Niềm tin lớn vào HH các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam

18/12/2014 14:08
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - GS Nguyễn Minh Thuyết: "Tôi hy vọng Hiệp hội sẽ thực hiện tốt hơn chức năng tham mưu, phản biện các chính sách liên quan đến giáo dục...".

Giáo sư đặt kỳ vọng gì vào sự ra đời của Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam ra đời dựa trên nền tảng của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập Việt Nam (VIPUA). Như vậy, Hiệp hội ít nhiều đã có kinh nghiệm hoạt động. Những thuận lợi và khó khăn đã được bộc lộ, những mong muốn, dự định cũng đã rõ nét phần nào.

Tuy nhiên, so với VIPUA thì  số lượng thành viên của Hiệp hội lớn hơn rất nhiều, vị trí, vai trò cũng lớn hơn trước.

Vì vậy, tôi hy vọng Hiệp hội sẽ thực hiện tốt hơn vai trò tập hợp các cơ sở đào tạo nhằm trao đổi kinh nghiệm quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học, thiết lập sự liên thông trong tuyển sinh, sử dụng chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Tôi cũng hy vọng Hiệp hội sẽ thực hiện tốt hơn chức năng tham mưu, phản biện các chính sách liên quan đến giáo dục, trước hết là giáo dục đại học, và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các thành viên.

Với tư cách một tổ chức tập hợp toàn bộ các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, Hiệp hội có thể hợp tác với các hiệp hội có chức năng tương tự ở nhiều quốc gia khác để học hỏi kinh nghiệm và tạo điều kiện phát triển quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học nước ta với các cơ sở giáo dục đại học có uy tín trên thế giới.     

GS. Nguyễn Minh Thuyết tin tưởng Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp hết sức quan trọng cho sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.
GS. Nguyễn Minh Thuyết tin tưởng Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp hết sức quan trọng cho sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.

Thưa Giáo sư, có một vấn đề hết sức quan trọng là lâu nay chúng ta chưa rõ ràng trong việc đánh giá, xếp hạng các trường đại học. Liệu rằng Hiệp hội có thể thúc đẩy mạnh cho hoạt động này?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ đây là một việc làm cần thiết và Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam khi chính thức đi vào hoạt động sẽ hội tụ đủ nguồn lực để thành lập hoặc khuyến khích thành lập được ít nhất một tổ chức kiểm định chất lượng có uy tín. Tổ chức kiểm định ấy sẽ góp phần tạo nên một cuộc chơi công bằng giữa tất cả các trường.

Điều 9 Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng theo khung xếp hạng do Chính phủ ban hành. “Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng đối với đại học, trường đại học; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận xếp hạng đối với trường cao đẳng”. Việc cơ quan nhà nước gánh lấy trách nhiệm xếp hạng các trường vừa tước bỏ quyền tự chủ của cộng đồng đại học trong hoạt động này, vừa dễ ảnh hưởng tới thanh danh của cơ quan nhà nước, bởi vì đối với giới chuyên môn, kết quả xếp hạng của những tổ chức xếp hạng có uy tín mới thật sự có giá trị.

Niềm tin lớn vào HH các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam ảnh 2HH các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và niềm tin đổi mới

Tuy nhiên, cũng phải thấy trước là Hiệp hội triển khai việc này rất khó, bởi vì kiểm định chất lượng là một lĩnh vực chuyên môn mà lâu nay chúng ta không cử ai đi học. Hơn nữa, nói như các cụ thì đây là một việc “quyền rơm vạ đá”.

Vượt qua những khó khăn về chuyên môn để đánh giá chính xác đã khó. Vượt qua áp lực của các mối quan hệ để đánh giá khách quan còn khó hơn. Nhưng tôi tin là Hiệp hội sẽ làm và làm được, bởi vì Hiệp hội có đủ lực lượng và uy tín để làm việc này.

Giáo sư có nghĩ rằng, việc ra đời Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam sẽ là một điều kiện tốt để tiến tới sửa đổi những chính sách còn chưa công bằng giữa trường công lập và ngoài công lập?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Sự đối xử không công bằng không chỉ tồn tại giữa trường công lập với trường ngoài công lập, mà còn giữa các trường công lập với nhau. Bởi vì theo quy định của Luật Giáo dục đại học thì các cơ sở giáo dục đại học sẽ được phân tầng, trong đó những cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu được xếp trên tầng cao nhất, còn cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành dưới tầng thấp nhất; tầng trên tầng dưới có quyền lợi khác nhau.

Sự phân tầng trên dưới có tính chất cố định bằng pháp luật, sự xếp hạng cao thấp có tính chất lâu dài bằng văn bản công nhận của người đứng đầu Chính phủ và những sự ưu đãi khác nhau, mức độ tự chủ khác nhau theo các tiêu chí tầng trên/tầng dưới, hạng cao/hạng thấp, công lập/tư thục, trong nước/nước ngoài sẽ dẫn đến một cuộc cạnh tranh không bình đẳng giữa các trường. Các trường ở tầng dưới, thứ hạng thấp, ưu đãi kém sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền tự chủ, còn những trường đã được cố định ở tầng cao, thứ hạng cao, ưu đãi cao cũng sẽ mất dần động cơ phấn đấu.

Theo tôi, đây là một vấn đề mà sắp tới Hiệp hội cần trưng cầu ý kiến rộng rãi của các trường để đề xuất sửa đổi.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cần phải phân biệt rõ trường hoạt động vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Ảnh minh họa.
GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cần phải phân biệt rõ trường hoạt động vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Ảnh minh họa.

Riêng về các trường ngoài công lập, theo tôi, cần phải phân biệt những trường hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận với những trường hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Tiêu chí phân biệt hai loại trường này không phải chỉ là tỷ lệ phân chia lợi nhuận như quy định trong Luật Giáo dục đại học, mà còn là và quan trọng nhất là cơ chế hoạt động.

Trường vì mục tiêu lợi nhuận hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, với thẩm quyền cao nhất thuộc đại hội cổ đông và quyền quyết định thuộc các cổ đông lớn. Còn cơ chế hoạt động của trường không vì mục tiêu lợi nhuận giống như cơ chế của các trường công lập.

Trường hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận cần được hưởng các chính sách (thuế, đất đai, kinh phí nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên v.v…) như trường thuộc khối công lập, còn trường vì lợi nhuận thì phải đóng các khoản thuế, phí như doanh nghiệp. Có chính sách như vậy, chúng ta mới khuyến khích được tổ chức, cá nhân mở trường và các trường mới có điều kiện phát triển.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Ngọc Quang (Thực hiện)