Từ một giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, tại nạn giao thông đã đẩy cuộc đời thầy giáo Lê Hồng Hảo sang một trang khác, đầy bi kịch. Bị liệt toàn thân, tồn tại được luôn phải nhờ một người khác, sự bất tiện trong cuộc sống có lúc làm thầy Hảo tuyệt vọng muốn rời xa cuộc sống này. Thế nhưng, với nghị lực phi thường, thầy đã biết cách đối đầu với sự nghiệt ngã để tiếp tục là chiếc cầu nối, đưa kiến thức đến với các em học sinh tại ngôi nhà của mình.
Đầu năm 2011, tai nạn giao thông đã đưa cuộc sống của thầy giáo Lê Hồng Hảo ở xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) sang một trang khác. Bị liệt toàn thân, ăn uống, sinh hoạt cá nhân đều nhờ vào một người khác. Gần 10 năm đứng trên bục giảng giờ chỉ còn trong ký ức. Bạn bè, đồng nghiệp, người thân trong gia đình cũng chỉ biết ngậm ngùi chia sẻ số phận nghiệt ngã của thầy Hảo. Gãy đốt số 3 ở cổ đã làm cho thầy Hảo trở thành người bị liệt toàn thân. Bị tai nạn lúc hai con trai sinh đôi được 21 tháng tuổi.
Tai nạn xảy ra với thầy đã kéo theo chuỗi tháng ngày bi kịch của cả gia đình. Mẹ của thầy Hảo đã không chịu được cảnh người con đang khỏe mạnh của mình bỗng chốc thành người tàn phế. Bà đã ra đi sau ngày thầy bị tai nạn 1 năm. Cha của thầy càng suy sụp hơn trước thảm cảnh của gia đình. Ông mất sau đó một năm. Ngôi nhà chính bây giờ chỉ còn lại con người tật nguyền. Đó là nỗi đau tột cùng của thầy Hảo.
Thầy Hảo dạy các học sinh tại nhà |
Gia đình có 7 anh chị em, 5 người thì sống ở phương xa. Gần quê chỉ còn chị gái. Hàng ngày chị đến nấu cơm cho thầy Hảo rồi về lại bên gia đình. Ăn uống, di chuyển, sinh hoạt hàng ngày đều nhờ vào người cháu trong họ. Nếu không ai giúp thầy một ngày, ngày đó sẽ là bi kịch. “Mình sống hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Sống chỉ tính ngày chứ không tính tháng. Không có người ở với mình một ngày là mình đã mất rồi” thầy Hảo tâm sự. Không còn ngôn từ nào diễn tả hết sự bi thảm trong hơn 3 năm qua đã ập xuống gia đình thầy. Nhưng để tồn tại và sống cho đến ngày hôm nay, đối với thầy Hảo là một kì tích.
Năm đầu bị tai nạn, nói chuyện rất khó khăn, phải thở bằng ống thở. Nhờ bạn bè và đồng nghiệp giúp đỡ, tạo điều kiện đưa thầy vào TP Hồ Chí Minh để trị liệu. Nhờ đó, giọng nói của thầy đã dần bình phục. Toàn thân bất động, nhưng lý trí của thầy thì hoàn toàn bình thường.
Tất cả những kiến thức giảng dạy môn toán từ lớp 6 đến lớp 9 vẫn nguyên vẹn. Đây là một điều may mắn còn lại đối với thầy. Có trí nhớ tốt, kiến thức và chuyên môn sư phạm tốt đã giúp thầy tìm lại niềm vui trong nghề giáo của mình. Là giáo viên dạy giỏi môn toán cấp tỉnh, chuyên môn giỏi, mặc dù bệnh tật nhưng thầy Hảo luôn được đồng nghiệp quý mến và học sinh yêu thương. Thầy Hảo tâm sự, trong hơn 3 năm qua, kể từ khi bị tai nạn, giấc mơ thường trực trong khi ngủ của mình là thấy được đi dạy, được đứng trên bục giảng, được nói chuyện với các em học sinh, được chia sẻ với đồng nghiệp… Khi thức giấc, mình lại trở về với thực tế, khi đó nước mắt tự nhiên lại chảy dài.
Đầu đông nghe chuyện "đối nhân khác thời của Hàn Mạc Tử"
(GDVN) - Đó là nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động, cựu thiếu niên du kích Đình Bảng Nguyễn Đức Thìn – người tự nhận là “đối nhân khác thời của Hàn Mạc Tử”.
Khi biết thầy bị liệt nhưng vẫn dạy tốt như ngày xưa nên các bậc phụ huynh và học sinh thường xuyên tới nhờ thầy chỉ dạy. Lúc đông nhất, lớp của thầy lên hơn 20 em. Những học sinh học thêm thầy đều thi đỗ vào 10 của các trường có tiếng ở Quảng Ngãi như THPT chuyên Lê Khiết, THPT Trần Quốc Tuấn.v.v. Em Trần Thị Như Quỳnh, hơn 2 năm qua được thầy Hảo dạy thêm toán, năm nay em bước vào lớp 10 tâm sự: “Mặc dù bị liệt toàn thân nhưng thầy vẫn nhiệt tình chỉ dạy cho chúng em. Chỉ nói không thôi, nhưng chúng em đều dễ dàng tiếp thu bài giảng của thầy”.
Nói về thầy Hảo, em Đỗ Quang Khánh chia sẻ: “Không chỉ dạy cho em kiến thức, mà thầy còn truyền cảm hứng để chúng em vươn lên trong học tập. Thầy là tấm gương và nghị lực vươn lên trong cuộc sống”. Hàng ngày được truyền đạt kiến thức cho các em học sinh đã giúp thầy Hảo tìm lại được nguồn vui, nghị lực sống dần mạnh mẽ hơn. Thầy tâm sự: “ Mặc dù dạy tại nhà, nhưng khi chỉ cho các em, cảm thấy mình như người bình thường, không còn cảm giác bị bệnh tật. Có lẽ cái nghiệp làm thầy đã thấm sâu vào máu của mình rồi. Được dạy cho các em là niềm đam mê còn lại của mình”. Học sinh của thầy Hảo rất nhiều, năm nào các em cũng về thăm và động viên thầy vượt qua nghịch cảnh. Đây cũng chính là nguồn động viên an ủi để thầy Hảo tiếp nối niềm đam mê dạy học của mình.
Trăn trở lớn nhất của thầy lúc này là làm thế nào nuôi 2 con khôn lớn và ăn học nên người. Cuộc sống khó khăn, vợ và 2 con trai của thầy Hảo phải chuyển về sống với ông bà ngoại. Kể từ khi thầy Hảo bị nạn, tất cả mọi việc trong gia đình đều dồn lên vai người vợ. Vợ thầy, cô giáo Châu Nữ Tùng Điệp hiện đang là giáo viên của trường THCS Nghĩa Kỳ. Lương giáo viên của cô cũng chỉ đủ trang trải cho một đứa con, một đứa còn lại nhờ vào tiền lương hưu ít ỏi của ông bà ngoại. Cuối tuần, cô Điệp chở 2 con trai vượt hơn 20km về thăm chồng. Mỗi lúc như vậy, thầy Hảo hạnh phúc vô cùng. Nhưng đó lại là nỗi lo lắng và cho cuộc sống và tương lai của 2 con.
Thầy Hảo cho biết, kể từ khi bị nạn, để sống và tồn tại được đến ngày hôm nay, để cứu thầy và nói được như ngày hôm nay, chi phí ngót nghét một tỷ đồng. Số tiền này không chỉ riêng gia đình mà có sự hỗ trợ đóng góp của bạn bè, đồng nghiệp và cả những bậc phụ huynh học sinh. Vì vậy, cuộc sống của gia đình thầy Hảo vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Thầy Hảo tâm sự: “Thuốc men một ngày gần 200 ngàn. Hiện tại thì mình tạm lo cho mình, còn 2 đứa nhỏ, năm nay vào lớp 1. Vợ mình là giáo viên cấp 2, lương tháng nên cũng chỉ lo được 1 đứa”.
Hiện nay, do nằm và ngồi lâu trên cơ thể thầy Hảo xuất hiện nhiều vết loét. Trung bình một ngày, chi phí để trị các vết thương này tốn khoảng 200.000 đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với thầy Hảo, một người bị liệt toàn thân. Những vết thương này gây không ít khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của thầy. Thầy Hảo chia sẻ: “ Mình chỉ sợ, những vết thương này nó hành hạ mình, không cho mình được dạy các em học sinh, không được nhìn thấy vợ, con thì buồn lắm. Hạnh phúc của mình bây giờ là được dạy học, được nhìn thấy các con mình khôn lớn”.
Chia tay, thầy Hảo còn nói với tôi một điều rằng: “Không những dạy các em về kiến thức, mình muốn dạy các em về nghị lực sống, biết cách vượt qua để đem lại điều có ích cho cuộc sống này. Trước kia mình đã là thầy giáo, bây giờ và mãi về sau, mình vẫn yêu cái nghề này. Đó chính là hạnh phúc của mình”./.