Đầu đông nghe chuyện "đối nhân khác thời của Hàn Mạc Tử"

14/12/2014 07:05
NGUYỄN THANH
(GDVN) - Đó là nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động, cựu thiếu niên du kích Đình Bảng Nguyễn Đức Thìn – người tự nhận là “đối nhân khác thời của Hàn Mạc Tử”.

Chúng tôi gặp và nói chuyện với ông trong cái tiết trời hanh hao, cái lạnh se sắt giữa ngày đông vừa tới. Nhưng, niềm hi vọng, cái “ nhiệt với đời” mà ông đem đến cho tôi hay bất cứ ai đó được tiếp chuyện ông, nghe về cuộc đời ông thì luôn rực cháy. 

Ông là nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động, cựu thiếu niên du kích Đình Bảng Nguyễn Đức Thìn – người tự nhận là “đối nhân khác thời của Hàn Mạc Tử”.

Anh du kích nhỏ đến “Sứ giả nghìn việc tốt”

Sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng anh hùng, quê hương của tám vị vua nhà Lý, vương triều khai sáng Kinh đô Thăng Long với bao dấu ấn huy hoàng trong lịch sử dân tộc, Nguyễn Đức Thìn ngay từ nhỏ đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. 

Năm 11 tuổi ông tham gia đội thiếu niên du kích Đình Bảng, trở thành một chiến sỹ du kích nhỏ, cùng với các đồng đội lập nhiều chiến công hiển hách và được Bác Hồ khen gợi, biểu dương. 

Khi quê nhà đã tạm yên tiếng súng, Nguyễn Đức Thìn trở về với niềm đam mê bục giảng, với con chữ và sự nhiệt huyết cống hiến cho ngành giáo dục.

Ông Nguyễn Đức Thìn với đôi tay khòng khèo, gần như đã cụt hết các ngón nhưng ông vẫn làm thơ, viết sách
Ông Nguyễn Đức Thìn với đôi tay khòng khèo, gần như đã cụt hết các ngón nhưng ông vẫn làm thơ, viết sách

Năm 1961 thầy Thìn được nhận về dạy ở trường cấp II Tam Sơn và kiêm phụ trách đội thiếu nhi của trường. 

Từ đây người thầy giáo thể hiện sự sáng tạo, niềm say mê không ngừng nghỉ, ông luôn đưa ra những  sáng kiến, phát động các phong trào như “Làm theo gương sáng trên báo Tiền phong”, “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự”…các phong trào này rất được đông đảo giáo viên và học sinh trong trường cũng như nhiều trường khác hưởng ứng thi đua. 

Đặc biệt là sáng kiến “Nghìn việc tốt” của thầy giáo Thìn xuất phát từ trường cấp 2 Tam Sơn đã lan rộng khắp cả nước, với các hoạt động như “ Đền ơn đáp nghĩa, “giữ gìn vệ sinh”, “Áo lụa tặng bà”, “góp rẻ lau súng”…từ các phong trào này mà nơi nơi thiếu nhi thi đua làm nhiều việc tốt, và trở thành những “Dũng sỹ nghìn việc tốt”. 

Hoạt động này của thiếu nhi Việt Nam đã được nhiều tổ chức thiếu nhi các nước quan tâm và anh giáo làng đã được mời đi nói chuyện, nhân rộng phong trào “Nghìn việc tốt” của thiếu nhi Việt Nam ở U-lan-ba-to (Mông Cổ), ở Béclin (Đức), ở Lào…và từ đây cái tên “Sứ giả nghìn việc tốt” đã trở thành cái tên trìu mến mà mọi người dành tặng cho thầy giáo Thìn suốt 50 năm qua, kể từ khi phong trào ra đời.

Người chiến sỹ của cuộc đời

Cuộc đời nhiều nỗi trái ngang, khi bầu nhiệt huyết còn đang rực lửa, niềm đam mê với bục giảng còn vẹn nguyên thì cũng là khi ông phát hiện ra mình bị bệnh phong năm 1979, căn bệnh mà người đời vẫn luôn ghê sợ, xa lánh.

Có hẫng hụt đấy, có thoáng buồn đấy nhưng ông vẫn dứt lòng chia tay bục giảng để khăn gói vào trại phong Quỳnh Lập ( Nghệ An) điều trị. 

Luôn mang trong mình một tình yêu đời cháy bỏng, một niềm tin sắt son với cuộc sống, ông quan niệm “Bệnh về thể xác, chớ bệnh về tinh thần”. 

Tròn 4 năm điều trị ở trại phong Quỳnh Lập ông không cho mình nghỉ ngơi một ngày nào, với hành trang mang theo là những tập vở, cây bút, chiếc máy ảnh, những cuộn phim…ông đã viết những bài thơ đầy nghị lực lấy từ cảm hứng cuộc sống, thơ để quên những cơn đau trên da thịt, thơ để động viên anh em bệnh nhân dũng cảm chiến đấu với bệnh tật, ông vẫn nhủ: “Mất cảm giác chỉ trên da thịt, Cảm hứng cuộc đời sâu mãi trong tim”

Những bài thơ mà ông viết trong suốt 1.461 ngày ở trại phong Quỳnh Lập mới đây đã được ông tập hợp in thành tập thơ “Bình minh đến sớm” xuất bản đầu năm 2012. Một tập thơ mộc mạc, chứa chan tư tưởng lạc quan, qua thơ ông muốn xóa đi cái ranh giới quá lớn của bệnh phong, cái sự kỳ thị của người đời đối với những con người bất hạnh.

“ Ở Quỳnh Lập cuộc đời không chấm hết

Chỉ có dấu phẩy để sang trang.

Dừng chân nghỉ chút thế thôi

Chứ đâu bệnh tật cuộc đời bỏ đi…”

Cũng trong thời gian điều trị ở trại phong Quỳnh Lập, nhiều lần chứng kiến cảnh những đứa trẻ cùng theo cha mẹ vào đây, chúng chơi tha thẩn ngoài biển, bắt ngao bắt ốc qua ngày mà không hề biết đọc, biết viết, thấy vậy trái tim thầy giáo Thìn đau lắm, rồi ông quyết tâm phải mở lớp học tại đây. 

Ông mạnh dạn đưa ra đề xuất mở lớp học cho con các bệnh nhân đến giám đốc trại phong và ngay lập tức đề xuất này được hưởng ứng ngay. 

Với khả năng sư phạm sẵn có ông Thìn được giao nhiệm vụ làm hiệu trưởng trường Lê Văn Tám, với nhiệm vụ cao cả là đưa con chữ về với những em nhỏ bất hạnh nơi đây…

Sau tròn 4 năm điều trị, 1983 ông rời trại phong Quỳnh Lập, nơi gắn bó với bao kỷ niệm, nơi in dấu những tháng ngày ông chống chọi với những cơn đau bệnh tật, và để rồi ngày trở lại quê hương dù di chứng để lại là đôi bàn tay co quắp nhưng đổi lại ông vui vì mình vẫn có ích, ông đã trao đi và nhận được nhiều yêu thương hơn. 

Về quê nhà ông vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Đầy nhiệt huyết và sáng tạo không ngừng, liên tiếp trong các năm sau đó ông nhận được nhiều bằng lao động sáng tạo do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trao tặng, những sáng kiến này của ông luôn có tính thực tế cao và được nhân rộng trong ngành giáo dục.

Truyền nhiệt cho cuộc sống

Khi đã về nghỉ hưu ông vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi mà dường như con người ấy còn ôm đồm hơn, “tham việc lắm”. 

Tình yêu quê hương bắt nguồn từ truyền thống lịch sử quê nhà, sẵn có nền tảng kiến thức sử địa phương, ông tích cực tìm hiểu thêm về lịch sử, cùng với các ban ngành, đoàn thể địa phương trùng tu, phục dựng quần thể khu di tích Đền Đô - nơi thờ 8 vị vua nhà Lý, ông còn viết sách báo về Đền Đô với một bút danh đặc biệt “ Lý Hiếu Nghĩa”, có nghĩa là người con của quê hương nhà Lý, hiếu nghĩa với quê hương và nhân dân. 

Hiện giờ ông làm trong Ban quản lý di tích Đền Đô, ông cũng là trưởng ban tuyên truyền ở đền Đô, một hướng dẫn viên du lịch kinh nghiệm với chất giọng thanh thanh sâu lắng, hết sức truyền cảm, sẽ không một du khách nào không bị cuốn vào giọng kể, cũng như những câu chuyện, vần thơ ông đưa đến.

Chuyện Đền Đô, chuyện kể nước non nhà

Những tiếng đời thương nhớ vang xa

Nghe lịch sử thêm tin yêu cuộc sống…

Ngồi nghe miên man mà chúng tôi như bị cuốn vào từng câu chuyện, từng hồi ức mà ông kể lại. Chúng tôi dường như đã hiểu được sức mạnh nào khiến con người nhỏ bé này lại vượt qua được những khó khăn, thử thách lớn lao của cuộc đời và còn làm được những điều phi thường đến vậy. 

Bởi một tâm hồn sống cao đẹp, tình yêu đời, yêu người, lòng nhiệt huyết, tận tâm với công việc đã đưa ông đến với những thành công mà ai ai cũng phải nể phục.

Ông Thìn kể chuyện lịch sử Đền Đô, truyền thống thiếu niên với các học sinh trường THCS Xuân Hương – Bắc Giang.
Ông Thìn kể chuyện lịch sử Đền Đô, truyền thống thiếu niên với các học sinh trường THCS Xuân Hương – Bắc Giang.

Với đôi tay khòng khèo, gần như đã cụt hết các ngón nhưng ông vẫn làm thơ, viết sách, chụp ảnh…Xưa bao vần thơ, trang viết ông đánh trên máy chữ, giờ chiếc máy chữ cũ kỹ ông đem tặng lại cho viện bảo tàng Bắc Ninh. 

Rồi ở cái tuổi thất thập ông lại cặm cụi học đứa cháu nội cách dùng máy tính, để từ đây những tập sách, những trang nhật ký bằng thơ lại ra đời. 

Nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội ông viết sách thơ “ Tiếng vọng cội nguồn”, bao gồm cả ảnh, nhiều bức ảnh trong khoảng khắc ông đã bắt chụp được như là tạo hóa, cũng là sự hợp thiêng của trời đất như bức “Hoàng Long vân giáng”- rồng vàng hiện trên bầu trời Đền Đô, “ Bát đế hiển linh”- tám đám mây cùng hiện lên trong ngày giỗ vua Lý Anh Tông…Ông vinh dự là một trong 1000 anh hùng tiêu biểu toàn quốc được mời dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, buồn vui, tủi khổ ông đã quyết định cho ra đời cuốn tự truyện “ Chuyện cuộc đời” dài 400 trang với những tâm sự chân thành, mộc mạc của một ông giáo làng nhiệt huyết, sống hết mình cho cuộc đời.

Con người như biển nước

Trong mênh mông biển đời

Khổ đau và hạnh phúc

Xin đừng khinh bỏ nhau

Hãy thắp lửa nhân ái

Cho cuộc đời bớt đau!

74 tuổi đời, ông đã làm được rất nhiều việc cho cuộc đời, cũng đã nhận được rất  nhiều danh hiệu cao quý “Anh hùng  lao động”, “Nhà giáo nhân dân”, các bằng lao động sáng tạo, đi nói chuyện với các tổ chức đoàn thể, được giới thiệu như là một anh hùng thời đại, là nhân vật chính trong rất nhiều bộ phim tài liệu gây được tiếng vang lớn như phim “ Người thắp lửa”- Hãng phim Khoa học TW, giải nhất Cánh diều vàng năm 2010, giải 3 LHP ASEAN, “ Sứ giả nghìn việc tốt”- Đài TH Bắc Ninh, giải nhì LHP toàn quốc, “Con người vượt lên số phận” kênh VTV2…

Song ông quan niệm còn được sống còn cống hiến, còn dốc sức cho hết thảy đời này, còn truyền nhiệt huyết cho cuộc sống, bởi vậy hiện tại ông ôm đồm gần chục công việc. 

Vẫn cái dáng gầy gạc, cặm cụi, nụ cười hồn hậu ấy chỉ có những nếp nhăn tiếp tục in hằn vết thời gian lên da thịt ông. Nhưng ông vẫn  muốn mình mãi là Lý Hiếu Nghĩa, Lý Thương Thương, hơn nữa phải luôn là Nhiệt Cảm Sinh vì đời cho ta sống thì phải có cảm xúc và phải truyền nhiệt cảm ấy cho mọi người…

NGUYỄN THANH