoài ra cũng đã phun thử trên diện tích trồng lúa ở một số xã trên địa bàn ở Đông Anh (Hà Nội). Mới đây, trong tháng 9, ông đã hoàn thiện lại hồ sơ và lấy một số mẫu thử khảo nghiệm trên các giống lúa gửi lên Bộ Khoa học và công nghệ để tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo”. Ông Đáo cho biết, cuối tháng 10 vừa qua ông được mời lên văn phòng Chứng nhận hoạt động công nghệ cao và doanh nghiệp khoa học công nghệ (HASTEC) của Bộ Khoa học, kết quả phản hồi của các nhà khoa học về công trình nghiên cứu của ông là rất tốt và sẽ được thông báo khi có kết quả đánh giá của hội đồng thẩm định.
Với những đóng góp của mình, ông đã được Hội đồng thi đua tỉnh Hưng Yên biểu dương là một trong những cá nhân điển hình tiên tiến gửi lên Ban thi đua khen thưởng Trung ương.
Khi được hỏi về những dự định sắp tới, ông tâm sự: “Nếu đề tài của tôi được công nhận, đó thật là một niềm hạnh phúc với tôi và gia đình. Tôi cũng chỉ mong làm sao có thể giúp đỡ bà con nông dân quê mình bớt vất vả, môi trường bớt độc hại, mùa màng được bội thu thôi”.
Sắp tới theo bật mí của ông, sau khi kết thúc đề tài nghiên cứu này, ông sẽ bắt tay vào hai dự án nữa mà ông cũng đã ấp ủ từ rất lâu rồi. Đó là “Đề tài lọc nước biển thành nước ngọt” và “Chế tạo ra cột thu lôi chống sét cho các trạm viễn thông”. Ông cười phá lên và nói, tôi đã bắt tay vào nghiên cứu tiếp rồi, hy vọng sẽ sớm thành hiện thực.
Chia tay ông, chúng tôi ra về lúc này tôi mới nhìn kỹ lại, mái tóc ông đã bạc rất nhiều, ông lão nông dân “sáng chế” cũng sắp bước sang cái tuổi lục tuần nhưng lòng ham mê “nghiên cứu khoa học” sẽ còn trẻ mãi trong ông.